Mùa Giáng Sinh nơi trại tị nạn

“Vouloir c’est pouvoir!” (Proverbe Francais)
Bãi biển El Nido, Palawan. Ảnh: Carla Cervantes/Unsplash

Khi được thả ra khỏi trại giam, sáu tháng sau tôi lại “ra khơi” và tới El Nido của đảo Palawan, Phi Luật Tân, vào ngày 4 Tháng Sáu năm 1989. Tôi cảm thấy thỏa mãn với quyết tâm “muốn là được” của mình vì cuối cùng tôi cũng thoát khỏi chế độ cộng sản, lúc ấy tôi nghĩ vậy. Nhưng thật sự thì không!

Trong lịch sử vượt biển bằng thuyền của dân tị nạn Việt Nam đến Phi thì có lẽ ghe tôi là đông nhất; hai trăm bốn mươi sáu người tất cả! Ngày chúng tôi “tắp đảo,” dân địa phương ở đó và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã hốt hoảng lúc thấy người ta cứ nườm nượp từ dưới hầm chui lên không dứt.

Suốt thời gian chờ đợi để được đưa về trại lánh cư (The Philippine First Asylum Camp-PFAC) gần thủ phủ Puerto Princesa của Palawan, chúng tôi đã làm mưa gió chốn này bởi ngày cũng như đêm lúc nào thiên hạ cũng rần rần, ồn ào như cái chợ do sung sướng vì được tự do. Phi là một dân tộc rất tốt, hiền lành lại hiếu khách, họ đã tiếp đón đám cùng khổ chúng tôi như các anh hùng và giúp đỡ dân tị nạn một cách thật chân tình.

El Nido nằm cách thủ đô Manila 420 cây số về hướng Đông Nam và không chỉ được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất của nước này mà còn là của cả thế giới nữa!

Trong mấy ngày đi loanh quanh ngoài bãi biển thơ mộng với rừng dừa ngút ngàn uốn cong như vòng tay người đàn ông ôm lấy bờ vai của thiếu nữ mình thương yêu, với bãi cát trắng ngần mềm mại nâng niu gót ngọc, tôi tình cờ gặp lại người đàn bà có đứa con gái nhỏ mà tôi đã đưa cho bà mượn chiếc áo mưa “người dơi” của tôi vào một buổi chiều bà ngồi co ro dưới cơn mưa tầm tã, tay ôm đứa con gái nhỏ đang run lập cập trong lòng, trên boong tàu sát miệng hầm của tôi. Thấy tôi, bà mừng rỡ ríu rít:

-Em khỏe không?

Giữa lúc tôi còn đang ngơ ngác không biết người đàn bà này là ai thì bà ta nói:

-Hổng nhớ chị hả?  Chị là người em cho mượn cái áo mưa nè!

Tôi “ồ” to một tiếng và bấy giờ tôi mới ngó bà ta thì thấy bà khá đẹp nên nhất thời ấp úng:

-Xin lỗi, tại..tại… hôm ấy trên ghe cô…cô…bị mắc mưa nên trông khác quá!

-Trời ơi, kêu chị bằng chị được rồi, gì mà gọi tới bằng cô lận! Bộ chị già lắm sao? Tên chị là Hồng, chị mới có hơn ba mươi tuổi một chút thôi mà!

-Dạ! Tôi lí nhí trả lời.

Nhìn kỹ thì quả nhiên chị còn khá trẻ. Chị Hồng bảo là chị đi kiếm tôi suốt ngày hôm qua để trả lại áo mưa và cám ơn tôi đã cho hai mẹ con chị mượn chiếc áo mưa này vì nếu không có nó thì hai mẹ con chị chẳng biết đã ra sao bởi lúc ấy thì cả hai mẹ con đã bị ướt sũng vì mưa gió. Nhìn con bé lạnh run trong lòng chị làm chị lo sợ vô cùng. Thế là từ đó tôi có thêm người quen mới và ngày sau mới biết là chị lớn hơn tôi bốn tuổi, cũng ở Sài Gòn như tôi nhưng phía bên Quận Tư.  

Tại PFAC, một hôm tôi gặp chị Hồng ngay cây me trước văn phòng Cao Ủy lúc đang xách xô đi lãnh lương thực. Chị gọi giật giọng, lúc tôi vừa đứng lại thì chị trờ tới, nước mắt lưng tròng, chị nghẹn ngào:

-Hôm nào chị nhận tiền của em chị bên Úc gửi qua thì chị nhờ em ra phố mua giùm chị mấy miếng ván ép về cất nhà nghe.

-Ủa, chứ bữa giờ chị ở đâu?

Câu hỏi của tôi làm chị vỡ òa, khóc lớn khiến tôi hốt hoảng nhất thời lúng túng còn người qua lại thì tò mò nhìn chúng tôi dò xét. Tôi dắt chị tới ngồi trên mấy tảng đá người ta đặt dưới bóng râm của cây me để tránh cái nắng hừng hực như đổ lửa của xứ nhiệt đới này, và theo lời chị kể mới biết rằng ngày ra khỏi “barrack” hai mẹ con chị đến nhà mà ban kế hoạch phân vào, thì bị chủ nhà và các người ở đó đuổi ra không cho vào vì nhà đã quá chật chội!

Cuối cùng hai mẹ con chị đành phải ăn ngủ nơi hàng hiên của mấy cơ quan thiện nguyện, tuần rồi chị mới xin được cho sống tạm ngoài cái chái của một căn nhà tại Khu Bảy nguyên là miếng đất trồng é, quế của người ta lúc trước.  

Palawan. Ảnh: Jules Bss/Unsplash

Thời gian này, những quốc gia trong vùng Đông Nam Á và lân cận đã lần lượt đóng cửa (cut off date) trại tị nạn sau Hội Nghị Genève vừa diễn ra ở Thụy Sĩ với quyết định thành lập Chương Trình Hành Động Toàn Diện để thanh lọc thuyền nhân thường được gọi là CPA (The Comprehensive Plan or Action) chứ không còn ban cho họ quy chế tị nạn “tự động” khi họ đến được bến bờ tự do nữa khiến cho số người trốn khỏi Việt Nam tăng vọt khắp nơi do lo sợ sẽ không còn tiếp tục ra đi được.

Các nước Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai… chấm dứt nhận người tị nạn vào ngày 14 Tháng Ba năm 1989, Phi thì nhân đạo hơn nên chậm đi một tuần, riêng Hong Kong đã đóng từ năm 1988 rồi. PFAC được thành lập vào năm 1978 tới nay chỉ có khoảng chừng trên dưới hai ngàn người nhưng giờ đây đột ngột lên đến hơn mười ngàn thuyền nhân làm cho Cao Ủy Tị Nạn và Ban Quản Đốc trại lúng túng.

Ngày xưa nhà cất cho chừng mười người ở bây giờ bỗng nhiên có tới hơn hai mươi mạng sống chen chúc khiến sinh hoạt trở nên khó khăn muôn vàn. Tình trạng tranh giành nhà cửa, nước ngọt, nhu yếu phẩm đã thường xuyên xảy ra dẫn tới đánh nhau giữa các băng nhóm, khiến cho vấn đề an ninh trong trại thêm căng thẳng!

Đứng nghe chị kể tôi nhớ lại hoàn cảnh của mình hôm đó cũng không khác là bao! Bởi thoạt đầu người ta cũng không nhận tôi vào, nhưng rồi anh chủ nhà bỗng thương hại đổi ý, cho tôi; “vị khách không mời mà tới” sống đỡ trên gác Cao Ủy cùng với hai ba thằng nhóc khi anh thấy tôi đứng ngượng ngùng, mặt bẽ bàng nơi ngạch cửa. Tuy vậy không bao lâu sau đó tôi cũng giã từ để về Khu Một sống với mấy anh em cùng ghe cho thuận tiện hơn.

Nửa tháng sau chị Hồng đến nhờ tôi đi mua vật liệu cất nhà, tôi liền kêu thêm mấy thằng em sống chung cùng tôi giúp chị. Chúng tôi đi “tricycle” ra phố Puerto Princesa mua cây, ván ép mang về, chị thì lên ban xây dựng xin lá dừa. Chúng tôi hăng hái cất cho mẹ con chị một mái nhà nho nhỏ để che nắng, trú mưa. Trong lúc bọn tôi đang làm thì có một người đàn ông trung niên gần đó lân la đến bắt chuyện với chị Hồng:

-Hôm nọ anh nói em, anh có phòng sẵn. Em sang đó ở tiết kiệm được tiền cho con ăn bánh mà em không chịu.  Bày vẽ chi vầy cho cực, lại phiền anh em!

Tuy nhiên tôi thấy thái độ của chị Hồng rất lợt lạt. Chị trả lời lí nhí gì đó lấy lệ rồi lảng đi nơi khác. Người đàn ông đứng tần ngần một đổi đoạn bỏ đi. Tôi thắc mắc nhìn chị:

-Ổng có phòng trống nhường cho chị hả?

-Đâu có. Phòng của ổng đó chứ!

-Ủa, cái đó đâu phải là phòng trống có sẵn đâu? Tôi ngơ ngác không hiểu.

Chị Hồng giải thích:

-Ý của ổng nói phòng có sẵn là phòng ổng đang sinh sống ấy, chị và Bé Na chỉ vô ở thôi.

Tôi tò mò:

-Ổng cho má con chị vô đó, rồi ổng ở đâu?

-Thì ở chung luôn chứ đâu nữa.  

-Ở chung vậy… ngủ nghê làm sao?

Chị Hồng nói mà ngượng nghịu, mặt bẽn lẽn vì mắc cỡ trông thật tội:

-Thì… ngủ với ổng chứ làm sao!

Tôi “ồ” to, chợt hiểu ra. Trên mái nhà thằng Tiến cười nắc nẻ suýt té dù đang bận lợp nhà.  Nó la lớn:

-Chị đừng nói nữa không thôi em sẽ… rớt xuống đất đây! Tị nạn… tiếu lâm không chịu nổi! 

Chị Hồng cũng cười cười lắc đầu:

-Thằng cha… vô duyên! Hổm rày ổng thấy chị không chịu nên nghe người ta nói là ổng cứ sàng sàng lại “barrack” để coi có ai tới đặng “bốc nhân đạo” một em về thì phải!

Thông thường người mới nhập trại phải ở trong “barrack“ năm bảy bữa để làm thủ tục giấy tờ và chờ phân chia ra các khu. Nhưng lúc này dân ‘tắp đảo’ đông quá do đó thời gian chờ đợi sẽ lâu hơn và điều kiện sinh sống, vệ sinh trong ấy rất tệ nên ai cũng muốn mau được ra ngoài.

Từ đó các người đến trước và đang ở ngoài khu nếu có điều kiện lãnh thân nhân trong “barrack” thì chỉ việc lên ban kế hoạch làm bảo lãnh thì sẽ được chấp thuận ngay. Dần dà thiên hạ gọi đùa chuyện đó là “bốc nhân đạo!” Một số ông “ế kinh niên” đã mượn cớ này để tìm người yêu, tìm vợ… Lâu ngày cụm từ này đã bị lạm dụng và mang tiếng xấu, mất ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó! 

Càng nghĩ anh em chúng tôi càng thấy cảnh đời tị nạn thật kỳ lạ với lắm chuyện bi hài mà chỉ biết lắc đầu, cười ra nước mắt chứ chẳng biết nói gì hơn. Hèn chi thiên hạ hay nói đùa “tình Palawan là tình ba lăng nhăng” là vậy!

Nhưng dù cho cuộc sống có khó khăn thế nào cũng không làm cho người ta lo lắng bằng “bóng ma thanh lọc”, bởi đây là một chuyện hoàn toàn mới chẳng ai biết nó được tiến hành thế nào? Thể thức ra sao?

Tuy nhiên cái cách Cao Ủy ngày nào cũng ra rả giải thích về tiến trình này trên loa truyền thông rằng nếu ai không chứng minh được tư cách tị nạn thì sẽ bị xem là di dân kinh tế và buộc phải hồi hương thì có thể được xem như là một sự khủng bố tinh thần mọi người. Nhiều kẻ vì quá lo lắng đã trở nên “khùng điên ba trợn,” ngày tối cứ lang thang như người điên hết dạo công viên đến bãi biển mà không chịu trau dồi Anh ngữ hay học hành chi cả!

Rồi những ngày nóng “chảy mỡ” ở xứ sở nhiệt đới trôi qua lặng lờ trên phận kẻ tha hương, thời tiết bắt đầu lạnh dần. Khi các chiếc xe “tricycle” do mấy người Phi làm chủ chạy vô trại với tiếng nhạc xập xình, vang inh ỏi “Last Christmas I gave you my heart…. this year, to save me from tears…. but the very next day you… tell me baby, do you recognize me?… “Merry Christmas” I wrapped it up and set it…” cũng là lúc báo hiệu mùa Giáng Sinh sắp tới làm cho thuyền nhân cảm thấy vui vẻ yêu đời trở lại.

Thiên hạ tạm gác bỏ mọi lo âu, phiền muộn để dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Thiên Chúa giáng trần. Mấy người tới trước ngày đóng cửa đảo là dân PA (the Philippine Arrival) thì đương nhiên sẽ được định cư ở đệ tam quốc gia nên luôn lạc quan. Họ thích thú vì trại đông đúc sôi nổi chứ không còn đơn điệu tẻ nhạt như xưa bèn hăng hái dẫn kẻ tới sau ngày đóng cửa là đám PS (The Philippine Screening) chúng tôi vô rừng chặt cây về làm cây thông Noel. Người ta mua bông gòn quấn đầy cành nhánh làm tuyết, sắm đồ trang trí cho cây, gắn dây đèn chớp nháy đủ màu (multi lights) khiến cho cây Giáng Sinh trở nên vô cùng rực rỡ.  

Thời gian này tôi là con “mồ côi,” chỉ sống nương nhờ vào các anh em có thân nhân ở ngoại quốc nên chẳng có tiền bạc gì để đóng góp ngoài công sức!

Trong cái không khí tưng bừng nhộn nhịp ấy, Hội Đồng Đại Diện Nhiệm Kỳ 29 do Ông Trần Phi làm chủ tịch đã trích xuất cho mỗi khu 500 pesos để làm hang đá Bê Lem cho đồng bào vui chơi cũng như tổ chức thi đua có thưởng xem khu nào đẹp nhất nhằm giảm bớt căng thẳng về tinh thần cho thuyền nhân khiến cho mùa lễ thêm ý nghĩa, trang trọng hơn.

(Tác giả và người bạn trong Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình vào một đêm Giáng Sinh tại trại PFAC)

Thế là từ lúc đó, cả trại rộn ràng náo nhiệt, nhạc Noel cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, tiếng Pháp vang lừng khắp nơi làm ai ai cũng phấn khởi. Người chạy tới, kẻ đi lui lăng xăng mong chóng hoàn thành công việc được giao của mình vì ngày lễ đã cận kề! Cũng theo lời các Sơ ở văn phòng CADP (The Center for Assistance to Displaced Persons) thì năm nay là mùa Giáng Sinh lớn và quy mô nhất trong lịch sử tị nạn của trại do người nhiều nên các hoạt động lễ lạc vô cùng phong phú.

Để góp thêm niềm vui, mấy Sơ phân công cho anh Dần là người phụ trách văn nghệ của văn phòng mang đàn guitar tới những lớp học tiếng Anh dạy bọn tôi bài “Feliz Navidad” do vậy mà sau này mỗi khi gặp anh bất cứ nơi đâu trong trại chúng tôi cũng hát “Feliz Navidad… Feliz Navidad… I want to wish you a Merry X-mas… I want… from the bottom of my heart…” làm anh thích thú với các kỷ niệm ngày đầu của thời tị nạn cuối mùa! 

Phi là quốc gia có hơn 95% dân số theo đạo Công giáo vì vậy năm nay người địa phương sống quanh trại rất ngạc nhiên lúc thấy thuyền nhân bên trong tổ chức đón Thiên Chúa vô cùng quy mô và vui chưa từng có, khiến họ hân hoan, gần gũi với chúng tôi hơn. Họ thường xuyên vô trại chơi với chúng tôi một cách rất thân thiện và hay dừng lại nơi Hang đá Đức Mẹ hoặc Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình đã được trang hoàng đèn đóm lộng lẫy để cầu nguyện.

Chiều ngày 24 Tháng Mười Hai năm 1989, chị Hồng mang một số bánh trái, cà phê, thuốc lá mà chị vừa đi phố mua về tặng chúng tôi như cám ơn anh em tôi đã làm nhà giúp chị hôm nọ. Trước khi ra về chị ngỏ ý rủ tôi đêm nay cùng chị đi thăm hang đá ở các khu.  

Tối đến, chúng tôi theo chân phái đoàn chấm thi đông đảo gồm Fr. Crawford đại diện nhà thờ, Sister Carina của CADP, Sister Tomasa của trường HTC (The Holy Trinity College), Đại Đức Thích Thông Đạt bên Chùa Vạn Đức (hiện là Viện chủ Chùa Đại Nhật Như Lai ở San Jose, CA) cùng quý vị đại diện Hội Thánh Tin Lành, Cao Đài, Vô Vi, và ông Chủ Tịch Hội Đồng Trung Tâm với đủ ban bệ và dân chúng cùng trẻ con nối đuôi la ó vang trời, tưng bừng đi từ Khu Mười Hai xuống.

Người ta không khỏi bất ngờ khi thấy tại một số hang đá, Thánh Joseph, Mẹ Maria cả đến Chúa Hài Đồng lẫn Ba Vua trình diễn hoạt cảnh Chúa giáng trần một cách sinh động do người thật thực hiện vô cùng độc đáo.  Ý tưởng mới lạ này của thuyền nhân khiến các Sơ phấn khích, Cha Crawford thì tấm tắc ngợi khen!

Buổi chấm thi kết thúc tuyệt vời trước hang đá Khu Một, nơi bãi đất trống to lớn cạnh nhà thờ vào khoảng mười giờ.  Đoạn mọi người lần lượt ra về sửa soạn quần áo đón lễ nửa đêm hay ăn “réveillon” thì chị Hồng chợt quay sang tôi:

-Hồi sáng đi phố, chị có mua con gà, chút nữa em xuống nhà ăn cháo gà với chị và bé Na nhe!

Vốn đang mặc cảm phận không thân nhân giúp đỡ lại thêm tương lai mịt mờ trước mắt, chẳng biết ngày mai sẽ ra sao nên tôi từ chối lời mời chân thành của chị mặc chị khẩn khoản nài nỉ. Nhìn chị dắt đứa con gái bé bỏng khoảng chừng ba tuổi của mình đi với đôi mắt đượm buồn, hờn dỗi, tôi cảm thấy áy náy, nhất thời đứng lặng yên, chân tay luống cuống quên cả lối về mà không biết làm sao?   

Khi bóng hai mẹ con đã khuất trong màn đêm, tôi lững thững bỏ đi, ngang qua quán cà phê của Hương “chùa” ở đầu khu tôi nghe tiếng Elvis Phương văng vẳng vọng ra từ chiếc “cassette” to lớn đặt trên kệ gỗ “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau…giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân…xin cho đôi mình suốt đời có nhau…em qua cầu xác pháo bay sau…bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu…đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi.” mà nghe hồn bâng khuâng một thoáng!

OH, mùa Giáng Sinh 2021

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: