Hoa Kỳ sẽ giúp Ấn Độ đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19

Covid-19 đã giết chết hơn 3 triệu người kể từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019. (Hình minh họa: Macau Photo Agency/Unsplash)

Ấn Độ đang vật lộn với đợt bùng phát mới rất trầm trọng của coronavirus. Hoa Kỳ cho biết sẽ hỗ trợ chính phủ và các nhân viên y tế Ấn Độ đồng thời các công ty Mỹ sẽ chia sẻ với Ấn Độ các nguồn nguyên liệu cần thiết để bào chế vaccine Covid-19 tại nước này.

Một phát ngôn viên của Tòa Bạch ốc cho biết Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng mạnh các ca nhiễm coronavirus ở Ấn Độ và có kế hoạch nhanh chóng hỗ trợ chính phủ Ấn Độ và các nhân viên chăm sóc sức khỏe của nước này.

“Chúng tôi đang tích cực đối thoại ở cấp cao và có kế hoạch nhanh chóng hỗ trợ chính phủ Ấn Độ và các nhân viên chăm sóc sức khỏe Ấn Độ trong cuộc chống chọi với đợt bùng phát nghiêm trọng mới nhất này. Chúng tôi sẽ có nhiều điều để chia sẻ trong thời gian sớm nhất”, nữ phát ngôn viên Tòa Bạch ốc nói với Reuters qua email.

Ấn Độ đang phải vật lộn với sự gia tăng kỷ lục về số ca nhiễm coronavirus và số nguời tử vong, các bệnh viện cạn kiệt nguồn cung cấp oxy và các bãi hỏa táng phải hoạt động liên tục. Chính phủ Ấn Độ đã huy động cả máy bay quân sự và tàu hỏa để đưa các bình oxy đến thủ đô New Delhi từ các khu vực khác của đất nước và nước ngoài, kể cả từ Singapore.

Hôm thứ Bảy 24-04, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết số ca mắc Covid-19 trên cả nước đã tăng 346.786 ca chỉ trong một đêm, lên tổng số 16,6 triệu ca, trong đó có 189.544 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số trường hợp mắc bệnh và tử vong có thể cao hơn nhiều lần và có thể còn tăng cao hơn nữa.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Ấn Độ ở Washington nói với Reuters rằng các quan chức của cả hai nước đang tham gia ở nhiều cấp độ khác nhau để đảm bảo “một nguồn cung nguyên vật liệu và các thành phần để chế tạo vaccine từ các công ty Hoa Kỳ để sản xuất vaccine COVID-19 ở Ấn Độ”.

Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải làm việc cùng nhau để xác định cả những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng y tế và các giải pháp tiềm năng để khắc phục những điểm nghẽn này, đồng thời cùng nhau chống lại đại dịch toàn cầu và xúc tiến các nỗ lực tiêm chủng đang diễn ra”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: