Hình minh họa.

Thành là người rất mực yêu thương, chăm sóc vợ con. Chàng đúng là một mẫu người đàn ông lý tưởng của một gia đình vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc. Thành không uống nhiều rượu, chỉ uống chút chút chơi với bạn bè khi vào tiệc tùng chứ không bao giờ uống say. Thuốc lá thì đã bỏ từ trước khi lấy vợ, bây giờ chỉ còn một thứ ghiền không bỏ được là cà phê, nhưng cũng không uống nhiều hơn hai tách một ngày. Người mẫu mực mà.

Thành cưới Lan lúc hai người ở độ tuổi mới ngoài đôi mươi. Thành, lúc đầu làm phụ bếp nhưng sau được học nghề trở thành đầu bếp cho một nhà hàng sushi – chủ là người Nhật; còn Lan làm cho một hãng may màn ở dưới phố, phần lớn công nhân là người Việt tỵ nạn. Cuộc sống của Thành và Lan tuy không giàu có nhưng rất ổn định nhờ tính siêng năng, chịu khó và cần kiệm. Khi hai đứa con lớn lên và vào trường trung học, Thành thấy thong thả đỡ vất vả chăm sóc con như khi chúng còn bé nhỏ, nhưng Thành lại không chịu “an nhàn”.

Thành góp nhặt vốn liếng và mở một nhà hàng nấu món ăn Việt. Tuy không giỏi giang nhưng gặp may mắn có được một đầu bếp nấu ngon, hạp khẩu vị nên nhà hàng rất đắt khách và làm ăn ngày càng khấm khá. Ở nước ngoài, món ăn Việt nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là phở, chả giò, gỏi cuốn và bánh mì thịt. Những người Việt tha phương luôn nhớ nhung và không sao quên được những món ăn thắm thiết tình quê hương, dù ở xứ người đầy những món ngon vật lạ. Không chỉ những người Việt mà những khách ngoại quốc như Tàu, Đại Hàn, Nhật Bản, Phi, Thái,… và kể cả những người da trắng như Mỹ, Đức, Anh, Ý, Pháp,… cũng thích thử qua những món mang hồn quê đất Việt. Nhà hàng của Thành nằm ngay khu phố buôn bán, đông đúc, sầm uất nên rất thuận lợi để hấp dẫn đủ mọi sắc dân có tâm hồn ăn uống.

Thành rất yêu và cưng chiều vợ nên khi làm ăn khá giả cũng không muốn vợ cực khổ bèn khuyên Lan nghỉ làm ở hãng may màn; chỉ đưa đón con đi học và phụ ngồi thâu tiền, vì nhà hàng chỉ bận vào những giờ đông khách. Thành cũng không muốn vợ đụng móng tay vào chuyện bếp núc vì vậy vào những giờ vắng khách, Lan thường la cà “shopping” hay tán dóc chứ cũng không phải phụ bếp hay quán xuyến công việc ở nhà hàng. Nàng không giỏi quản lý mà cũng không thích nấu nướng.

Vợ chồng sớm tối có nhau, lúc còn hàn vi phải tằn tiện lo cho con cái, bây giờ làm nhiều tiền thì Thành thích mua sắm cho vợ để đền bù. Mỗi năm vào mùa Giáng Sinh, Thành thường mua những món quà xa xỉ như nước hoa, bóp đầm, quần áo hàng hiệu mắc tiền tặng cho vợ, nhưng nàng thích nhất là nữ trang – chẳng hạn như cái lắc, vòng đeo tay hay đôi bông hột xoàn xinh xinh làm quà sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới. Vợ chàng thường vui mừng và hãnh diện khoe ầm ĩ với bạn bè.

Năm nay, Thành vừa ghé tiệm nữ trang, nhìn ngắm chiếc mề đay hình trái tim có cái hột xoàn lung linh, lấp lánh đẹp quá! Chắc hẳn là Lan sẽ vui sướng khi thấy món quà này vì nàng vẫn nhìn ngắm nó mà ước ao. Lần này, Thành mua và muốn “âm thầm” tặng vợ một món quà “bất ngờ” cho thay đổi không khí hơn là dắt vợ đi mua cho nàng vừa ý.

Năm nay, tiệc Giáng Sinh được tổ chức ở nhà Nam, bạn thân của Thành. Mọi người đều vui vẻ ca hát, chuyện trò, tán dóc như pháo rang và cười nghiêng ngả với những mục khôi hài, chọc phá nhau. Tiệc tàn, ai về nhà nấy. Hai đứa con thì sang chơi và ngủ lại nhà của Thu, em gái của Lan. Đêm Giáng Sinh yên lành, không có trẻ con quanh quẩn làm phiền… Thành bước vào phòng ngủ lòng vui phơi phới mà chưa biết phải giấu gói quà vào đâu để làm cho vợ bất ngờ vui mừng.

Lan thay quần áo và bước vội vào phòng tắm để đánh răng, rửa mặt. Thành chợt nghĩ hay là bỏ vào cái bóp của Lan, khi mở ra thấy được quà tặng chắc hẳn nàng sẽ vui lắm! Thế là chàng hân hoan bước lại mở cái bóp và đặt gói quà xinh xinh có thắt chiếc nơ hồng vào, nhưng… thoáng nhìn thấy một cái hộp nho nhỏ trong đó. Thành cầm lên và chết sững…! Chàng cảm thấy lạnh người, mặt tái mét như không còn giọt máu… Chàng ngồi thừ ra và lấy lại món quà rồi khóa cái bóp lại… Suy nghĩ… rồi lại đổi ý… Chàng để món quà vào lại trong bóp.

Thành nằm vật ra giường mà lòng đau như cắt…! Lan vừa bước ra khỏi phòng tắm thì chuông điện thoại cũng vừa reng… Ai phone vào giờ này? Chắc là em gái của Lan, vì mỗi tối Lan nói nàng hay rù rì, thủ thỉ, chuyện trò với em gái trước khi ngủ. Lan chụp vội cái bóp, mở ra lấy phone. Vừa mở bóp ra thì phone tắt. Lan cầm phone lên coi rồi lặng lẽ chẳng thấy nói gì. Chợt thấy gói quà, nàng cầm lên mừng rỡ hớn hở quay lại, nhưng nhìn thấy bộ mặt xanh xao và lạnh lùng của Thành, Lan khựng lại, lo lắng hỏi chồng: Anh… anh sao vậy? Thành ậm ừ. À… anh hơi mệt…!

Lan mở quà, trầm trồ, suýt xoa. Nàng vui cười tít cả mắt rồi nói:

– Ồ! đẹp quá! Em thích nó từ lâu rồi mà không dám đòi, sao anh biết là em thích, anh hay vậy? Nói rồi Lan nhoài người đến bên chồng để ôm hôn, nhưng Thành quay mặt đi né tránh và đẩy Lan ra. “Anh… anh… sao lạ vậy?!” Lan hốt hoảng hỏi.

Thành lạnh lùng: “Cô tự biết lấy, tôi không thể ngờ cô lại đốn mạt, tồi tệ đến như vậy?!”

Lan sững sờ nhìn chồng, nhưng nàng vẫn sán lại bên cạnh rồi gằn giọng hỏi. “Em… em làm gì mà anh cho là đốn mạt chứ?”. Bốp! Một cái tát vào mặt. Lan ngã chúi người trên giường. Nàng lồm cồm ngồi dậy, mếu máo: “Có gì thì nói, sao anh lại đánh em… Em đã làm gì chứ?!”

Không kìm nổi cơn giận, Thành gào như điên dại:

– Cô còn khóc than nỗi gì. Cô còn muốn tôi bóp chết cô hay sao!?

Lan giận dữ, gào khóc, kêu 911, nói nàng bị hành hung, sắp bị giết đến nơi rồi…! Lan cũng gọi cho cô em gái nhà ở gần bên. Em gái Lan vội chạy qua và cảnh sát cũng nhanh chóng có mặt. Cảnh sát yêu cầu Thành phải rời khỏi nhà, tạm vào nhà giam để bảo đảm an toàn cho vợ con và cho chính mình. Đêm Giáng Sinh ấy, chàng co ro trong nhà tù!

Đó là mùa Giáng Sinh cuối cùng họ bên nhau…

Thành quyết định ly dị vợ. Lan vẫn ở ngôi nhà với hai đứa con. Lan ngậm ngùi và sượng sùng nhớ lúc ra tòa… Giọng trầm buồn, chua xót của Thành vẫn còn văng vẳng bên tai nàng và mọi người có mặt ở tòa án: “Tôi là người đã thắt ống dẫn tinh nhưng khi tôi bỏ món quà tặng vợ vào trong bóp thì tôi thấy có một hộp “condom”. Vợ tôi đã xài nó với một ai đó chứ không phải tôi…!”

Ông Tòa tỏ vẻ thương cảm và ái ngại nhưng vẫn phán: Thành phải rời khỏi nhà; mỗi tháng chu cấp cho vợ con đến khi các con 18 tuổi…

***

Nhà hàng bị bỏ bê và sau đó phải sang nhượng. Thành nghiện ngập và nợ nần. Cha mẹ và anh em thấy đau lòng nên bàn tính đưa Thành về Việt Nam cai rượu và cờ bạc. Nhờ có tay nghề cao, Thành mở một nhà hàng sushi ở Sài Gòn. “Sau cơm mưa, trời lại sáng!”. Thành chí thú làm lại cuộc đời. Sau đó, Thành gặp Nga, một cô phụ bếp ở nhà hàng và đem lòng yêu mến. Nga nhìn vẫn còn rất trẻ tuy đã ngoài 30, nàng đơn giản, mộc mạc, chăm chỉ, không đua đòi. Thành thương yêu Nga vì cái đức tính ngoan hiền, chịu thương chịu khó,… nụ cười duyên dáng của nàng khiến Thành bâng khuâng, xao xuyến…

Và Thành cưới Nga. Thành cũng thật thà cho Nga biết rằng chàng không thể có con. Lần thứ hai cưới vợ, Thành cầu mong cho quãng đời còn lại yên vui sau những thăng trầm, khốn khổ. Từ một cô gái phụ bếp, trở thành vợ một anh Việt kiều, một chủ nhà hàng, Nga cũng dần thay đổi. Nga ăn diện, điệu đà và cũng “chảnh” hơn một chút. Giáng Sinh năm ấy, Thành hoan hỉ mua tặng vợ một món quà. Lại là một chiếc mề đay có cái hột xoàn. Đêm đó, Thành mở ngăn tủ bàn phấn của vợ để giấu món quà. Chàng chợt nhìn thấy một “vật lạ” làm chàng hoa cả mắt… Đó là một vỉ thuốc ngừa thai!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: