Cuộc nổi loạn từ bên trong Phòng Bầu Dục

Nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử có thể coi như một cuộc nổi loạn chống lại nền dân chủ.
Peter Baker / The New York Times; H.C. dịch

Nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thống Donald Trump nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử mà ông thất bại đã trở thành bài kiểm tra sức bền trầm trọng nhất đối với nền dân chủ Mỹ trong nhiều thế hệ, một cuộc thử thách không phải do các nhà cách mạng từ bên ngoài có ý định hạ bệ hệ thống mà bởi chính nhà lãnh đạo có trách nhiệm bảo vệ hệ thống đó.

Trong 220 năm kể từ khi John Adams thất cử, chuyển giao Tòa Bạch ốc cho đối thủ của mình và thiết lập vững chắc việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình thành một nguyên tắc căn bản, cho đến tận bây giờ đã không có tổng thống đương nhiệm nào thất bại trong một cuộc bầu cử lại cố bám lấy quyền lực bằng cách từ chối Đại Cử tri đoàn và lật đổ ý nguyện của cử tri. Đó là một viễn cảnh hoàn toàn không thể tưởng tượng được và thật đáng sợ kể từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump.

Tổng thống đã không chỉ đơn giản thổ lộ những nỗi bất bình hoặc tạo ra một câu chuyện sĩ diện để giải thích cho sự thất cử của mình như các cố vấn đã gợi ý ông làm trong những ngày sau cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11. Thay vào đó, ông ta đã mở rộng hoặc vượt qua những đường ranh giới của truyền thống, sự đúng đắn và cả luật pháp nữa, tìm mọi cách bám vào chức vụ khi nhiệm kỳ của ông sẽ chấm dứt sau hai tuần nữa. Việc ông ta gần như chắc chắn thất bại và Tổng thống đắc cử Joseph R. Biden Jr sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 không làm giảm bớt thiệt hại mà ông ta đang gây ra cho nền dân chủ bằng cách làm suy yếu niềm tin của công chúng vào hệ thống bầu cử.

Cuộc điện đàm kéo dài hàng giờ đồng hồ của ông Trump vào cuối tuần với quan chức phụ trách bầu cử của tiểu bang Georgia, Brad Raffensperger, gây áp lực buộc ông Brad phải “tìm” đủ số phiếu để lật ngược chiến thắng của ông Biden ở tiểu bang đó chỉ phơi bày rõ ràng những gì tổng thống đã làm trong nhiều tuần qua. Ông đã gọi điện thoại cho các thống đốc đảng Cộng hòa của Georgia và Arizona để nhờ họ can thiệp. Ông đã triệu tập các nhà lãnh đạo Cộng hòa của cơ quan lập pháp tiểu bang Michigan đến Tòa Bạch ốc để gây áp lực buộc họ phải thay đổi kết quả bầu cử của tiểu bang mình. Ông đã nhiều lần gọi điện cho Chủ tịch Hạ viện tiểu bang Pennsylvania thuộc đảng Cộng hòa, tìm kiếm sự giúp đỡ để đảo ngược kết quả bầu cử ở đó.

Ông Trump và nhân viên của ông đã đưa ra ý tưởng trì đình hoãn lễ nhậm chức của ông Biden mặc dù điều đó đã được Hiến pháp quy định chắc chắn; và ông đã gặp một cựu cố vấn đã công khai thúc giục ông tuyên bố thiết quân luật để “tổ chức lại” cuộc bầu cử ở các tiểu bang mà ông thua. Hành vi thất thường của ông Trump đã khiến các nhà chỉ huy quân sự lo ngại ông có thể sử dụng quân đội để ở lại Tòa Bạch ốc, đến nỗi tất cả các cựu Bộ trưởng Quốc phòng còn sống – gồm cả hai người do ông bổ nhiệm – đã đưa ra cảnh báo chống lại việc lôi kéo các lực lượng vũ trang tham gia.

Không nản lòng, tổng thống đã khuyến khích Phó Tổng thống Mike Pence và các đồng minh trong Quốc hội làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn tuyên bố chính thức về chiến thắng của ông Biden khi Quốc hội nhóm họp vào ngày mai thứ Tư, tìm cách biến một khoảnh khắc nghi lễ có tính lịch sử thành một cuộc đối đầu cuối cùng về kết quả bầu cử. Ý tưởng này đã gây hoảng hốt thậm chí cho nhiều đảng viên Cộng hòa cấp cao và nó chắc chắn sẽ không thành công và sẽ khiến tổng thống thất vọng.

“‘Surrender Caucus’ trong đảng Cộng hòa sẽ bị mang tiếng là ‘người bảo vệ’ yếu đuối và kém hiệu quả của Quốc gia chúng ta, những người sẵn sàng chấp nhận việc chứng nhận những con số bầu tổng thống gian lận!” Ông Trump đã viết trên Twitter hôm qua thứ Hai, và công ty truyền thông xã hội đã nhanh chóng dán nhãn cảnh báo cần phải kiểm chứng.

Ông phủ nhận việc lật đổ nền dân chủ, ông đăng lại một trích dẫn mà ông gán cho Thượng nghị sĩ Ron Johnson của Wisconsin, một trong những đồng minh của ông trong đảng Cộng hòa: “Chúng tôi không hành động để ngăn cản tiến trình dân chủ, chúng tôi đang hành động để bảo vệ nó.”

Nhưng những nỗ lực của ông Trump rất quen thuộc với nhiều người nghiên cứu các chế độ độc tài ở các nước trên thế giới, như những chế độ do Tổng thống Vladimir V. Putin ở Nga và Thủ tướng Viktor Orban ở Hungary điều hành.

“Nỗ lực của ông Trump đảo ngược cuộc bầu cử và chiến thuật nhằm đạt tới mục đích đó bằng cách gây áp lực với ông Brad Raffensperger, bộ trưởng hành chính của tiểu bang Georgia, là một ví dụ về cách mà chế độ độc tài vận hành trong thế kỷ 21,”

Ruth Ben-Ghiat, tác giả sách “Strongmen: Từ Mussolini đến nay”

“Nỗ lực của ông Trump đảo ngược cuộc bầu cử và chiến thuật nhằm đạt tới mục đích đó bằng cách gây áp lực với ông Brad Raffensperger, bộ trưởng hành chính của tiểu bang Georgia, là một ví dụ về cách mà chế độ độc tài vận hành trong thế kỷ 21,” ông Ruth Ben-Ghiat, tác giả của cuốn sách “Strongmen: Từ Mussolini đến nay” nói. “Các nhà lãnh đạo ngày nay lên cầm quyền thông qua các cuộc bầu cử và sau đó thao túng các cuộc bầu cử để giữ chức vụ – cho đến khi họ có đủ quyền lực để buộc bàn tay của các cơ quan lập pháp phải giữ họ ở đó vô thời hạn, như Putin và Orban đã làm,” ông Ben-Ghiat nói thêm.

Cuộc điện thoại với ông Raffensperger, được ghi lại và phổ biến trên các phương tiện truyền thông sau khi ông Trump đưa lên Twitter một phiên bản sai lầm của cuộc trò chuyện, cung cấp một trường hợp nghiên cứu điển hình ngoạn mục về việc tổng thống sẵn sàng đi xa đến đâu để bảo toàn quyền lực. Ông ta đi từ thuyết âm mưu vô căn cứ này đến thuyết âm mưu vô căn cứ khác và ép ông Raffensperger “tìm ra 11.780 phiếu bầu” để lật ngược kết quả bầu cử, kêu gọi ông ấy với tư cách đảng viên Cộng hòa phải thể hiện lòng trung thành và ngầm đe dọa buộc tội nếu ông ấy từ chối.

“Vậy chúng ta sẽ làm gì đây, các bạn?” ông Trump nói. “Tôi chỉ cần 11.000 phiếu bầu. Các bạn, tôi cần 11.000 phiếu bầu. ”

Cuộc gọi này rõ ràng là đủ để thậm chí một số đồng minh của tổng thống phải xa lánh ông. Tuyên bố của ông Trump rằng bằng cách nào đó cuộc bầu cử đã bị đánh cắp đã không có được sự đồng cảm ở bất kỳ tòa án nào trong số hàng chục tòa án mà ông và các đồng minh của ông đã đi kiện, bao gồm cả Tòa án Tối cao, nơi có ba thẩm phán do ông chỉ định. Các quan chức bầu cử của đảng Cộng hòa ở các bang chiến trường như ông Raffensperger đã bác bỏ khẳng định của ông Trump là sai. Ngay cả tổng chưởng lý của chính ông Trump, ông William P. Barr, cũng cho biết ông không thấy có gian lận phổ biến nào có thể thay đổi kết quả bầu cử.

Một nhóm gồm 22 nhà sử học đã đưa ra một tuyên bố hôm qua thứ Hai rằng về mặt lịch sử cuộc bầu cử năm 2020 thậm chí còn không phải là gay cấn đặc biệt. Ông Biden đã giành được số phiếu đại cử tri đoàn nhiều hơn hoặc nhiều bằng các ứng cử viên chiến thắng trong năm cuộc bầu cử kể từ năm 1960 và được phiếu phổ thông lớn hơn so với hơn một nửa số cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức trong sáu thập kỷ qua. Một bức thư do các giáo sư Douglas Brinkley của Đại học Rice và Sean Wilentz của Đại học Princeton còn cho biết: “Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử kể trên, không có ứng cử viên thua cuộc nào cố tuyên bố chiến thắng bằng cách phá hoại một cách trắng trợn quy trình bầu cử như Donald Trump đã làm và tiếp tục làm”. Trong số những người ký tên vào bức thư có Michael W. McConnell của Đại học Stanford, một cựu thẩm phán tòa phúc thẩm, người đã lên án nỗ lực do một trong những thư ký cũ của ông, Thượng nghị sĩ Josh Hawley, đảng Cộng hòa Missouri, dẫn đầu.

Sự trung thành của ông Trump với ý niệm dân chủ Mỹ đã được bàn cãi từ lâu. Từ những ngày đầu tiên ông thông báo tranh cử vào Tòa Bạch ốc, các nhà phê bình đã cho rằng ông Trump nuôi dưỡng khuynh hướng chuyên quyền; họ đặt nghi vấn về việc liệu cuối cùng ông sẽ lật đổ nền dân chủ hay tìm cách tiếp tục nắm quyền ngay cả khi thua cuộc hay không. Những câu hỏi lớn đến mức ông ta cảm thấy buộc phải trả lời. “Không ai kém phát xít hơn Donald Trump,” ông khẳng định vào năm 2016.

Ông Trump đã làm rất ít để loại bỏ những mối lo ngại đó trong những năm tiếp theo. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các nhà lãnh đạo chuyên quyền như ông Putin, ông Orban, ông Tập Cận Bình của Trung Quốc và ông Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời ông tỏ ra ghen tị với khả năng hành động quyết đoán của họ, không bị sự kiểm soát của một chính phủ dân chủ. Ông ta nhiều lần khẳng định rằng Hiến pháp “cho phép tôi làm bất cứ điều gì tôi muốn”, rằng ông ta “có toàn quyền” ra lệnh cho các tiểu bang bang phải làm theo ý muốn của ông ta.

Ông ta tìm cách biến các cơ quan chính phủ thành công cụ của quyền lực chính trị, gây áp lực buộc Bộ Tư pháp truy tố kẻ thù và dễ dãi với bạn bè của ông. Ông sử dụng rộng rãi các lệnh hành pháp mà có khi các tòa án cho rằng đã đi quá xa. Ông bị Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát luận tội vào năm 2019 vì lạm dụng quyền lực để gây sức ép với Ukraine nhằm giúp ông hủy hoại uy tín của ông Biden mặc dù sau đó ông đã được Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo tuyên bố trắng án.

Khi Steven Levitsky và Daniel Ziblatt xuất bản cuốn sách bán chạy nhất của họ, “Nền dân chủ chết như thế nào” vào năm 2018, cảnh báo rằng ngay cả nước Mỹ cũng có thể trượt dài vào chế độ chuyên quyền, họ đã phải đối mặt với phản ứng từ một số người nghĩ rằng họ đã phóng đại hóa vụ việc. Ông Ziblatt, một giáo sư về chính quyền tại Đại học Harvard, cho biết: “Chúng tôi đã bị một số người chỉ trích là người theo chủ nghĩa báo động. Hóa ra là chúng tôi đã không báo động đủ.”

Ông Ziblatt cho biết một nền dân chủ lành mạnh cần có ít nhất hai chính đảng biết cạnh tranh và hơn thua. “Tôi hy vọng và nghĩ rằng chúng ta sẽ vượt qua được trong vài tuần tới. Nhưng nền dân chủ của chúng ta không thể tồn tại lâu dài nếu chúng ta không có hai bên cam kết tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực của nền dân chủ”, ông nói.

Cuối cùng, giai đoạn xung đột và đối đầu này không gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai theo dõi ông Trump trong bốn năm qua. Ông ta đã báo trước kế hoạch thách thức cuộc bầu cử, coi bầu cử là không hợp lệ trừ khi ông giành chiến thắng, từ mùa hè ông đã đề nghị đình hoãn cuộc bỏ phiếu tháng 11 và từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Ngay cả bây giờ, chỉ hai tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Trump vẫn để lại nghi ngờ về việc ông sẽ rời Nhà Trắng như thế nào khi ông Biden nhậm chức.

Vẫn chưa rõ ông Trump có thể làm gì khác để ngăn chặn điều đó vì dường như ông ấy đã hết lựa chọn. Nhưng ông ta vẫn chưa sẵn sàng thừa nhận thực tế tình cảnh của mình, nói gì tới việc noi gương của John Adams.

Nguyên văn: An Insurgency From Inside the Oval Office  Peter Baker – The New York Times, 05-01-2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: