Minh họa: Đinh Trường Chinh

Lời đầu:

Vào một ngày trời nắng như đổ lửa giữa Tháng Sáu năm 1993, tôi cùng má và hai đứa em rời Sài Gòn đi Châu Đốc để từ đó tìm đường vượt sang Campuchia, bắt đầu cuộc sống lưu vong trên đất khách. Tôi ở Campuchia hơn một năm. Sau đó là khoảng năm năm sống tha hương tại Thái Lan. Tất nhiên, Thái Lan không phải nơi cuối cùng chúng tôi muốn ở lại. Nhưng những năm 1990, các trại tị nạn ở Thái đã đóng cửa. Giấc mơ đặt chân lên xứ tự do của gia đình tôi không bao giờ thành hiện thực.

Cuối năm 1999, tôi và em trai là Huỳnh Anh Trí từ Thái Lan về nước và bị bắt trong một vụ án chính trị. Sau khi mãn hạn 14 năm tù giam vào cuối năm 2013, tôi tiếp tục cuộc đời lưu vong trên chính tổ quốc mình cho đến hôm nay. Bài viết này tôi không kể về mình. Nó chỉ là cái cớ cho rõ ngọn ngành, để kể về một phận người Việt Nam vỡ nát tôi đã gặp trong thời gian mưu sinh trên đất Campuchia.

Nhưng cũng cần nói thêm rằng, tôi đã đắn đo nhiều, vì không biết có nên kể câu chuyện bi thảm này giữa lúc Sài Gòn đang trong những ngày tháng đen tối với chết chóc, dịch bệnh và cầm tù không. Người ta đã dư thừa niềm tuyệt vọng… Song chờ đến bao giờ mới đến ngày vui? Dường như cái khái niệm “chọn thời điểm” là không thích hợp cho những điều cần kể lại. Chuyện dài của quê hương, của phận người, phận đời, dù vui hay buồn, dù kết thúc viên mãn hay ảm đạm mịt mùng, vẫn cần được kể ra vào bất cứ lúc nào có thể. Đôi khi chỉ có niềm đau mới xoa dịu những niềm đau. Và niềm xót thương biết đâu sẽ giúp cưu mang nỗi đời tuyệt vọng. Vì thế, tôi sẽ còn kể tiếp, về họ, về những phận người không bao giờ được đời gọi tên.

T hời gian đầu sang Campuchia, chúng tôi (gồm má và vợ chồng cô em gái tôi) tá túc trong một khu trọ tồi tàn ở Đron Tung thuộc tỉnh Koh Kong. Khách trọ đa số là người Việt. Họ làm đủ các nghề nặng nhọc, cùng cực để kiếm sống. Từ làm phu hồ, bán hàng rong, đi rừng, đi biển cho đến làm… điếm.

Tôi gặp Hương và Trầm trong đám tang rất buồn của Yến. Cuộc đời – không – chính xác là nghề làm điếm, đã run rủi họ gặp nhau và kết nghĩa chị em. Cho đến hôm nay, tôi cũng không thể trả lời được câu hỏi ngớ ngẩn do chính tôi thỉnh thoảng tự đặt ra cho mình, rằng trong ba cô gái ấy, cuộc đời của ai là khốn nạn, thê thảm nhất? Rồi tôi lại thở dài, “thì cũng đều thảm như nhau cả”.

Hàng xóm chạm mặt nhau, gật đầu chào, hỏi thăm vài câu xã giao rồi đi. Cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực khiến tôi không còn nhận ra sự vắng mặt của ai trong số những người hàng xóm khốn khổ. Ít lâu sau, tôi theo người quen vào rừng Lâm Đâm để kéo gỗ mướn. Vì công việc kéo gỗ quá nặng nhọc và nguy hiểm nên đi được vài chuyến, tôi đành xin nghỉ. Nhưng tôi phải nằm lại bìa rừng cả tuần để chờ cho đủ số lượng người, mới có ghe nhỏ chở chúng tôi về lại khu dân cư. Số tiền công kiếm được từ mấy chuyến kéo gỗ chỉ đủ chi tiêu trong thời gian chờ đợi để về Đron Tung. Đến khu dân cư, tôi đã gặp lại Hương và Trầm ở đó.

Sau đám tang của Yến vài tuần, Hương và Trầm rời khu trọ, rồi dạt đến khu Lâm Đâm (1) này sinh sống. Kiếp buôn phấn bán son vẫn đeo đẳng Trầm đến tận nơi đây. Hương thì đã lấy chồng, một anh chàng cũng làm nghề kéo gỗ. Đêm hôm ấy, chúng tôi ngồi hàn huyên trong căn chòi cũ của Khang, bạn của Tư, chồng Hương. Lần đầu tiên sau gần một năm sống trên đất Campuchia, tôi mới biết đến cảm xúc của tình bạn, tình đồng hương. Hương đã kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện thảm khốc của gia đình cô. “Chúng tôi” nghĩa là chỉ có tôi và Khang. Còn Trầm và Tư, lẽ dĩ nhiên họ đã biết. Vì từ chính những bi kịch ấy mà họ chấp nhận và yêu thương cô.

H ương sinh năm 1968, bằng tuổi tôi. Cô xuất thân từ gia đình có học thức, cha mẹ đều là giáo viên. Hương biết chơi đàn piano. Thời ấy, thường chỉ có gia đình khá giả, thức thời mới dám cho con đi học đàn dương cầm. Mà như thế, bị nhà cầm quyền địa phương liệt vào thành phần “tư sản”, phải được “quan tâm đặc biệt” là điều đương nhiên. Sau Tháng Tư 1975, cuộc sống Sài Gòn ngày càng khó khăn, chật vật. Ba mẹ Hương quyết định bán hết tài sản ít ỏi còn lại để tìm đường vượt biên. Tháng Sáu 1985, gia đình Hương cả thảy bốn người cùng với hàng chục người không quen khác lên tàu vượt biển, đánh cược với số mệnh mong tìm được tự do trên vùng đất mới.

Hướng cái nhìn ra xa, giọng đượm buồn, Hương hồi tưởng về chuyến vượt biên kinh hoàng của gia đình cô:

– Tàu đi được khoảng ba hôm thì lạc đường, không biết phải bẻ lái sang hướng nào. Vì không biết sẽ lênh đênh trên biển đến bao giờ nên mọi người phải tiết kiệm lương thực, nước uống. Ai cũng lo lắng, sợ hãi. Đang khi tuyệt vọng thì một con tàu lớn xuất hiện.

Khang, anh bạn của Tư nôn nóng, hỏi dồn:

– Tàu cướp biển à? Hay tàu của nước nào? Họ có cứu mình không?

– Không biết tàu của nước nào? Một người trong đoàn vượt biên nghe âm giọng thì đoán họ là người Thái Lan. Sau đó có người hỏi bằng tiếng Anh. May là có một chú biết tiếng nên thông dịch cho cả đoàn. Sau vài câu trao đổi, họ cho người chuyển lương thực, nước uống sang. Cho cả thức ăn chín để mọi người dọn ra ăn nữa.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là mọi người may mắn được cứu giúp. Nhưng tôi chưa kịp thốt ra lời ý nghĩ ấy của mình, Hương đã cất giọng run run, kể tiếp:

– Trong khi mọi người đang ăn, bỗng một loạt tiếng súng bắn chỉ thiên nổ ra. Ai nấy buông chén đũa, hốt hoảng nhìn nhau không biết chuyện gì xảy ra. Chưa kịp định thần, bọn người bên tàu kia đã nhảy sang, dồn hết đàn bà con gái qua tàu chúng. Ở bên này, chúng bắt tất cả đàn ông con trai quỳ xuống, lấy dây trói ngược hai cánh tay họ ra sau. Ba và anh trai của em cũng bị bắt trói lại.

Kể đến đây, Hương không kìm nén được cảm xúc. Cô òa khóc. Căn chòi xa lạ phút chốc nhuốm một màu buồn thảm. Tôi biết rằng Hương sắp kể về một biến cố kinh hoàng lắm. Tôi không dám nhìn cô, sợ rằng chỉ một cử động nhỏ hay một ánh mắt vụng về của mình sẽ trở thành bất kính với nỗi đau của Hương. Tư khẽ nắm bàn tay vợ rồi buông một tiếng thở dài với vẻ đầy xót xa.

– Khi đã dồn hết phụ nữ sang tàu lớn, chúng bắt đầu cuộc hãm hiếp mặc cho họ quỳ lạy, van xin, chống cự, la hét… Trong lúc hỗn loạn, bọn chúng không để ý nên em chui vào chỗ có mấy thùng hàng trên boong tàu để trốn. Chính mắt em chứng kiến cảnh mẹ em và nhiều người phụ nữ khác bị chúng hiếp.

Nét mặt khổ sở và đôi vai Hương giật lên theo từng tiếng nấc nghẹn.

– Thôi mà em, mọi chuyện qua rồi…, qua rồi, đừng nhắc lại nữa. Nắm lấy tay vợ, Tư an ủi, vỗ về cô.

– Không, em muốn kể cho anh Tú nghe. Em chịu được, không sao đâu. Hương đáp lại cử chỉ của chồng, giọng ngậm ngùi nhưng dứt khoát.

Trầm đưa khăn tay cho Hương lau nước mắt. Tôi ái ngại nhìn cô. Từ đầu câu chuyện, tôi vẫn thấy Trầm giữ nét mặt bình thản như cố nuốt nỗi buồn vào trong. Có lẽ, vì Trầm đã biết về những biến cố kinh hoàng của Hương nên không còn thảng thốt nữa. Vả lại, cuộc đời của Trầm, của Yến vốn cũng thảm thương, éo le như thế nên họ mới kết tình chị em, để cùng san sẻ kiếp trần ai, để gánh cho nhau sương khói phận người.

– Ở tàu bên kia, ba em thét lên: “Tụi mày làm gì vậy? Dừng lại ngay! Dừng…”. Ba em chưa kịp nói hết câu thì một tên đã dùng báng súng đập mạnh vào đầu ba em. Ở bên này, em chỉ kịp thấy ông gục xuống…

H ương cố gắng một cách khổ sở để chúng tôi nghe được từng lời cô kể, nhưng giọng vẫn lạc đi với từng cơn nấc nghẹn. Một cảm giác khó tả len lỏi trong tâm hồn tôi. Tôi những muốn thốt lên một câu gì đó, hoặc bảo Hương đừng kể nữa. Tôi sợ cô không chịu đựng nổi khi hồi tưởng lại thảm cảnh gia đình mình. Nhưng miệng tôi cứng đơ. Rồi tôi thấy mắt mình nhòa đi. Hình ảnh ba mẹ Hương, anh trai của Hương, hình ảnh hàng chục thuyền nhân khốn khổ cứ hiện ra trước mắt tôi, tươi roi rói mà tàn nhẫn đến lạnh người.

Sau khi dùng súng đập chết ba Hương, chúng ném xác ông xuống biển, vẫn trong tư thế bị trói hai tay ra sau. Người con trai thấy ba bị giết, chỉ kịp thét lên tiếng gọi xé trời “ba ơi!”, rồi đổ gục xuống sau tiếng “bộp, bộp”, cộc lốc, kinh hoàng. Từ bên này, Hương nhìn thấy rất rõ một tên cướp biển dùng báng súng đập liên tiếp hai nhát vào đầu anh trai cô. Máu từ đầu đổ xuống, ướt đẫm gương mặt trai trẻ của anh, loang lổ và ám ảnh đến ghê người.

Giết người xong, chúng quăng xác nạn nhân xuống biển. Chỉ trong nháy mắt, hai người thân của Hương bị giết chết một cách dã man, tàn nhẫn chưa từng có. Bên này, cuộc hãm hiếp của lũ cướp biển vẫn chưa kết thúc. Bị đe giết, bị đánh đập nên những người phụ nữ khốn khổ không còn dám kháng cự và cũng chẳng còn sức kháng cự trước sự man rợ của những tên cướp biển. Sau khi thỏa mãn thú tính, chúng đưa những người đàn ông còn sống trở lại tàu nhỏ. Hương lao tới ôm mẹ, vừa mặc quần áo cho bà, vừa khóc như mưa như gió. Mẹ cô, lúc này đã đờ đẫn, mềm nhũn như một cái xác không hồn. Thỉnh thoảng, bà lại run rẩy, rồi giật lên từng cơn như thể cơn tai ương vẫn đang tiếp diễn.

Bao nhiêu vàng bạc, nữ trang bị cướp biển lột sạch, không ai giấu được một vật gì trong người. Trước khi bỏ đi, chúng chuyển sang cho đoàn người vượt biên khốn khổ mấy can dầu để tiếp tục cuộc hành trình. Sau cái ngày kinh hoàng ấy, mẹ Hương hóa điên và bà không bao giờ tỉnh lại nữa. Hương ngậm ngùi: “Dẫu sao, điên cũng tốt. Nếu không điên, chắc mẹ em không sống nổi”. Lúc này, tôi mới mạnh dạn cất tiếng hỏi:

– Thế còn những người khác thì sao? Có ai… bị… giết nữa không?

– Có chứ. Nhưng khi ấy em quá sợ hãi. Trong mắt em lúc bấy giờ chỉ thấy hình ảnh ba và anh trai mình, không còn tâm trí quan sát tới người khác nữa. Đến khi bọn cướp biển bỏ đi, em mới nghe thấy tiếng người ta khóc chồng, khóc con nhưng em không còn tỉnh táo để biết họ là ai.

– Thế lúc đó cô…?

Tôi dùng tay huých một cái vào người Khang, ngăn không để anh ta nói hết câu. Dường như hiểu ý Khang định hỏi gì, Hương tiếp lời:

– Có thể trong lúc hỗn loạn, chúng chỉ bắt những người trong tầm mắt thôi. Em may mắn tìm được một chỗ khuất để trốn nên lúc đó không bị rơi vào tay chúng. Vả lại, khi đã thỏa mãn thú tính, chúng tha những người còn lại.

C on tàu nhỏ chở đám thuyền nhân khốn khổ cứ lao đi trong vô định, cuối cùng cũng tới được đất liền chỉ một ngày sau khi gặp cướp biển. Hương kể, ban đầu không ai biết đây là đâu. Đến khi cảnh sát xuất hiện, họ mới biết đó là địa phận Thái Lan. Sau đó, mọi người được đưa đến trại tị nạn Sikiew. Trong trại tị nạn này, có một nhóm người được gọi là đại diện cho “cộng đồng người Việt” (2).

Họ gồm đủ thành phần, một số tự xưng là cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, người có quyền quyết định các sinh hoạt của “cộng đồng người Việt” lại là một người mang quốc tịch Thái Lan. Hiểu nôm na, để việc quản lý được dễ dàng, trại tị nạn lập ra những tổ chức tự trị kiểu như “cộng đồng người Việt”, hay “cộng đồng người Lào”, “cộng đồng người Hoa”…, đại loại như thế.

– Trong “cộng đồng người Việt” có nhiều kẻ rất hống hách. Thay vì giúp đỡ đồng bào hoặc những người mới đến, họ thường kiếm chuyện, vòi vĩnh và gây áp lực để mình phải phục tùng mong muốn của họ. Em thoát được cảnh bị cướp biển làm nhục trên tàu, nhưng lại không thoát khỏi sự nhòm ngó của mấy gã xưng hùng xưng bá trong trại tị nạn.

Buông một tiếng cười chua chát, Hương kể tiếp:

– Nếu em không chịu ngủ với chúng, hai mẹ con em khó sống trong cái khu tị nạn này. Qua cái Tết Việt Nam đầu tiên trong trại, mẹ em qua đời. Cũng may nhờ dì Sáu – người ở chung phòng giúp đỡ, lo liệu nên mẹ em được đưa lên chùa hỏa táng. Không biết dì Sáu vượt biên từ bao giờ nhưng dì là người “kỳ cựu” ở trại Sikiew. Dì cũng hay được ra ngoài, quen biết nhiều người Thái và dì rất tốt bụng nên dì đã giúp em rất nhiều.

Sau khi mẹ chết, Hương trở thành kẻ bơ vơ, chẳng còn ai thân thích. Hương không biết cô còn phải chờ đợi trong bao lâu, mấy tháng, hay mấy năm để đến được nước thứ ba. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cô sẽ chết dần chết mòn trong trại tị nạn trước khi số phận mỉm cười với cô trên miền đất tự do. Không thể tiếp tục cuộc sống bị o ép, khổ sở và nhục nhã trong trại tị nạn thêm nữa, cô tìm cách ra ngoài. Để có tiền và được “nâng đỡ”, Hương chấp nhận cặp với một gã “có số má” trong “cộng đồng”.

K hi đã dành dụm được ít tiền, nhờ sự giúp đỡ của dì Sáu, Hương trốn khỏi trại tị nạn Sikiew, tròn sáu tháng sau khi mẹ cô qua đời. Sợ bị bắt nên Hương không dám ở lại Thái Lan. Ban đầu, Hương dự định về lại Sài Gòn tính chuyện làm ăn, sinh sống. Nhưng về rồi, liệu nhà cầm quyền địa phương có để cô được yên thân với tội “vượt biên” không. Với lại, cả gia đình Hương đều đã chết thảm trên đường vượt biển, hai tiếng “quê hương” giờ chỉ gợi lại những kỷ niệm chan chứa buồn đau. Hương phiêu bạt đến thủ đô Phnom Penh, Campuchia, bắt đầu kiếm sống bằng nghề vũ nữ khi mới 18 tuổi.

Kể xong câu chuyện của mình, buông một tiếng thở dài, Hương nói với chúng tôi như là đang thì thầm với chính mình:

– Chúng tôi đâu có lựa chọn cái nghề nhục nhã này. Nhưng giữa đất nước xa lạ, không giấy tờ hợp pháp, không tiền bạc, không người thân thích, không có cơ hội lựa chọn, rồi đủ thứ cạm bẫy bủa vây, không bán thân lấy gì nuôi miệng.

Ngày hôm sau, tôi từ biệt bốn người bạn để về lại Đron Tung, lòng nặng trĩu. Từ ấy, tôi không bao giờ gặp lại hay nghe tin tức gì về họ nữa. Vì thế, tôi chẳng thể mang đến cho bạn đọc một câu chuyện trọn vẹn của Hương, của Trầm, của Tư, hay của Khang (3). Có thể số phận đã mỉm cười với họ, cũng có thể không. Suốt mấy năm lưu lạc trên xứ người, đã có nhiều phận đời khốn khổ đi qua cuộc đời (cũng khốn khổ) của tôi. Tôi tự hỏi, không biết, trong số những cảnh đời xa xưa ấy, có ai ngày hôm nay đang may mắn được sống trên một đất nước tự do, tươi đẹp để hồi tưởng về nỗi đoạn trường mình đã đi qua? Và nhớ đến những số phận Việt Nam hẩm hiu khác từng Ra Đi nhưng không bao giờ Đến Đích, không bao giờ còn có cơ hội để kể lại đời mình?

Chú thích:

(1): Lâm Đâm: Tôi không biết tên gọi chính xác của địa danh này là gì nên viết theo âm giọng của người Khmer.

(2): “Cộng đồng người Việt”: Tôi không biết Hương dùng cụm từ này có chính xác không. Theo tôi hiểu, có thể đó là một nhóm người được chỉ định để giữ an ninh, trật tự kiểu “tự quản” trong các khu tị nạn. Tôi ghi lại nguyên văn từ ngữ cũng như các chi tiết mà tôi nhớ được qua lời kể của Hương.

(3): Hương, Trầm, Tư, Khang: Có thể đó không phải tên thật của họ. Đa số người Việt sang Campuchia hay Thái Lan làm ăn sinh sống thường lấy tên khác. Thời gian ở Campuchia, tôi dùng tên thật. Nhưng khi qua Thái Lan, tôi cũng lấy tên gọi khác.                            

Sài Gòn, Tháng Chín|2021

Huỳnh Anh Tú

(Phạm Thanh Nghiên chấp bút)

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: