Chỉ có Chúa Giê-su Ki-tô mới xứng đáng có một “Fan Club”

Chia sẻ của Cha Ferdinand Santos, vị linh mục Philippines "gây bão mạng" mấy ngày qua…
Christoph Schmid/Unsplash

Gửi anh em chủng sinh,

Cho phép tôi chia sẻ với anh em một số suy nghĩ về sự ơn gọi của chúng ta với tư cách là những thừa tác viên và là sứ giả của Tin Mừng. Tôi chọn trở thành một linh mục vì tôi muốn sống một cuộc sống đưa tôi đến gần Chúa và với mọi người hơn, và tôi tin rằng cuộc sống đó là một cuộc sống đơn sơ, trung tín và chan hòa tình anh em với mọi người. Khi còn là một thiếu niên, tôi cũng đã từng nghĩ đến việc theo đuổi một ước mơ nào đó: có lẽ là luật sư hoặc bác sĩ.

Thực sự tôi thấy mình có đủ năng lực và quyết tâm để hoàn thành bất cứ điều gì tôi muốn, nhưng tôi quyết định: tôi muốn sống cuộc đời đơn giản, yêu thương, trìu mến, một cuộc đời sẽ mang lại cho tôi sự bình an và hiệp thông với Chúa và mọi người lân cận với tôi. Vì vậy, tôi đã chọn gia nhập chủng viện thay vì trường đại học, và nỗ lực đáp lại lời mời gọi của Chúa. Chủng viện San Carlos trở thành mái nhà của tôi trong năm năm, trước khi tôi đi du học và làm cuộc sống của tôi trở nên “phức tạp” với công việc nghiên cứu triết học và thần học.

Khi các nhà đào tạo gửi tôi đi du học ở Louvain, tôi thấy mình vừa hào hứng vừa lo lắng. Tôi hào hứng vì biết mình mong chờ nhiều cuộc phiêu lưu hơn, và lo lắng, vì tôi nghĩ rằng việc theo học ở cấp cao hơn sẽ khiến tôi xa rời cuộc sống đơn giản và lý tưởng mà tôi hằng mong muốn khi bước vào đời tu. Vấn đề là, vào thời điểm tôi học triết học năm thứ tư, phần lớn mối quan tâm trước đây của tôi về việc sống một cuộc sống đơn giản đã dần dần biến mất. Có rất nhiều “trò chơi quyền lực” không cần thiết trong giáo hội; và một trong những điều tôi phải nhanh chóng nhận ra và đề phòng, ngay cả khi còn ở trong chủng viện, là thực tế rằng quyền lực, uy tín và quyền lực đôi khi quá hấp dẫn để vượt qua.

Cha Ferdinand Santos (Facebook nhân vật)

Tôi vẫn còn nhớ một số người cùng thời với tôi, những người thậm chí khi mới chỉ là chủng sinh, đã nói về việc một ngày nào đó muốn trở thành các đức ông hoặc giám mục, giữ chức vụ này nọ trong giáo hội, hoặc được bài sai về giáo xứ này hay giáo xứ kia vì nó lớn và nhiều thứ khác. Tôi nhớ một người nọ đã dành phần lớn giờ học để vẽ mũ, gậy và huy hiệu giám mục.

Cứ cho rằng đây chỉ là sản phẩm của những bộ óc vẫn còn non nớt chưa hiểu hết trách nhiệm to lớn trong giáo hội – có lẽ giống như Gia-cô-bê và Gio-an, muốn ngồi ở bên phải và bên trái Chúa Giê-su – tuy nhiên, chúng ta khó mà phủ nhận rằng những hành động như vậy và những hành động khác tương tự như thế, nói lên lối suy nghĩ lệch lạc về sứ vụ mà một số chủng sinh, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường chủng viện, đã mắc phải. Đối với một số người, chức vụ là một phương tiện để thăng tiến bản thân.

Ngay cả khi đó, tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở mình: nếu đó là điều tôi thực sự muốn, nếu quyền lực, chức tước, của cải và danh vọng là những gì tôi tha thiết mong muốn, thì tôi nên rời khỏi chủng viện và chọn một nghề mà những tham vọng cá nhân sẽ không bị cản trở bởi lời khuyên Tin Mừng “không mang thêm áo, không mang thắt lưng, không bao bị”. Thật là đạo đức giả khi tuyên bố rằng mình đang tuân theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su Ki-tô, sống cuộc đời đơn sơ và tin cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa, mà lại chạy theo những giá trị hoàn toàn trái ngược.

Tôi cũng phải thú thật rằng khi đi du học để đào sâu nghiên cứu hơn, trong đầu tôi đầy sự tự mãn. Tôi có cám dỗ cho rằng đây sẽ là cơ hội để tôi thêm một chiếc mũ học thuật đội trên đầu, thêm một vài học vị học hàm vào trước cái tên của tôi, thêm một vài bằng cấp để tự hào và thể hiện, để khiến tôi cảm thấy rằng tôi giỏi giang hơn những người khác. Liệu việc tôi ra nước ngoài du học có phải là tấm vé để tôi thăng tiến bản thân mình trong giáo hội không? Ít nhất, vào thời điểm năm 1992, tôi chắc chắn đã có những suy nghĩ như vậy.

Tất nhiên, tạ ơn Chúa, thay vì thành ra kiêu căng như vậy, sáu năm xa nhà của tôi hóa ra lại là một cuộc “thanh luyện” về mọi sự vì chính tại trường đại học ở Bỉ, tôi đã gặp những con người thực sự vĩ đại và cao quý, hầu hết là các giáo sư, các nhà thần học, nhà triết học, những người đã dành cả cuộc đời của họ để nghiên cứu trong âm thầm, nhưng những tác phẩm của họ ảnh hưởng đến chính tư tưởng, không chỉ của giáo hội, mà còn là cả xã hội nữa. Và chính những con người này sẵn sàng tránh xa ánh đèn sân khấu, họ từ chối biến cuộc sống của họ trở thành tâm điểm của sự chú ý, và những người chọn cách hủy mình ra không chỉ để “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Họ là những con người, trong tâm trí tôi, có tính cách đặc biệt và cao quý; và họ đã đào tạo, củng cố cốt lõi trong cách tôi xác định bản thân và sứ vụ của mình.

Ở trường cấp 2 và trung học, dưới sự đào tạo các cha các thầy dòng Phanxicô Capuchins, tôi lớn lên với ký ức về lời cầu nguyện, “Xin biến con thành khí cụ bình an của Chúa”. Một “khí cụ” hay đúng hơn một “công cụ” – trở thành một ý tưởng đã ăn sâu vào tâm trí trẻ thơ của tôi. Tôi là một công cụ, không hơn không kém. Vì trong mọi sự, tôi chia sẻ dự phần vào công việc của Đức Ki-tô, Đấng là cùng đích, là điểm quy chiếu duy nhất của mọi công việc tôi đã, đang và sẽ thi hành. Một nhà thơ đã từng nói rằng tất cả những gì chúng ta thực sự làm trong cuộc đời này là “đóng góp một câu vào bài thơ muôn thuở do chính tay Chúa viết”. Một câu – chỉ một câu – nhưng vẫn là một câu thơ; như vậy, không kém phần quan trọng so với toàn bộ bài thơ, vì nếu không có nó, bài thơ sẽ khó hoàn chỉnh.

Đây là lý do tại sao ngay cả khi mới chỉ là một sinh viên chủng viện như anh em, tôi đã tự hứa với mình một điều – và đó là một lời hứa mà tôi hy vọng mình có thể giữ cho đến giây phút cuối cuộc đời, và đó là tránh xa, càng xa càng tốt những cạm bẫy quyền lực, giàu sang, vinh hoa là những thứ thu hút rất nhiều người, ngay cả trong giáo hội, nhưng tôi phải là chính tôi; mọi thứ phù du khác không làm cho tôi tốt hơn người khác.

Các linh mục dòng Phanxicô, những người đã dạy dỗ và uốn nắn tôi trong những năm đầu đời, đã đặt vào tâm trí tôi những giá trị của một cuộc sống giản dị và vô tư, vốn là nguồn cảm hứng của một trong những con người vĩ đại và cao quý nhất đã từng sống, Thánh Phanxicô thành Assisi. Thật kỳ lạ là vào thời điểm đặc biệt này trong cuộc đời của tôi, nguồn cảm hứng đầu tiên đưa tôi đến việc xem xét nghiêm túc ơn gọi đi tu thành linh mục, lại được nhen nhóm một lần nữa. Tôi nói thật kỳ lạ vì tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng việc sống và làm việc với các anh em chủng sinh lại trở thành một lời nhắc nhở gần như hàng ngày đối với tôi về sự ẩn danh trong cuộc đời của một người môn đệ. Sự ẩn giấu trong cuộc đời của một kẻ tìm kiếm Chúa không khác gì mặt trăng, chỉ có Chúa mới là Mặt Trời, nguồn sáng đích thực.

Đây cũng là lý do tại sao tôi luôn nói với anh em rằng chỉ có Chúa Giê-su Ki-tô mới xứng đáng có một “Fan Club” – “câu lạc bộ những người hâm mộ”. Mọi người sẽ tự nhiên thấy chúng ta “hấp dẫn” theo nhiều cách khác nhau. Các linh mục và tu sĩ đều tốt bụng, hiền lành và chu đáo. Nhiều người trong chúng ta còn là những diễn giả giỏi, và có không ít người có vẻ ngoài thực sự ưa nhìn. Người ta thích những phẩm chất đó. Vấn đề là, mặc dù không có gì sai khi nhận được sự khen ngợi và ngưỡng mộ của công chúng (và chúng ta nên học cách nói “cảm ơn” một cách chân thành, bất cứ khi nào chúng ta được đánh giá cao), chúng ta cũng không nên quên rằng những lời khen ngợi đó không thuộc về chúng ta. Trên hết, họ phải hướng nhìn về Đức Ki-tô chứ không phải nhìn về chính chúng ta.

Họ là những người hâm mộ của Chúa Giê-su, không phải của chúng ta. Và chúng ta không nên đi loanh quanh khi cố gắng thành lập các nhóm của riêng mình. Một người làm như vậy hoàn toàn bỏ lỡ điểm mấu chốt của cuộc đời. Chúng ta muốn trở nên ‘hấp dẫn’ trước mắt người khác, điều đó đúng. Adrian Van Kaam, tác giả của cuốn sách “Tôn giáo và tính cách” gợi ý rằng hoàn toàn không có gì sai khi trở thành “một chút viển vông”, nghĩa là luôn giữ cho bản thân luôn nhiệt tình để không làm mọi người thất vọng. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng ngoại hình đẹp, nói năng và hành động dễ thương đến đâu, cũng không phải là phương tiện thu hút mọi người hướng về bản thân mình. Điều đó sẽ tự nhiên xảy ra, hữu xạ tự nhiên hương. Những gì chúng ta thực sự phải làm là dẫn họ – khi họ đến với chúng ta – đến với Chúa Giê-su Ki-tô. Chỉ có ngài mới là vị Mục Tử đích thực, xin đừng quên điều đó. Chúng ta không phải là tâm điểm chú ý. Chỉ có duy mình Đức Ki-tô mà thôi!

Nguồn bản gốc tiếng Anh: ONLY CHRIST DESERVES A ‘FAN CLUB’

Nguồn bản dịch tiếng Việt: Thanh Niên Công Giáo

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: