Minh họa: micah-hallahan-unsplash

Năm 17 tuổi, cô tôi tham gia đoàn Thanh Nữ Cộng Hòa tỉnh Định Tường. Lúc bấy giờ cô còn đang theo học trường Nữ Trung Học Lê Ngọc Hân, được huấn luyện quân sự căn bản tại địa phương, có lẽ cũng chỉ để biết cầm súng tự vệ, chứ không phải để chiến đấu với địch ngoài mặt trận. Cô gia nhập đoàn Thanh Nữ theo phong trào vận động chính trị ở địa phương là chính, còn ước mơ sau này sau khi tốt nghiệp trung học là sẽ thi vào trường Sư Phạm để trở thành cô giáo. Nhưng sau khi hoàn tất khóa quân sự, huấn luyện viên phát hiện cô có khả năng bắn súng trường đạt loại thiện xạ cho nên nghiệp “súng đạn” theo cô mãi về sau này.

Khởi đầu, nhân đại hội Thanh Nữ Cộng Hòa toàn quốc, cô ghi tên thi bắn súng và đoạt giải nhất xạ thủ súng trường. Từ đó cô vang danh khắp nơi. Trong những lần tranh giải về bắn súng trường không kể nam nữ, cô đều đoạt giải xuất sắc. Kể từ khi trở thành nữ xạ thủ súng trường có đẳng cấp, cô thường dự các cuộc thao diễn tổ chức ở nhiều nơi. Có một lần về Long An biểu diễn, cô ngắm bia nhưng lại lọt đúng… tầm nhìn một anh đẹp trai.

Chàng trai ấy, đang đến độ tuổi động viên, ban đầu định vào quân trường Thủ Đức, nhưng sau đó say mê theo hành khúc “Khoác màu áo đen, mặc màu dân tộc…” (Phạm Duy) nên rủ cô tôi nộp đơn học khóa đào tạo cán bộ “xây dựng nông thôn” ở rừng Chí Linh. Hai người sau khi tốt nghiệp được trung tâm huấn luyện tuyển ở lại làm cán bộ giảng huấn. Nghỉ phép hai tuần, họ về quê làm đám cưới và trở lại trung tâm, được phép cất nhà ở luôn trong khu rừng bạt ngàn. Từ đó cô trở thành nữ huấn luyện viên xạ thủ của trung tâm huấn luyện. Thỉnh thoảng cô được gởi về Sài Gòn dự các khóa ngắn ngày về vũ khí cá nhân hoặc hội thảo trao đổi kinh nghiệm về xạ thủ với các quân trường.

Một lần, một phái đoàn Hoa Kỳ do Phó Tổng thống Hubert Humphrey dẫn đầu đến trung tâm huấn luyện Chí Linh. Phái đoàn đi một vòng xem vài nơi và dự buổi thuyết trình do chỉ huy trưởng Trung tâm (Đại tá Nguyễn Bé) trình bày. Đến phần trình diễn bắn súng thao trường, cô tôi đã làm cho cả phái đoàn sửng sốt. Cô mặc bộ đồ bà ba đen, đội nón, mang dép kẹp bằng nhựa, đứng thẳng ôm khẩu súng trường ngắm bắn. 10 viên lọt đủ hồng tâm cả 10! Hình ảnh của cô được loan truyền trên nhiều tờ báo Hoa Kỳ, góp phần không nhỏ việc thúc đẩy chính phủ Mỹ quyết tâm đẩy mạnh viện trợ cho chương trình Xây dựng và Phát triển nông thôn miền Nam chống lại du kích Cộng sản.

Mãi cho đến cuối năm 1973, khi dự khóa 3 “Cách Mạng Hành Chánh” ở Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia (Vũng Tàu), tôi mới có dịp gặp lại cô. Khóa học rơi đúng vào dịp Giáng Sinh nên hầu hết khóa sinh đều có phép, kẻ ở gần về Sài Gòn, người ở quê xa thì ra Vũng Tàu; riêng tôi ở lại Trung tâm và đến nhà cô đón Giáng Sinh. Nhà cô, dượng ở xa doanh trại, trong góc rừng dưới ngọn đồi phi lao cát trắng nhìn ra biển. Như các công trình kiến trúc ở Trung tâm huấn luyện, nhà của cô cũng sử dụng vật liệu nhẹ như tranh, gỗ, tre, nứa, trông rất duyên dáng và ấm cúng.

Hôm tôi mãn khóa, cô đến Tổng đoàn khóa sinh, xin phép cho tôi được ở lại nhà cô chơi vài ngày trước khi trở về Kontum. Hôm sau, cô dượng cùng với cả gia đình và tôi ra Vũng Tàu tắm biển; tối về rừng Chí Linh ngủ. Hôm nào trong trại có văn nghệ, chúng tôi cùng ra quảng trường xem cho tới khuya. Chỉ một ít ngày thôi nhưng những kỷ niệm đầm ấm ấy ăn sâu vào tâm trí tôi mãi đến nay. Trước khi từ giã tôi, cô đến tiệm thủ công mỹ nghệ lưu niệm mua tặng tôi một bức tranh bằng gỗ dán tre cắt khúc nhỏ sơn dầu bóng viền chung quanh, trên có vẽ cảnh đồng quê miền Nam, dùng để gắn bloc lịch. Cô cười nói: Để dành khi nào con cưới vợ, có nhà treo lên tường sẽ nhớ đến cô.

Thế rồi không bao lâu sau, thời cuộc đổi thay, mọi người tản lạc khắp nơi, kẻ may mắn ra được nước ngoài, người kẹt ở lại chịu cảnh tù đày. Cô và dượng rời Vũng Tàu về quê trình diện, bị bắt đi “cải tạo” một thời gian. Sau đó, gia đình cô chuyển xuống vùng đồng chua, nước phèn giáp giới Đồng Tháp làm ruộng trong cảnh nghèo nàn khốn khổ. Gần mười năm sau, có người nói cho tôi biết, vì lao lực quá sức và mắt bị cườm nước mà không có điều kiện chữa trị, nên cô bị mù.

Lúc bấy giờ phong trào vượt biên rầm rộ khắp nơi. Cuối thập niên 1980, khi có các chương trình đoàn tụ nhân đạo do các nước phương Tây phát động như ODP và HO, thì những gia đình thuộc chế độ cũ mới may mắn được ra đi an toàn. Trong suốt hàng chục năm, tôi hoàn toàn không biết gì về gia đình cô. Thế rồi một buổi sáng cuối năm 2005, khi đang làm việc ở sở, tôi nhận được cú điện thoại của một người lạ, tự giới thiệu là “người quen của cô Sáu Biếu”. Nghe đến tên, tôi run lên vì sợ tin dữ. Tên cô Lan gọi theo khai sanh như ngoài đời thì còn có thể có người biết nhưng tên gọi trong gia đình thì chỉ có người trong nhà mới biết. Người đàn ông hỏi:

– Xin lỗi có phải ông Thu người Chợ Gạo không ạ?

– Vâng chính tôi.

– Cô Sáu Biếu nhờ tôi nhắn tin cho ông biết, cô đã đến Garden Grove hơn một tuần nay rồi.

Tôi cám ơn rồi lật đật xin địa chỉ. Ngay trưa hôm đó, tôi xin phép nghỉ buổi chiều để đến nơi cô ở. Đó là một khu nhà trệt, chia thành hai bên lối đi, một bên là dãy apartment, đối diện là dãy trống chia thành từng ô để đậu xe riêng biệt. Tôi gõ cửa… và sững sờ khi thấy một phụ nữ đeo cặp kính lão cũ kỹ, gầy gò đi nghiêng một bên chân, chậm chạp bước ra. Dù không nhận ra ngay nhưng linh tính cho tôi biết người đang đứng trước mặt mình chính là cô Sáu Biếu. Tôi ôm chầm lấy cô và thốt lên:

– Cô Sáu…

– Phải Thu đó không con.

– Dạ con đây cô…

Qua đôi kính lão đeo hờ của cô, tôi thấy đôi mắt đục trắng dã. Cô nói:

– Cô còn một con mắt, chỉ thấy mờ mờ.

Thật hết sức vui mừng, ngay cuối tuần, tôi rước cả gia đình cô và dượng về nhà tôi ở Long Beach ăn tối, hàn huyên đủ điều…

Cô có đứa con gái lớn sinh ra ở rừng Chí Linh. Lúc tôi ra đó, bé mới lên ba. Sau 1975, cộng sản tịch thu nhà của cô và trục xuất cả gia đình về Long An, quê của dượng. Gia đình khó khăn thiếu thốn trăm bề, về quê làm ruộng được mấy năm, cô bị tai nạn té gãy chân, đến khi lành thì bị tật. Đã vậy, con mắt trái bị cườm lâu ngày không chữa nên bị mù. Tuy khó khăn thiếu thốn nhưng em Linh lớn lên học hành rất giỏi. Ngày nọ, một gia đình sau khi đến Mỹ theo diện HO đã cho con trai của họ về Việt Nam cưới em Linh, và cuối cùng em Linh bảo lãnh vợ chồng cô sang Mỹ đoàn tụ.

Một thời gian ngắn sau khi gặp lại cô, tôi giới thiệu bác sĩ QTTL rất giỏi ở Orange County khám cho cô. Bác sĩ cho biết con mắt trái không còn chữa được; còn mắt phải có thể phục hồi thị giác nếu được giải phẫu. Có nhiều người lớn tuổi mắt bị cườm, thấy mờ mờ, nhưng khi giải phẫu lại mù hẳn. Tôi hỏi ý cô thế nào. Cô mạnh dạn đồng ý. Thật may mắn, ca mổ thành công! Với cô tôi, đây là một cái kết đẹp, một cái kết hạnh phúc. Nếu còn ở Việt Nam, chắc chắn cô vĩnh viễn bị mù, sống trên một đất nước tối mù…
_________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: