Hồn thiêng sông núi đã đón anh về đất Mẹ

Thành kính gửi đến hương hồn anh Nguyễn Văn Ba

19.. – Chủ Nhật 28 Tháng Mười Hai, năm 1980

___

Buổi sáng Tháng Mười Hai ở Bắc California, San Jose, trời se se lạnh…

Tôi còn đang ngái ngủ thì con bé bước vào phòng, hôn lên trán tôi và thì thầm: “Mom ơi, dậy uống thuốc trước khi con đi làm nhen Mom”. Tôi trở mình. Con bé nhẹ nhàng đỡ tôi ngồi dậy. Tay nó cầm một nhúm thuốc và ân cần đưa ly nước trà ấm cho tôi. Thuốc của người mang căn bệnh ung thư thời kỳ cuối.

Mỗi lần con bé đưa thuốc cho tôi, tôi luôn nhìn thấy giọt nước mắt long lanh trong khóe mắt, trên khuôn mặt tươi hồng của nó. Rồi tôi lại nhớ về giọt nước mắt của tôi dành cho anh Ba.

Lúc đó, quá khứ lại quay về…

Ảnh: BB Ngo

***

Vượt biển

Tôi và người chị họ bước ra khỏi nhà, lên xe đi xuống Long Xuyên. Chuyến vượt biên đã được chuẩn bị kỹ. Mẹ ôm tôi thật chặt, gương mặt thất thần dặn dò đủ thứ. Mẹ ôm tôi như chừng bà sắp mất đi một vật quý trong đời mình.

Đoạn đường từ Sài Gòn xuống Long Xuyên, rồi vào “nhà chờ” là căn chòi giữa đồng ruộng hoang vu, mất cả một ngày. Tôi nhớ rất rõ, hôm đó là 23 Tháng Mười Hai. Giáng Sinh đang cận kề.

Chúng tôi đợi ở đó hai ngày. Tôi không có đồng hồ, nên không rõ nhóm tổ chức chuyến đi đến từ lúc nào, chỉ biết là trời tối lắm. Họ hướng dẫn chúng tôi băng qua cánh đồng rồi bước xuống chiếc ghe nhỏ. Trời tối đen như mực. Tôi chỉ nghe tiếng nói xì xào, không rõ mặt người. Tôi đoán có khoảng chục người ở đó.

Chiếc ghe nổ máy và lướt đi trong đêm tối. Một con bé 13 tuổi như tôi lúc đó chỉ cảm nhận mơ hồ là có chuyện quan trọng sắp xảy ra. Mọi người âm thầm, lặng lẽ chuyển dầu và người qua một chiếc thuyền lớn khác đã có sẵn nhiều người trong ấy. Thuyền bắt đầu ra khơi.

Trong bóng đêm mịt mờ, tôi nghe tiếng một người đàn bà nói khẽ, có lẽ với con của bà: “Con ơi, nhìn về hướng có ánh sáng đi con. Đó là chợ lồng Long Xuyên. Đây có thể là lần cuối mình nhìn thấy Việt Nam đó.” Tôi cũng quay mặt nhìn hướng bà nói. Trong cảm xúc bồi hồi, tôi thì thầm khẽ nói với chính mình: “Chào Việt Nam.”

Con thuyền lầm lũi đi theo hướng điều khiển của tài công. Khoảng 40 người trên thuyền, không ai nói với ai lời gì, chỉ có nhóm tài công thỉnh thoảng thầm thì to nhỏ với nhau.

Tôi bắt đầu cảm thấy đói. Lục trong túi mây nhỏ, tôi tìm được năm, bảy củ đậu non mẹ tôi đã bỏ sẵn vào đó. Tôi lấy răng bóc vỏ củ đậu và ăn hết một củ, sau đó ăn thêm một viên kẹo chuối.

Ảnh: BB Ngo.

Trời tờ mờ sáng. Thuyền của chúng tôi đang hướng ra khơi. Tài công dặn mọi người phải giữ im lặng tuyệt đối vì đây là tuyến đường những người đi đánh bắt cá ngoài khơi trở về. Công an hoặc du kích thường trà trộn trên những con tàu đó.

Mặt trời lên cao. Tôi bắt đầu thấy ngộp thở nên tìm cách để lên phía trên khoang tàu. Ở đó, ngoài nhóm tài công ba người, còn có một số người lớn khác. Một giọng nói ấm áp từ sau lưng nhắc nhở tôi: “Bé cẩn thận nghen, dễ té lắm đó, vì mình đang ở trên tàu nên dễ bị say sóng lắm.” Tôi quay lại nhìn và nói nhỏ: “Dạ.”

Đó là một anh có khuôn mặt rất sáng, da sạm nắng. Anh mặc bộ quần áo vải kaki nâu đậm. Tôi biết đó là bộ quần áo lính được nhuộm màu. Tôi biết vì trong xóm tôi có người kiếm sống bằng nghề nhuộm quần áo cũ của lính Việt Nam Cộng Hoà. Loại quần áo này may bằng vải rất tốt và bền nên nhiều người ưa chuộng.

Tay áo của anh xắn lên đến khuỷ tay để lộ ra hình xâm lớn, trông giống hình cái đầu cọp. Tôi cảm thấy sợ vì lâu nay, tôi cứ nghĩ rằng người xâm mình là người không tốt.

Tàu của chúng tôi đi “êm” đến sáng hôm sau. Nhóm tài công nói lớn cho mọi người biết là tàu đã ra đến hải phận quốc tế và đang đi về hướng Mã Lai. Một người tài công nói với anh có hình xâm giống đầu con cọp: “Anh Ba, mang thêm một thùng dầu lên đây đổ thêm cho máy nhỏ nha.” Anh Ba trả lời to, rõ: “Có liền.”

Bỗng nhiên, những tiếng xì xào trên tàu im bặt. Mọi người tỏ vẻ hoang mang, sợ hãi. Tôi nhìn theo phía tầm nhìn của mọi người thì thấy có hai chiếc tàu đang tiến về phía chúng tôi. Trên khoang tàu có nhiều thanh niên, đàn ông lực lưỡng. Họ cởi trần, mặc váy ca-rô, da đen và lộ vẻ hung hăng, miệng la hét những tiếng gì đó tôi không hiểu.

Hai chiếc tàu cập sát thành tàu của chúng tôi. Nhóm thanh niên đó nhảy qua. Họ cầm mã tấu, rìu nhỏ sáng loáng. Họ dồn thanh niên và đàn ông ra mũi tàu rồi bắt đầu lục xét và gỡ máy tàu.

Sau khi cướp được vàng của những người vượt biên mang theo, nhóm hải tặc bắt đầu hãm hiếp phụ nữ.

Tôi còn đang hoang mang thì cánh tay tôi bị giật về phía sau. Tôi ngoái cổ lại nhìn, nhận ra anh Ba. Anh nói nhỏ “Im lặng”. Anh đã đoán được ý định của bọn cướp biển nên với tay kéo nhẹ tôi ra phía sau và cố gắng giấu tôi sau lưng anh. Đám cướp biển lôi kéo những người phụ nữ để thoả mãn thú tính. Tiếng la khóc, gào thét van xin chẳng thấm vào đâu giữa biển cả mênh mông. Nhiều người đàn ông cố níu giữ vợ, con về phía sau thì bị bọn cướp biển chĩa đao vào người.

Một tên hướng về phía anh Ba và tôi. Tay hắn cầm mã tấu và chiếc rìu sắc. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì anh Ba chồm người về phía trước, vượt qua khỏi tầm đao và tung cú đá vào mặt tên cướp. Anh bẻ tay nó và giật được chiếc rìu. Những tên còn lại thấy vậy, chạy đến giải cứu đồng bọn. Anh Ba đẩy tôi ngã ra phía sau. Anh cầm cây rìu, lựa thế đứng. Hai tên cướp cầm mã tấu lao vào anh. Anh lùi lại né được nhát chém. Thật nhanh, anh vung tay chém thẳng xuống tên cướp. Lúc đó, tên thứ hai nhào đến chém thẳng vào hông của anh. Anh gục xuống mạn tàu, chiếc rìu rớt khỏi tay. Những tên còn lại ào đến đâm chém liên tục vào anh. Khi thấy anh nằm bất động, ba tên cướp nhẫn tâm ném thi thể anh xuống biển.

Đám cướp biển sau khi cướp và hãm hiếp đã bắt đi bảy người phụ nữ và con gái, trong đó có tôi. Mặc dù anh Ba đã đoán trước được ý đồ man rợ của bọn chúng, đã tìm cách che chở cho tôi nhưng cuối cùng, anh đã bị giết chết, và tôi cũng không thoát được bàn tay của bọn chúng.

Những ngày địa ngục trần gian ở nhà chứa Thái Lan

Sau nhiều ngày trên tàu, bọn cướp biển lần lượt bán từng người vào các ổ điếm của Thái Lan. Tôi cũng cùng chung số phận.

Hàng ngày, bất kể tối sáng, tôi bị những tên đàn ông hãm hiếp, dày vò thân thể. Chủ nhà chỉ cho tôi ra khỏi căn phòng ô nhục để ăn cơm và tắm rửa.

Một thời gian ở địa ngục trần gian này, tôi thuộc được ngõ ngách của căn nhà. Lúc đó, tôi chợt nghĩ đến cuộc chạy trốn. Nơi ăn chơi này, lúc nào cũng có rất nhiều người, nhất là vào buổi tối. Mỗi một ngày qua đi, tôi càng hoảng sợ , ý chí sống càng bùng lên mãnh liệt. Nỗi nhớ nhà, mong muốn về với gia đình càng làm cho tôi có thêm nhiều nghị lực tìm đường vượt thoát.

Tôi để ý họ có nhiều thùng dầu loại bốn lít. Tôi đoán là dầu dùng để đốt đèn măng xông để ở quầy tính tiền. Tôi tìm cách đánh cắp một thùng và mang lên phòng. Tôi cũng lén giấu được nhiều hộp quẹt của những người “khách” của tôi.

Có điều lạ lùng là tôi luôn cảm thấy như có một người đứng sau lưng tôi, chỉ dạy, hướng dẫn tôi. Thế rồi, tôi quyết định phải trốn thoát ra khỏi nơi này.

Cho dù không biết tiếng Thái, nhưng tôi cũng đoán được vào ngày nào họ có đông người và đoán được những hoạt động của họ.

Màn đêm phủ xuống. Người qua lại tấp nập. Tiếng cười nói vọng qua từ những phòng kế bên. Tôi chờ đến khi dưới nhà đông người, tôi lấy màn cửa, thấm dầu và phủ lên cầu thang. Tôi xỏ vội đôi dép rồi tưới dầu vào màn cửa sổ. Sau đó, tôi lấy quẹt lửa nhóm vào hai cái giẻ, ném vào cầu thang. Tôi châm lửa vào thềm cầu thang mà tôi đã tẩm dầu trước đó. Trước khi ngọn lửa bùng lên, tôi chui qua cửa sổ phía sau nhà chứa và leo xuống đường.

Ngọn lửa bùng lên dữ dội. Đêm đó có gió nhiều, lửa gặp gió, tràn qua những căn phòng chứa có mái che bằng lá. Lửa bắt vào những chiếc xe gắn máy trước khu nhà làm cho cơn hoả hoạn càng bùng lên dữ dội.

Tôi phóng ra đường lộ, khoác vội chiếc áo ấm. Phía sau là đám cháy lớn cho chính tôi tạo nên. Tôi chạy liêu xiêu, núp dưới hàng hiên nhà. Càng chạy, tôi càng cảm thấy an bình. Càng chạy, tôi càng bình tĩnh lạ thường. Tôi cứ chạy như thế, dù không biết đường, tôi vẫn cứ chạy, chạy càng xa càng tốt.

Khi tôi ngoái cổ nhìn lại, ngọn lửa xa dần. Lúc đó, tôi thấy mình như một thanh thép. “Thép đã tôi thế đấy.” Ngọn lửa đã cứu tôi, đã thanh tẩy những vết rỉ sét ô nhục của xã hội. Lửa đã giải thoát tôi. Hơn nữa, tôi cảm thấy ngọn lửa trong tim tôi bùng cháy mãnh liệt, hướng dẫn tôi tìm ra phương cách giải thoát cho chính mình.

Chạy một lúc lâu, tôi mệt lả. Ánh đèn đường đêm khuya chỉ đủ cho tôi nhìn thấy một góc nhỏ của căn nhà. Tôi lầm lũi bước tới, vừa nằm xuống, tôi cảm thấy tay có hơi ấm. Thì ra một con chó đang ở đây. Nó không sủa tiếng nào mà còn liếm tay tôi, cho dù quần áo và tay tôi vẫn còn hôi mùi dầu. Con chó còn liếm tay và mặt tôi. Cử chỉ thân thiện của nó làm tôi cảm thấy tôi và con chó này đã quen nhau từ lâu.

Tôi ôm con chó vào lòng và ngủ thiếp đi. Trời tờ mờ sáng, tôi tỉnh dậy, vuốt đầu con chó và thầm cảm ơn nó đã là bạn đồng hành của tôi trong đêm qua, làm tôi ấm lòng và thêm phần can đảm.

Tự do

Đang bước đi với những bước chân ngập ngừng, một người phụ nữ bước vội theo tôi và hỏi bằng tiếng Thái.  Tôi không hiểu bà nói gì. Sau vài giây phút ngập ngừng, bà nói thầm vào tai tôi: “Việt Nam?” Tôi như người đang ngụp lặn, chới với trong vũng nước sâu, vớ được cái phao. Tôi mừng rỡ và gật đầu lia lịa: “Việt Nam, Việt Nam.” Bà vội kéo tay tôi vào ven đường, ôm lấy tôi và chỉ vào ngực của bà, bà thầm thì nói vào tai tôi: “Việt Nam.”

Tôi đoán có thể bà là người Việt, sống lâu trên đất Thái.  Tôi không còn hoảng sợ. Tôi cảm thấy như có một  tình mẹ thiêng liêng bao trùm lấy tôi. Sự tử tế của bà làm tôi thêm vững tin. Bà gọi xe rồi bảo tôi lên cùng đi. Sau khoảng hai tiếng, chiếc xe dừng lại trước một căn nhà cao, ghi chữ “United Nations High Commissioner for Refugees, Bangkok.

Bà dẫn tôi vào văn phòng và nói tiếng Thái với nhân viên. Nơi đây cũng có một số anh chị Việt Nam đến từ Hoa Kỳ và làm việc thiện nguyện. Bà ôm lấy tôi, hôn lên trán và nói lời giã từ.

Mọi người trong văn phòng rất tử tế, chăm sóc tận tình và hỏi về câu chuyện tôi có mặt ở đây. Tôi kể cho họ tất cả nhưng giấu kín sự việc đốt nhà, chỉ nói lén trốn thoát khỏi căn nhà chứa đó.

Mãi cho đến lúc này, tôi bàng hoàng nhận ra, tôi đã ở trên đất Thái được gần hai năm. Tôi ra đi vào ngày  23 Tháng Mười Hai 1980, mà giờ đây là Tháng Mười 1982.

Tôi nghĩ về anh Ba, nhẩm tính và nghĩ lại ngày anh mất đi, là vào buổi sáng của ngày 28 Tháng Mười Hai năm 1980. Cứ mỗi lần nghĩ về anh Ba, tôi lại cảm thấy ấm lòng một cách lạ lùng. Rất có thể linh hồn anh đã theo phù hộ cho tôi trên suốt quãng đời đó, che chở cho tôi. Anh Ba đã đánh đổi mạng sống của anh để cứu tôi. Cái chết của anh mang nặng chữ “tình người.”

Tháng Mười Hai năm 1982, tôi được Cao ủy Tỵ Nạn LHQ đưa đến trại ty nạm Sikiew. Nơi đây tôi được nghe tiếng cười rạng rỡ của các trẻ em, thắm đượm tình đồng bào. Những người không quen biết chia nhau từng miếng cá khô, chén cơm manh áo. Đây cũng là nơi mà lần đầu tiên tôi bước vào nhà thờ Công Giáo.

Ảnh: BB Ngo

Tôi vào nhà thờ, hỏi thăm một bà mẹ và xin bà chỉ dạy cho tôi bài kinh cầu. Tôi học thuộc lòng bài kinh này. Cũng ngày hôm ấy, ngày 28 Tháng Mười Hai năm 1982, tôi ngồi vào hàng ghế cuối, thì thầm trong lòng: “Anh Ba kính mến, thế là em đã đến được bến bờ tự do, em xin cảm ơn anh đã cho em điều mà không ai có thể cho được, đó là mạng sống của anh, em cảm nhận hai chữ tự do và cái giá trả của anh giành cho em.”

Tôi không biết họ của anh, chỉ biết tên, nên tôi đắn đo, và cuối cùng tôi chọn cho anh họ Nguyễn, đặt cho anh là Nguyễn Văn Ba.

Ảnh: BB Ngo

Những ngày đầu đặt chân đến Hoa Kỳ, tôi định cư tại San Jose, ở cùng với một gia đình người Mỹ tốt bụng. Tôi tiếp tục đi học. Vài năm sau khi tốt nghiệp, tôi lập gia đình với một người Mỹ và cảm tạ ơn Trời Phật, tôi có được ba người con. Tôi mang đến niềm hãnh diện cho gia đình chồng tôi, vì cả ba cháu đều học xong đại học.

Thắm thoát mà đã 20 năm, kể từ ngày tôi rời khỏi Việt Nam. Năm 2000 cũng là năm tôi nhận được kết quả khám nghiệm từ nhà thương Stanford: Ung thư máu vào giai đoạn cuối. Chồng con tôi chăm sóc tôi hết lòng, còn tôi vẫn bình thản, tự nhủ với lòng rằng: “Tôi đã sống một cuộc sống tốt đẹp, thật xứng đáng với sự hy sinh cao cả của anh Ba, của những người chiến sỹ Việt Nam Cộng Hoà, xả thân mình trên tuyến đầu lửa đạn cho đất nước, cho những con dân có được cuộc sống an lành. Cảm tạ những người lính đã nằm xuống, như chiếc lá cuốn vội theo cơn lốc của vận nước nổi trôi.”

Giọt nước mắt này, với nén hương lòng, thành kính dâng về anh Nguyễn Văn Ba, và mong anh được thanh thản, yên nghỉ nơi chốn vĩnh hằng.

Sau này, một dịp tình cờ, tôi được biết những người lính “Biệt Động Quân” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phần lớn đều xâm hình đầu cọp vào cánh tay. Sau khi có dịp xem lại hình phù hiệu của binh chủng này, tôi dò hỏi và nhận ra anh Ba đã từng ở trong binh chủng Biệt Động Quân.

Đối với tôi, anh Ba là hình ảnh của người lính Việt Nam Cộng Hòa. Trong những lúc nguy hiểm nhất, anh đã hy sinh mạng sống của mình. Anh chết đi, như một chiếc lá, rơi xuống âm thầm, không một lời từ giã. Hồn thiêng sông núi đã đón anh về đất mẹ Việt Nam!

Viết tại San Jose, California

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: