Ma-ní-là, một thuở lang bang

Hôm nay bọn hắn kéo vào “Showgirls,” những chai bia uống hết chất đầy trên bàn, mùi thuốc lá Winston quyện lẫn mùi phấn son của mấy em vũ nữ sà vào lòng mỗi khi đi ngang làm hắn hứng thú, uống mãi không biết say...
Share:
Trước cổng một trại tỵ nạn của thuyền nhân Việt Nam ở Philippines (buivanphu.wordpress.com)

Thế là xong! “Un point final!” (Chấm hết)

Ngồi trên chiếc bàn được kê làm giường ngủ trong cái chòi sát gốc me, sau lưng lớp Đánh Máy Liên Hội Đoàn, hắn thì thầm, tự nói với chính mình khi tin từ Ma-ní-là (Manila) đưa về, báo cho biết là đã có một cái “The Memorandum of Understanding” được ký kết giữa Sơ Pascale Lê Thị Tríu, đại diện cho thuyền nhân Việt Nam dưới sự bảo trợ của Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân và bà Thư ký Lina Laigo, đại diện cho Chính phủ Phi, sau khi cựu Tổng thống Fidel V. Ramos cho họ được ở lại Phi mấy tháng trước đây.

Vậy là trang sử thuyền nhân Việt Nam tị nạn chính thức khép lại sau mấy thập niên vượt biển tìm tự do, để lại bao câu chuyện anh hùng nhưng cũng đầy thương tâm, đẫm máu và nước mắt. Và bây giờ lịch sử đã sang trang mới. Trang của người Việt ở lại Phi là làm sao để sinh tồn và hội nhập vào đất nước này đây?

__________

Sau nhiều nỗ lực vận động, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã quyên góp được hơn một triệu đôla cho bà con ở Phi. “Làng Việt Nam” được thành lập tại Santa Lourdes; nhưng vùng đất này lại có hàm lượng thủy ngân (Hg) cao! E ngại cho sinh mạng mình và hiện cũng chưa có cơ sở làm ăn sinh sống gì nơi đó, hắn cùng nhiều người khác đành chọn phương cách trốn đi bán “Bà ba ngố” (tiếng Phi là Pabango, tức dầu thơm) mà chẳng hưởng được một peso nào trong số tiền giúp đỡ của đồng bào hải ngoại cả.

Ngày đi, hắn được hai người anh em sống gần Chùa Vạn Đức cho mượn đồ. Kẻ thì đưa áo, thằng cho mượn quần với giày. Hắn đi như hề Sạc-Lô (Charlie Chaplin) khi ra bến cảng Puerto Princesa, vì đôi giày rộng quá khổ, để lên Manila như thằng “khờ ra tỉnh!” Tại Manila hắn đến Fairfield, sống tạm trong đài Veritas của Đức Ông Nguyễn Văn Tài vài hôm, rồi sau đó ra thuê nhà gần đấy với một thằng em quen biết từ lâu ở trại ngày xưa, để đi bán dạo.

Sáng sớm mỗi ngày, hai anh em hắn tay xách nách mang, lưng đeo ba lô tới các chợ  quanh Metro Manila buôn bán kiếm tiền. Hàng hóa mua nợ, từ các cô người Việt có chồng Phi hay của một số anh chị đi trước đã trở nên giàu có mở “vựa” giúp bọn chậm chân như hắn. Hàng đủ loại, từ quần lót, áo ngực phụ nữ tới quần jeans, áo thun nam nữ đủ nhãn hiệu như Tommy, Dockers, Levis, dầu thơm Polo, Eternity, hay giày dép, dao kéo… Tất cả đều là hàng giả được sản xuất ở Quiapo nhưng đóng “mác” Hong Kong, China hoặc Ý… Duy chỉ có dầu thơm Sài Gòn và hũ, lọ, tranh sơn mài của Việt Nam là thật.

__________

Dạo ấy, cuộc sống của hắn vô cùng tạm bợ, bữa cháo bữa rau, dãi nắng dầm mưa vô cùng cơ cực nhưng xem ra không còn cách nào khác. Để có đủ tiền trang trải, nhiều buổi chiều, bọn hắn lại phải tìm những lề đường đông đúc người qua lại mua bán thêm. Một ngày kia, khoảng ba giờ chiều, khi nắng đang rọi chói chang như thiêu mọi vật, mặt đường nhựa bốc hơi, làm không khí lung linh lay động như sương khói, và trời còn nóng hừng hực bên ngoài, nhưng hắn với thằng kia phải ra đi trước giờ cao điểm để khỏi bị kẹt xe.

Thế là hai anh em hắn rời khỏi nhà, đón Jeepney tới Baclaran. Lên xe xong, hai thằng chui tuốt vô trong ngồi sát sau lưng tài xế, đồ đạc thì để ở giữa lối đi. Lúc này trên xe cũng còn thưa thớt hành khách, chỉ có một cặp trai thanh gái tú rất đẹp đôi đang ôm nhau ngồi đối diện, tay trong tay, cạnh là một bà trung niên mặc jupe đen, áo sơ mi hồng đậm mà hắn đoán là cô giáo. Ngồi phía dưới cùng trong góc của băng ghế, sát cửa lên xuống, là một ông trạc ngoài ba mươi vận sơ mi trắng bỏ trong quần tây đen thẳng nếp, chân đi giày bít cũng màu đen bóng loáng, đang lơ đãng đưa mắt ngó ra ngoài.

“After some time, I’ve finally made up my mind. She is the girl and I really want to make her mine. I’m searching everywhere to find her again. To tell her I love her. And I’m sorry about the things I’ve done… Boy I’ve missed your kisses all the time but this is twenty five minutes too late…”

Trước mặt hắn là một cô gái tươi tắn với cái áo sơ mi cổ tròn màu vàng hột gà nằm ngay ngắn bên trong chiếc váy dài xanh dương đậm. Cô có gương mặt đẹp với đôi mắt thật to, đôi hàng lông mi dài cong vút, cặp chân mày đen đậm tôn làn da trắng ngần. Cô đang cong đôi môi quyến rũ đỏ tươi say sưa hát theo bản Twenty five minutes, đầu lắc lư qua lại nhè nhẹ theo nhạc điệu soft rock phát ra từ cái loa nhỏ gắn trên cao trước mặt tài xế.

Những năm cuối thập niên 1990, mấy bản nhạc của các chàng nhạc sĩ bình dân Michael Learns To Rock đang trở thành “top hits” ở Phi. Người Phi là một dân tộc rất mê nhạc nên lúc ấy ở bất cứ chỗ nào, từ trên xe tricycle đến quán xá, Mega Mall, đâu đâu người ta cũng nghe các ca sĩ này rên rỉ như Chế Linh ta ngày xưa vậy. Trong khi đó, anh thanh niên, bạn của cô gái, cũng rất đẹp trai, đầy nét nam tính, ăn mặc tươm tất, đang âu yếm mân mê bàn tay cô gái. Một tay anh ôm lấy bờ vai cô, tay kia vuốt nhẹ làn da mịn màng trên cánh tay cô gái đặt trên đùi anh. Lâu lâu cả hai lại hôn nhau thắm thiết, tự nhiên, khiến hắn cảm thấy tủi phận lưu vong không ngày tháng của mình!

Phi là thuộc địa lâu đời của Tây Ban Nha nên phải nói rằng sự pha trộn giữa Âu và Á tạo nên một nét lai với cái đẹp riêng, duyên dáng mặn mà nhưng không kém phần mạnh mẽ. Hắn nghe chú Ôn Văn Tài, chồng của danh ca Thanh Thuý, sang thăm đồng bào ở Niệm Phật Đường vào năm 1998 bảo rằng “trước 1975 khi chú đến Phi thì Manila còn nghèo, dân trí Phi còn thấp, thua Sài Gòn nhiều lắm. Nhưng bây giờ Manila phát triển nhiều. Makati đẹp không thua Mỹ, đời sống và dân trí họ cao hơn hẳn Việt Nam ta rồi. Thế mới biết đâu là “đỉnh cao của trí tuệ” của Cộng Sản Việt Nam!

__________

Tuy Phi Luật Tân là nước đang phát triển nên cũng còn nhiều vấn nạn nhưng phải nói thẳng rằng người Phi bây giờ ra đường ăn mặc lịch sự, cư xử nhã nhặn, hiếu khách và lịch lãm; đặc biệt là ít có thủ đoạn ma mãnh, lường gạt như trong xã hội Việt Nam hiện nay. Đời sống dân chúng Phi Luật Tân tương đối hiền hòa, êm ái hơn người Việt bên nhà vì dẫu sao cũng là xứ tự do. Đó là sự khác biệt lớn lao giữa hai quốc gia hiện tại. Mãi suy nghĩ miên man trong tiếng nhạc dập dìu rồi lại nhìn họ, hắn đoán chừng họ là sinh viên và trông họ đang yêu thật hạnh phúc làm sao!

Khi nắng chiều vừa nhạt nhòa, rón rén bò xuống lề đường còn hừng hực nóng của một góc phố thì bọn chúng đến. Dáo dác ngó trước nhìn sau, chọn lựa địa điểm xong xuôi, hai thằng đổ đồ đạc ra tấm trải nhựa. Sắp xếp hàng hóa, bày biện cho có thứ tự vừa xong thì có một bà già Phi xăng xái đi tới. Sau một hồi săm soi chọn lựa, bà cầm lên một cái áo ngực và rất tự nhiên bà ướm giữa chốn thanh thiên bạch nhật đông người rồi nhảy nhót, xoay vòng một đổi ra chiều rất thích thú:

-How much? – Bà già hỏi.

-Two hundred pesos, ma’am – Hắn trả lời.

Bà lại giơ chiếc áo ngực lên ngang mặt ngắm nghía rồi để xuống, bỏ đi. Hắn gọi bà lại và mời mua, bà trả lời bằng tiếng Tagalog:

Walang pera (No money!)

Hắn ngẩn người. Thằng em nhìn hắn không nói tiếng nào. Bóng bà già khuất ở dãy phố cạnh bên. Tới khoảng tám giờ tối, khi đèn đường hắt ánh sáng nhợt nhạt, da bọn chúng như sẫm lại màu bùn. Gió đêm hiu hắt thổi qua phố, hai đứa dọn đồ về mà lòng buồn thiu vì suốt buổi chỉ bán được có mấy cái “panties.” Ngày đó kể như lỗ vốn!

Chiều hôm sau bà lại tới, hắn lại mời. Bà trả giá một trăm peso cho cái áo ngực hôm qua. Mới vừa đủ vốn, hắn nghĩ bụng “không bán được.” Hắn từ chối, bà bỏ đi! Ngày kế tiếp, bà già lại đến nhìn cái áo ngực đang nằm mời gọi rất lâu và vẫn chỉ trả giá một trăm. Hắn lắc đầu quầy quậy, bà già dợm bỏ đi. Thằng em đi bán chung với hắn đứng kế bên tức mình, bỗng cúi xuống cầm chiếc áo ngực lên nhìn hắn:

-Anh đưa em mượn cái kéo.

Hắn ngạc nhiên không hiểu thằng kia muốn gì nhưng vẫn khom người tháo hộp kéo và lấy ra một cái đưa cho nó. Thằng em bảo bà già cầm lấy đầu kia của cái nịt ngực, còn nó cầm đầu này đoạn vói tay lấy cái kéo…

-What are you doing?

Bà già vội vàng buông chiếc nịt ngực xuống, vừa hỏi vừa nhìn hắn, mắt trợn tròn ngạc nhiên. Thằng nọ tỉnh bơ bảo nịt ngực này giá hai trăm mà ngày nào bà cũng tới trả một trăm nên thôi nó cắt ra làm hai bán bà phân nửa còn nó giữ lại phân nửa. Nghe nó giải thích, hắn không nhịn được cười. Riêng bà già biết là bị chọc quê nên cũng mắc cỡ, cười gượng bỏ đi không quên lí nhí trong miệng:

-Loco! Loco! (Khùng điên! Khùng điên!)

Thế nhưng, chiều ngày hôm sau nữa, bà lại tới, móc hai trăm peso trả và lấy cái áo nịt ngực mà không nói tiếng nào. Hắn thấy vậy vội đưa trả bà ba mươi peso mà hắn nói là “discount” cho bà. Bà cầm tiền và cám ơn. Từ hôm đó lúc nào đi ngang bà cũng nói “hello” với bọn chúng.

__________

Cứ vậy, hắn gặm nhấm đời mình theo tháng ngày trong cái thủ đô rộn ràng nhưng luôn tất bật, giữa sự chênh lệch giàu nghèo của Makati với khu ổ chuột dưới chân tàu điện LRT (Light Rail Train System) tại Rotonda, với thân phận thằng bán rong! Đôi khi hắn nhìn lại hắn, từ một nhóc tì học trường dòng Công giáo cổ kính bên nhà chẳng biết gì cuộc sống ngoài xã hội, tới một gã lang bạt tứ cố vô thân, không nhà cửa không người thân, lưu lạc trên xứ người vì hai chữ tự do để rồi không khỏi ngỡ ngàng; và chẳng biết từ khi nào, hắn đã cùng với thằng em và một số anh em thuyền nhân khác, cũng thất chí, la cà vào các nightclub thâu đêm suốt sáng!

Từ “Babylon” sang chảnh trên đại lộ Roxas tới vũ trường bình dân dưới chân cầu tàu điện, từ “Miss Universal” hoa lệ ở Pasay city, Metro Manila tới “Showgirls” mờ ảo nhưng đầy quyến rũ tại Baclaran, rồi đến “Sariling Atin” thân quen ngập tràn ánh sáng…, không nơi nào, hắn chưa bước đến!

Tiếng nhạc to lớn xập xình, chát chúa khi cánh cửa được bảo vệ mở ra, phá tan màn đêm tăm tối bên ngoài, hình ảnh sexy nóng bỏng với hai mảnh vải nhỏ xíu che thân của các “stripteaser,” tiếng giày nện rầm rầm khi các cô bay từ trái sang phải và ngồi xoạc gần 180 độ dưới sàn nhảy, hay nhìn thân hình bốc lửa của các cô uốn éo trên cây cột nơi sàn ở những nightclub ấy đã trở thành thứ mời gọi khiến bọn hắn không cưỡng lại được!

“Don’t leave me in all this pain, don’t leave me out in the rain… I need your arms to hold me now… Unbreak my heart, say you love me again… Don’t leave me here with these tears… Uncry these tears, I cried so many nights. Unbreak my heart. Oh…”

Giọng hát truyền cảm, ma mị, rên rỉ đau khổ vì tình của Toni Braxton phát ra từ dàn “equalizer” của các DJ chuyên nghiệp làm tiếng nhạc dồn dập khắp khán phòng, cộng với ánh đèn thoạt ẩn thoạt hiện của những quả cầu mắc lung linh trên trần tạo nên màu sắc mờ ảo khiến những vũ trường ở Manila có một không khí hấp dẫn, một sức lôi cuốn đặc biệt mà các nightclub ở những đảo khác không thể có, làm cho những con “ma” sống về đêm như chúng thêm hưng phấn.

__________

Hôm nay bọn hắn kéo vào “Showgirls,” những chai bia uống hết chất đầy trên bàn, mùi thuốc lá Winston quyện lẫn mùi phấn son của mấy em vũ nữ sà vào lòng mỗi khi đi ngang làm hắn hứng thú, uống mãi không biết say. Một chai San Miguel giá bình thường ở bên ngoài là tám peso nhưng trong đây được tính đắt gấp năm lần nhưng bọn hắn vẫn vui vẻ, mạnh tay ký xèn xẹt mỗi khi “ticket” được đưa tới, để đến ba bốn giờ sáng khi vũ trường đóng cửa, bọn hắn là những vị khách cuối cùng ngất ngưỡng đi ra, sau khi đã thanh toán hai, ba, bốn ngàn peso cho cái “bill”. Trong khi hắn cặp cổ Alice, hai đứa chân thấp chân cao, ngã nghiêng ngã ngửa, thì phía sau, đám còn lại cũng ôm ấp các em phấn son lòe loẹt trên những gương mặt mệt nhọc dưới đèn khuya hắt bóng, bước thấp bước cao qua hè phố nhớp nhúa, ngập ngụa rác rưởi của chợ tàn Baclaran về khuya!

Chẳng rõ từ lúc nào, cuộc sống của hắn sa đọa dần. Hắn lặn hụp trong bia, rượu và… nightclub! Càng cố vùng vẫy, hắn càng chìm dần trong vũng lầy tăm tối của các thú vui trần tục, để sớm mai thức dậy cả người ê ẩm. Nhìn ra ngoài cửa sổ thì nắng trưa đã lên tới đỉnh ngọn dừa của nhà cạnh bên tự bao giờ!

__________

Thời gian đó là vào năm 1997. Một hôm hắn tới Phố Tàu ở Quiapo để “bổ” hàng và trong lúc đang lựa hàng hắn chợt nghe tiếng ai đó reo bên tai:

-Trời ơi, anh. Khỏ…e… khỏe hông?

Hắn nhận ra thằng Thoàn “ngọng” ở gần nhà hắn tại Khu Một trong trại tị nạn hồi trước. Hai anh em tay bắt mặt mừng, hỏi đủ thứ chuyện. Từ khi trại giải tán tới nay cũng hai ba năm rồi giờ mới gặp lại. Giữa lúc huyên thuyên thì cô bán hàng mang ra cho nó một bọc đồ mà nó “order.” Thoàn đứng vào trong và kín đáo mở ra xem lại hàng nhưng cũng đủ cho hắn nhận ra đồ nó đặt toàn là đồ của mấy em “stripteaser” mặc khi biểu diễn trên sàn nhảy. Nó mua mang về Cagayan; đảo nó đang sống.

Hắn chưng hửng, trợn tròn mắt nhìn Thoàn. Nó cười cười, bảo nhỏ với hắn, đây là hàng “chiến lược,” đừng nói ai. Tới chừng đó, hắn mới biết là nó “chuyên trị” thứ này.

-Bán đồ này ở đâu? Hắn hỏi.

-Em… em… vào… vào nightclub bán, anh.

-Người ta đang nhảy múa làm sao mày bán được?

Nó cười cười, nhún vai:

-Em quen, nên tụi nó cho mang đồ vào trước giờ club mở cửa một chút anh.

-Thế à! Bán buôn có OK không?

-Cũng được, tạm sống qua ngày, như… ưng… nhưng có nhiều khi gặp con nhỏ khó lấy tiền. Đòi hoài không được!

-Rồi sao?

Nó chồm qua vai hắn, lắp bắp như sợ có người nghe:

-N… n… bù, trừ tiền!

Nó nói mà mắt lim dim, hắn giật mình hỏi vặn lại:

-Thiệt không? Nó gật đầu thay cho câu trả lời.

-Mày dám đề nghị với người ta vậy?

-Không! nó túng quá, không có tiền trả nên bảo vậy, chớ em nào dám anh.

Bấy giờ hắn mới nhìn nó kỹ hơn, thấy mặt nó xanh mướt, ốm o chứ không còn mạnh khỏe như hồi ở trại. Chuyện vãn chưa xong, cô bán hàng lại mang ra cho nó thêm một đôi giày nhảy, màu đen cao tới đầu gối. Hắn ngạc nhiên:

-Cả cái này nữa à? Nặng thấy bà!

Thoàn lắc đầu, chép miệng:

-Bởi vậy, nhưng mà nó đòi, để có giày mang đi làm vì gi…ày… già…y… cũ của nó hư rồi nên phải ráng xách về thôi anh.

-Nó nào?

-Nhỏ đó đó, em ở với nó. Bây giờ n…ó…ó là vợ em mà anh.

Hắn reo to, vỗ vai Thoàn “ngọng”:

-Hay vậy ta. Vậy kỳ này có vợ Phi, thế là chọn định cư ở đây luôn rồi!

-Đời đưa nên em phải đẩy thôi anh. 

-Chắc lúc này mày nói tiếng Phi giỏi lắm phải không? Dịp nào dạy tao với!

Thoàn lắc đầu quầy quậy:

-Giỏi gì? Cứ “ka.ka.ka..in, kain, matu..tu..tu..log, matulog” là nó biết liền, chứ gì đâu anh.

-Nghĩa là gì? Hắn hỏi tới khi thằng Thoàn “ngọng” cứ lắp ba lắp bắp.

Thằng Thoàn móc tiền ra vừa thanh toán cho cô bán hàng đang đứng kế bên chờ, vừa nhún vai:

-Em cứ hô “ăn… ăn, ngủ.. .ngủ” là con vợ em nó biết liền hà.

Hắn bật cười thành tiếng trước sự khôi hài nhưng chân thật của Thoàn. Lấy hàng xong, chúng chia tay, mỗi thằng mỗi ngã. Thoàn “ngọng” đi rồi mà hắn còn đứng đó nhìn theo cái dáng gầy lêu nghêu, vai mang ba lô nặng trĩu, hai tay xách một đống đồ mà lòng nghĩ ngợi miên man. Trong hành trình tìm tự do của thuyền nhân Việt Nam ở lại Phi thì “khúc” này quả thật khó hiểu bởi có lắm chuyện vui buồn bất ngờ xảy ra mà nếu không phải là người trong cuộc thì chẳng ai cảm thông được. Đời mua bán bấp bênh trước một tương lai bất định như hôm nay rồi chẳng biết sẽ về đâu?” Hắn thở dài.

__________

Tuy nhiên, trong muôn nẻo đường đời lận đận, “cùng tắc biến, biến tắc thông”, như người xưa nói, quả không sai! Mấy năm sau, nhờ sự vận động không ngừng nghỉ của BPSOS (Boat People SOS) tới VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment), mọi người lần lượt lên đường tái định cư ở các quốc gia tự do, mở ra một vận hội mới sáng lạn cho những kẻ bất hạnh, như sách có câu “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ. Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn!”

Điều quan trọng nhất phải kể đầu tiên là bọn hắn phải cảm tạ lòng nhân ái vô bờ bến của chính phủ cùng nhân dân Phi Luật Tân đã cưu mang thuyền nhân, bất chấp đất nước này còn đang nghèo khó, cũng như tri ân sự từ tâm, nhân đạo của các quốc gia tự do như Mỹ, Pháp, Canada, Úc hay những nước Bắc Âu… đã không ngần ngại dang rộng vòng tay đón nhận, cứu vớt những sinh linh qua khỏi bờ mê bể khổ, như cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và nhạc sĩ Trúc Hồ đã viết trong ca khúc Bước chân Việt Nam hôm nào.

“… Lâu nay ta lặng thinh, hai mươi năm ngại ngần. Sống giữa ân và oán, muốn hát lên đôi lần. Grand merci la France, pour vos bras ouverts. Thanks Australia, for your open hearts. Thank you Canada, for the liberty. Thanks America, for your open arms. We, thank the world, for its true freedom. We thank the world, we thank the world. Thank you, we thank you all !”

Ohio, ngày 09 tháng 07 năm 2022

__________

NHỮNG BÀI VIẾT KHÁC CỦA CÙNG TÁC GIẢ

-Xuân tị nạn

Ước mơ của ba tôi

Qua cơn mê đời

Mùa Giáng Sinh nơi trại tị nạn

Con quỳ lạy Chúa… trong tù!

Con đò nhân ái 

Ma Việt, ma Phi

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: