Ký ức về ba tôi – ông tổ bánh mì Quảng Ngãi

Một nén hương lòng thành kính dâng ba với niềm tri ân vô bờ bến của chúng con...
Minh họa: Quynh Do/Unsplash
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Ký ức về ba tôi – ông tổ bánh mì Quảng Ngãi
/

(SGN: Đây là bài viết giành giải Sơ kết của cuộc thi Muôn Nẻo Đường Đời; đã đăng ngày 8 Tháng Chín 2021; repost ngày 29 Tháng Một 2022, kèm podcast)

____________

Nạn đói năm Ất Dậu 1945 làm chết hơn hai triệu dân miền Bắc, nặng nhất là hai tỉnh Thái Bình, Nam Định, đã để lại dấu ấn không bao giờ quên về hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương do Pháp và Nhật chiếm đóng Việt Nam. Trước cảnh người chết như rạ, người dân huyện Vụ Bản, Nam Định lo sợ, không biết khi nào mới đến lượt mình.

Ba tôi nhìn thấy viễn ảnh tương lai mờ mịt, bùi ngùi bàn với mẹ:

– Mình à, quê mình như thế này, bám trụ mãi rồi có ngày chết đói cả chùm. Tôi muốn vô Nam lập nghiệp. Một mình tôi xoay sở, đâu vào đấy rồi tôi đón mình và con vào sau…

Mẹ tôi rươm rướm, nói trong dòng lệ tuôn trào:

– Vậy mình cứ đi đi, an tâm có em ở nhà lo cho con, cầm cự đợi mình. Mình đừng quên em và con…

Mẹ tìm đưa ba tôi địa chỉ người chú của mẹ tại Đà Nẵng, vốn có một xưởng bánh kẹo, hy vọng có thể nương nhờ và học nghề để đổi đời. Ba dứt áo bỏ làng ra đi, nơi bao đời chôn nhau cắt rốn, để mẹ và đứa con trai chập chững ở lại. Tìm con đường sống, vào Nam, ba cùng đi với người em trai kế, tài sản mang theo chỉ hai bộ quần áo và vỏn vẹn một đồng dính túi. Không có tiền, ba và chú phải cuốc bộ từ Nam Định vào Đà Nẵng. Dọc đường, tứ cố vô thân, hai anh em vất vưởng rày đây mai đó, kiếm sống độ nhật với bất cứ công việc gì ai thuê. Tối đến, hai anh em ngả lưng dưới hốc cây, vỉa hè, hay chân cầu.

Tại Đà Nẵng

Căn nhà nhỏ ngay lòng chợ Cồn là căn nhà thuê của ông chú, chú ruột của mẹ tôi. Khu này trước đây là cồn đất hoang giữa lòng thành phố, là bãi phóng uế công cộng. Khi Pháp đến, họ xây cất thành ngôi chợ khang trang. Nhà ông chú, định cư trước đó nhiều năm, là xưởng bánh kẹo. Ba và chú đến đó nương thân, học làm bánh kẹo, có cơm ăn hằng bữa và có chỗ che mưa đụp nắng qua ngày. Rồi ba xin phép ông chú đưa mẹ và đứa con trai vào Nam.

Ba mẹ sum họp, cuộc đời như thế tạm ổn – ổn theo kiểu biết đủ thì đủ. Thế nhưng, đường đời đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng. Muốn an phận thủ thường đâu phải dễ. Ba tôi lại một lần nữa, để mẹ, em trai và con trai ở lại, còn ông một mình, nuốt ngược nước mắt vào lòng, từ giã mẹ…

Số là từ khi mẹ và anh tôi vào Đà Nẵng, tuy được xem là “con cháu trong nhà”, dù ba mẹ đỡ đần công việc như những làm thuê, nhưng ba mẹ chỉ được nuôi ăn mà không nhận được đồng lương nào. Ngày mẹ sinh đứa con thứ hai, ba phải đưa mẹ vào nhà thương thí. Đứa bé èo uột vì cả mẹ lẫn con thiếu dinh dưỡng. Mẹ tôi không đủ sữa cho con. Sữa bên ngoài thì không có tiền mua, nên chỉ vài hôm, đứa bé sinh bịnh và chết. Cứ thế, một đứa rồi hai đứa…, cũng cùng số phận. Không còn chọn lựa nào khác, ba tôi, một lần nữa, quyết định ra đi…

Tạm gởi mẹ và anh tôi nơi nhà người chú, ba bước vào con đường vô định. Ba lặn lội hết tỉnh này đến thành phố kia, đi tới đâu kiếm sống qua ngày đến đó. Đất miền Nam hầu như nơi nào cũng có dấu chân ba. Bữa đói, bữa no, có khi phải lang thang ra nghĩa địa ngủ tạm. Rồi với thời gian, men mãi trong đường hầm tối mịt mù, ba cũng tìm ra ánh sáng. Ông Trời không nỡ tuyệt đường sống kẻ có lòng. Ba học được nghề làm bánh mì. Cuối cùng, ba trở về Trung, nơi có mẹ, chú và anh trai tôi trông đợi.

Đà Nẵng rồi Quảng Ngãi

Ba thuê nhà trong lòng Chợ Mới, Đà Nẵng, cách chợ Cồn nhà ông chú khoảng vài tiếng đi bộ. Chợ Mới là một trong những chợ lớn của Đà Nẵng. Vị trí hồi đó không thuận lợi, không nằm trung tâm thành phố, song cũng là nơi nhộn nhịp với nhiều kios nhỏ, chủ yếu bán tạp hóa, thực phẩm, hàng khô và trái cây rau củ.

Căn nhà nhỏ, mà ba tôi thuê, nằm trên con đường mang tên nhà cách mạng Phan Bội Châu (nay đổi là đại lộ Hùng Vương), có tầng đúc, nằm trong lòng chợ. Mỗi khi về nhà, từ đường cái chính, phải len qua bao hàng quán, sạp gụ và những người ngồi bệt bán rau, hàng ăn vặt vãnh. Ba đón mẹ, chú tôi và đứa con trai về. Ba mở lò, sản xuất bánh mì Tây. Khi tôi bốn tuổi, ba mẹ quyết định chuyển cả gia đình vào lập nghiệp ở Quảng Ngãi, nhường cơ sở Đà Nẵng lúc đó đã vững vàng cho người em trai của ba.

Tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1955 hồi ba mẹ tôi mới dọn đến là một thị trấn nhỏ, nếu không muốn nói như một làng quê, đi bộ tứ phía chừng một tiếng đồng hồ là hết phố. Xung quanh toàn đầm lầy và đồng lúa bạt ngàn, nhà tranh vách đất, lũy tre xanh, cây ăn trái, khói lam chiều, và đôi khi, lơ lửng vài con diều cất tiếng sáo vi vu trên bầu trời xanh.

Đà Nẵng lúc đó chưa sầm uất, nhà cửa thấp lè tè, cao lắm chỉ hai tầng lầu, nhưng có bến Bạch Đằng nằm giữa trung tâm, thuận lợi giao thông, nhất là cho tàu bè qua lại chuyên chở hàng hóa. Pháp xây cất nhiều cơ sở đáng kể như nhà thờ, trụ sở hành chánh, bưu điện, nhà thương, tòa thị chính, trại lính, rạp hát, tu viện, trường học, chợ búa…, rất kiên cố, với kiến trúc Âu châu. Quảng Ngãi trái lại, chỉ cách Đà Nẵng ba tiếng xe hơi, nhưng dân cư thưa thớt. Một chiếc ôtô hay trực thăng vù vù trên trời cũng thu hút bao ánh mắt ngạc nhiên. Trong tỉnh, người dân dùng xích lô, xe đạp hay đi bộ. Hồi đó, gia đình nào sắm được xe gắn máy là khiến bao người ngưỡng mộ.

Trong phố đáng kể nhất là phòng đọc sách nằm trên khuôn viên nhỏ tọa lạc tại ngã năm. Những cây bàng xung quanh tỏa bóng râm là nơi mọi người nghỉ chân tìm chút thảnh thơi. Ai muốn mở mang kiến thức thì vào tìm sách đọc. Ai muốn tâm tình thì loanh quanh ngoài khuôn viên hoặc lững thững dạo ngắm giàn hoa nhỏ li ti đủ loại, đủ màu…

Sinh hoạt về đêm gần như tập trung nơi đây, qua những gánh chè đậu ván, đậu đen đập nước đá lách cách. Khách ăn ngồi bệt trên bệ đường hoặc trên những chiếc ghế nhựa của người bán chè. Thỉnh thoảng, ban thông tin chính quyền dựng sân khấu nhỏ trình diễn văn nghệ hay chiếu phim hài hước hoặc phim về cuộc đấu tố miền Bắc để mọi người hiểu về chế độ cộng sản. Ngoài nơi này, trong phố chỉ toàn nhà trệt mái ngói lẫn mái tôn lụp xụp…

Lò bánh mì Chí Thành

Ba mẹ tôi chọn nơi này gầy dựng lại từ đầu. Tại đây, ngoài lò bánh mì, ba mẹ còn thuê nhân công để sản xuất kẹo, bánh đủ loại cung cấp cho cả tỉnh và vùng phụ cận. Những chiếc bánh oản bằng bột nếp hình tháp cụt, nhân đậu phụng và mè rang giả nhỏ, gói giấy bóng kiếng đủ màu, trên đỉnh đính nhãn hoa nhỏ trông rất đẹp mắt. Người nông thôn rất chuộng, mua để cúng ngày rằm hoặc mồng một. Ba còn sản xuất kẹo dừa nâu nâu, lẫn bên trong lợn cợn bột dừa trắng; hoặc kẹo chỉ, cắt khúc, dài bằng ngón tay út vấn tròn trong giấy trắng mờ xiết hai đầu. Nhiệm vụ lũ con nít chị em tôi là vấn kẹo. Ngoài ra, ba mẹ tôi còn sản xuất kẹo “xìu” (kẹo đậu phụng pha mè), đôi khi còn làm kẹo kéo phân phối cho người bán rong. Còn có bánh khảo, làm từ bột nếp nhân đậu xanh hay đậu đen mà các đám cưới thường đặt mua làm sính lễ. Tháng Tám Âm lịch thì có bánh Trung Thu nướng, bánh dẻo, lồng đèn… Riêng với bánh mì, vì ba là người đầu tiên xây lò nơi đây, nên ba tôi được xem là “Ông Tổ Bánh Mì” Quảng Ngãi.

Từ căn nhà thuê, ba mẹ mua được căn đối diện. Sau đó xây lầu và dựng bảng hiệu “Chí Thành”, hàm ý có chí sẽ thành công, nhằm nhắc nhở thành quả của mình cũng như nhắn nhủ con cháu mai sau. Bấy giờ đời sống đã khấm khá, nghĩ đến quãng đời đau nhọc nhằn, nên ba mẹ luôn xẻ chia cho những người hoàn cảnh khó khăn. Ba mẹ hỗ trợ từ thiện cứu giúp đồng bào địa phương, nhất là trận bão lụt lịch sử năm Giáp Thìn 1964. Ba mẹ mua cả kho gạo để phát chẩn cho người cơ nhỡ. Năm Mậu Thân 1968, khi Việt Cộng tấn công Quảng Ngãi, ba mẹ cũng mở rộng cửa đón cả trăm người tản cư. Họ nằm ngồi la liệt khắp nhà tôi suốt thời gian giao tranh.

Chẳng những thế, ba còn nâng đỡ bạn bè thuở hàn vi, giúp bạn mở lò bánh mì. Cửa tiệm người bạn đặt tên “Chí Thành” mà là “Chí Thành B”, còn tiệm ba mẹ tôi là “Chí Thành A”. Ba mẹ cũng cộng tác với người Bắc di cư lập “Hiếu Hữu Hội” mà ba tôi là thủ quĩ, hỗ trợ hết mình về tài chánh, khi hội tậu hai hecta đất tại quận Tư Nghĩa làm nghĩa trang cho người đồng hương từ Bắc vào Nam và cho cả đồng bào nghèo tại địa phương. Sau biến cố 1975, đất bị tịch thu và ba mẹ bị mất ba căn nhà tại trang trại, do nhà chúng tôi có người vượt biên, dù vậy, ba vẫn về quê nhà miền Bắc, giúp anh em họ hàng lập trại nuôi vịt, dựng lại từ đường, tậu cả nghĩa trang cho gia tộc, và tu bổ miếu đền cho làng Vụ Bản, Nam Định.

Chiếc bánh mì đến tay người dùng thời đó là bao công lao khó nhọc. Bánh mì được nướng từ lò gạch đốt củi tỏa sức nóng hực, mỗi khi đốt củi hong lò xong, phải cào than ra rồi thọc cây giẻ vào lau lò… Lúc nào ba tôi cũng đẫm mồ hôi, nhất là vào mùa hè, nhập với cái nóng khủng khiếp của miền Trung. Chưa kể việc nhồi bột. Hàng chục ký lô bột lần lượt nhồi bằng tay… Những lúc trà dư tửu hậu, chúng tôi thường nhắc lại những điều này, nhớ đến công lao và cách sống thiện lương, nhất là ba tôi, với lòng tri ân vô bờ bến, như một gương sáng để con cháu noi theo…

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: