Silicon Valley sắp đến ngày “dẹp tiệm”?

Hàng loạt đại công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon (Valley Silicon, California) đã và đang chuẩn bị “dọn nhà”. Elon Musk (Tesla) sẽ lên Texas, tương tự nhiều công ty khác. Đã đến ngày Thung lũng Silicon cáo chung? Nếu điều này thật sự xảy ra, kinh tế California chắc chắn bị ảnh hưởng đáng kể…

Bùng nổ “dọn nhà”

Thung lũng Silicon là tâm điểm của ngành công nghệ Mỹ trong nhiều thập niên, bắt đầu từ năm 1938 khi Bill Hewlett và David Packard bắt đầu mày mò chế tạo sản phẩm điện tử trong một nhà để xe ở Palo Alto. Sau nhiều năm phát triển và trở thành một trong những cái nôi của công nghệ thế giới, Thung lũng Silicon đang thay đổi. Hewlett Packard Enterprise sẽ chuyển trụ sở chính đến Texas. Oracle cũng công bố kế hoạch tương tự  – theo CNN 14-12-2020. Elon Musk cho biết ông đã chuyển đến Texas sau khi bán căn nhà Bel Air vào đầu năm 2020.

Trung tâm công nghệ, “Silicon Hills”, đang hình thành tại Texas, với sự có mặt của các công ty khổng lồ như Advanced Micro Devices (AMD) hoặc Dell… Tính đến tháng 11-2020, 39 công ty trong lĩnh vực công nghệ và nhiều ngành công nghiệp khác đã chuyển đến Austin chỉ trong năm 2020, theo dữ liệu Phòng Thương mại Austin. Tesla đang xây một cơ sở rộng 4 triệu foot vuông ngay bên ngoài Austin, dự kiến mang lại 5.000 việc làm. Nhà sản xuất thuốc lá điện tử Juul Labs cũng chuyển văn phòng công ty từ Bay Area đến Austin vào năm 2019. Giới chức chính quyền Austin tin rằng khuynh hướng đầu tư vào thành phố này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, trong môi trường mà 47% người dân ở tuổi lao động có bằng cử nhân và thành phố có 25 trường cao đẳng và đại học.

Tại Florida, thị trưởng Miami, Francis Suarez, cũng đang chớp cơ hội. Khi Delian Asparouhov thuộc quỹ Founders Fund của Peter Thiel và là người đồng sáng lập Varda Space Industries, tweet: “Ok các bạn, nghe tôi nói đây, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chuyển Thung lũng Silicon đến Miami [?]”, ông thị trưởng Suarez lập tức trả lời: “Tôi có thể giúp gì?”. Người đồng sáng lập Reddit, Alexis Ohanian, tweet vào đầu tháng 12-2020 rằng mình đã dọn từ San Francisco đến Florida vài năm trước (Serena Williams, vợ Alexis Ohanian, đã sống ở đó nhiều năm). “Mọi người bị sốc” – Ohanian nói, vì nhiều người nghĩ ở Nam Florida chẳng làm ăn gì được. “Ba năm sau, cuộc sống kinh doanh của tôi khá tốt” – Ohanian nói. Goldman Sachs, có trụ sở tại New York, cũng đang tính dọn qua Miami.

Khi California không còn Thung lũng Silicon

Nếu xu hướng “vọt” khỏi California bùng nổ mạnh, kinh tế tiểu bang này chắc chắn bị ảnh hưởng. Vùng Vịnh (Bay Area, San Francisco) vẫn tự hào là nơi có nhiều công ty khởi nghiệp hơn bất kỳ bang nào khác. 9 hạt của Bay Area tự hào có GDP 535 tỉ USD và nếu xếp hạng các nền kinh tế thế giới thì nó đứng thứ 19! Phải nói là chẳng nơi nào ở Mỹ, hoặc thậm chí thế giới, có thể so với Thung lũng Silicon về tính năng động và sáng tạo. Thung lũng Silicon là cái nôi của các công ty khởi nghiệp và cũng là vùng đất nuôi những công ty vô danh trở thành những gã khổng lồ.

Gần một phần tư trong danh sách các công ty phát triển nhanh nhất năm 2020 do chuyên san kinh tế Fortune tổng hợp đã được thành lập tại California – theo The Guardian 20-12-2020. Dữ liệu các công ty khởi nghiệp từ năm 2018 cho thấy hơn 81,8 tỉ USD đã được đầu tư trong hai năm ở San Francisco. Austin kiếm được khoảng 3,6 tỉ USD trong cùng khoảng thời gian. Dee Dee Myers, Giám đốc Văn phòng Kinh doanh và Phát triển Kinh tế của thống đốc California, Gavin Newsom, nói: “Đây (Thung lũng Silicon) vẫn là nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới”.

Tất nhiên thế giới đang thay đổi. San Francisco không chỉ đối mặt đối thủ cạnh tranh trong nước như Austin (Texas) hay Miami (Florida) mà Thượng Hải lẫn Bắc Kinh cũng đang phà hơi nóng ngay sau gáy họ. San Francisco và San Jose được xếp hạng nhất và nhì tính theo tỉ lệ đầu tư trên đầu người – theo một phân tích năm 2018 của Trung tâm Doanh nhân Hoa Kỳ (Center for American Entrepreneurship).

Tuy nhiên, ngay trong chính báo cáo này, người ta thấy Bắc Kinh nằm ở vị trí số một trong vai trò thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Báo cáo cho biết: “Sự thống trị từng là duy nhất của Mỹ hiện bị thách thức bởi sự phát triển nhanh chóng của các thành phố khởi nghiệp tiềm năng ở châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác”. Báo cáo nói thêm: Mỹ đang không theo kịp tốc độ tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, và tụt hậu trong lĩnh vực giáo dục.

“Not So Fast”!

Trở lại Thung lũng Silicon và California. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các đại công ty dọn khỏi California là yếu tố đắt đỏ. California có thuế suất thu nhập cận biên cao nhất trên toàn quốc. Texas, trong khi đó, là một trong bảy tiểu bang không có thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tin rằng việc la um lên về sự cáo chung Thung lũng Silicon chỉ phản ánh hiện tượng bề mặt. “Thung lũng Silicon “xong phim” hả? Đâu có nhanh vậy” (“Is Silicon Valley Over? Not So Fast”) – Margaret O’Mara viết trên New York Times 28-12-2020.

Tác giả O’Mara viết rằng, bản cáo phó Thung lũng Silicon từng được viết nhiều lần. Đầu thập niên 1970, việc cắt chi tiêu quân sự dẫn đến việc sa thải tại loạt công ty lớn ở California, và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, đã khiến nhiều người tưởng Thung lũng Silicon “coi như xong”. Tiếp đó, khi ngành công nghiệp bán dẫn của tiểu bang vật lộn cạnh tranh với các doanh nghiệp điện tử Nhật Bản vào đầu những năm 1980, người ta lại “khóc” cho Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, đó chính là kỷ nguyên chứng kiến sự xuất hiện của thị trường máy tính cá nhân và sự ra đời loạt siêu sao công nghệ hướng tới người tiêu dùng như Apple và Atari.

Đầu thập niên 1990, mây đen lại che kín bầu trời Thung lũng Silicon, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thị trường máy tính để bàn tụt dốc và Mỹ rơi vào vòng xoáy suy thoái. Ngay trong bối cảnh “thê thảm” đó, cơn lốc thương mại hóa internet bùng nổ, với loạt công ty dotcom. Thung lũng Silicon hồi sinh và phát triển chưa từng có so với bất kỳ thời điểm nào trước đó. Netscape, Yahoo, eBay… trở thành những cái tên quen thuộc. Năm 2001, không khí bi đát te tua lại ập đến, khi đợt phá sản dot-com biến trung tâm công nghệ Thung lũng Silicon thành “bình địa”.

Những phàn nàn về chi phí sinh hoạt Vùng Vịnh thật ra đã nghe từ lâu – theo Margaret O’Mara (New York Times, nđd). Giá nhà đất từng thúc đẩy một số công ty công nghệ chuyển đến các thành phố nhỏ hơn, trong đó có Austin, vào đầu những năm 1980 (“Silicon Valley in Calif. Losing Out to Sun Belt” – Washington Post từng viết như vậy năm 1982). Giới lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã từ lâu ca cẩm về mức thuế cao của California và dọa “dời nhà”.

Tuy nhiên, Thung lũng Silicon luôn bùng nổ trở lại, lần sau lại lớn hơn lần trước. Bí mật cho khả năng phục hồi của nó: tiền. Sự thịnh vượng được tạo ra bởi mỗi đợt bùng nổ – chủ yếu chảy đến một nhóm ưu tú gồm các nhà đầu tư mạo hiểm và những nhà sáng lập khởi nghiệp thành công – tồn tại lâu hơn mỗi lần phá sản. Không bất kỳ khu vực công nghệ nào có thể tạo ra sự giàu có và sự chuyên biệt hóa công nghệ theo cách như Thung lũng Silicon. Đó là lý do nó luôn có khả năng hồi phục.

Thời điểm này vẫn vậy. Hơn 220 tỉ USD đầu tư mạo hiểm đã đổ vào Bay Area kể từ năm 2015. Và nếu nói về thuế khi so California và Texas, sẽ thấy thuế không phải là tất cả của vấn đề. Texas đã là bang công nghệ cao hơn nửa thế kỷ qua, nơi đặt trụ sở của NASA Mission Control cũng như nhiều công ty điện tử và trung tâm nghiên cứu. Tương tự những gì Đại học Stanford và Đại học California-Berkeley làm ở Thung lũng Silicon, Đại học Texas cũng dành nhiều thập niên đầu tư vào các chương trình khoa học và kỹ thuật ở Austin.

Là quê hương lâu đời của Dell Computer và hàng chục công ty khác, nói cách khác, Austin chẳng phải là thành phố mới mẻ gì đối với công nghệ. Nhưng Austin vẫn là Austin trong khi Đại học Texas thì khó có thể so với Stanford. Miami cũng tương tự. Thành phố này không có lịch sử lâu đời như một trung tâm công nghệ nhưng nó đã là nơi đặt trụ sở chính của các công ty công nghệ lớn của cộng đồng Mỹ Latin và từ lâu đã là miền đất lý tưởng thu hút giới doanh nhân nhập cư từ nhiều nước.

Gút lại, vấn đề không phải là sự dời chuyển của các công ty lớn ra khỏi California. Câu chuyện ở đây cần nhìn như một bức tranh rộng hơn: làm thế nào để Mỹ vẫn là vua sáng tạo và Mỹ nói chung vẫn là vùng đất thu hút nhân tài. Các công ty có trụ sở tại Mỹ phải nghĩ đến việc hệ thống trường học Mỹ sẽ sản sinh những Steve Jobs lẫn Jack Ma. Xét cho cùng, những người có kỹ năng và tài giỏi không cần phải ở Thung lũng Silicon. Họ thậm chí không cần đến Mỹ, nếu Mỹ không còn thu hút và đãi ngộ nhân tài và giấc mơ Mỹ không còn là yếu tố định hình nên Thung lũng Silicon.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: