“Đệ nhị quý ông”

Khi Kamala Harris trở thành Phó Tổng thống Hoa Kỳ, chồng của bà – Doug Emhoff – được gọi là “Đệ nhị quý ông” (“Second Gentleman”). Đây là không phải là từ do báo chí đặt. Website White House ghi rõ Doug Emhoff là “Second Gentleman”. Lịch sử Mỹ có Đệ nhất phu nhân (vợ tổng thống) và Đệ nhị phu nhân (vợ phó tổng thống) nhưng đây là lần đầu tiên Nhà Trắng có “bà Phó Tổng thống” và “Đệ nhị quý ông”.

“Second Gentleman” nói riêng và “Gentleman” nói chung không phải là từ mới. Nó xuất hiện cách đây hàng thế kỷ, trong ngôn ngữ giới quý tộc. “Gentleman” có từ khoảng năm 1200 trong tiếng Anh, tương tự “gentilhomme” trong tiếng Pháp. “Gentle” thoạt đầu có nghĩa “thuộc một gia đình tốt, nổi bật”, có nguồn gốc từ chữ “gentilis” trong Latin, có nghĩa “cùng một gia đình hoặc dòng tộc”.

Danh hiệu này được sử dụng cho một người đàn ông ở vị trí kém được tôn trọng hơn trong thứ bậc gia đình và người này cũng thuộc gia đình không nằm trong giới quý tộc. Theo thời gian, “sự lịch thiệp” của một quý ông (gentleman) mặc nhiên được liên kết với cách cư xử hào hiệp được cho là đi cùng với vị thế xã hội của nhân vật đó. Vào thế kỷ 19, “quý bà và quý ông” (“ladies and gentlemen”) trở thành hình thức xưng hô quy ước dành cho khán giả nam và nữ, thể hiện sự tôn trọng lịch sự bất kể thứ bậc xã hội.

Khi du nhập vào Mỹ, cả “quý bà” (“lady”) và “quý ông” (“gentleman”) đều hàm chứa chút gì đó như thể có xuất thân quý tộc dù trong thực tế không hề. Phu nhân của tổng thống được nâng lên một cách khoa trương thành “Đệ nhất phu nhân của đất nước” (“the first lady of the land”) hay gọi tắt là “Đệ nhất phu nhân”. Một bài báo năm 1870 trên Detroit Free Press đã đặt ra trật tự trong xã hội Washington: “Chúng tôi biết ai là đệ nhất phu nhân và chúng tôi biết ai là đệ nhị phu nhân – vợ của Tổng thống và Phó Tổng thống…”.

“Đệ nhất phu nhân” được sử dụng chính thức hơn như một danh xưng của Nhà Trắng bắt đầu từ năm 1877, khi cụm từ này được báo chí dùng để nói đến Lucy Webb Hayes, vợ của Tổng thống Rutherford B. Hayes. Từ đó, việc sử dụng “Đệ nhất phu nhân” được dùng rộng rãi để nói đến vợ của các thống đốc và thị trưởng. Khi phụ nữ bắt đầu tham chính, người ta bắt đầu xét lại cách xưng hô. Năm 1924, bà Miriam A. “Ma” Ferguson tranh cử chức thống đốc bang Texas, vị trí mà trước đó chính chồng bà từng giữ (ông bị cấm tái tranh cử sau khi bị luận tội-impeach). Lúc đó, báo chí khắp nước Mỹ đều gọi chồng bà là “the First Gentleman of the State” (“Tiểu bang Đệ nhất quý ông”).

Vụ “Tiểu bang Đệ nhất quý ông” truyền cảm hứng mạnh mẽ đến mức một cây bút Baltimore Evening Sun đã “tiên cảm” về một điều “ngoài sức tưởng tượng” có thể xảy ra trong tương lai: một phụ nữ làm tổng thống. Người này viết: “Liệu quý ông có làm nội trợ và trở thành “Đệ nhất quý ông của đất nước” khi vợ ông ấy bận rộn chính sự và giao tế quốc tế chăng?”.

Năm 1984, khi bà Geraldine Ferraro được chọn là liên danh tranh cử của ứng cử viên tổng thống Walter Mondale, tờ Kansas City Times viết về John Zaccaro, chồng của Ferraro, như sau: “Tưởng tượng chuyện có một ông trở thành “Đệ nhị quý ông”, vì là chồng của phó tổng thống, thấy thật buồn cười hết sức”. Bây giờ thì nước Mỹ có một “Đệ nhị quý ông” thật rồi. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại, khi bà Kamala Harris được tuyên bố là liên danh với ứng cử viên Tổng thống Joe Biden, có ý kiến nói: “Gọi ông Doug Emhoff – chồng bà Kamala – là “Đệ nhị công tử” (“Second Dude”) được chăng?”. Tuy nhiên cuối cùng người ta chọn từ “gentleman”.

Mới đây, trong bài viết ngày 19-1-2021 trên tạp chí dành cho phái nam GQ, ông Doug Emhoff đã kể về cuộc tình với bà Kamala, đại khái “giây phút tôi gặp em, tôi đã biết mình yêu em rồi” (The moment I met Kamala, I knew I was in love). Ông cũng nói rằng, “tôi có thể là Đệ nhị quý ông đầu tiên nhưng tôi biết tôi sẽ không là người cuối cùng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: