Chuyện học hành xứ Mỹ

Giáo dục ở Mỹ thật hay, nữ sinh thì dạy cách chăm sóc em bé từ lớp mười; nam sinh thì dạy về nguy hại của thuốc lá từ lớp bảy.

Năm ấy, bé Na học lớp mười, Tân lớp bảy. Hai chị em rủ nhau lấy lớp về đời sống xã hội. Na lấy lớp chăm sóc em bé. Tân lấy lớp nghiện thuốc lá.

Na được cô giáo giao cho một búp bê với xe đẩy, bình sữa, tã lót, quần áo.

Tan học ngày Thứ Sáu mang búp bê về, lịch chăm sóc ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật, cô giáo dặn: Thời gian cho bú, thời gian thay tã, thời gian tắm; khi làm gì thì được chấm điểm như thế nào. Ngày Thứ Bảy, Na lo cho bé búp bê tốt không gặp trục trặc gì. Sáng Chúa Nhật, cả gia đình đi nhà thờ, xe chạy được khoảng mười lăm phút (từ nhà đến nhà thờ ba mươi lăm phút)

“Chết con rồi, con quên mang em bé theo rồi mẹ ơi, làm sao bây giờ?” Na la toáng lên miệng méo xệch, mắt rưng rưng.

“Làm sao mẹ biết làm sao, chuyện của con mà con không lo mẹ nhiều việc quá sao nhớ mà nhắc!” Liên gắt giọng.

“Bỏ nó cả ngày ở nhà chắc nó khóc chết luôn. Con bị tuột điểm rồi,” Na đau khổ.

“Đành chịu chứ không thể nào quay về được con à,” Liên tặc lưỡi.

Na ngồi im, mặt héo như bông bí tàn.

Chúa Nhật nào nhà Liên cũng ghé chở dùm gia đình mẹ con cô Hương đi nhà thờ sau đó đi chợ Việt Nam rồi đến chợ Mỹ về đến nhà bao giờ cũng khoảng bốn giờ chiều.

Hôm ấy, mẹ vừa mở cửa Na lao ngay vô phòng, tiếng khóc nấc của bé bi búp bê nghe muốn nôn ruột. Na cho bú, bé không chịu bú cứ khóc, thay tã, thay quần áo cũng vẫn khóc. Na bế bé đi vòng vòng vẫn khóc, thử hết đủ kiểu vẫn khóc, không còn cách nào khác vì họ thiết kế không thể nào off hay on gì cả. Đúng giờ đã cài sẵn mà lo cho bé thì được điểm A hay B, C… nếu không theo đúng thì khóc như vậy và không được điểm. Liên không giúp gì được cho bé Na nên cũng bỏ liều.

Na mệt quá bỏ bé vô xe đẩy lấy hai cái chăn dày phủ lên mong đậy được tiếng khóc. Nhưng tiếng khóc vẫn không giảm. Đến mười giờ đêm, bé bi khóc quá Na ngủ không được nên mang nguyên xe bé ra garage lấy bao nylon đen đựng rác loại lớn trùm vô rồi vào ngủ.

Hai giờ sáng có tiếng bấm chuông, Liên nhìn ra sân nhà thấy hai xe cảnh sát đang đậu trước sân chớp đèn lấp lánh. Hai viên cảnh sát đang đứng trước cửa, Liên chẳng hiểu chuyện gì mở cửa thì được cảnh sát cho biết hàng xóm báo có nghe tiếng trẻ em khóc ở garage họ muốn biết chuyện gì.

Dầu được giải thích đó là tiếng khóc của bé bi búp bê nhưng họ vẫn phải vào tận garage. Mắt thấy tai nghe tỏ tường họ lắc đầu ra về.

Na bị mất điểm lớp đó. Vậy mà không rút được kinh nghiệm để nuôi con, khi lập gia đình có con thực sự Na phải theo học mấy lớp về chăm sóc con trẻ mới thành mẹ tốt.

“Ngày trước mẹ không học sao biết nuôi con?” Na thắc mắc.

“ Ngoại sinh nhiều con, mẹ có sáu em nên chăm sóc em phụ ngoại thành giỏi,” Liên cười, mắt lơ đễnh nhìn vào khoảng không như thấy hình ảnh bế em bên nách, đút cơm, tắm cho các em, chơi đùa với các em.  Mẹ nhỏ nhắn mà sinh mười một lần còn nuôi được chín. Cứ đứa lớn phụ trông đứa nhỏ vậy mà cũng xong. Ngày nay có một hai đứa con mà sao nuôi cực quá. Liên nghĩ thương mẹ vô cùng.

“Ngoại giỏi thật,” Na thán phục.

“Bác sĩ” Tân, năm tuổi, khám cho bệnh nhân. Ảnh của tác giả

Phần Tân với lớp cai nghiện thuốc lá. Cô giáo giao cho một hộp thuốc lá, cái quẹt diêm và điếu thuốc bằng nhựa cứng được cài đặt sẵn giờ hút thuốc. Vì nghiện nên hai tiếng hút một lần, đêm ngày gì cũng vậy nhưng phải ra sân hút. Thuốc và diêm chỉ tác dụng khi ở ngoài trời, trong nhà thì thuốc không bắt lửa và diêm quẹt không ra lửa.

Mang về nhà ngày Thứ Sáu, hộp thuốc được cài đặt vào ngày và đêm Thứ Bảy. Đến giờ hút hộp thuốc sẽ ring vang báo hiệu, khi ấy dù đang chơi game, đang ăn hay đang làm gì cũng phải bỏ qua một bên để “hút.” Tân phải mang ra sân cả ba món bật lửa, đốt thuốc như thật chờ cho tàn hết thuốc mới được bỏ vào hộp và vô nhà.

Tân phải đọc sách và làm bài tập về hậu quả của thuốc lá và ảnh hưởng đến người lân cận cùng môi trường sống xung quanh như thế nào. Tất cả là những kiến thức trang bị vào đời cho học sinh.

Ngày Thứ Bảy trôi qua êm đẹp, tuy có hơi bực bội vì phải ngưng trò chơi giữa chừng, hoặc phải kéo quần cho nhanh chạy ra khi đang ngồi cầu tiêu. Tân sợ mất điểm nên lo “hút” đúng giờ lắm vì trễ một phút sẽ bị trừ điểm ngay. Thời tiết đang vào Đông tuyết rơi trắng xóa mà phải ra sân đứng có lúc quên mặc áo ấm phải chạy ra chạy vào. Ban ngày cũng đỡ, ban đêm thấy khổ và tội nghiệp; cứ nghe con lục đục mở cửa ra sân hút thuốc mà thương, nhưng kệ cho nó biết thế nào là khổ vì nghiện.

Ở độ tuổi ham ăn mê ngủ, khi đã ngủ sâu và say thì có khiêng quăng xuống đất Tân cũng không hay. Đêm ấy Liên để ý thấy con ra vô đều đặn cho đến mười một giờ khuya, sau đó Liên cũng ngủ không quan tâm nữa.

Tám giờ sáng cả nhà chuẩn bị đi nhà thờ, Tân vội vã xuống lầu bực bội ra mặt.

“Chán thật, kiểu này là mất điểm rồi,” Tân vừa mang giày vừa lắc đầu.

“Sao vậy con?” Liên ngạc nhiên nhìn vẻ thất vọng của con.

“Khuya con ngủ quên nên không hút nó la tới bây giờ không im luôn,”

Liên vểnh tai, oh, tiếng ring từ hộp thuốc trên phòng ngủ Tân đang càng ngày càng yếu dần, sắp hết pin.

Cả nhà yên vị trên xe Tân vẫn im lặng thả trôi suy nghĩ, có lẽ nghĩ đến những điếu thuốc lá, đến cơn nghiện, hay đến số điểm?

“Thôi đừng buồn con, dầu sao con cũng rút ra được điều tốt qua lớp học này đúng không?” Liên an ủi con.

“Dạ”

“Vậy sao trầm tư hoài, sợ thua điểm phải không?” Liên nheo mắt với con.

“Dạ không phải, con chỉ đang nghĩ tới những người nghiện thuốc, có ích lợi gì đâu mà họ lại đam mê như vậy,” Tân thắc mắc.

‘Em có thể chia sẻ những hiểu biết và ích lợi qua lớp học này cho cả nhà nghe không?” Na hào hứng.

“Nhiều tác hại lắm em không kể hết được, chị cứ lên online đọc, em chỉ nói vài điều nguy hại nhất là ung thư phổi, làm đục thuỷ tinh thể dẫn đến mù lòa, giòn xương, gây rối loạn chức năng cường dương cho nam và ung thư cổ tử cung cho nữ cùng nguy cơ suy tim dẫn đến đột qụy v.v…  Hâyza vậy mà sao người ta nghiện nhiều thế nhỉ? Em bị nó hành hôm qua nay thấy không thể chấp nhận được. Tóm lại, ai nghiện thuốc lá coi như tàn đời.” Giọng Tân chắc nịch.

“Còn nữa sẽ hình thành các nếp nhăn và mau chóng già, hút thuốc còn là con đường dẫn đến ma tuý dễ dàng nhất.” Tân quay sang chị và nhấn mạnh từng chữ như cũng nhắc nhở chính mình.

“Ghê qúa, chị em mình đừng thử nó nhe em,” Na hifive với em.

“Dạ em sẽ không bao giờ.” Tân nghiêm mặt nhìn Na.

“Điều quan trọng là đừng thử nhe các con, bạn bè có rủ rê cũng từ chối và lánh xa những đúa hút thuốc ra,” bố chen vào.

“Dạ, bố yên tâm.”  Hai chị em đồng thanh.

Liên nhớ lại thời học sinh của mình ở Việt Nam đâu được học như vậy.

“Thấm thoát mà đã gần hai mươi năm, nhanh thật,” Liên chép miệng.

Liên xoay mình nhìn lên bức ảnh Tân khoác áo sinh viên y khoa trong ngày khai giảng lòng vui mừng vì con đã giữ đúng lời nói, không hề hút thuốc hay uống rượu cho đến hôm nay. Năm sau con sẽ tốt nghiệp y khoa sẽ đem tài trí để giúp người, giúp đời.

Nước Mỹ thật là một đất nước của cơ hội.

Hệ thống giáo dục Mỹ thật tuyệt vời.

Thời gian qua nhanh như luồng gió thổi, mới ngày nào Tân là cậu bé lên năm được chọn đóng vai bác sĩ trong tuồng kịch “Thỏ Con Bị Ốm” của lớp cuối cấp mẫu giáo.

Rồi hằng đêm cứ cầu nguyện xin Chúa giúp con được thành bác sĩ để cứu người.

Tân qua Mỹ năm chín tuổi nên không được học chương trình mẫu giáo của Mỹ. Tân bắt đầu học lớp cuối của bậc tiểu học cho đến nay. Chương trình giáo dục từ cấp mẫu giáo tới hết phổ thông thường khoảng mười bốn năm. Học sinh là công dân hoặc thường trú nhân được miễn phí hoàn toàn bao gồm cả xe bus đưa đón và ăn trưa, kể cả sách học cũng không phải mua.

“Những trẻ không mắc bệnh nan y ở Mỹ mà không học hết chương trình phổ thông chỉ là lười thôi, không có lý do nào khác.” Bố thường nhắc đi nhắc lại với các con như vậy.

Bốn năm đại học chị em Tân được chính phủ cho học miễn phí vì gia đình thuộc diện nghèo.

Khi vào chuyên nghành y, chính phủ cho mượn tiền học, tiền ăn, ở suốt bốn năm. Sau này làm có tiền sẽ trả dần. Thi được vào trường y khoa là một cố gắng không nhỏ. Học tập càng không dễ dàng.

Tân, sinh viên Y khoa năm thứ tư. Ảnh của tác giả

“Vì con hoàn toàn không thể đi làm thêm như khi học College. Học chuyên nghành y nặng lắm, thầy con nói một ngày học mười bốn tiếng rồi.” Tân ngập ngừng nhìn bố mẹ.

“Bố mẹ sẽ lo cho con tiền ăn, ở; bố sẽ làm thêm việc. Con đừng lo, chỉ lo học thôi. Và chỉ mượn tiền chính phủ đóng học phí thôi. Ok.”

“Con sợ mắc nợ nhiều quá,” Tân vẫn lo.

“Con đừng lo lắng gì, chỉ cố gắng học thôi thì sẽ xong, tuy nhà mình nghèo nhưng chính phủ cho mượn tiền học, con đừng lo lắng, quan trọng là con có quyết tâm hay không. Ở Mỹ trường học luôn tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên. Có vào rồi sẽ có ra, bố chưa thấy ai kiên trì học tập mà không tốt nghiệp cả,” bố khích lệ Tân.

Tân đã vượt qua được ngưỡng cửa này cho đến nay,

“Các bạn con bỏ cuộc nhiều lắm, hai năm đầu bỏ hết năm mươi phần trăm.” Tân kể.

“Vì phải lo làm kiếm tiền cho gia đình hay sao?” Liên thắc mắc.

“Dạ không, nhà giàu lắm, nhiều đứa được cha mẹ đưa đến trường bằng máy bay, nhưng chắc không đủ kiên nhẫn và chuyên cần,” Tân chặc lưỡi.

Rồi cũng sắp xong năm cuối, đúng như lời bố nói với Tân “có vào rồi sẽ có ra,” Tân sắp ra trường sau bốn năm College và bốn năm kiên trì học tập chuyên nghành y.

Tội nghiệp con nhà nghèo mà có chí. Mẹ cám ơn con đã cho bố mẹ niềm vui này. Cám ơn nước Mỹ nhân ái và vĩ đại.

Liên thì thầm trong lòng và đi vào giấc ngủ với nụ cười mãn nguyện.

Quận Cam, mùa Thu 2021

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: