Minh họa: pexels-kevin-durango

Nhớ cái dạo sắp đi Mỹ, ngày đi rẫy, tối tối học thêm tiếng Anh. Ông già bì bõm dạy cho cỡ một năm là hết cái chữ.

Mấy anh em kéo nhau xuống phố, tìm thầy giỏi nhất thị trấn đề luyện thêm, nhất là phần phát âm. Học chừng 4, 5 tháng chi đó thì có giấy báo lên đường. Thầy chúc mừng cả đám và chia tay, không quên dặn về phải tiệc tùng chết bỏ.

Dạo đó về quê ai hỏi lâu nay đi đâu vắng? Mình nhún nhường trả lời là đi xuống phố tìm thầy kiếm thêm vài chữ tiếng Anh. Trả lời xong tự nhiên thấy hai cánh tay khuỳnh ra, bộ dạng khệnh khạng, ngó như ông tướng ba sao. Không cưỡng được. Lạ thế.

Qua nhà đứa bạn chơi. Tình cờ thấy quyển sách dạy tiếng Anh, mình cầm lên đọc veo veo. Giọng khi trầm khi bổng, chắc là hay lắm. Thấy đọc xong một đoạn nghỉ lấy hơi là con chó trước sân đập đuôi đứng bật dậy, ngẩng cổ “gâu, gâu” xong nằm xuống gật gật đúng hai cái rồi nghểnh cổ y như muốn nói “Được! Được! Tiếp!”.

Mình phấn khởi lắm, đọc liên tiếp mấy bài, văng cả nước miếng. Đọc xong bài nào là quăng quyển Anh văn lớp 6 đó cho thằng bạn chọn bài kế tiếp, chứ mình không chọn bài tủ. Chấp hết!

Qua khỏi bài thứ ba thì thôi. Thằng bạn nó phục mình quá, lác cả mắt, thiếu đường phải đi thẩm mỹ viện bẻ lại cho thẳng.

Minh họa: pexels-david-buchi

Chuyến máy bay đầu tiên trong đời đi từ Sài Gòn sang Bangkok có đầy hứng thú. Chỉ có sự cố nhỏ khi đi toilet. Dạo đó không đến nỗi quê đến mức không biết ngồi chỗ nào. Nhưng xong việc thì hơi gay. Nhìn phía sau thấy có một chữ “Push” hay “flush” gì đó đại khái chữ nào mình cũng biết hết a, cộng thêm cái mũi tên chỉ vào cái nút nữa. Tự tin vào khả năng Anh ngữ cũng như trí phán đoán cực kỳ sáng suốt của mình, mình mạnh dạn ấn nút, nghe nổ cái bùm giật thót cả người. Cha sinh mẹ đẻ có khi nào toilet kêu như bom nổ vậy. Thấy của nã trôi sạch, nghĩ là bấm đúng nút rồi. Tuy nhiên, cũng hơi lo, nghĩ dại dại có khi nào mình bấm lộn cái nút nào, nổ máy bay cái là chết cả làng.

Sang Mỹ, ngoài chuyện đi học ESL thì ai kêu gì làm nấy. Hốt rác, cắt cỏ, bưng phở, chở đồ,… có đủ. Một vài tháng sau thì hai anh em có thêm route bỏ báo. Khoảng năm 1993, lương kỹ sư điện toán mới ra trường cỡ 30K/năm mà hai anh em bỏ báo một tháng kiếm được $1,500, không ít. Tiền này lại không phải đóng thuế.

Xăng hồi đó chừng $1.5/gallon. Trung bình bốn ngày đổ xăng một lần. Thay bugi, thay nhớt, thay thắng thì làm thường xuyên nhưng tôi tự làm được. Lốp xe thay hàng năm, mỗi bánh xe chừng $35 tới $50. Trừ mọi chi phí thì một tháng cũng còn được $600/người.

Nghề bỏ báo có cái cực là làm quanh năm. Đi chơi xa cũng phải về trong ngày. Đau bệnh cách gì cũng không thể nghỉ vì không ai có thể làm thay được. Hai đứa chia nhau bỏ báo hai phía của một con đường mà thử đảo vị trí là đã khó khăn, huống thay là nhờ người khác. Nếu ban ngày mình nhớ từng căn nhà thì ban đêm cũng thua, vì nhìn ban ngày và ban đêm khác nhau dữ lắm.

Mùa lễ lạc, người ta vui chơi thì mình làm việc cực hơn vì báo dày và nặng hơn bình thường rất nhiều. Hồi đó quảng cáo báo giấy còn thịnh hành nên cứ cuối tuần và cuối năm (từ cuối tháng 11 tới hết New Year) là khi nào cũng mỗi nhà một xấp báo dày 4-5 phân, nặng 1-2kg là thường.

Một lần vừa ném báo vào một nhà nọ, trúng cửa nghe cái rầm thì một ông mở cửa bước ra làm mình xanh mặt. Vì hai anh em phải giao hơn 300 tờ, nên chỗ nào thuận tay là ném vào cho lẹ. Thỉnh thoảng lỡ tay ném vào, báo nó trượt trên sàn mới đụng cửa.

Ông chủ nhà ấy mở cửa ngoắt mình lại. Nhìn tướng to con, đầu trọc, râu quai nón, rất dữ tợn, mình lo muốn sụm cái giò. Ổng hỏi “mày có nghe tiếng ồn không?”. Mình gật đầu lo lắng chờ đợi. Ổng tiếp “ở ngoài nghe to vậy chứ ở trong nghe còn to hơn”. Ui cha! Ổng mà cho một đấm thì mình gãy vài cái xương sườn như chơi. Nhưng không, ổng nói tiếp “từ nay đừng ném trên porch; ném trên steps á”. Nói xong mở ví móc cho $20, gọi là tips (tôi nhớ, tiền họ trả cho toà báo mỗi tháng chỉ $22.50). Mừng thiệt! Vừa đi mà vừa nghĩ hay mình kiếm thêm vài nhà có cửa sắt như vậy mà nện báo vào ngay giữa cửa coi sao. Có khi được cả $100 không chừng.

Lại có một nhà khác nằm bên sườn đồi. Đường vào xuống dốc, vừa nhỏ vừa uốn lượn, mà một bên thì vách một bên thì vực. Vào rồi quay đầu xe thì rất mất công nên chỉ còn cách chạy lùi. Khó là chạy lùi mà lên dốc và uốn lượn. Phải rú ga chạy cho có đà và đánh tay lái cho chính xác, vì nếu đang giữa dốc mà để xe chạy chậm lại là tiêu. Lúc đó mà rú ga là bánh xe trượt. Lại phải chạy xuống lấy đà để lên lại. Năm nào tới mùa lễ cuối năm cũng để ý coi nhà đó họ cho tiền tip bao nhiêu mà suốt bốn năm bỏ báo, họ không cho một đồng nào, chán thiệt.

Minh hoạ. Ảnh UV

Có dạo cứ hay bị mất báo. Mỗi lần mất 4-5 tờ. Biết là có đứa phá nên bỏ báo xong phải ở lại chạy quanh canh chừng. Canh gắt gao mà có khi cũng mất 1-2 tờ. Canh chừng như vậy cả tháng rồi tự nhiên hết mất. Một thời gian sau có một anh tình cờ kể rằng anh bắt tại trận cái thằng ăn cắp báo của ảnh. Ảnh nói cho manager đuổi cổ nó liền. Nó sợ quá dọn nhà đi tiểu bang khác rồi. Thằng đó ở cùng khu chung cư với anh. Nó cũng có một route báo nhưng ít tờ quá nên muốn chiếm của mình. Nó quen biết nhậu nhẹt với ảnh mà chơi xấu quá. Vì chỗ nhà kho chuyên giao báo đó có tới 80% nhân viên là người Việt nên khỏi cần giải thích thêm về gốc gác anh chàng nọ.

Khoảng 3 tới 4 giờ sáng là xe container họ chở báo tới kho. Báo được cột thành từng bó và chất lên từng xe đẩy. Mình lấy mỗi thứ một mớ theo đúng số tờ, đem về bàn dài, rồi lấy mỗi tờ mỗi thứ nhét vào nhau thành một xấp. Bình thường thì cuộn nó lại rồi dùng dây thun buộc. Trời mưa hay sương ướt thì cuộn nó lại bỏ vào bao nylon. Bao nylon hay dây thun gì mình cũng phải trả tiền mua. Nylon đắt hơn nên chỉ xài khi cần.

Thường thì ai cũng lấy thêm một vài tờ đề phòng thiếu hụt. Nhưng với cái đà lấy thêm như vậy, toà báo in thêm một số lớn dự phòng mà vẫn cứ thiếu. Người lấy sau bị hụt báo, họ phải đi gom báo ở mấy chỗ thùng đặt bên ngoài về bổ sung. Họ nói bao nhiêu lần là đừng lấy dư, mà mình cũng không nghe nên họ tức lắm. Một lần sếp lớn ở trên xuống, không ai biết mặt sếp lớn nên cứ “vô tư” làm như cũ. Đợi mọi người lấy báo xong, ông bắt đầu dẫn mấy tay manager đi kiểm tra, bắt đếm lại.

Hồi giờ bọn tôi có đi restroom ở đó đâu, mà bữa đó tự nhiên cậu em tôi đi restroom. Đi về thì ngang qua chỗ mấy ổng đang đếm báo. Nó hỏi tôi có lấy dư không? “Có”. “Mấy tờ?”. “Một tờ”. Nó liền xé ngay một tờ quăng ra phía trước. Khi mấy sếp tới đếm thì đúng là dư một tờ bị rách. Hú hồn. Cú đó tới mấy người bị đuổi. Thấy họ lủi thủi cúi đầu ra về mà tội nghiệp. Mấy tay manager cũng điêu đứng vì phải tập trung lại chạy cật lực để đi bỏ báo thay cho mấy người kia.

Năm thứ hai ở Mỹ bắt đầu vào college. Lớp Anh văn đầu tiên đụng ngay một cô giáo cực xinh. Chả biết cô giáo người gốc gác chỗ mô. Tóc hơi nâu, mắt nâu, da không trắng lắm, dáng người cũng chỉ cao hơn gái Việt trung bình một chút. Tuổi thì e còn nhỏ hơn mình. Nước da mịn như trứng gà bóc. Nói đã hay, cười đã mê ly, nheo mắt nhăn mũi thì thôi rồi, đến ngáp cũng hấp dẫn, thậm chí hỉ mũi cũng có duyên tệ.

Mình khi nào cũng vào lớp sớm một chút, chiếm chỗ ở bàn nhất hả mồm ngắm cô giáo dạy. Cứ ước chi mình lấy được cô giáo này thì thích lắm. Một lần cô ra bài, viết một bài luận về bất kỳ đề tài gì, miễn sao dài ít nhất bốn trang. Thế là mình nhân cơ hội này viết thư bóng gió tỏ tình. Quyết tâm có thừa nhưng tiếng Anh thì thiếu. Nghĩ mãi cuối cùng quyết định viết bằng tiếng Việt cho thật hay rồi sẽ dịch sang tiếng Anh sau.

Viết xong bản tiếng Việt thì ra thư viện ôm mấy quyển tự điển dày cộp để tra và dịch. Phần mô tả người ngợm với tứ chi thì dịch ngon, mình nghĩ vậy. Khó hơn chút là tả nhan sắc mắt mũi miệng… Tới khi này thì đôi lúc cũng phải sửa bản gốc tiếng Việt một chút mới dịch được. Ví dụ khi không dịch được chữ “mơ huyền”, mình đổi nó thành “mơ mộng”. Mơ là dream, mộng cũng là dream. Vậy “đôi mắt mơ mộng” dịch sang tiếng Anh là “two eyes dream dream”.

Tra muốn nát mấy quyển từ điển, rồi bài dịch cũng xong. Đọc lại thấy phấn chấn lắm. Mơ hồ ảo ảo như hút cần sa. Mình in bài văn đem lên trường, kéo một thằng Mỹ chính gốc học chung lớp vật lý, vào một phòng trong thư viện, nhờ nó đọc qua cho mình chút. Thằng này đọc lướt qua, rồi đọc lại kỹ hơn chậm hơn. Mặt thấy hơi quê quê. Mình nghĩ, rồi, thấy chưa, không ngờ ông đây viết tiếng Anh hay như vậy phải không? Không chừng nó đang nghĩ cách đưa bài viết của mình đăng báo, gọi là làm gương cho những ai buổi đầu học tiếng Anh. Mình nghĩ phen này cô giáo cũng phải chết lên chết xuống với mình đây. Mê văn chương mình là cái chắc, khỏi bàn.

Thấy nó chần chừ, mình hỏi sao, có ok không? Nó ngần ngừ rồi trả lời “I understand… nothing”, làm mình bật ngửa. Nó chỉ một đoạn rồi hỏi tại sao thấy người đẹp lại suffocate (ngạt thở), hay diarrhea (đau bụng té re)? Rồi “beautiful suck soul” có nghĩa là gì?

Trời đất, “beautiful suck soul” nghĩa là “đẹp hút hồn”, có vậy thôi mà không biết. Còn ngạt thở, đau bụng thì ý của mình là nói nhan sắc cô ấy làm mình quên thở. Và mơ ước làm lòng mình xốn xang. Toàn những lời hay ý đẹp mà sao dịch sang tiếng Anh nghe kỳ cục vậy cà?

Chữ “ham muốn trần tục” mình dịch thành “evil desire”, nó nói đừng. Nếu phải dùng thì nên thay bằng “mundane desire”, nhẹ nhàng hơn. Có nhiều chỗ lắm, mà chỗ nào cũng “quỷ khốc thần sầu” như vậy cả. Nghe nó nói mà mình đơ cái đầu luôn.

Mình ra về buồn lắm, nhưng không thể bỏ cuộc. Nghe theo lời thằng ấy, mình cố gắng nghĩ bằng tiếng Anh để viết ra tiếng Mỹ. Nghĩ đơn giản thôi, nhưng nghĩa phải hiểu rõ ràng. Viết xong đọc lại thấy rất buồn vì không còn đâu là thơ mộng hay bay bổng nữa cả.

Đưa bài lên cho ông ấy đọc lại. Hắn đọc nhanh rồi gật đầu nói “much better”. Rồi hắn nói tiếp “Hôm nọ ông tả người đẹp như khỉ đột (chimpanzee). Thư này được rồi nhưng đợi cuối khoá rồi đưa. Sang năm cô ấy còn dạy mà. Hết học lớp đó đã rồi mới tính tới”.

Cuối khoá mình nộp bài luận. Cô nói “thank you, you are a good student”, không quên phát cho một nụ cười làm mình rụng tim. Tuần sau mình hồi hộp chờ phản ứng của cô thì hôm đó có người dạy thế. Ông thầy dạy thế nói là cô giáo nghỉ để làm đám cưới rồi sau đó đi tuần trăng mật luôn. Ôi tê tái! Buồn quá lại nghĩ bậy bạ rằng có khi nào mình viết văn dở quá, cô giáo bất mãn bỏ đi lấy chồng chăng.

Minh họa: pexels-jimmy-teoh

Thời gian sau đó, mình vớ được một cô sinh viên gốc Việt như mình. Đang loay hoay không biết nên viết thư với cổ bằng tiếng Việt hay tiếng Anh thì may quá, cô nói em không thích văn chương, chỉ thích bánh kẹo. Mình đi chợ chuyên cần, nên về sau cưới được cô ấy.

Khi cô ấy có thai, đường huyết cao quá, bác sĩ bắt kiêng ăn, nhất là ăn ngọt. Thấy vợ thèm thuồng tội nghiệp, mình nói chơi, hay là mai mốt gọi tên ở nhà cho con là “Bánh”? Tưởng nói chơi ai dè “chết tên”. Hai đứa, một đứa “Bánh”, một đứa “Kẹo”. Nhà khi nào cũng nghe đầy bánh kẹo. Đời ngọt ngào thế còn gì hơn?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: