NATO: Tham vọng quân sự của Trung Quốc là “thách thức cần giải quyết”

Ngôi sao NATO – biểu tượng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương trước trụ sở NATO ở Brussels. Ảnh Bigstock.com

Tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đang khiến NATO phải đối mặt với những thách thức cần phải giải quyết, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định như vậy sau cuộc hội nghị thượng đỉnh kéo dài một ngày tại Brussels với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong bản thông cáo chung có tới 79 mục, công bố hôm thứ Hai 14-06, liên minh 30 quốc gia NATO khẳng định mối lo ngại mới về công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và ý định không rõ ràng của Bắc Kinh trong việc sử dụng sức mạnh quân sự trong những năm tới. Lần đầu tiên, NATO đề cập tới Trung Quốc như một đối thủ tiềm năng, trong khi vẫn xác định Nga là mối đe dọa nghiêm trọng nhất của NATO.

Cho đến nay, ông Biden đã coi việc đối phó với các cường quốc độc tài, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, là yếu tố then chốt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Chuyến công du châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh G7, hội nghị thượng đỉnh NATO và hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU của Tổng thống Biden có mục đích chính là củng cố mối quan hệ đồng minh gắn bó giữa Mỹ và các nước Âu Châu nhằm thực hiện chiến lược chống độc tài ấy.

Cả ông Biden và Tổng thống Donald J. Trump trước ông đều nhấn mạnh đến các mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với trật tự quốc tế, một phần về chế độ độc tài và một phần về tham vọng quân sự và chi tiêu quân sự của họ.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, nói rằng ngân sách quân sự của Trung Quốc chỉ đứng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ, và Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng lực lượng quân sự, bao gồm cả hải quân, với các công nghệ tân tiến.

Ở mục 3 của “Thông cáo chung hội nghị thượng đỉnh Brussels”, nói về “các mối đe dọa nhiều mặt” và “sự cạnh tranh có hệ thống từ các cường quốc quyết đoán và độc tài”, NATO nói rằng “các hành động gây hấn của Nga tạo thành mối đe dọa an ninh đối với Châu Âu-Đại Tây Dương”. Trung Quốc không được coi là một mối đe dọa như Nga, nhưng NATO tuyên bố rằng “ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và các chính sách quốc tế [của Bắc Kinh] có thể tạo ra những thách thức mà chúng ta cần giải quyết cùng nhau với tư cách một Liên minh”. NATO hứa hẹn sẽ “can dự với Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của Liên minh”. 

Trong các cuộc thảo luận, các quan chức NATO nói rằng Trung Quốc đang ngày càng sử dụng các tuyến đường ở Bắc Cực, thao diễn quân sự với Nga, gửi tàu vào Biển Địa Trung Hải và gia tăng hoạt động ở châu Phi. Trung Quốc cũng đang nghiên cứu vũ khí từ không gian cũng như trí thông minh nhân tạo và tấn công điện toán một cách tinh vi vào các định chế và tổ chức phương Tây.

Ở mục 55 và 56 của Thông cáo chung, NATO khẳng định “những tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc đặt ra thách thức có tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và đối với những lĩnh vực liên quan tới an ninh của Liên minh”. NATO đặc biệt quan tâm tới việc Trung Quốc mở rộng nhanh chóng kho vũ khí nguyên tử, thêm nhiều đầu đạn và một số lượng lớn các hệ thống phóng hỏa tiễn tinh vi. “Trung Quốc rất không rõ ràng trong công cuộc hiện đại hóa quân đội và chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự được tuyên bố công khai. Trung Quốc cũng đang hợp tác quân sự với Nga, gồm cả việc tham gia cùng với Nga trong các cuộc tập trận ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương. Chúng tôi lo ngại về việc Trung Quốc thường xuyên thiếu minh bạch và sử dụng thông tin xuyên tạc”. 

Trước mắt, NATO kêu gọi Trung Quốc duy trì các cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế, bao gồm cả trong lĩnh vực không gian, mạng và hàng hải, phù hợp với vai trò là một cường quốc. NATO quyết định duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc nếu có thể, kêu gọi Trung Quốc tham gia có ý nghĩa vào các biện pháp đối thoại, xây dựng lòng tin và minh bạch liên quan đến năng lực và học thuyết hạt nhân của nước này. Sự minh bạch và hiểu biết đối ứng sẽ có lợi cho cả NATO và Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo NATO cũng quyết định dành năm tới 2022 để cập nhật chiến lược năm 2010 của NATO cho phù hợp với tình hình mới. Bản chiến lược 11 năm trước đã coi Nga là một đối tác tiềm năng và chưa bao giờ đề cập đến Trung Quốc. Những thách thức mới từ chiến tranh điện toán, trí tuệ nhân tạo, thông tin sai lệch và công nghệ hỏa tiễn và đầu đạn mới phải được xem xét, sửa đổi để duy trì tác dụng răn đe. Điều 5 của hiệp ước thành lập Liên minh, quy định tất cả các thành viên phải sẽ hỗ trợ khi một nước thành viên bị tấn công, sẽ được “làm rõ” để bao gồm các mối đe dọa đối với các vệ tinh trong không gian và các cuộc tấn công mạng phối hợp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: