“Đổi đời” – tranh của tác giả

Cuộc đời Ngọc đang êm trôi, vài buổi dậy học, vài buổi đến hiệu thuốc. Chồng Ngọc cũng được về Thủ Đức trông coi bệnh viện Thuỷ Quân Lục Chiến ở căn cứ Sóng Thần, nên hay ghé về thăm vợ con. Vợ chồng con cái đang êm ấm hạnh phúc thì đất nước bỗng thay đổi bất ngờ.

Đầu Tháng Ba 1975, tình hình chiến sự bỗng biến chuyển đột ngột, Việt Cộng tấn công bất ngờ Ban Mê Thuột và nhiều tỉnh miền Trung…

Lúc đó Mỹ cũng đã quyết định bỏ rơi miền Nam Việt Nam, dưới áp lực chống đối mạnh mẽ của dân chúng Mỹ, khi số tử thương của lính Mỹ đã lên hơn năm chục ngàn người. Tổn thất của hai miền Nam Bắc Việt Nam cũng đã lên tới mấy trăm ngàn lính và sĩ quan, thiệt mạng tức tưởi trong những cuộc giao tranh Quốc Cộng.

Phe Quốc gia bị tấn công bất ngờ, thiếu sự hỗ trợ của Mỹ và viện trợ cũng đã bị Quốc hội Mỹ cắt giảm rất nhiều, nên phải tạm thời rút lui theo chiến dịch “di tản chiến thuật”.

Ngọc ở Sài Gòn cũng như mọi người, theo dõi chiến sự trên đài truyền hình Việt Nam và những hãng thông tin ngoại quốc như đài BBC, đài VOA, … Ai cũng thấy rõ cảnh đồng bào miền Trung hoảng loạn bỏ nhà cửa, dắt díu nhau chạy theo quân đội đi về miền Nam. Chiến dịch di tản chiến thuật xảy ra liên tiếp quá nhanh khiến dân chúng hoảng sợ đã bỏ trốn cộng sản bằng đủ mọi phương tiện, chen chúc nhau lên máy bay, tầu thuỷ, xe đò, đi bộ…

Dân di tản từ miền Trung chạy về tới Sài Gòn vào đầu và giữa Tháng Tư cũng kể lại những cảnh hoảng loạn, chen nhau tìm đường sống trên quốc lộ, dân chúng tranh giành đè bẹp nhau lên máy bay, lên mọi phương tiện di chuyển về phương Nam, cảnh người già trẻ con chết đói chết khát trên đường trốn chạy khiến dân Sài Gòn càng thêm khiếp sợ, hoang mang.

Ngọc còn nhớ vào cuối Tháng Tư, khi tình hình đã căng thẳng lắm, đại gia đình các cô chú tụ họp hết ở nhà Ngọc, mọi người lo âu tính chuyện thoát ra khỏi Việt Nam, tránh cảnh chiến tranh đang lan rộng và trốn thoát cộng sản đang tràn tới. Ông chú rể của Ngọc, một thẩm phán toà án quân sự đặc biệt, chuyên xử Việt Cộng, nói nếu cộng sản vào thì tính mạng rất nguy hiểm, nên ông nhất định bằng mọi cách phải ra đi. Ông nhờ một người cháu chở ra bờ sông Sài Gòn tìm cách thoát thân. Khi người cháu trở về, kể rằng ông chú đã lên được một tàu lớn thì vợ chú cùng ba con cũng vội vã đi theo. Thế là đại gia đình Ngọc bắt đầu nháo nhào tính đi cùng.

Anh rể của Ngọc được cử đi ngoại quốc họp nhiều lần, anh chán cuộc sống ở ngoại quốc vất vả, buồn nản, không muốn đem vợ con ra sống ở ngoại quốc. Vợ chồng Ngọc với ba con nhỏ, thấy cảnh chạy loạn miền Trung nguy hiểm cũng sợ. Chồng Ngọc, lúc còn trong quân đội, đã đi tu nghiệp ở Mỹ, ngày ấy chồng Ngọc đếm từng ngày để được về với vợ con, nên nay anh cũng ngại ngần không muốn đi Mỹ nữa. Nhưng khi thấy tình hình đã trở thành nguy hiểm, mọi người bắt đầu tìm cách rời khỏi Sài Gòn.

Người có quốc tịch Tây hay người ngoại quốc lo đi bằng máy bay, đa số vừa kiếm cách đi máy bay vừa lo đi bằng tàu thủy.

Mọi người chạy túa ra đường kiếm cách ra khỏi Việt Nam. Tình hình biến chuyển từng ngày. Mạnh ai nấy kiếm đường ra đi, không có thông báo, hướng dẫn, giúp đỡ gì như hồi di cư năm 1954. Người đồn thế này, kẻ đoán thế kia, chẳng biết tin tức nào đúng và tin tức nào sai.

Một số người có thân nhân ở ngoại quốc chen lấn vào các tòa đại sứ xin đi. Sài Gòn chưa bao giờ hoang mang, náo loạn đến thế. Gia đình Ngọc vô tình tìm được một mối đi Mỹ chỉ tốn 20 đôla một người, do một thư ký ở tòa đại sứ Mỹ có thể ghi tên vào danh sách thân nhân cùng đi Mỹ. Vợ chồng Ngọc không tin vì thấy vô lý và rẻ quá, không ngờ những người ghi tên này vài ngày sau đi được hết.

Tranh “Sóng”. Tác giả: Thanh Ngọc

Trước đó, vào khoảng giữa Tháng Tư, ông anh thứ hai của Ngọc còn đang ở bên Pháp, thấy tình hình trong nước quá lộn xộn bấp bênh đã phone về Việt Nam hỏi rõ chuyện gia đình và gửi ngay giấy bảo lãnh về. Anh còn nhờ hai cậu em vợ, đang du học bên Mỹ, làm thêm giấy bảo lãnh cho từng gia đình anh chị em Ngọc đi Mỹ. Vợ chồng Ngọc cũng nhận được một tờ bảo lãnh, hai cậu này rất cẩn thận, nhờ mấy giáo sư đại học Mỹ giúp bảo lãnh và có chính quyền Mỹ đóng dấu thị thực. Được tấm bùa hộ mạng này Ngọc cũng chỉ biết ôm về nhà, sau nghe nói là giấy gì cũng phải vào trình tòa đại sứ Mỹ đã, nhưng đông quá, chen vào không nổi, nên Ngọc lại ôm giấy tờ về.

Đến cuối Tháng Tư một cô em họ của Ngọc ghé chơi, bảo ai có giấy tờ bên Mỹ bảo lãnh thì vào Tân Sơn Nhất, họ cho đi ngay. Họ chỉ cần biết mình không phải là Việt Cộng và đã có người bảo lãnh ở bên Mỹ bảo trợ. Cô em ghé về nhà lấy thẻ căn cước vào phi trường thì gặp người chị lớn, bảo “chuyện vô lý thế sao tin được, đưa chị đi chỉ mất thì giờ!”. Ngọc cũng thấy khó tin nên lại quay về. Sau này mới biết đó là tin đúng, vì Mỹ lúc đó cho đi dễ dàng những ai có người bên Mỹ bảo lãnh với giấy tờ chứng thực đầy đủ.

Ngày hôm sau một người anh họ rủ vợ chồng Ngọc đi cùng chuyến tầu nhưng Ngọc không đón được mẹ, vì cô em út đang đến ngày sinh con đầu lòng, thấy các anh chị ai cũng cuống cuồng tìm đường đi nên cô cứ đứng ở cửa khóc ròng. Mẹ Ngọc không đành lòng ra đi, nhất định ở lại lo cho con gái sinh nở. Cô em sinh con vào ngày 28 Tháng Tư năm 1975, làm các anh chị cũng kẹt lại hết!

Sau khi đi hụt mấy lần, lúc thấy cả nhà như trong cơn sốt đi theo ông chú đã lên được tầu, Ngọc cũng hoang mang. Thấy Ngọc còn dùng dằng, người cô của Ngọc, có chồng đã bị cộng sản thủ tiêu lúc trẻ, ghé vào tai Ngọc bảo: “Cháu phải đi đi, cộng sản ác lắm, giết người không gớm tay, chồng cháu ở trong quân đội, nhất là Thủy Quân Lục Chiến, chúng không để yên đâu, các cháu đi ngay đi.” Thế là cả đoàn xe mấy chiếc của đại gia đình Ngọc, hối hả chạy nối đuôi nhau theo xe của ông anh họ tiến ra bến Bạch Đằng, ngay gần nhà Ngọc.

Đến một ngã tư, ông anh họ Ngọc chạy cố vượt đèn vàng, cả đoàn xe của đại gia đình Ngọc bị kẹt lại, rồi mất hút luôn bóng dáng chiếc xe ông anh, trong cảnh hỗn loạn nháo nhào của một thành phố đang giẫy chết trong cơn hấp hối. Xe của gia đình Ngọc cũng ra được đến bến tàu, bến tầu người đông như kiến tìm không thấy xe anh đâu, hai vợ chồng Ngọc lòng vòng một hồi đành quay trở về. Về tới nhà, Ngọc thấy ông anh họ cũng đã có mặt ở phòng khách sau khi đưa cô và các em đi, chú rể út thì đang thao thao bất tuyệt bàn chuyện ở lại, chú bảo “sông Sài Gòn họ mới gài đầy thủy lôi”. Thế là cả nhà Ngọc nản lòng, chẳng ai còn lòng dạ nào đi nữa, đành khoanh tay nổi trôi theo vận nước.

Những ngày đen tối hoang mang ấy, nhà nào cũng náo loạn, chạy ngược chạy xuôi tìm đường thoát như những con chuột bị nhốt trong lồng kín. Sau này, Ngọc vẫn tiếc nuối mãi “phải chi ngày ấy cầm giấy tờ trực chỉ Tân Sơn Nhất, phải chi ngày ấy chị dâu và em chồng không có bầu sắp sinh, phải chi chạy ngay đến nhà ông anh chồng cũng còn kịp, phải chi ông anh họ đừng đi cố vượt đèn vàng… thì gia đình Ngọc đã theo chân ông chú lên tàu lớn và mọi người trong đại gia đình đã theo nhau đi thoát hết.

Ngọc phải tự an ủi là mọi chuyện số mạng đã an bài, chứ cứ nghĩ đến những chuyện đi hụt đã làm thay đổi cuộc đời gia đình mình, nhất là khiến người bố thân yêu đã mất trong tù cải tạo, Ngọc cứ đau khổ mãi.

Có lúc Ngọc tưởng như mình đang ngủ mê, gặp cơn ác mộng. Bóng đêm phủ chập lấy thành phố Saigon. Thế rồi cái giờ phút đầu hàng tủi nhục đã đến, tin Dương Văn Minh đầu hàng lan đi rất nhanh, một sự bàng hoàng đau khổ lan tới mọi nhà. Từ đó dân miền Nam sống trong lo âu: Lo đốt giấy tờ, vứt quần áo quân đội, nộp súng và… nằm thượt ra chấp nhận một tương lai đen tối đang tràn tới.

Bố Ngọc đã quyết định không đi vì ông anh cả của Ngọc du học ở Pháp lâu năm mới trở về quê hương chăm lo cha mẹ già. Anh đã tốt nghiệp, có công việc làm tốt ở Ngân Hàng Quốc Gia, mới lấy vợ và chị dâu Ngọc đang có bầu sáu tháng. Hai anh kế của Ngọc còn du học ở nước ngoài, cuộc sống của các anh không ít thì nhiều cũng đã ổn định. Dân Sài Gòn bắt đầu thấy xe tăng và những anh bộ đội dép râu ngơ ngác tràn vào thành phố, những anh cán bộ người đầy súng ống nhưng đầu óc rỗng không về kiến thức khoa học, kỹ thuật mới, đang chia nhau đi tiếp quản cả một miền Trung và miền Nam trù phú văn minh.

Sau những ngày bàng hoàng vì thời cuộc, những toan tính ra đi không thành, Ngọc vẫn tiếp tục đến trường dậy học, tiệm thuốc vẫn mở nhưng không khí căng thẳng, ai cũng chờ đợi những biến chuyển tệ hại…. Chồng Ngọc cũng như nhiều người trong chế độ cũ bị gọi đi cải tạo. Ngọc bỗng bơ vơ ở lại với mấy đứa con nhỏ. Trường Dược có những cán bộ tới dậy chính sách mới và học thuyết Mác Lê. Những anh cán bộ trẻ măng, đầy một mớ lý thuyết, ngây thơ nói lại một mớ giáo điều trước những đôi mắt chịu đựng của ban giảng huấn trong trường.

Ngọc cũng sống chịu đựng như bao người khác. Đời sống bỗng xáo trộn tận cùng, cả tinh thẫn lẫn vật chất. Lần đầu tiên trong đời Ngọc hiểu thế nào là buồn khổ, là phải chịu đựng sự vô lý, áp chế. Những kỷ niệm buồn thương đã hằn sâu trong tâm trí…. Mỗi khi đi làm, Ngọc hay mang món “bánh mì phường khóm” theo.

Sau “giải phóng” ai cũng phải đăng ký sổ hộ khẩu, công an dễ theo dõi mọi người còn dân chúng có sổ đi lãnh thực phẩm. Buổi sáng cả thành phố Sài Gòn, phường khóm nào cũng bán bánh mì giá rẻ, một loại bánh mì nâu có mùi hôi của bột mì cũ và đặc biệt rất cứng, dân chúng hay lén đùa bảo nhau: Bánh mì này ném chó chó chết, ném người người què chân. Không biết công thức pha chế từ đâu, có lẽ không có bột nổi nên bánh mì không thể xốp được. Nhà nào cũng cho người đứng xếp hàng thật dài chờ đợi để mua dù không thích, ai cũng sợ không mua sẽ bị quy là chống đối chế độ và “chắc còn giầu lắm nên không thèm mua đồ phường khóm”.

Nhu yếu phấm gồm gạo, lúc đầu là gạo nâu, đầy mốc và sâu bọ bò lổm ngổm, sau thiếu gạo, bán thêm sắn, khoai lang. Khoai lang đến tay dân chúng thì nhiều củ bé xíu, khoai để lâu luộc lên nặng mùi khoai hà. Dân Sài Gòn vẫn nhiều người còn tiền, mua gạo trắng chợ đen giá đắt, nhưng ai cũng phải đi mua nhu yếu phẩm phường khóm cho khỏi bị dòm ngó dù chỉ để cho người nghèo.

Phường khóm thỉnh thoảng cũng có bán thịt cá, hẹn giờ bán thì dân chúng phải xếp hàng mấy giờ dưới nắng chang chang, khi mua được thì mỗi nhà chỉ được ít thịt đã khô xạm, nặng mùi, vì không được bảo quản đông lạnh, di chuyển chồng chất trên xe dưới trời nắng gắt. Món cá mới thật kinh khủng, con nào cũng ươn, mềm xèo, lòi ruột ra ngoài và bốc mùi ngộp thở. Thực phẩm phường khóm bán rẻ cũng giúp dân nghèo sống qua ngày, chợ búa giá đắt hẳn.

Ít năm sau hết gạo phường khóm quay ra bán bột mì và bo bo ăn thay cơm. Dân chúng chế biến bột mì ra nhiều món, bột mì luộc thành những món bánh dầy, vừa dai vừa đầy mùi ẩm mốc, mì sợi, bún… chẳng món nào thấy ngon, dân chúng vẫn cố nhai, gia đình khá giả phải chịu mua giá gạo tăng vọt. Giá nhu yếu phẩm nhà nước bán tuy không có chất lượng nhưng rẻ hơn nhiều. Nước mắm thỉnh thoảng phường khóm cũng bán, mầu nâu đen và rất nặng mùi. Củi than phường cũng phân phối nhưng than mới hầm nửa chừng và củi thường ướt, đun lên đầy khói.

Ngoài phố thì đầy rẫy đồ cũ trong nhà, dân chúng đem ra bán dần để sống, họ chẳng cần đem đâu xa, cứ để ngay trước cửa nhà, ai đi qua thích thì ghé mua. Thành phố Sài Gòn lúc nầy coi thật khác lạ, người đi đầy phố phường, hàng hoá chẳng thiếu thứ gì bày đầy các ngả đường, giá cả tuỳ tiện, thuận mua vừa bán, cả một thành phố xáo trộn, vừa bề bộn vừa hối hả. Nghề hàng xách bỗng xuất hiện, nhiều người bỗng đổi nghề, lén lút mua bán vàng, mua bán thuốc Tây, quần áo cũ, đứng ở đầu đường xó chợ gặp gì buôn bán nấy để sống qua ngày.

Thủa Sài Gòn mới bị chiếm đóng, những người trong quân đội và chính quyền cũ bị kẹt lại ai cũng lo âu không biết cộng sản sẽ đối xử với họ ra sao. Một số tướng lãnh và giới lãnh đạo chính quyền đã kịp đi Mỹ và các nước khác trước khi cộng sản tới Sài Gòn, một số tướng tá và quân lính, dân sự đã tự kết liễu đời mình khi ông tổng thống vài ngày Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, đa số còn lại kẹt lại đau khổ, ê chề, thấm thía nỗi thương đau thua trận, chấp nhận số phận như cá nằm trên thớt.

Tranh “Thuở Hạnh Phúc”. Tác giả: Thanh Ngọc

Đầu tiên chính quyền mới ra lệnh cho mọi người phải nộp hết súng ống, đạn dược còn lại, không ai được giữ lại bất cứ thứ vũ khí gì, kể cả binh phục… mọi thứ dính dáng đến quân đội cũ đều phải giao nộp hết.

Hơn một tháng sau, khoảng giữa Tháng Sáu 1975, cộng sản ra lệnh tập trung cải tạo các sĩ quan quân đội và giới lãnh đạo cao cấp của chính quyền cũ để học tập chính sách mới. Họ tuyên bố học tập với chính sách khoan hồng của nhà nước, họ thông báo mang theo vật dụng cá nhân và thực phẩm dùng cho một tháng. Mọi người sửa soạn đồ đạc lên đường, tin vào lời hứa hẹn đi tập trung học tập cho biết chính sách mới trong một tháng rồi sẽ về. Giới hạ sĩ quan thì tập trung học tập có ba ngày đã được về, nên mọi người càng tin tưởng một tháng sau mình cũng được về.

Nhưng sự thật ê chề là họ đã lừa để mọi người chui hết vào rọ. Hết một tháng rồi hai tháng, rồi một, hai năm qua đi… vẫn còn mãi trong tù, không có bản án nào, không biết bị giam đến bao giờ, ngày ngày lao động khổ sai, ăn uống rất thiếu thốn, ai cũng gầy trơ xương, bệnh tật không thuốc men, ai trốn trại bị bắn chết tàn nhẫn trước mặt cả trại để đe dọa mọi người đừng mong thoát ra. Có những người bị giam hơn chục năm, ra tù thân tàn ma dại, nghèo đói bệnh tật tàn phá cơ thể.

Ở bên ngoài, dân miền Nam đói khổ, cấm buôn bán, bị đổi tiền, bị đánh tư sản tả tơi, mất hết tự do, bị chính quyền độc tài cai trị, bất tài nuôi dân không nổi, cả nước nghèo đói, nên mọi người lo vượt biên rầm rộ dù biết ra đi rất nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bị bắt có khi bị công an bắn chết, có khi bị bỏ tù, thoát được ra khơi thì gặp cướp Thái Lan, gặp bão, lạc lối, tầu chết máy. Thật là những thảm cảnh kinh hoàng, chỉ vì quá sợ, không sống nổi với cộng sản phải liều mạng ra đi, tìm Tự Do trong cái chết.

Mấy trăm ngàn người Việt đã chết ở biển Đông, thức tỉnh lương tâm nhân loại. Từ đó quốc tế ra tay cứu vớt thuyền nhân và những chương trình bảo lãnh gia đình ODP, chương trình HO dành cho những người bị tù cải tạo trên ba năm được đi Mỹ bằng máy bay an toàn.

Biết bao người vẫn ngậm ngùi thương tiếc, đau khổ khi những ngưởi thân yêu đã mãi mãi chìm sâu dưới đáy biển, trong rừng sâu, không đến được bến bờ Tự Do.

Những người may mắn đến được cũng phải vất vả làm lại từ đầu, trong khi tiếng Anh, tiếng Pháp không rành, của cải mất hết, bằng cấp không còn giá trị. Họ đã cố gắng vươn lên và từ từ ổn định cuộc sống mới, thế hệ con cháu được tốt đẹp hơn nhiều.

Câu chuyện kể lại là những bản bi hùng ca của những người Việt đi trốn chạy cộng sản cần được vang vọng mãi để thế hệ con cháu hiểu rõ cộng sản. không nghe lời đường mật xảo trá của họ và ghi nhớ những hy sinh của thế hệ cha mẹ, ông bà, không quên những nạn nhân xấu số bị cộng sản sát hại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: