Minh họa: Pixabay

Máy bay đáp xuống phi trường Seattle vào khoảng giữa trưa. Trời đượm mây mù xám ngắt. Nhìn ra khung cửa thấy cả một khoảng không gian bát ngát đồi núi chập chùng. Lác đác bóng người nhỏ xíu mặc áo công nhân màu xanh đọt chuối, đầu đội mũ nhựa trắng đang làm nhiệm vụ hướng dẫn máy bay vào chỗ đậu. Văng vẳng tiếng người tiếp viên phi hành phát thanh rè rè qua loa báo thời tiết và nhiệt độ bên ngoài. Mọi người nhốn nháo đứng lên chuẩn bị mở ngăn phía trên để lấy hành lý xách tay. 

Trong lòng như còn đang đi trên mây. Tôi bước ra khỏi khoang máy bay cùng với dòng người mang túi xách tay bằng nylon trắng có in hình IOM màu xanh dương đậm của Liên Hiệp Quốc. Đi cạnh anh bạn người Cái Bè nguyên là Đại úy quân đội trước đây. Anh bảo:

– Gia đình chú đúng tiêu chuẩn hai vợ chồng tay dắt đứa con. 

 Tôi chỉ cười rồi xếp hàng theo chỉ dẫn của nhân viên sở di trú để làm thủ tục nhập cảnh vào nước Mỹ. Sau đó chờ chừng khoảng hơn hai tiếng đồng hồ nữa để chuyển máy bay đi tiếp về Los Angeles, nơi cư ngụ của gia đình người bảo trợ định cư.

Minh họa: Pixabay

Khác với Seattle, phi trường Los Angeles rất lớn, đông người và nhộn nhịp hơn, máy bay đủ loại với nhiều tên hãng hàng không khác nhau đậu chật kín dãy nhà ga. Trời mới nhá nhem tối mà đèn chớp sáng lóa khắp nơi. Nhìn thấy kiến trúc hình hai nửa vòng cung đan lẫn với nhau bằng bê tông bên cạnh chữ LAX vươn lên trên nền trời cao màu xanh thẫm mà trong lòng rợn lên một cảm giác đầu tiên về sự vĩ đại của nước Mỹ.

Mới ra tới cửa phòng nhận hành lý. Ồn ào náo nhiệt đủ mọi thứ tiếng nói. Tiếng Việt bắt đầu ơi ới. Nghe mừng lắm. Từ xa tôi đã nhận ra ngay người bạn học cùng khóa Quốc Gia Hành Chánh mới đi Mỹ theo diện HO trước đây khoảng 6 tháng, được Hội QGHC cử ra phi trường đón gia đình chúng tôi. Bên cạnh là người em cột chèo đang giới thiệu vợ chồng người bảo trợ mà lần đầu tiên tôi mới gặp.

Đang còn ngờ ngợ vì chung quanh quá đông người tôi còn chưa tỉnh ngủ thì từ xa cách đám đông chừng mươi thước một người đàn ông ăn mặc com-lê chỉnh tề vượt qua đám đông tiến gần đến bên vợ chồng tôi. Khi nhận ra, tôi suýt bật kêu trời thành tiếng.

– Sao bạn biết ngày giờ mình sang đây mà ra đón.

– Mình liên lạc với Hội QGHC, họ cho mình biết.

Hai anh em ôm nhau mà muốn trào nước mắt. Thân nhau và khắng khít từ thời niên thiếu nhưng rồi thời cuộc mỗi đứa một nơi. Giờ đây trên đất Mỹ mênh mông nhưng lòng bạn không lạnh mà còn tìm kiếm để gặp nhau cho thỏa chút tình năm cũ.

Minh họa: Heidi Palmer/Unsplash

Giữa đêm khuya khoắt ba mẹ con bơi xuồng suốt đêm từ Mỹ Hạnh Trung trong bưng kênh Mười Hai ra tới ngã ba Tân Hội neo chờ sáng.

– Tới đâu rồi con?

– Con đây nè má.

Đứa nhỏ đang ôm chiếc nóp lên bờ lủi vào bụi rậm nằm cho đỡ gió khi nghe tiếng mẹ gọi lật đật ngồi bật dậy day mặt qua hướng bờ kinh trả lời. Mẹ và chị gái vẫn còn ngồi trên xuồng nghe ngóng động tịnh. Khi văng vẳng xa xa có tiếng gà gáy sáng ba mẹ con mới lội lên bờ lộ đất đỏ lầm lủi dắt nhau lần ra gần mé lộ Đông dương để đón xe đò đi Mỹ Tho.

Quanh quẩn một hồi lên xuống hỏi thăm, rồi cũng tìm ra được nhà dì Sáu, người bà con bên ngoại. Sau khi kể rõ gia cảnh và muốn ở đậu một thời gian để kiếm việc làm sinh sống nuôi con. Dì Sáu thương ba mẹ con nên đồng ý cho ở tạm trong căn chái lá bên hông nhà. 

Thật ra ở xóm vựa cá bình dân rất dễ sống, nhưng khó khăn nhất là việc học hành cho mấy đứa nhỏ. Từ trong bưng ra không có giấy tờ hợp lệ nên điều đầu tiên dì Sáu phải nhờ người môi giới đi gặp ông thư ký hộ tịch ở Tòa án Mỹ Tho giúp làm đơn xin giấy Thế Vì Khai Sanh cho hai đứa nhỏ với chi tiết là cha vô danh cho đỡ rắc rối, khai theo họ mẹ và ông còn thương tình tự động đổi tên gọi đứa nhỏ là Tới thành ra Nguyễn văn Thới cho dễ gọi và mang hơi hướm là người ở chợ. 

Sau đó không lâu gia đình ba mẹ con cất một căn nhà lá ở luôn trong xóm vựa cá. Hai chị em đi bộ buổi trưa hằng ngày đến trường Tiểu học Tỉnh lỵ ở bên kia Cầu Quay non chừng một cây số.  Buổi sáng ở vựa cá làm tạp dịch hay lựa cá với mẹ. Nhớ hôm đầu tiên qua chơi ở nhà hắn, mới bước tới đầu đường vào xóm đã nghe mùi cá tanh, ươn thối chịu không nỗi. Hắn cười nói

– Ở lâu rồi quen không nghe thấy mùi tanh nữa.

Tôi thương hắn lắm, nhà nghèo đi học chỉ “nhất y nhất huởn”, áo trắng tay ngắn bạc màu, cổ áo rách, mạng chỉ may nhiều đường, quần cụt đen rộng thình, tưa viền. Người da đen bánh mật, chân cẳng đen thui, mốc cời mốc thít. Tóc dầy như rễ tre bờm xờm phủ vắt ngang cặp mắt to đen như mắt của người “Chà Và.” Hắn học giỏi nhất trường. Thầy thương nhưng có rất ít bạn. Ba mẹ tôi cũng thương hắn cố bảo tôi rủ hắn về nhà chơi, nhưng không bao giờ. Hắn nói là mắc cỡ và ngại. Suốt gần hết những năm trung học tôi chơi thân với hắn. Nhà trường dành cho hắn nhiều học bổng và trong suốt 7 năm liền hắn là đứa duy nhất lãnh phần thưởng ưu hạng của trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. 

Lên Sài Gòn, hắn thi đậu vào tất cả các trường có thi tuyển thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Thời bấy giờ sinh viên thường hay kháo nhau “nhất Y nhì Dược”, nhưng hắn lại quyết chọn vào trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc. Ước mơ của hắn là trở thành Kỹ sư Nông Nghiệp.

Thời gian nầy hắn hay qua chơi ngủ lại đêm ở ký túc xá QGHC với tôi. Cơm ở câu lạc bộ QGHC khá hơn bên Đại học xá Minh Mạng, ngoài ra còn được mua nhu yếu phẩm đường sữa… với giá cung cấp. Cuối tuần hai đứa ra xe lô Minh Chánh về Mỹ Tho thăm nhà. Hắn vẫn còn nhớ và yêu mến xóm vựa cá mùi tanh chịu không nổi của hắn.

Ra trường nhận bằng kỹ sư với thứ hạng cao hắn được các giáo sư giới thiệu về làm ngay trong Trung tâm Khuếch trương Xuất cảng là cơ quan tự trị trực thuộc Bộ Kinh tế, lương chuyên viên gấp ba, bốn lần người mới tốt nghiệp đại học. Được chỗ làm tốt, lãnh đạo quan tâm, hắn chứng tỏ là một chuyên viên có nhiều tiềm năng thật sự. Lúc bấy giờ ở cơ quan hắn làm, đa số nhân viên là các chuyên viên du học tốt nghiệp ở nước ngoài về phục vụ theo chủ trương khuyến khích của chánh phủ. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển rất nhanh cả về cơ sở sản xuất lẫn phương diện quản lý.

Minh họa: Steve Douglas/Unsplash

Gần cuối năm 1974 hắn đủ điều kiện giành được một suất học bổng do cơ quan USAID tài trợ đi Mỹ du học Master về ngành Quản lý Nông nghiệp trong hai năm.

Trước khi đi hắn điện nhắn tôi về Sài Gòn chơi tâm sự vài ngày. Tôi biết hắn mang hoài bão rất lớn về những thay đổi trong xã hội Việt Nam, nhất là vùng nông thôn. Cớ sự hắn học Cao đẳng Nông Lâm Súc là vậy. 

Cách đây nhiều năm, có lần tò mò tôi hỏi thăm về ba của hắn. Hắn  kể cho tôi nghe sự thật là ba của hắn trước đây theo cộng sản ở trong bưng. Mẹ hắn thấy khổ quá không tương lai, nguy hiểm không biết sống chết ngày nào và điều chắc chắn là con cái sẽ thất học. Nghĩ như vậy nên ba mẹ con mới lợi dụng ngày cuối năm dễ dàng đi lại, chờ nửa đêm chèo xuồng trốn đi biệt xứ, ra xóm vựa cá sống cho đến ngày hôm nay. 

Sau một thời gian khi ba mẹ con rời khỏi bưng kênh Mười Hai ra chợ, ba hắn lập gia đình mới, được hai con vẫn ở trong bưng và đã mất cách nay vài năm trong một cuộc giao tranh, đụng độ với lính địa phương.

Rời Sài Gòn hắn sang Mỹ du học ở trường Đại học thuộc tiểu bang Texas. Được chừng hơn sáu tháng cho đến Tháng Tư năm 1975 cộng sản chiếm toàn miền Nam, chế độ VNCH sụp đổ kéo theo sự cắt đứt mọi viện trợ cho miền Nam, trong đó hủy luôn các học bổng dành cho viên chức VNCH hiện đang du học tại Mỹ. Hắn không thể tiếp tục học và đồng thời mất phương hướng. Mộng càng cao, vấp ngã càng đau. Những tưởng ngày thành tài trở về phục vụ đất nước cho thỏa chí bình sanh. Nào ngờ… 

Hắn được chính quyền Mỹ chuyển qua dạng người tỵ nạn và tìm kiếm việc làm bình thường để sinh sống.

Sau một vài năm, khi mọi việc tương đối ổn định hắn trở lại trường và theo học nốt chương trình Master về Quản lý Nông nghiệp. Tốt nghiệp hắn được tuyển vào làm việc ở cơ quan Lương Nông Quốc Tế, Liên Hiệp Quốc.

Lúc bấy giờ nhà nước Việt Nam bắt đầu mở cửa quan hệ với các nước bên ngoài. Hắn là một trong những người đầu tiên trở về Việt Nam với danh nghĩa Việt kiều. Lần lượt hắn bảo lãnh sớm cho mẹ và gia đình chị gái sang Mỹ định cư ở San Diego. Hắn còn nghe lời mẹ về xã Mỹ Hạnh Trung, tận trong bưng kênh Mười Hai để tìm thân nhân bà con quen biết trước đây. Hắn tìm gặp được hai chị em cùng cha khác mẹ với hắn, trong đó có người em trai là Tư Đâu hiện làm cán bộ cấp ủy trong chính quyền huyện Cai Lậy. Ban đầu còn dè dặt vì chưa sinh hoạt gia đình bao giờ nhưng sau nầy lâu dần nhận ra sự chân tình của hắn. Tới, Đâu, hai anh em bắt đầu thân thiết với nhau.

Hơn nữa, lúc bấy giờ có chủ trương tuyên truyền của nhà nước đánh giá cao Việt kiều về nước hợp tác làm ăn. Nhất là Việt kiều trí thức đi trước năm 1975 và có chân trong các cơ quan quốc tế nên hai anh em thường lên Sài Gòn quan hệ với các giới chức ở thành phố Sài Gòn mỗi khi hắn về nước. Sau cùng người em móc nối hắn với các viên chức thân cận của Bí thư thành ủy VVK. Hắn về Việt Nam thường hơn. Không còn làm ở cơ quan Lương Nông Quốc Tế nữa. Chỉ nghe nói là hắn đang cố vấn nhập ổ khóa tay bằng đồng thiết kế cho các building lắp đặt cửa kính đang phát triển ồ ạt trong các công trình xây dựng lớn cấp thành phố.

Năm 1989 sau khi tôi ra tù vượt biên hắn có xuống tận Cai Lậy tìm thăm và là người đầu tiên nói với tôi rằng hãy yên tâm chờ đi Mỹ trong một vài năm sắp tới. Hắn tặng cho tôi một số tiền lớn để mở sạp guốc dép bề thế hơn ở chợ. Hắn cười đùa.

– Lưu Bị bán dép chờ thời. 

Minh họa: Pixabay

Xe ra khỏi phi trường Los Angeles khi trời vừa tối, trên đường về Long Beach xe cộ nối đuôi nhau như một con rắn khổng lồ được thắp sáng toàn thân đang lượn mình lên xuống, quanh co. Đường về trên freeway với cảnh quang như thế đã dấy lên trong lòng tôi một sự háo hức khó tả, nhất là khi ngồi trong xe bên cạnh người bạn mà mình quen biết từ thuở nhỏ rất thân. Thật yên tâm.

Sau bữa cơm thịnh soạn do gia đình người bảo trợ khoản đãi, khi mọi người ra về hết hắn còn nán ở lại tới khuya hỏi han nhiều điều. Hắn cho địa chỉ và số phone để liên lạc sau nầy. Qua câu chuyện tôi mới biết là hắn đang làm tư vấn (counselor) cho một trường Đại học Hàm thụ ở Tustin, California.

Tôi không nghe nói gì về đời tư của hắn và hiện nay hắn sống độc thân trong một căn nhà hai phòng rất giản dị. Cứ hai tuần hắn về San Diego thăm mẹ và gia đình chị gái. Cho tới giờ hắn vẫn sống lành mạnh không nhậu nhẹt hay bia rượu, cà phê, thuốc lá. Tôi với hắn có cùng chung sở thích là thường hay ăn đồ chay, chỉ đậu hũ chiên, kho với đậu đũa và tương hột.

Bẵng đi một thời gian, hắn tự nhiên về Việt Nam ở lại lâu hơn. Tôi có hỏi, hắn bảo trường cần tuyển du sinh từ Việt Nam cho nên hắn có văn phòng đại diện tại Việt Nam để làm công việc do trường giao phó. Bấy giờ là vào khoảng năm 1995, phong trào du học sinh, sinh viên Việt Nam tới Mỹ chưa rầm rộ. 

Được chừng đôi năm, trong những chuyến trở về Mỹ từ Việt Nam hắn có ghé nhà thăm và chơi với gia đình tôi. Có lần tôi theo hắn về San Diego thăm gia đình mẹ và chị gái. Tâm sự với bác gái tôi được biết mọi việc trong gia đình hắn đều lo tươm tất, từ nhà cửa cho đến công ăn việc làm của các cháu. Duy nhất có một điều là hắn không chịu lập gia đình, mặc dù tuổi cũng đã gần 50. 

Sau nầy tôi mới biết lúc mới ra trường làm việc ở Sài Gòn hắn ở trọ chung nhà với một người bạn học cũ, quê ở Phan Thiết. Thỉnh thoảng có người em gái của bạn vào Sài Gòn thăm anh và ở lại nhà. Chắc hắn thương thầm vậy thôi. Không ai biết vì tính tình rất kín đáo và hay mặc cảm ít khi tiếp xúc quan hệ, nhất là với đàn bà con gái. 

Bác gái cho biết hắn về Việt Nam có tìm ra cô gái người Phan Thiết năm xưa, nay đã có chồng và có hai con trai, hắn đã làm giấy tờ bảo lãnh cho ba mẹ con qua Mỹ cũng định cư ở San Diego nầy và mới đây gia đình cô ấy cũng đã đoàn tụ với chồng.

Khi nghe mẹ nói là muốn tới trăm tuổi già được về an nghỉ nơi quê nhà. Hắn đã lo sẵn sàng mọi chuyện và đã về Việt Nam xây kim tĩnh xong rồi.

– Việc gì của ai nó cũng lo được, chỉ việc của nó là không ai lo. Bác gái nói.

Tôi nín lặng thinh mà trong lòng dấy lên một niềm cảm xúc vô biên.

Cuối năm 1997, một người bạn chung của tôi và hắn báo tin cho biết là hắn đã phát hiện ra bệnh ung thư gan thời kỳ cuối. Hắn quyết định không cho ai biết và sẽ không về lại Mỹ cho đến khi qua đời.

Chiều Long Beach trời mưa lớn tôi nghe tin hắn qua đời ở Việt Nam, thi hài do Tư Đâu đem về chôn cất trong kim tĩnh do chính hắn xây, dự tính là cho mẹ, ở quê ngoại của hắn bên Cầu Vỹ, Mỹ Tho. 

Hắn đã lo được cho chính hắn trong việc sau cùng nầy của đời người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: