Donald Trump và Trung Quốc, theo sách của John Bolton

Cuốn hồi ký sắp phát hành đã gây sóng gió của ông John Bolton.
HIẾU CHÂN

Trong cuốn sách sắp phát hành, ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia đã tiết lộ một chi tiết chấn động rằng ông chủ cũ của mình, Tổng thống Donald Trump, đã yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp ông thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-2020 sắp tới.

Không những thế, theo ông Bolton, việc đưa ra quyết định của Tổng thống Trump luôn đặt ưu tiên vào cuộc tái tranh cử và lợi lộc của gia đình ông lên trước lợi ích quốc gia. Ông Bolton miêu tả “cản trở công lý là một lối sống” trong Tòa Bạch ốc của ông Trump, và lên án cái mà ông gọi là thiên hướng của tổng thống “ban phát ưu ái cá nhân cho các nhà độc tài mà ông thích”.

Ông Bolton miêu tả ông Trump như là người dễ dàng bị thao túng bởi các nhà độc tài chuyên chế và thường bị các cố vấn trung thành của ông chửi xéo sau lưng.

Cuốn hồi ký dài 577 trang về 17 tháng làm việc của ông Bolton trong Tòa Bạch ốc ở cương vị cố vấn an ninh quốc gia, dự định phát hành vào ngày 23-06 sắp tới, hiện đối mặt với một vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ đòi đình chỉ việc phát hành. Hôm nay thứ Tư 17-06, Bộ này còn đệ trình yêu cầu Tòa án liên bang quận Columbia ban hành phán quyết khẩn cấp ngăm chặn việc phát hành cuốn sách mà họ cho là có những thông tin mật gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Tuy vậy, một số chương sách đã được các nhật báo lớn như The Wall Street Journal trích đăng phục vụ độc giả.

Nhờ cậy ông Tập để thắng cử

Về quan hệ với Trung Quốc, chương sách được trích đăng trên WSJ nhấn mạnh vào hai sự việc: thỏa thuận thương mại và ứng xử với các công ty viễn thông Trung Quốc.

Ông Bolton kể lại những cuộc đàm luận riêng tư giữa ông Trump và ông Tập về vấn đề thương mại tại các hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires (Argentia) và Osaka (Nhật Bản), ở đó ông Trump gắn kết cuộc đàm phán hai bên về thuế suất với lợi ích chính trị của riêng ông bằng cách yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ để giúp ông giành chiến thắng ở các tiểu bang nông nghiệp trong mùa bầu cử năm nay. Ông Trump, tác giả viết, “nài nỉ ông Tập bảo đảm rằng ông ta sẽ thắng”.

Ông Bolton kể, tại Buenos Aires trong một bữa tiệc tối ngày 1-12-2018 của hai nguyên thủ quốc gia, “ông Tập đã hết lời ca ngợi ông Trump theo một bài viết soạn sẵn và tỏ ý muốn tiếp tục làm việc với ông Trump thêm sáu năm nữa. Ông Trump đáp rằng, nhiều người nói giới hạn tổng thống làm hai nhiệm kỳ trong hiến pháp nên bãi bỏ đối với ông (!). Ông Tập phàn nàn nước Mỹ bầu cử nhiều quá mà ông ta thì không muốn chia tay với ông Trump, và ông Trump gật đầu tán thưởng”.

Sau đó ông Tập đổi đề tài, đề nghị Mỹ dỡ bỏ thuế suất đang áp dụng rồi cả hai bên sẽ kiềm chế không thao túng tỷ giá đồng tiền và đồng ý không thực hiện ăn cắp thông tin trên mạng. Ông Tập muốn Mỹ dỡ bỏ thuế suất hoặc ít ra là đồng ý dỡ bỏ. Ông Trump bỗng đơn phương đề nghị Mỹ sẽ duy trì thuế suất 10% thay vì tăng lên 25% như ông đã tuyên bố trước đó, đổi lại ông Trump chỉ yêu cầu Trung Quốc tăng mua nông sản, giúp ông giành được phiếu bầu của những tiểu bang nông nghiệp. Nếu ông Tập đồng ý như vậy, toàn bộ thuế suất mà Mỹ đang áp đặt sẽ được giảm. Quyết định đơn phương của ông Trump gây ngạc nhiên và khó hiểu cho các quan chức cao cấp Mỹ có mặt tại đó, kể cả Đại diện Thương mại Robert Lighthizer là trưởng đoàn đàm phán của Mỹ.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ vào tháng Năm 2019 khi Trung Quốc quay ngược một số cam kết liên quan tới cải tổ cơ cấu thương mại. Nhưng đến tháng Sáu 2019, trong một cuộc điện đàm khác với ông Tập ngày 18-6, một tuần trước ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka (Nhật Bản), ông Trump nói với ông Tập rằng ông rất nhớ ông Tập và để được dân chúng Mỹ ủng hộ ông cần hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, một thỏa thuận sẽ là “điểm cộng lớn” cho ông về chính trị.

Thế rồi trong cuộc gặp gỡ ngày 29-06 tại Osaka, ông Tập bảo ông Trump rằng quan hệ Mỹ-Trung là quan trọng nhất trên thế giới; ông than phiền một số chính trị gia Mỹ đang đưa ra những phán đoán sai lầm, kêu gôi chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Bất ngờ, ông Trump chuyển đề tài sang cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, năng lực kinh tế của Trung Quốc và cầu xin ông Tập bảo đảm ông sẽ thắng cử. Ông Bolton nói, ông Trump “nhấn mạnh tầm quan trọng của giới nông dân, và của việc Trung Quốc tăng mua đậu nành và lúa mì ảnh hưởng tới kết quả bầu cử”. Ông Bolton cũng tiết lộ, ông Trump “đề nghị Mỹ sẽ không tăng thuế lên số hàng hóa trị giá 350 tỷ USD còn lại trong sự mất cân đối thương mại, nhưng ông quay lại khẩn cầu ông Tập mua nhiều nông sản Mỹ ở mức Trung Quốc có thể”.

Cuối năm đó, hai bên ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó Trung Quốc cam kết mua thêm nhiều đậu nành và khí đốt của Mỹ, lên tới 200 tỷ USD trong hai năm, nhưng không đề cập tới những yêu cầu cải tổ cơ cấu mà phía Mỹ đề nghị như trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ v.v…

Vấn đề nhân quyền

Tại hội nghị G-20 ở Osaka khi chỉ có mặt các thông dịch viên, ông Bolton nói tổng thống Mỹ đã khen ngợi ông Tập vì Bắc Kinh đang tiếp tục xây dựng các khu tập trung người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Trung Quốc. “Trump nói Tập nên tiếp tục xây dựng các khu trại mà Trump nghĩ chính đó là việc đúng đắn phải làm,” ông Bolton viết. Vào thời điểm ấy chính phủ Mỹ đang xem xét cấm vận Trung Quốc vì cách nước này đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, trong ba năm trước đó đã có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam cầm mà không qua xét xử.

Lý do mà ông Trump phản đối cấm vận Trung Quốc là vì các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra. “Chúng ta có thể gạch bỏ việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ra khỏi danh sách những lý do khả dĩ để cấm vận Trung Quốc, ít nhất là chừng nào các cuộc đàm phán thương mại còn tiếp tục”, ông Bolton thuật lại lời của ông Trump.

Tuy nhiên, sau khi đoạn hồi ký này được bàn thảo trên báo chí, Tòa Bạch ốc khẳng định rằng tổng thống đã ký Luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, lên án tình trạng lạm dụng nhân quyền ở khu vực tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương.

Ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ, người có mặt trong cuộc gặp ở Osaka của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung thì phản bác tường thuật của ông Bolton. Ông Lighthizer nói rằng ông không hề chứng kiến một cuộc đối thoại như được kể lại trong sách của ông Bolton. “Tuyệt đối không đúng. Không bao giờ xảy ra. Tôi có ở đó”, ông Lighthizer nói, theo WSJ.

Cáo buộc ông Trump yêu cầu lãnh đạo của một nước thù nghịch giúp ông thắng cử gây chấn động giới chính trị Mỹ chỉ sáu tháng sau phiên luận tội ông Trump ở Quốc hội, và chắc chắn sẽ tác động mạnh tới lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.

Với Huawei và ZTE

Ông Trump cũng tìm cách gây cảm tình với ông Tập trong thời kỳ đàm phán thương mại bằng việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt tài chính nặng nề mà chính phủ Mỹ áp đặt lên các tập đoàn công nghệ viễn thông nhà nước Trung Quốc, cụ thể là ZTE Corp và Huawei Technologies.

Hai tập đoàn này bị trừng phạt vì vi phạm luật pháp của Mỹ trong việc cấm vận Iran và Bắc Hàn. Thế nhưng trong một cuộc điện đàm với ông Tập hồi tháng Năm 2018, chỉ vài tuần sau khi lệnh trừng phạt ZTE Corp được ban hành, ông Trump nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng theo ông, biện pháp trừng phạt của chính phủ Mỹ là quá nghiêm khắc và ông đã ra lệnh cho Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross “làm việc với phía Trung Quốc tìm giải pháp”, cuốn sách cho biết.

Ông Tập đã cảm ơn ông Trump và nói ông ta nợ tổng thống Mỹ một ân huệ, còn ông Trump thì đáp lại rằng ông ta làm như vậy vì yêu cầu của ông Tập.

Với tập đoàn Huawei cũng vậy. Tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ của Trung Quốc bị cấm giao dịch với các công ty Mỹ cũng vì vi phạm lệnh cấm vận. Nhưng trong cuộc điện đàm với ông Tập hồi tháng Sáu năm 2019, ông Trump bị thuyết phục phải đảo ngược biện pháp trừng phạt của cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ. Trong cuộc điện đàn, nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo rằng quan hệ giữa hai nước sẽ gặp rủi ro do cách xử lý của chính phủ Trump, ông Bolton viết. Ông Trump nói với ông Tập rằng, vấn đề Huawei có thể là một phần của thỏa thuận thương mại mà ông đang tìm kiếm. Hai tuần sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh G-20, ông Tập tiếp tục thúc đẩy vấn đề Huawei vì “nhận ra điểm yếu” của ông Trump, theo ông Bolton. Khi ông Tập đồng ý gộp Huawei vào cuộc đàm phán thương mại thì ông Trump đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm làm ăn với Huawei, lúc ấy đã thi hành được một tháng.

*

Ông Bolton thừa nhận ông Trump là người thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của người Mỹ đối với Trung Quốc, ông Trump có quan điểm rất chính xác rằng sức mạnh quân sự-chính trị phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế và ông thường nói ngăn chặn Trung Quốc tăng trưởng kinh tế không công bằng và người Mỹ phải trả giá là cách thức tốt nhất để đánh bại Trung Quốc về quân sự.

Thế nhưng theo ông Bolton, những gì ông Trump đã làm gì để chống lại mối đe dọa Trung Quốc gây cho ông thất vọng vì nó không hề đụng chạm đến những yếu tố cốt lõi, nền tảng của quan hệ kinh tế mà chỉ là những biện pháp cóp nhặt, không có một chiến lược nhất quán mà có khi hôm nay quyết định thế này ngày mai đã có quyết định ngược lại.

Cung cách làm việc đồng bóng và thất thường như vậy, theo ông Bolton đã hình thành nên một mẫu mực hành vi không thể chấp nhận được, xói mòn tính chính danh của cương vị tổng thống, ông Bolton viết.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: