Người Bắc vào Nam nửa đầu thế kỷ 20

Quảng cáo phở Bắc từ thập niên 1930 trên báo (Thư viện Quốc gia VN; ảnh tư liệu của tác giả)
Share:

Từ năm 1910, đã có người Bắc vào Sài Gòn làm ăn sinh sống nhưng số lượng rất ít, chỉ có vài công chức bị thuyên chuyển hoặc những người có chuyện bất mãn ngoài đó nên tìm vào. Ký giả Vũ Xuân Tự kể: Một ông cụ người Bắc vào rất sớm đã than vãn là đầu thập niên 1920, ông mới vào Sài Gòn, đi hàng nửa ngày trời mới gặp được một người Bắc, rất vui mừng. Từ năm 1920 đến 1928, số người Bắc vào Nam phần lớn lại là người đang có công ăn việc làm hoặc buôn bán, hoặc có chuyện phải bỏ xứ. Họ trở thành lớp người Bắc khá giả ở thập niên 1940 nhờ vào sớm còn nhiều thuận lợi.

Từ thập niên 1930 đến 1940, người Bắc vào ngày càng đông. Người khôn của khó, người mới vào không còn thuận lợi như trước nữa, nhất là nhằm lúc kinh tế đang khủng hoảng. Tuy vậy, cũng có ba người từ tay trắng trở nên giàu có ở Sài Gòn là chủ hiệu sách Tín Đức và hai tiệm may Hòa San và An Thành.

Trước khi khánh thành đường xe lửa xuyên Đông Dương, người Bắc ở Sài Gòn đã có trên mười mấy ngàn người. Sau do giao thông thuận tiện hơn, con số ấy càng tăng. Hội Giác Quang tự, Bắc Kỳ nghĩa trang và Bắc Kỳ ái hữu là ba hội được phép thành lập ở Sài Gòn, tuy có liên quan đến “đền chùa” nhưng có giúp đỡ cho người đồng xứ chẳng may thất lộc nơi xứ xa. Dù sao, người Bắc ở Sài Gòn tự hoạt động kinh doanh là chính, tạo dựng được sự nghiệp, gây nhiều cảm tình cho người Nam để càng lúc càng hiểu nhau hơn. Cho đến đầu thập niên 1940, hầu như lĩnh vực nào ở miền Nam đều có người Bắc tham gia.

Hội đồng hương làng Lai Xá từ Hà Tây vào, mở nhiều tiệm ảnh có tiếng ở Sài Gòn (Ảnh: Đinh Tiến Mậu)

Giới viết lách là những người thông tin khá cặn kẽ về chuyện làm ăn sinh sống cùng những chuyện đồng nhất và khác biệt giữa đời sống, sinh hoạt, phong tục hai miền cho đồng bào xứ Bắc biết về miền Nam, vùng đất mới nhiều hứa hẹn. Họ còn dẫn chứng nhiều trường hợp thành công của người miền Bắc đi trước. Có người như ký giả Yên Sơn từ miền Bắc vào sống ở Sài Gòn, ghi nhận khá tỉ mỉ cuộc sống đời thường của xã hội, rồi về Hà Nội tổ chức diễn thuyết mấy buổi, có chê có khen, có lúc so sánh nếp sống hai miền quá thẳng thắn và chủ quan đến mức bị phản ứng của người nghe ngoài ấy. Các bài nói của ông còn được đăng lại trong loạt bài Phong tục và tiếng nói Nam kỳ trên nhật báo Hà thành Ngọ Báo số 1715, 1718 và 1719 năm 1933.

Một nhà báo nổi tiếng khác là Đào Trinh Nhất viết cuốn Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ xuất bản từ năm 1924, gần như là cuốn cẩm nang chi tiết cho người miền Bắc về chuyện làm ăn sinh sống ở miền Nam, về thế lực của người Hoa khuynh đảo nền kinh tế Nam kỳ. Nó đã khiến bao người quyết tâm vào Nam và giúp giới làm ăn miền Bắc có đủ thông tin để cân nhắc khi đầu tư tiền của vào xứ Nam kỳ, trong đó có câu chuyện vua tàu đường sông Bạch Thái Bưởi vì đọc cuốn này mà dừng lại ý định đầu tư vào Sài Gòn vì e ngại thế lực người Hoa.

Một cuốn khác, khá lý thú của ký giả Vũ Xuân Tự, cuốn Túi bạc Sài Gòn viết ở giai đoạn sau khi đã có một số người Bắc vào sống ở Sài gòn và tham gia làm ăn buôn bán. Không nặng theo hướng nghiên cứu như ký giả Đào Trinh Nhất, cuốn sách này viết bằng giọng văn phóng sự sinh động, có cái nhìn quan sát sắc bén của người ký giả lăn lộn nhiều ngoài xã hội.

Tiệm ảnh Mỹ Lai rất có tiếng được gia đình mở ra từ 1930 khi vừa vào Nam. Hiện tiệm vẫn tồn tại trên đường Phan Đình Phùng, Phú Nhuận (Ảnh tư liệu gia đình anh Đức Vượng)

Theo Vũ Xuân Tự, năm 1941, con đường Catinat (nay là Đồng Khởi) và đường Charner (Nguyễn Huệ), hai con đường phồn thịnh và đẹp của Sài Gòn là khu thương mại của người Pháp. Tuy nhiên người Bắc vẫn mở nhiều cửa hàng và thậm chí đã nhiều hơn cả người Hoa, vốn được Pháp thừa nhận vai trò buôn bán, phân phối sản phẩm thời thuộc địa. Đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn), Bonard (Lê Lợi) là chỗ thương trường mà người Hoa và Việt chen lấn nhau. Người Việt gồm cả ba miền nhưng người Bắc vẫn nhiều hơn ở đây.

Người Bắc và người Trung vào Nam sinh sống thời đó có nhiều người làm công, buôn bán, mở công nghệ, lập hội… Dân làm công bao gồm cả dân thầy, dân viết báo, dân thợ, kéo xe… chung đụng với đồng bào bản xứ. Khác với người Trung mang sức học vấn hay sức lao động vào dạy học, làm nghề may mặc, kéo xe hay thợ điện, có những người Bắc mang vào cả vốn liếng để phát triển sự nghiệp. Các cửa hàng người Bắc nhan nhản khắp nơi, tập trung nhiều nhất ở đường Sabourain (Lưu Văn Lang) và đường Espagne (Lê Thánh Tôn).

Ở đường Sabourain, nhiều người còn nhớ nhà sách Nguyễn Khánh Đàm ở số 14 đường này tổ chức một sự kiện mà giới báo chí còn nhắc là tổ chức triển lãm về lịch sử báo chí lần đầu tiên năm 1943. Những hiệu buôn nhiều hơn bán lẻ, chiếm cả một góc phố Lagrandière (Gia Long; nay là Lý Tự Trọng) gần chợ Mới (được xây từ 1914, nay là chợ Bến Thành để phân biệt với chợ Cũ đã có trước ở đường Hàm Nghi ngày nay) phần nhiều bán vải tuýt-so, lụa, rau quả. Các cửa hàng thêu, đăng ten đều ở đường Catinat, d’Ormay (Mạc Thị Bưởi), Bonard (Lê Lợi) và xa tít trên đường Chasseloup – Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), trước nhà “sẹc” Tây (nay là Cung Văn hóa Lao động).

Chung quanh chợ Bến Thành đều có quán guốc của người Bắc mà sau này còn dấu ấn các cửa hàng giày dép ở đường Lê Thánh Tôn phía cửa Bắc chợ. Khoảng gần Chiến tranh thế giới thứ II, người Bắc mở thêm một dãy quán trên đường Espagne và Chợ Cũ và dọn một dãy hàng bên Chợ Mới bán lẻ tơ lụa Hà Đông. Có lẽ đây chính là lúc danh tiếng lụa Hà Đông bắt đầu phát triển và thành nguồn cảm hứng trong thơ Nguyên Sa “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”?

Họa sĩ Bé Ký từ một em bé mồ côi cha mẹ, vào Nam từ 1954 và đã thành danh từ một người vẽ và bán tranh dạo / Ảnh: Mạnh Đan, báo Sáng Dội Miền Nam số 4 (10) loại II

Sản vật miền Bắc lúc đó có gì ở Sài Gòn ngoài lụa Hà Đông? Đó là nữ trang, the lụa, thuốc lào và cả mắm tôm. The, lĩnh, xuyến miền Bắc thấy bán được quá, người Hoa ở Lục tỉnh (đồng bằng sông Cửu Long) nhảy vào buôn. Hàng tussor Tonkin (tên tiếng Pháp của Bắc kỳ) được người Chà và và Bombay (đều gọi người gốc Ấn độ) ra Bắc buôn chuyến.

Kỹ nghệ miền Bắc cũng được hoan nghênh ở Sài Gòn và Lục tỉnh. Đa số từ miền Bắc gửi vào sản phẩm đã hoàn chỉnh vì chưa có xưởng sản xuất trong Nam. Đó là đồ đồng bán ở đường Espagne gồm hai tiệm khách nước ngoài cũng thích, sơn Resistance (đường Charner), sơn Gecko (đường Lagrandière), cạnh tranh được với sơn ngoại quốc. Tuy nhiên, các mặt hàng khác như đồ thủy tinh Bắc Hà, chiếu Phát Diệm bán chậm vì kém quảng cáo. Có một hiệu lấy tên Au petit Ha Dong mở gần Chợ Mới, bán và quảng cáo nghề thủ công và sản vật Hà Đông. Dãy phố Filippini (nay là Nguyễn Trung Trực) có hiệu làm và bán vòng hoa cườm.

Nghệ sĩ Kim Chung đưa cả đoàn cải lương Kim Chung vào Nam năm 1954 (ảnh tư liệu của tác giả)

Những hiệu giày, may đầm, va li, mũ, bán đồ gỗ hầu hết của người Bắc. Cùng với dân Nam – Trung, họ cũng mở hiệu giặt ủi, may quần áo Tây, hiệu ảnh… Giữa thế kỷ 20, một số gia đình ở làng Ngũ Xã (Hà Nội) vào định cư tại vùng Hòa Hưng (nay thuộc quận 10) mang theo nghề đúc đồng cẩn tam khí, hình thành một xóm nhỏ chuyên đúc đồng tam khí ở đây. Sản phẩm của họ là các tượng thờ và đồ gia dụng. Tuy sanh sau đẻ muộn, song giữ độc quyền sản xuất, lại có tay nghề cao, sản phẩm đẹp nên đồng tam khí Hòa Hưng được nhiều người biết tiếng đặt hàng. Làng nhiếp ảnh Lai Xá ở Hà Tây đã có vài chục gia đình theo chân cụ Khánh Ký, người đã sớm mở hiệu ảnh “Photo Khanh Ky Saigon” từ năm 1907 ở số 54 Boulevard Bonard (Lê Lợi). Người làng tạo dựng nghề ảnh ở đây và đã nắm phần lớn ngành dịch vụ nhiếp ảnh ở thành phố này từ những năm đầu thế kỷ 20 và nhiều năm sau đó, với 32 hiệu ảnh mở ra tại Sài Gòn từ thập niên 1930-1940.

Quảng cáo phở Bắc từ thập niên 1930 trên báo (Thư viện Quốc gia VN; ảnh tư liệu của tác giả)
Tiệm bán nón casque của người Bắc trên đường d’Espagne (Thư viện Quốc gia VN; ảnh tư liệu của tác giả)

Tuần báo Phú Thọ Công Thương, là cơ quan liên lạc các nhà công nghệ và thương mãi có tòa sọan ở số 17 đường Galliéni (Trần Hưng Đạo, quận I) đã có nhiều cố gắng giới thiệu để quảng bá sản phẩm miền Bắc qua các bài viết trong các số báo trước năm 1945. Trong vài số báo, có: bài giới thiệu về trà Phú Xuân của ông Cao Đắc Tiếu có các loại trà Tàu, trà đen và trà ướp hoa… nổi tiếng ở ngoài Bắc và muốn phổ biến mạnh trong Nam. Cùng số này, có bài giới thiệu xưởng chế tạo máy xay lúa của ông Ngô Ngọc Dư ở số 69 quai de Belgique (nay là Bến Chương Dương và góc Hồ Tùng Mậu), học trường công nghệ Hải Phòng, năm 1927 vào Nam làm cho người Pháp và sau đó mở hãng riêng. Đến thời điểm 1941, xưởng của ông đã có tới hơn một trăm người thợ từ thợ cả đến học việc (số 3 tháng 11/1941).

Một bài khác viết về ông Mai Ban, chủ tiệm gỗ Tân Hưng số 196 đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), đến Sài Gòn năm 1927, trải qua nhiều khó khăn mới phát triển từ 1934 cho đến lúc 1941 có hơn 30 người thợ (số 5-6 tháng 11/1941). Ông Trương Văn Quanh ở số 7 quai de Belgique (Tôn Đức Thắng) từ miền Bắc vào nhận thấy Sài Gòn khan hiếm dầu lửa đã chế ra loại đèn lấy tên là đèn “Họ Trương” đốt bằng mỡ heo, dầu phộng, dầu cao su, dầu cá, dầu dừa… (số 4 tháng 11/1941), về ông Bùi Kỳ với nghề làm nón ở số 172 đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn) với 21 năm hành nghề.

Ông Lương Văn Thí, chủ tiệm may Kim Sơn trên đường Amiral Dupre (Đông Du ngày nay) từ năm 1930, được mở khi ông vừa vào Sài Gòn (Tư liệu gia đình)
Thợ Bắc ở tiệm giày Trần Mỹ ở Sài Gòn (Tư liệu: Nguyễn Xuân Phúc)

Trong số báo 2 ra tháng 5 năm 1942, có bài Phụ nữ Bắc kỳ bán tơ lụa nói lên sự gắng gỏi của phụ nữ Bắc đi bán dạo sản phẩm tơ lụa xứ Bắc cho người miền Nam. Tác giả mô tả họ đi khắp nơi ở khắp lục tỉnh, bận áo dài vải đồng lầm, quấn khăn trên đầu, túi vải trên vai, dùng tài năng và mánh lới riêng giới thiệu hàng, cạnh tranh với người Hoa để giành một chỗ bán hàng ở các chợ bằng giọng nói nửa Nam nửa Bắc.

Về ăn uống, người Bắc mở các cửa hàng ăn theo kiểu Bắc với các món đặc sản và hai hàng cháo lòng tiết canh trên Tân Định – Chợ Mới nhưng chỉ thu hút người Bắc, thời điểm trước năm 1945 chưa quyến rũ nổi dân Trung và Nam (cho đến nay món tiết canh cũng phổ biến chủ yếu trong cộng đồng người Bắc). Món phở lại được ưa chuộng ngay từ đầu, rất phổ biến từ giữa thập niên 1950 cho đến tận bây giờ. Người Bắc đã góp cho ẩm thực phương Nam một món ăn ngon thuộc đầu bảng ẩm thực rất được ưa chuộng.

Khác với quan niệm cho là người Bắc vào Nam năm 1954 mang theo món “thịt cầy”: mà khu chuyên bán món nổi tiếng này còn tồn tại là ngã ba Ông Tạ. Khoảng năm 1943-1944, thịt cầy đã có tại miền Nam cho dù người Pháp không cho phép làm thịt chó. Những người miền Bắc buôn chuyến, vào Sài Gòn, nhớ thịt cầy đã mang theo từ miền Bắc mẻ, củ riềng để làm món quốc hồn quốc túy của mình. Họ phải làm lén lút. Sau năm 1945, thịt cầy bắt đầu xuất hiện công khai ở Sài Gòn.

Sự kiện cuộc đại di cư năm 1954 của người miền Bắc vào Sài Gòn đã tác động vào đời sống xã hội miền Nam. Khác với từng nhóm nhỏ lẻ lần lượt vào Nam trước kia, người Bắc di cư ở giai đoạn này đông đúc, có nhiều trí thức và văn nghệ sĩ, đã góp một dòng chảy mạnh mẽ vào dòng đời sống miền Nam đều khắp trong mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Riêng về ẩm thực, các món ăn xuất phát từ đất Bắc như phở, bún riêu, bún thang, bún măng, chả cá, giò lụa, bánh chưng… đã trở thành quen thuộc đến mức người sinh sau đẻ muộn ở miền Nam không biết đó là món từ phương xa đến. Với tính chất dễ dung nạp, đời sống xã hội Sài Gòn-Gia Định ngày càng phát triển phong phú. Đây là đề tài lớn dành cho giới nghiên cứu.

Trăm năm trôi qua, người dân gốc miền Bắc và các thế hệ con cháu đã trở thành những người Sài Gòn đích thực, hòa nhập lối sống của mình vào thành phố rộng lớn này.

(Trích chương VI “Vài nguồn nhân lực” trong cuốn “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm” của Phạm Công Luận do công ty Phan Book và NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2021)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: