“Vô phân biệt mà phân biệt, phân biệt mà vô phân biệt”

Hình minh hoạ

Có câu chuyện cảm động về một người cha bị bệnh mất trí nhớ, ký ức ngày xưa và chính cả hôm nay dần phai mờ, thậm chí cha cũng không nhận ra con trai mà ông rất thương yêu từ bé…

Hôm ấy, người con trai đưa cha đi ăn cơm trong tiệm ăn quen thuộc. Khi trên dĩa còn lại chiếc đùi gà, cha cầm lấy và bỏ vào trong túi áo. Người con hỏi sao cha không ăn mà cất vào túi áo. Thì người cha đáp là con trai rất thích ăn món này, nên để dành cất đem về nhà cho con! Ai bảo rằng khác với người mẹ, người cha chỉ thương con thầm lặng mà ít khi tỏ lộ (?)

Quả là người cha thường thì dù có muốn đem món ngon hay sự tốt lành nào đó cho con, thì cũng ít khi muốn thể hiện hoặc chỉ hành xử khéo léo thầm lặng. Nhưng người cha bị mất trí, chỉ còn cái biết thuộc loại “vô phân biệt mà phân biệt” – thì không còn ranh giới giữa ý thức và vô thức hoặc giới tính – nên sự hành xử mới thể hiện như là một người mẹ thương con, làm bộc lộ xúc động thầm kín tận cõi lòng…

Sự học hành đi vào vô thức cũng tương tự, là một sự kết hợp giữa ý thức và vô thức cho đến khi “học thuộc lòng” hay trở thành vô điều kiện, mà lưu truyền bất diệt hay hằng hữu sẵn có – chính là một diệu dụng của cái biết “vô phân biệt mà phân biệt”. Còn để khám phá bản thể “phân biệt mà vô phân biệt” của “nữa kia cái biết”, cuộc sống chính là sự thách đố những “hoàn cảnh vấn đề” hay “câu hỏi không có câu trả lời”.

Chẳng hạn như nếu vợ và mẹ đều bị rơi xuống sông, thì bạn sẽ cứu ai trước?

Theo Mạnh Tử, mẹ nuôi nấng dạy dỗ ta rất khó nhọc, phải bao lần dọn nhà để tránh những ảnh hưởng xấu, dành món ngon cho ta ăn, mua áo đẹp cho ta mặc, cho ta mọi cơ hội có thể ngẩng cao đầu nhìn thiên hạ. Thế gian này chỉ có mẹ là tốt nhất, phải lấy chữ hiếu làm đầu, vợ chết thì lấy vợ khác, mẹ chết làm gì có mẹ nữa, nên Mạnh Tử chọn cứu mẹ trước.

Khác với phong cách Đông Phương, một người Tây Phương nói rằng: “Trước hết, mẹ của tôi đã lớn tuổi rồi. Đường đời của bà gần như đã đi gần hết nhưng còn vợ tôi thì vẫn còn trẻ. Thứ hai, nếu như bọn tôi có con cái cần phải nuôi dưỡng, tôi sẽ càng không do dự mà cứu vợ. Những đứa con không thể không có mẹ được. Tôi nghĩ mẹ tôi cũng sẽ bảo tôi cứu vợ trước, chứ không phải cứu bà”.

Có ý kiến rằng không nên trả lời cho câu hỏi vì: Nếu bạn trả lời là cứu vợ trước, vậy bạn là bất hiếu; còn nếu bạn trả lời cứu mẹ trước, vậy bạn là vô cảm, ai yêu phải bạn đúng là khổ một đời. Câu trả lời nào cũng vi phạm đạo đức làm người. Vậy rõ ràng, kẻ hỏi bạn câu này có thể chỉ muốn bạn rơi vào “bẫy đạo đức”, chứ không quan tâm bạn sẽ cứu ai (!?)

Cũng có ý kiến rằng bạn không cần băn khoăn tìm câu trả lời cho vấn đề đó. Bởi vì thực tế thường có thể là:

– Cứu người gần nhất trước.

– Cứu người dễ cứu nhất, thuận tiện để cứu nhất.

– Mọi sinh mệnh đều đáng giá như nhau, nghĩa là khi rơi xuống nước, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu đã biến mất.

Hay đáng sợ hơn, câu hỏi đó thực tế chỉ là do từ một người con gái ích kỷ, mà tư duy trong đầu cô ấy rút cuộc hóa ra chỉ là: “Em và mẹ anh, anh chọn ai?”

Vâng câu chuyện hay “câu hỏi công án” trên chỉ nói lên rằng, sự đúng sai chỉ là tương đối, “sai” là chỉ ở trong khía cạnh hay bối cảnh kia, “đúng” chỉ là do phong cách hay suy nghĩ này…

Cho nên chấm dứt tư tưởng hay chấm dứt cái biết do phân biệt đúng/sai, đẹp/xấu, thành/bại, vui/khổ… Thì trí tuệ “phân biệt mà vô phân biệt” mới hiển hiện… Thì “đáp án” không đóng khuôn nơi ý tưởng mà là thực tại, tuỳ người, tùy tự nhiên, tuỳ nhân duyên… Thì mới có một sự độc lập tự do và sáng suốt của thân tâm giải thoát mọi buộc ràng hay nghịch cảnh…

***

Ngọn lửa tinh tuyền của cuộc sống.

Trước đây lâu lắm rồi, có một khách hành hương đang loanh quanh lạc lối trong một sa mạc ở Tây Tạng. Đó là một đêm không trăng sao, trời tối đen như mực, đôi chân y đã sưng tấy lên vì cứ mãi dẫm vào những tảng đá lởm chởm sắc cạnh. Y đã hy vọng rằng mình sẽ vượt qua vùng hoang dã này để đến gặp một vị đạo sư danh tiếng, nhưng niềm hy vọng này nay đã tiêu tan. Có thể là y sẽ chết khát trong đêm nay, trước khi bình minh đến. Thế rồi y thiết tha cầu nguyện với Đức Phật A Di Đà -Vô Lượng Quang Phật- để xin ngài cứu giúp.

Lập tức, chân của y đụng phải một cái gì đó mà y biết chắc không phải là một tảng đá. Đấy là một cái bình bạc với nước tuyết vừa tan tràn đầy lên đến miệng, tinh khiết mát lạnh. Kẻ hành hương uống một trận thoả thuê, xong với lòng tràn đầy biết ơn, y cất giọng khàn đục tán tụng chư Phật rồi lăn ra ngủ vùi trên cát.

Bừng tỉnh giấc vào sáng sớm hôm sau, người hành hương vội quơ tay tìm kiếm ngay cái bình bạc cứu mạng. Dưới ánh sáng đầu ngày y nhìn kỹ lại thì ra đó là một cái sọ người. Chút đỉnh da thịt vẫn còn dính vào trên xương sọ. Trong chỗ trũng của chiếc đầu lâu còn đọng lại một chút gì đó giống như não tủy với đàn giòi đang nhung nhúc đặc kín. Trông thấy xong là y nôn mửa ngay tại chỗ. Trong lúc nôn mửa này đồng thời y bỗng hoát nhiên đạt ngộ. Y liền quay về nhà ngay không chút chậm trễ. Hành trình tìm kiếm của y đã hoàn tất. Y đã tìm thấy vị đạo sư của chính mình!

Cái gì đã xảy ra? Sự hoát nhiên đạt ngộ đã xảy đến như thế nào?

Vào hồi đêm, trong cơn khát cháy bỏng của mình y đã tin rằng Đức Phật đã ban cho y cái bình bạc. Cái bình đã được tạo nên bởi lòng tin tưởng, bởi cơn khát của y đang bên bờ vực thẳm của tử thần, tâm thái của y chắc chắn là không còn phân biệt ranh giới sống chết.

Quả đúng như tâm thế lúc đó – khi y nghĩ rằng đó là nước lạnh tinh khiết thì nó là nước lạnh tinh khiết, khi y nghĩ rằng đó là cái bình bạc thì nó là cái bình bạc. Bây giờ thì không còn cái bình bạc nữa, không còn chất nước mát lạnh tinh khiết nữa. Y nôn mửa. Và trong cơn nôn mửa này, y có thể nhận ra được rằng tất cả đều chỉ là trò chơi của tâm: Nếu bạn cho rằng đó là cái bình bạc thì nó là cái bình bạc.

Một sự tỏ ngộ đã bừng lên -tất cả đều do tâm tạo. Và nếu tất cả đều do tâm tạo thì đâu cần phải chạy đi chỗ nào: Bạn có thể buông bỏ cái tâm ngay tại nhà mình. Đó là sự hoát nhiên đạt ngộ!

Khi bạn tin tưởng vào một cái gì đó bạn sống trong thực tại đó, khi bạn tin tưởng vào một cái khác, bạn sống trong một thực tại khác. Tất cả chỉ là vấn đề của niềm tin. Và tất cả những thế giới mà bạn sống đều là những thế giới do lòng tin tạo nên. Thế là ngay cả trong niềm tin cao nhất cũng chỉ là chọn lựa phân biệt, đạt ngộ cao nhất cũng chỉ là sự vô phân biệt nằm ngoài niềm tin ý thức. Nên hoạt nhiên đạt ngộ là trí huệ “ngay tại đây” “ngay bây giờ” “vô tu vô chứng” “phân biệt mà vô phân biệt, vô phân biệt mà phân biệt”!

***

Bất động tĩnh lặng là trong xao động hay động loạn của cảnh trí môi trường mà vẫn không bị lay động hay dính mắc – mà vẫn tỉnh táo thanh thản, tuỳ cơ ứng biến, hành xử như là trong giao tiếp bình thường, như không có vấn đề nghịch cảnh đối kháng hay không có gì xảy ra – đó là thể tánh của cái biết “vô phân biệt mà phân biệt”.

Một thiền sư khi vừa chuẩn bị nói pháp thì cùng lúc ra hiệu là buổi giảng pháp đã xong trong sự ngỡ ngàng của đại chúng. Một đệ tử hỏi vị hoà thượng trụ trì rằng, sao con tu học đã lâu mà không thấy thầy chỉ dạy bí quyết tu hành, thì vị thiền sư bảo rằng, khi con dâng nước thì ta đón nhận, khi con nói thì ta nghe, khi con làm việc thì ta cũng cùng làm với con mà “vô phân biệt” là ta và con hay làm và không làm.

Nghệ thuật sống nói chung có những khi đối mặt với phong ba nghịch cảnh của cuộc sống, mà vẫn như trong khi giao tiếp bình thường hay trong tâm thái bình thường – thì đó cũng là một sự “phân biệt mà vô phân biệt”, thanh thản tự nhiên mà đáp ứng quân bình  hài hoà.

Có câu: “Nhất thiết duy tâm tạo” hay “Tâm bình thế giới bình” – tâm trí trống không chân thực trong “tâm bình thường” hay trong khi giao tiếp bình thường tự nhiên – thì nghịch cảnh đối tượng hay thị phi bên ngoài được chuyển xoay bởi tương ứng tương cảm tương đồng với tâm hồn chân thực mộc mạc bên trong chính mình.

Có một sự “không làm mà làm”, hay chân thật đến mức để cho “tự nhiên làm”, là “bẩm sinh” “sẵn có” tạo tác, hay bản thể Phật tánh vận hành trong ta.

Có một sự “không cần tập trung mà tập trung chú tâm”, hay “không nhận biết mà nhận biết” – làm cho nghệ thuật cái biết đạt đến đỉnh cao tự nhiên quan sát tạo tác hay Phật tánh “vô phân biệt mà phân biệt”.

Ở “nữa kia của cái biết”, còn có một sự ý thức hay hành động  “sống cùng vô thức” trong từng khoảng khắc hiện tại phi thời gian của cái biết “phân biệt mà vô phân biệt”. Mà “công án” hay nan đề và nghịch cảnh là sự giữ cho tâm trí trong sự “không biết”:

– Cho đến khi không còn nhu cầu “biết”, không còn niệm khởi sinh diệt, không còn hành động tạo tác mê vọng

– Chính là “câu hỏi không có câu trả lời” “câu hỏi cũng là câu trả lời” hay “hiện tại không thể biết trước”

– Là cái biết ý thức liên tục tỉnh giác hay sự chú tâm không chỉ cả trong khi đối tượng sự việc kết thúc; mà còn trong mỗi vô thức, mỗi thói quen, trong tâm bình thường, trong tất cả mọi sự việc bình thường lẫn khác thường của cuộc sống hiện tại đang xảy ra…

(Thiện Võ sưu tập và tổng hợp )

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: