Kiên nhẫn và đợi chờ

Văn & Xuân, và tám cháu nội, ngoại (sân sau nhà). Ảnh tác giả gửi.
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Kiên nhẫn và đợi chờ
/

Đời lính và tình bạn

Còn hai tuần nữa, tôi trình diện nhập ngũ lệnh tổng động viên “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972. Nhận lệnh gọi, tôi miên man nghĩ về số phận mình sẽ ra sao! Biết đó là bổn phận thanh niên trong thời chiến, nhưng tôi rất buồn, bỏ dở học hành, xa gia đình, xa bạn, xa phố biển Nha Trang đầy bao kỷ niệm. 

Hôm nay trên đường về nhà, tôi rảo bước trên đường Phan Bội Châu quen thuộc, một buổi chiều vàng đẹp mà trong tôi đầy nỗi lo âu. Chưa muốn về vội, tôi bước vào nhà sách Quang Minh cạnh chợ Đầm Nha Trang tìm sách đọc giải khuây mà chẳng thấy gì, tôi thử tìm sách về đời lính cũng không, lướt qua kệ sách thám hiểm tôi thấy quyển “Survival at Sea (Sống sót trên biển)” của bác sĩ Alain Bombard người Pháp, lướt đọc trang đầu, trang cuối tôi lại bỏ xuống. Lựa mấy tờ báo đặt lên quầy tính tiền, trước mắt tôi là cô thâu ngân trẻ, thật dễ thương. Tôi chưa kịp lên tiếng nào thì cô nói ngay “sách anh vừa đọc hay lắm đó”, giọng cô nhẹ êm, tôi thắc mắc chưa kịp hỏi mà như bị thôi miên, chỉ biết nói  “ừ thì cô lấy giùm tính tiền luôn nhé”. 

Nha Trang những năm 1960. Nguồn: Saigoneer

Từ đó, mỗi chiều tôi lại đến nhà sách, và chúng tôi quen nhau. Xuân, người thiếu nữ còn đang học trường trung học Huyền Trân, làm vài giờ cho nhà sách sau buổi học. Nhà Xuân đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng bao lần tôi chỉ gặp cô tại nhà sách và chào hỏi nhau như một người bạn mới. 

Ngày cuối còn lại, tôi chờ nhà sách đóng cửa, 7 giờ tối tôi đón Xuân và mời đến quán nước chợ Đầm, tôi nói ngay mai tôi nhập ngũ và chúc Xuân may mắn con đường học vấn. Chúng tôi ngồi đối diện hỏi nhau khoảng nửa giờ mà có nhiều chuyện hợp nhau để nói. Xuân mong tôi bình an và hy vọng gặp năm tới. Xuân bắt nhẹ tay tôi và cả nụ cười Xuân lúc ra về.  Chia tay nhau mà tôi lại vui nghĩ mình có bạn gái. Xuân, một cô gái rất vừa ý, chưa mơ đã gặp, là hành trang tôi mang vào quân ngũ. 

Mối tình đầu

Năm 1973 ra trường, tôi về đơn vị là Trường huấn luyện Lam Sơn, tôi có dịp gặp lại Xuân. Cô đã qua tuổi 18, bỏ việc làm nhà sách để theo việc học. Chúng tôi cùng biểu lộ niềm vui sau thời gian dài và tình yêu chớm nở.  

Tôi công tác huấn luyện tại Pleiku hơn sáu tháng và từ cao nguyên tôi quyết định viết lá thư đầu cho Xuân, người bạn gái tôi yêu như là lời tỏ tình thay lời chưa nói. Không ngờ tháng sau đó tôi được cô hồi đáp. Thư Xuân nắn nót từng câu chữ của mối tình đầu viết gởi tôi. Hết công tác, tôi về lại Lam Sơn, chúng tôi thường gặp nhau, bắt đầu trưởng thành hơn trong tình yêu và hợp tâm xây dựng mái ấm gia đình.

Cuối năm 1974, Xuân chạy xe máy từ Nha Trang ra tận khu bãi tập của lính, mặt Xuân đỏ ửng và em nói ngay “tự nhiên em muốn đến thăm anh”. Tôi cười và hiểu, Xuân đến để đưa tôi những giấy tờ của Xuân cần bổ túc cho hồ sơ kết hôn. Chúng tôi ngồi bên nhau cạnh gánh hàng rong khu bãi tập núi rừng, lòng rộn rã niềm vui của một tình yêu đang vun xới. 

Tháng Hai năm 1975, Tôi vào Nha Trang khoe Xuân giấy phép kết hôn từ Bộ Tổng tham mưu kèm bốn tuần nghỉ phép, và đưa Xuân mấy hộp thiệp cưới. Tôi mỉm cười nhìn người yêu lộ nét hân hoan lẫn trong sự e thẹn. Chúng tôi đi xem phim, bước qua quán nước cạnh rạp để chia nhau những việc cần làm cho ngày cưới. 

Nha Trang những năm 1960. Nguồn: Saigoneer

 Hôn lễ 

Tháng Ba năm 1975, hôn lễ của chúng tôi buộc phải thu gọn hết sức đơn giản. Nơi địa đầu giới tuyến, chiến sự vừa nổ ra, Vùng I thất thủ, Vùng II triệt thoái trong rối loạn, tin xấu dồn dập…, Chẳng bao lâu Cộng quân đã tiến sát đèo Phượng Hoàng gần đơn vị tôi, tiểu đoàn lính Dù tiếp ứng đà tiến của cộng quân.  

Tác giả Văn Lê trước 1975. Ảnh tác giả gửi.

Trong quân trường, các liên đoàn phân bổ từng đại đội khóa sinh rút khỏi quân trường, tiến về Cam Ranh bằng đường bộ trong hoang mang vô vọng, nên nhiều đơn vị tự tan hàng…

Biến cố Tháng Tư 1975 ập đến với bao cảnh hỗn loạn. Tang thương bao trùm toàn miền Nam, và chúng tôi cũng thế, tôi về với tâm trạng não nề của một sĩ quan cấp úy không còn cấp trên để nhận lệnh và chẳng còn người lính nào để thi hành, tình hình càng lúc càng tồi tệ.

Tôi và Xuân im lặng luôn bên nhau trong mọi lúc, nỗi sợ có thể phải chia xa bất cứ lúc nào. Tôi nhìn Xuân và thấy thật tội nghiệp, làm vợ chưa được bao ngày đã bế tắc. Tôi thầm trách ông trời tại sao những nụ hoa tươi mát mà chúng tôi dày công vun xới hơn ba năm với một tình yêu trong sáng, chẳng lẽ chưa được bao ngày mà hoa quả lại rụng rơi?

Gian truân

Tôi và Xuân tìm cách thoát bằng đường biển để tiến về Nam với đầy rẫy hiểm nguy chực chờ. Cái giá phải trả khi rời tỉnh lẻ ra đi quá nguy hiểm, nên chúng tôi quay về mặc số phận, dù sao tôi cũng còn cha mẹ, còn Xuân. 

Tình hình càng lúc càng bất ổn. Trời vừa về chiều là chúng tôi đóng chặt cửa, bởi bên ngoài đầy tiếng súng nổ loạn xạ, tiếng la ó, hoảng hốt… Trong khi trận chiến vẫn còn đang khốc liệt ở Long Khánh thì tôi đã bị cộng quân bắt tập trung một tháng. Tôi cùng hơn 20 người răm rắp lên xe, mong đi “học tập” cho xong để sớm yên thân. Tôi đau lòng nhìn Xuân ôm mặt, nước mắt giàn dụa. Vợ tôi chưa có niềm vui của vợ một viên sĩ quan, chưa nở nụ cười cùng bạn học, người thân, lại rơi vào cảnh tủi nhục là vợ một quân nhân bại trận, vợ của “ngụy quân”, vợ tù “cải tạo”.

Nơi “tập trung cải tạo” chúng tôi là khu rừng già nước độc. Qua hết một tháng “học tập”, rồi tiếp tục là bảy tháng nữa… Tất cả chỉ là đòn thù đày đọa. Tôi không liên lạc được với Xuân và gia đình, chỉ biết chờ và chờ.  

Xuân dò tìm cách gặp tôi ở khu rừng Đồng Trăng, vất vả bao ngày trong rừng núi cùng với nhóm vợ tù. Ngồi bên con suối cạn, Xuân khóc, mặt buồn đầy vẻ âu lo, nắm lấy hai bàn tay tôi, Xuân sờ vào vết chai sần sùi, rồi nước mắt lại rơi. Xuân hỏi có phải tôi bị sốt rét, tôi chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Tôi đau xót vì không thể biểu lộ yêu thương bởi các qui định thăm nuôi hà khắc, tàn nhẫn của trại tù.  

Tôi và Xuân chỉ có thể cầm lấy đôi bàn tay nhau, như để truyền thêm nghị lực. Tôi bảo Xuân hãy “kiên nhẫn đợi chờ”. Một giờ thăm gặp đã hết và chúng tôi tạm biệt nhau chỉ bằng cách bóp nhẹ đôi tay.

Lần khác, Xuân gặp tôi dưới chòi tranh. Xuân không kìm nổi nỗi nhớ, em chồm đến ôm nhẹ vai tôi, rồi nói nhỏ “anh gầy quá, trông khác nhiều”.  Xuân bóp nhẹ bàn tay tôi, làn da lún xuống, nhìn vết lõm vẫn còn, Xuân nói “anh bị phù thủng” rồi lại xoa nắn bàn tay, từng giọt nước mắt em rơi xuống đôi bàn tay của cả hai chúng tôi.  

Xuân nói thầm “ước chi em được mang thai với anh thì hay biết mấy, sẽ là niềm an ủi đời em, nếu anh có mệnh hệ gì!” Tôi im lặng, kìm hãm xúc động, ghi nhớ mãi từng lời Xuân.

Xuân mới tuổi 20 đã phải chịu đựng nỗi đau đớn, như toàn dân miền Nam đang phải oằn mình theo nhịp sóng chế độ. Lần nào nàng thăm, tôi cũng nhắc Xuân “kiên nhẫn đợi chờ”. Xuân thấu hiểu cả, em biết là vợ tù là phải chịu đựng mọi gian nan và bất an, nên cần vững vàng chấp nhận sự thăng trầm của cuộc đời. Một giờ thăm đã hết, Xuân tiễn tôi vào sát cổng trại, em nhìn tôi bằng đôi mắt buồn nhưng cương nghị, ánh mắt toát ra sự thủy chung, hứa hẹn bổn phận và cương quyết bảo vệ.

Sau hai năm tù, tôi mang về nhà đủ căn bệnh nghiệt ngã. Chứng phù thủng của tôi có giảm, nhưng cơ thể suy nhược vì luôn bị bệnh sốt rét hành hạ. Tôi vẫn thường xuyên phải đi trình diện thôn, xã, tham gia đào mương…, buộc nộp bản kiểm điểm bản thân. Đó là cách hành xác người tù trở về, để làm việc không công và địa phương dễ bề theo dõi.

Nhờ có Xuân bên cạnh, tôi dần khỏe lại, chứng sốt rét dai dẳng bám tôi thêm năm năm nữa. Để sống còn, tôi và Xuân phải làm đủ mọi việc để tồn tại, dù có thế nào thì tình yêu của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn. 

Nhiều lần tôi nghĩ về kẻ thắng cuộc, có thể nào khi họ đã thoát ra khỏi lối sống hoang dã, lại được thống trị miền Nam, đồng thời có dịp tiếp xúc với những người biết sống tử tế, yêu thương và lành mạnh hơn, đáng lẽ đó là cơ hội tốt để đưa đất nước phát triển sau chiến tranh chăng? Nhưng qua hơn 47 năm, họ càng thêm xấu xa, gian dối, gây hậu quả còn tồi tệ hơn cho nhiều thế hệ. 

Chuẩn bị

Tháng Ba năm 1985, tôi và Xuân kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Cả nhà ngồi quanh chiếc bàn nhỏ thưởng thức bữa cơm tối thịnh soạn. Lần đầu tôi ôm vai Xuân trước mặt các con nhắc chuyện đã qua. Tôi nói cho chúng biết, nhờ mẹ con  “kiên nhẫn đợi chờ”, nên gia đình mình mới có được hôm nay; và ba còn may mắn hơn bao đồng đội, người thì vẫn còn trong tù, người khác ra về lại rơi cảnh cô đơn. Các con tôi như biết đồng cảm, lắng nghe, miệng chúng vẫn nhóp nhép nhai trông ngon miệng lắm vì hôm đó bữa cơm có nhiều thịt, cá hơn rau.  

Thực tế cho thấy người tù “cải tạo” sau khi được phóng thích phải nói là rất khó sống, khó mà hòa hợp với chế độ mới. Càng nghĩ về tương lai, chúng tôi chỉ còn cách chọn liều thân vượt biển. Tôi và Xuân cần mẫn làm việc dành dụm tiền, cộng thêm ít nữ trang ngày cưới chờ cơ hội tìm đường thoát bằng mọi cách. Chúng tôi đã trải qua bao lần thất bại, rồi lại dành dụm cho chuyến tới, vì biết đó là sinh lộ của gia đình.

Hình minh hoạ một vụ vượt biên năm 1982

Tìm tự do

Tháng Ba năm 1986, người tổ chức vượt biển chia gia đình tôi thành hai nhóm, đến bãi dầu để chờ ghe nhỏ chuyển qua ghe lớn, người nào đến trước chui gọn dưới đáy ghe. Không ngờ vợ con tôi bị thất lạc, ghe chờ hơn 30 phút vẫn không thấy tăm hơi, cho đến lúc vẳng nghe tiếng súng, mọi người thúc hối buộc tàu rời đi. Tôi đau buồn chết được, tình cảnh này lại phải chia ly, Xuân và con sẽ phải vào tù.

Tàu rời hải phận theo hướng Philippines, đến ngày thứ ba gió trở mạnh, tiếp đến là trận bão. Trời ban ngày mà tối xầm trông rất dễ sợ. Tàu rung lắc dữ dội, nước tràn vào, những cơn sóng cao phát kiếp, cabin bị gãy, nhưng máy vẫn nổ. Tàu tăng ga đối phó cơn bão mà chẳng tác dụng gì, thì ra chân vịt đã gãy hoặc rơi rồi! Qua ngày thứ tư, chúng tôi chẳng còn gì để ăn, uống, nỗi sợ hãi càng tăng tột cùng. Những gia đình đi cùng nằm bên nhau chờ chết chung. 

Tôi hỏi người chủ tàu và thuyền viên không ai biết phải làm gì trong tình huống này. Là hoa tiêu của chuyến đi, tôi trấn an họ và giải thích việc sắp làm bằng những gì tôi biết qua sách “Sống sót trên biển” của bác sĩ Alain Bombard, cách uống từng ngụm nước biển nhỏ cỡ lòng bàn tay cách mỗi hai giờ, tạm đủ giữ nước cho cơ thể giúp quả thận đủ thời gian hấp thụ và giải độc; và cách dùng neo nổi. Một số thanh niên khỏe mạnh giúp tôi kéo trần gỗ cabin bị gãy sập, dùng cuộn dây neo buộc chặt lại cùng với hai chiếc neo sắt và thả xuống biển phía trước mũi tàu cách khoảng bảy mét.

Thế là tàu có được một cái neo nổi dập dềnh dưới mặt nước kìm giữ mũi ghe trực diện hướng gió và hướng sóng đánh tới theo cách Alain Bombard chỉ dẫn. Cùng lúc mọi lời cầu kinh Chúa, Phật vang to lên trước sự chết không biết đến lúc nào. Cái neo nổi đã giữ được tàu cỡi sóng đứng tại chỗ, việc còn lại mọi người chia nhau tát nước, cùng chịu đựng chờ tàu khác đến vớt. 

Thấy được chút cơ hội sống, tôi chợt nhớ đến Xuân, cô thâu ngân 11 năm trước đã nói “sách anh vừa đọc đó hay lắm”, và nỗi lo lại đến vì vợ con còn ở trong tù.

Xuân và con ngóng chồng. Ảnh tác giả gửi.

Đến ngày thứ chín, có chiếc tàu thấy chúng tôi. Họ chạy chậm lại quan sát rồi quay đi. Tôi nhìn con mình đang nằm dưới đáy tàu rũ rượi như chết. Mọi người khác trên tàu đều nằm rã rượi hoặc ngồi im nhắm mắt, một cảnh u ám của sự chết. Không ngờ một chiếc tàu Anh Quốc xuất hiện, tàu chạy vòng như để quan sát, rồi tiến đến gần và vất vả vớt mọi người lên tàu.  

Qua ba ngày tàu chạy hướng về nước Nhật, thuyền trưởng Dixon thường ghé qua phòng y tế thăm hỏi, an ủi chúng tôi, ông đưa tôi tấm danh thiếp bảo tôi nhớ cho ông biết khi ổn định. Họ thấy con tôi lúc tỉnh, lúc mê, nên họ liên lạc tàu tuần duyên Nhật đón cha con tôi giữa biển đem về Okinawa cấp cứu. Hơn 10 ngày điều trị tại bệnh viện, Cao Ủy Tị Nạn đón chúng tôi về trại Omura. Con gái tôi vẫn còn yếu, ngay hôm sau họ chuyển sang bệnh viện Nagasaki thêm 10 ngày nữa.

Nhìn các con đã nở được nụ cười khi đến trại, làm tôi cũng vui lây dù nỗi lo còn đó. Xuân giờ này còn trong tù hay về nhà? Căn nhà, xe máy có bị tịch thu hay còn những rắc rối nào khác?

Từ trại Omura, tôi thao thức nghĩ vể gia đình, và trong những giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy cảnh chìm tàu, bị công an bắt, vợ con tra tấn, bừng dậy nhìn quanh, sờ trán rịn mồ hôi mà tôi mừng, bàng hoàng về cơn ác mộng không thật mà lại mừng, rồi lại trằn trọc lo âu trên đất nước tự do nhân đạo.

Gần bốn tháng ở Nagasaki, tôi được chuyển đến Philippines học năm tháng nữa để đi định cư. Trong thời gian này, tôi và Xuân đã nối lại liên lạc và trao đổi thư từ cho nhau. Xuân cho biết bị tù ngay buổi sáng, sau hôm bị thất lạc và bị giam hơn hai tháng. Gần ngày sắp định cư, tôi nhận thư cuối của Xuân nhắc nhở tôi chăm sóc các con và cuối thư bảo tôi “kiên nhẫn đợi chờ”. Xuân đang gầy dựng một gian hàng nhỏ kiếm sống, các con đi học và vẫn sống căn nhà cũ. Tôi an lòng, Xuân lập lại cùng ý lời tôi còn ở trong tù.

Định cư 

Năm 1987 việc tôi đến định cư ở Geogia gặp nhiều trở ngại, hai tháng sau đó tôi chuyển đến Massachusetts. Nơi đây con tôi gởi được ở nhà trẻ nên tôi có giờ đi học Community College và làm thêm buổi tối.

Cuối năm 1988, tôi bị bệnh phải giải phẫu, nằm tám ngày ở bệnh viện Boston. Thời tiết thì lạnh lẽo, lại thiếu người thân, làm tôi ngán ngẩm. Tôi chở con trên chiếc Ford cũ, chạy một mạch ba ngày đêm không ngủ về hạt Orange, California, nơi có chị tôi vừa đến định cư. 

Tại nơi ở mới, tôi làm mọi việc để sinh sống, vừa theo học ngành thẩm mỹ. Sau hai năm theo học, tôi lấy bằng hành nghề và đi làm part-time. Tôi vẫn không nhận được thư Xuân đến hơn bốn tháng. Hóa ra, vì ray rứt nỗi nhớ cha con tôi, nên Xuân nóng vội tìm đường vượt biển. Hậu quả là Xuân bị bắt giam thêm hai lần nữa, đời Xuân và con cứ mãi trong tù. 

Tìm nhau 

Ngày 5 Tháng Ba năm 1989, tôi đón con từ trường tiểu học về, thì nhận được một lá thư gửi từ Nam Hàn của Xuân. Bao mỏi mệt tan biến, tôi khoe ngay với con “mẹ con đã thoát khỏi Việt Nam rồi”. Các con lắng nghe tôi đọc từng lời của mẹ chúng, ngày ước mơ đoàn tụ của chúng tôi đang đến gần. Qua bức thư, Xuân viết, em và con suýt bỏ mạng trên đại dương, may gặp được tàu Na Uy vớt. 

Từ vùng trời tự do, tôi nghĩ về 14 năm qua, với đầy những đám mây mù phủ bóng, nhưng chúng tôi như được một nguồn sáng lạ che chắn. Thật không may, thời điểm này các trại tỵ nạn đóng cửa, vợ con tôi kẹt lại ở trại Busan hơn 14 tháng, để chờ thủ tục bảo lãnh vợ chồng. 

Cuối Tháng Năm 1990, Xuân chuyển sang Philippines, nhưng vẫn chờ Cao Ủy cứu xét những hoàn cảnh ưu tiên. Thời gian đoàn tụ của chúng tôi lâu hơn dự tính, nhưng chúng tôi đều vững tin vào kết quả “kiên nhẫn đợi chờ”.   

Tôi khuyên Xuân nên tìm hiểu đạo Công giáo và học giáo lý khi còn ở trại. Rồi cho Xuân biết ở bên này cha con tôi đã hoàn tất việc gia nhập đạo và hàng tuần các con vui học trong đoàn Thiếu nhi của nhà thờ. Đầu Tháng Mười Hai 1990, Xuân cho tôi biết đây là thư cuối từ trại Bataan. Chuyến bay đưa nàng và con sẽ đến Los Angeles ngày 20 Tháng Mười Hai và nàng gạch dưới đoạn cuối thư “Em và con nay đã là Ki Tô hữu”. Hai điều mong ước, hai sự kiện lớn nhất chúng tôi đã đạt được.

Đoàn tụ

Ngày đoàn tụ đến vào cận Lễ Giáng Sinh, hôm ấy toàn gia đình chúng tôi tham dự Thánh lễ với lòng sốt mến, biết ơn. Về lại căn chung cư mà cha con tôi đang ở, nay có thêm Xuân và hai con càng thêm ấm áp trong mùa Đông. Tôi ôm lấy Xuân, bao niềm thương cảm hơn bao giờ hết. Tiết trời California se lạnh mà chúng tôi vẫn ấm áp, tâm hồn thật bình an.  

Tôi và Xuân nhìn đàn con trìu mến, tội nghiệp chúng cũng chịu chia cách, và chung niềm đau cùng cha mẹ. Tôi và Xuân sau gần năm năm xa cách, hồi tưởng chặng đường đã qua toàn gặp đau thương mà vẫn tồn tại, phải chăng phát xuất từ một tình yêu thương, chung thủy với nhau. Tình yêu sẽ khó mà tồn tại nếu tình yêu ấy không biết yêu thương chia sẻ, cũng như không được yêu thương, chờ đợi.  

Được sống trong một quốc gia tự do dân chủ, chúng tôi còn đối diện bao điều lo lắng khác của cuộc sống gia đình vừa đoàn tụ, và tương lai con cái. Chúng tôi tin sẽ vượt qua như trong quá khứ. Hơn nữa đất nước Hoa Kỳ vẫn luôn là cơ hội cho những con người siêng năng cần mẫn.

Annie Lê bên tấm plaque tặng Thuyền trưởng Dixon, London. Ảnh tác giả gửi.

Cuộc sống mới

Năm 1991, nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái nhưng ngành thẩm mỹ vẫn phát triển toàn khắp Hoa Kỳ. Các hãng xưởng sa thải thợ khá đông, nên nhiều người Việt theo học ngành này đang trên đà phát triển. Cộng thêm nhiều người mới đến định cư theo diện H.O và đoàn tụ gia đình. Trường thẩm mỹ đã mở thêm để đáp ứng nhu cầu. Xuân theo học ngành thẩm mỹ sau hai tháng đến Hoa Kỳ và hành nghề mãi đến lúc về hưu.

Vì nhu cầu cuộc sống, cũng từ năm 1994 tôi chuyển hẳn sang nghề cosmetology. Đời sống của chúng tôi đã dần dần ổn định nên tôi ước muốn đi dạy.  Tôi vừa làm, vừa học ngành giảng viên thẩm mỹ. Sau đó học tiếp chứng chỉ sư phạm (Credential Certification), tôi được dạy các trường thẩm mỹ tư và công. Đây là ước mơ của tôi được hướng dẫn kẻ đến sau một nghề dễ học trong cuộc sống mới, mà đa số học viên có nhiều đồng hương của tôi. 

Hơn bốn năm dạy tại các Beauty College, tôi nhận ra những hạn chế của người Việt mới đến. Vì thế tôi cố gắng soạn sách song ngữ cho ngành này. Năm 1999 tôi phát hành sách làm móng tay, sau đó sách về chăm sóc da, làm tóc.

May nhờ đúng thời điểm, sách bán được nhiều vì có nhu cầu. Cuộc sống dần tốt hơn, tôi và Xuân càng làm nhiều giờ hơn trong lãnh vực chuyên môn của mình. Chúng tôi vui sống vì việc làm của mình giúp được bao người mà còn tăng nguồn thu nhập.

Tạ ơn 

Tháng Tám 2005, chúng tôi gởi thiệp mời ông bà Dixon ở London, vị thuyền trưởng chiếc tàu cứu mạng cha con tôi, đến tham dự ngày cưới con gái tôi, đứa bé suýt phải bỏ mạng trên biển năm nào.  

Sau tiệc cưới, chúng tôi đưa ông bà Dixon thăm vài nơi quanh quận Cam. Chúng tôi kể lại cùng ông những nỗi gian truân trên đường vượt thoát. Còn ông cho biết đó là lần đầu tàu ông cùng thủy thủ đoàn có cơ hội làm việc cứu người. Chúng tôi cùng ôm nhau bịn rịn xen lẫn những giọt nước mắt biết ơn để tiễn ông bà về lại nơi có bao tấm lòng nhân ái.

Tháng Ba năm 2012, chúng tôi đến London, mang tặng ông một tấm plaque lớn có hình con tàu và lời cảm tạ ông cùng thủy thủ đoàn. Ông bà nay đã về hưu sống trong căn nhà nhỏ, ngăn nắp. Chúng tôi trân quí được gặp lại nhau. Ngày chia tay lại đến, ông bà Dixon ôm choàng, hôn chúng tôi tiễn biệt, ngoài trời rất lạnh mà chúng tôi cảm nhận tình cảm ấm nồng vì đã thực hiện được điều ước muốn.

Cuộc sinh tồn nào cũng phải trải qua đau thương, đó là hành trang để sống tình người. Được tiếp nhận ơn nghĩa là cần phải biết ơn, và đền đáp lại, cho dù ân nhân không mong đợi.

Từ lúc tôi đến Hoa Kỳ, tôi không quên gởi thiệp cho ông bà Dixon vào dịp Lễ Tạ Ơn, cũng là để nhắc nhở cho con cháu. Thật thế, nếu không có thuyền trưởng Dixon và con tàu, cha con tôi không còn trên cõi đời này, và Xuân mãi là người cô đơn, mãi sống trong tận cùng đau khổ. 

Nhìn lại chặng đường dài, chúng tôi đã trải qua bao nỗi buồn đau, vẫn có niềm vui cuộc sống. Giờ đây vợ chồng chúng tôi đã nghỉ hưu, và luôn giữ mãi những kỷ niệm đẹp, thành quả của lời thầm thì “kiên nhẫn đợi chờ”, cùng nhau tập sống vui tươi cho những tháng năm còn lại. 

Tôi may mắn có Xuân bên cạnh, cô gái trẻ yếu mềm năm xưa, nay đã là một phụ nữ tuổi tròn 66. Dù đời nàng gặp nhiều cảnh chia ly, bất hạnh, nay bù lại được vui sống bên tôi, các con, đàn cháu, sống trong cùng quận Cam. Chúng tôi luôn tâm niệm phải sống làm gương cho con, cháu, nhắc nhở chúng biết trân quý cuộc sống gia đình hôm nay, và chúng tôi mãi mãi tạ ơn Người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: