Thực phẩm đông lạnh có làm lây nhiễm coronavirus?

Trung Quốc đang làm nhốn nháo vấn đề này khi gần như khẳng định rằng thực phẩm đông lạnh nhập từ phương Tây có coronavirus và là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát mới ở nước họ. Wall Street Journal (22-1-2021) cung cấp nhiều thông tin về điều này…

Tổ chức Y tế Thế giới đang vướng vào cuộc tranh cãi leo thang về việc liệu coronavirus có lây lan trên bao bì thực phẩm đông lạnh hay không. WHO có thể sắp loan báo chính thức về vấn đề này. Một bản nháp công bố của WHO gửi cho Wall Street Journal cảnh báo rằng virus có thể lây qua dây chuyền lạnh.

Tuy nhiên, giới chức WHO sau đó lại nói bản nháp trên chưa đủ rõ ràng và chuẩn xác nên chưa thể công bố và họ đã gửi nhầm cho Wall Street Journal. Bắc Kinh đang đổ lỗi cho việc nhập khẩu thực phẩm đông lạnh là một trong những nguyên nhân gây ra loạt bùng phát gần đây, khiến họ phải kiểm tra và khử trùng bắt buộc đối với hàng thực phẩm nhập khẩu. Bắc Kinh cho biết họ tìm thấy dấu vết coronavirus trên bao bì các sản phẩm thịt lợn Mỹ, tôm Ả Rập Xê Út và thịt bò Brazil.

Trong khi đó, Mỹ, EU và một số nước khác đang bày tỏ nghi ngờ trước những kết luận không bằng chứng của Bắc Kinh. Họ nói rằng không thấy nguy cơ đáng kể nào về việc virus lây lan qua dây chuyền lạnh. Hiện thời Trung Quốc yêu cầu một số cơ sở giết mổ và nhà cung cấp hải sản nước ngoài cho phép quay video kiểm tra.

Theo nhóm vận động hành lang của EU, FoodDrinkEurope, hiện có hàng đống hàng đang nằm ứ ở cảng chờ hải quan Trung Quốc kiểm tra và khử trùng hộp. Một số công ty thậm chí bị cấm nhập hàng vào Trung Quốc sau khi hàng của họ được phát hiện “có coronavirus”; trong khi một số công ty khác thì ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc vì cho rằng những yêu cầu kiểm dịch mới của nước này là quá gay gắt. Regin Jacobsen, Giám đốc điều hành Bakkafrost, nhà xuất khẩu thủy sản ở Quần đảo Faeroe, cho biết: “Họ lấy từng hộp, đặt trong một căn phòng lớn… rồi xịt thứ gì đó lên bên ngoài hộp”…

Vụ nhốn nháo nói trên bắt đầu xảy ra trong khi nhóm thanh tra WHO ở Vũ Hán tiếp tục bị làm khó trong việc tiến hành điều tra nguồn gốc virus. Đến tận nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng coronavirus không phải bắt nguồn từ nước mình. Vài tuần gần đây, Trung Quốc xuất hiện hàng trăm ca mới.

Thế là họ lập tức nói rằng sự bùng phát này là do thực phẩm đông lạnh nhập từ nước ngoài. Feng Zijian, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết hôm thứ Tư, rằng virus sống (live virus) được tìm thấy trên các mặt hàng dây chuyền lạnh nhập khẩu, và cả trên một số mặt hàng không đông lạnh.

Trang web WHO cho biết coronavirus có thể tồn tại vài giờ trên các bề mặt như bìa cứng, nhựa và thép trong điều kiện phòng thí nghiệm — và có thể lây lan qua các vật thể gần người bị nhiễm — nhưng họ cũng nói rằng việc khử trùng vật liệu đóng gói là không cần thiết. WHO cho biết: “Cho đến nay không có bằng chứng về việc coronavirus gây bệnh đường hô hấp được truyền qua thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm”.

Tuy nhiên, bản nháp công bố mà WHO “gửi nhầm” cho Wall Street Journal lại cho thấy: “Các nghiên cứu và báo cáo gần đây đã nhấn mạnh rằng coronavirus có thể tồn tại trong một thời gian dài trong điều kiện bảo quản lạnh, và việc lây truyền virus có thể xảy ra từ một gói đông lạnh bên ngoài sang một cá nhân”.

Bản nháp mô tả rủi ro đối với người tiêu dùng là rất thấp nhưng cho biết thêm: “Trong những trường hợp hiếm hoi, thực phẩm có thể bị nhiễm trong quá trình sản xuất và trong trường hợp sản phẩm đông lạnh, virus có thể tồn tại trên thực phẩm hoặc bao bì trong quá trình vận chuyển quốc tế. Đối với các quốc gia đã kiểm soát được virus, điều này có thể trở thành một nguồn có khả năng làm tái sinh virus”.

Các nhà khoa học bên ngoài Trung Quốc cho biết việc truyền virus trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập vào Trung Quốc rất khó xảy ra. Vincent Munster, nhà sinh thái học về virus tại Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết số lượng virus tồn tại trên bề mặt giảm đi khoảng 10 lần sau khi đông lạnh và sau đó tiếp tục giảm. “Hoàn toàn không có bằng chứng nào chứng minh cho lý thuyết đó (của Trung Quốc)” – ông nói.

Trong một nghiên cứu công bố tháng 4-2020, Tiến sĩ Munster nhận thấy virus có thể tồn tại 72 giờ trên nhựa và tối đa 24 giờ trên bìa cứng. Tuy nhiên, số lượng virus giảm dần theo thời gian. Đại diện y tế của EU cũng nói: “Không có bằng chứng nào cho thấy các gói hàng đông lạnh truyền bệnh”. Và ý kiến của New Zealand cũng tương tự.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: