Nhớ một thuở lận đận

Ảnh minh hoạ: Pixabay

Hồng, người con gái quê ở Trảng Bàng – Tây Ninh, muốn lên Sài Gòn kiếm việc làm. Cơ may, có người bạn của Hồng quen biết ông Phú nên nhờ giúp đỡ. Ông Phú giới thiệu Hồng vào giúp việc cho ông bà Tân, chủ tiệm tạp hóa ở đầu đường. Ban ngày, phụ nấu bếp, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón hai đứa nhỏ đi học; ban đêm, Hồng tá túc, ngủ nhờ nhà ông Phú trong con hẻm nhỏ. 

Ông Phú là một người thích trăng hoa hay “mượn gió, bẻ măng”, thấy ai đang gặp khó khăn trên đường đời, ông đều vươn tay ra giúp đỡ rồi dụ dỗ mang về làm vợ bé…! Tuy chỉ là trung sĩ, tài xế lái xe cho một trung tá, nhưng ông Phú có uy với vợ con lắm. Chiều tối đi làm về, ông được đón rước từ đầu ngõ, vợ cầm áo, con cầm nón, cơm bưng nước rót, được cung phụng như “vua”. Ông đào hoa lắm! Có đến sáu bà vợ, nhưng thật ra chỉ còn lại hai già, một trẻ: Bà cả, bà hai và Hồng là thứ sáu; bà ba, tư, năm thì đã lần lượt bỏ đi rồi. “Vương quốc” của ông Phú bé tí bằng cái “lỗ mũi”, tối tăm bẩn thỉu, con cái lúc nhúc ngủ lăn lóc dưới nền đất ẩm. Nghèo khổ vậy mà lẫm đẫm có tới sáu bà đã đi qua đời ông…!

Ở dưới quê, Hồng xinh đẹp có khuôn mặt trái xoan, da ngăm ngăm, đôi mắt ướt buồn như luôn giận hờn trên cái mũi bé tí dễ thương và nụ cười móm duyên. Tuổi mới lớn đong đầy mộng mơ, Hồng yêu mê một anh lính có tài đàn hát. Khi biết Hồng có bầu, anh ta xin thuyên chuyển để trốn tránh trách nhiệm. Bà mẹ còn là “trẻ con” nên đứa bé sinh non èo uột khó nuôi rồi mất sớm…

Chị em Hồng hồi còn nhỏ xíu đã mồ côi. Cha đi lính chết trận, bỏ lại bà má đơn độc, ngày ngày đổ bánh ướt, làm bánh tráng mang ra chợ bán, nghèo khổ, vất vả với một nách bốn đứa con. Hồng là con lớn, sớm sa vào lưới tình, duyên phận lỡ làng, học hành dang dở, lên thành phố “ở đợ” kiếm tiền gởi về quê phụ giúp má.

Một buổi sáng, ông bà Tân (chủ tiệm tạp hóa) lo ngại khi nhìn thấy đôi mắt Hồng tím bầm với tròng mắt đỏ au, cái miệng sưng to với làn môi dập máu. Đêm hôm qua, ông Phú say xỉn đánh hai bà vợ lớn, Hồng nhào vô can, cũng bị đánh tàn tệ.

Ông bà chủ cám cảnh, thương tình, sắp xếp cho Hồng tạm ở trên căn gác nhỏ. Nhà chủ có một anh con trai lớn lại thích ve vãn chị “vú nuôi” trẻ đẹp. Bà chủ là mẹ nên lo lắng, khuyên Hồng đi tìm việc làm khác, rời xa cái xóm nhỏ và ông chồng hờ, già lại vũ phu. Thúy, người bạn cùng xóm rủ Hồng đi làm bồi phòng cho một câu lạc bộ quân đội Mỹ. Cuộc đời cô gái quê nhỏ bé lại bước sang một khúc quanh của số phận…!

Tháng Tư năm 1975, miền Nam thất thủ, Cộng sản nắm chính quyền. Hồng trở về xóm cũ, ở đậu nhà Thúy, người bạn cùng làm “sở Mỹ”, nàng ẵm theo đứa con trai đen nhẻm! Hai má con đã bị đuổi khỏi cư xá với vỏn vẹn một ít đồ dùng cá nhân. Hồng bán rau củ ngoài chợ kiếm tiền nuôi con. Nhưng ít lâu sau, Thúy phải bán nhà, về với cha mẹ ở Mỹ Tho làm vườn làm rẫy sinh sống. Không nơi nương tựa, Hồng đành trở về quê với mẹ, ôm theo đứa con lai đen đủi, tội nghiệp. 

Ảnh minh hoạ: DP

Thuở ấy, ở một xã hội đầy thành kiến, những người “me Mỹ” thường bị khinh miệt, kỳ thị; những đứa con lai bị hất hủi, xa lánh, bị đổ trút lên bao giận hờn, thù ghét của một dân tộc bị đô hộ, bị áp bức, đọa đày. “Thằng Đen” bị ruồng rẫy vì màu da, vì thù hận hay vì nó là di sản của một cuộc chiến tranh mà “ngoại bang” hay “đế quốc” đã để lại?

Nhưng dù sao đi nữa, nó cũng chỉ là một đứa trẻ ngây thơ, vô tội. “Thằng Đen” có đôi mắt to tròn, mũi cao và nụ cười hiền lành, hồn nhiên. Nghe đâu cha của nó mang hai dòng máu đen trắng, sinh ra và lớn lên ở vùng Texas có cao bồi thích đấu súng. Nghe má nó thường kể: “Lúc đó má khổ quá! Chỉ có cha là người thương yêu lo lắng cho má nên má thương ổng”…

Hồng trở về quê, phụ làm bánh tráng với bà má, rồi mang lên Sài Gòn bán. Bánh tráng Trảng Bàng nổi tiếng dẻo ngon, được nhiều người ưa thích. Nhưng ít lâu sau, Hồng không mang bánh tráng lên Sài Gòn bán nữa …

Người yêu là lính của Hồng đã lủi thủi về quê khi cuộc chiến tàn,.. anh về, anh về nay đã… cụt một chân…! Gặp lại Hồng, có đứa con lai Mỹ đen, Tài càng điên cuồng căm ghét. Tài bán vé số và ca hát ở bến xe kiếm sống, hắn thường uống rượu say sưa đến kiếm chuyện đánh chửi Hồng. Khi xưa mới lớn yêu mê Tài rồi trao thân chứ không có cưới hỏi, mà nay Hồng cũng không phải là vợ hắn, nhưng vẫn bị đeo bám quấy nhiễu… đòi tình. Hồng đau khổ vì đã bị dụ dỗ, ngu dại yêu thương một kẻ tệ bạc như Tài. Âu cũng là số phận đã an bài!

Hồi nhỏ Hồng hay theo cha qua xóm đóng ghe chơi, ở đó có nhà chú Tư Thới, bạn của cha, Nam con trai chú Tư rất thích chơi đùa với Hồng. Từ khi cha chết, không còn qua nhà chú Tư, không còn gặp Nam nữa… Lớn lên, tình cờ gặp Hồng, tay dắt đứa con lai, Nam ngỡ ngàng… rồi thấy ngậm ngùi thương cho thân phận hẩm hiu của mẹ con nàng…! Nam sinh ra và lớn lên cùng quê với Hồng nhưng sống ở xóm đóng ghe, theo cha và anh học nghề rất thành thạo.

Thị xã Trảng Bàng nằm ở phía Đông Nam tỉnh Tây Ninh, thuộc miền Đông Nam Bộ, gần biên giới Campuchia. Đây là vùng rừng núi, nhưng cũng có nhiều sông ngòi, kinh rạch nên hệ thống đường thủy – trên bến dưới thuyền – đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội. Gặp lại Hồng, Nam thường đến giúp đỡ, dựng những khung phơi bánh tráng rất gọn gàng tiện lợi. Nam còn che chở, bảo vệ Hồng những khi Tài đến sinh sự. Tình yêu thương đã nảy nở, Nam rủ Hồng vượt biên giới Campuchia, tìm đến trại tị nạn ở Thái Lan, xin đi Mỹ kiếm cha “thằng cu Đen”. Nam biết tiếng Campuchia, thường qua buôn bán ghe và trao đổi lâm, ngư sản nên rành đường đi nước bước. 

Hồng liều lĩnh dắt con theo Nam vượt biên, khởi đầu cho một cuộc hành trình đầy khắc nghiệt…! Rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún đi tìm tự do cho chính mình và đứa con lai đang sống dưới sự xung đột của xã hội, thù ghét của chính trị, kỳ thị của màu da. 

Qua bao chặng đường bộ cũng như đường biển, đầy cam go nguy hiểm, may mắn thoát đến trại tị nạn Songkhla – Thái Lan. Xin được định cư ở Mỹ, Hồng khai Nguyễn văn Đông là con lai Mỹ, cha tên David Thompson. Hồng không rành tiếng Mỹ nên cũng không đủ ngôn từ để biết nhiều về người cha của đứa nhỏ. Chỉ còn tấm hình duy nhứt chụp trước khi người lính ấy rời Việt Nam năm 1975, lúc đó Đông mới lên hai tuổi.

Nam khai làm nghề đóng ghe nên được đưa về Louisiana nơi có nhiều người Việt làm nghề đánh cá rất phát đạt. Người bảo trợ giúp Hồng kiếm việc, làm lao công cho một trường tiểu học. Nam theo những ngư phủ Việt Nam đi biển đánh bắt cá tôm. Trong đời ai cũng mong được sống tự do, ấm no và an vui hạnh phúc, nhưng trận bão Katrina ở Louisiana vào Tháng Tám năm 2005 nổi lên, khiến Nam và Hồng phải phiêu bạt sang Texas.

Ảnh minh hoạ

Đến Houston -Texas, Hồng làm phụ bếp cho một nhà hàng Việt Nam. Ở đây, cộng đồng người Việt đông đảo, thường tụ tập ở khu Bellaire, nơi có nhiều cơ hội gặp gỡ đồng hương. Người bạn cùng quê rủ Nam đi làm vườn, cắt cỏ, siêng năng cũng kiếm được khá tiền. Một hôm, đến cắt cỏ làm vườn cho bà Susan, một  giáo sư về hưu, bà biết Nam là người Việt nên trò chuyện hỏi thăm. Nam cho biết: Có vợ làm phụ bếp ở nhà hàng, con trai đi lính đã từng phục vụ ở Afghanistan, hiện đang học đại học, rồi Nam đưa hình vợ con ra khoe. Bà Susan thắc mắc hỏi: 

– Hai vợ chồng đều là người Việt da vàng mũi tẹt, sao đứa con da đen mũi cao vậy? 

Nam vui vẻ giải thích: 

– Đông là con của vợ tui với một quân nhân Mỹ trước năm 1975. Tụi tui lấy nhau nhưng không có baby. Tui thương thằng nhỏ này như con”.

Nghe xong, bà Susan bùi ngùi kể lại chuyện con trai bà tham gia chiến tranh Việt Nam, sau 1975 trở về Mỹ, bị “Hội Chứng Chấn Thương Tâm Lý Thời Hậu Chiến” (Post Traumatic Stress Disorder) rồi tự bắn vào đầu chết. Hiện nay, bà sống lẻ loi một mình vì chồng là một cựu trung tá vừa mới qua đời. 

Bà Susan đưa Nam coi album hình gia đình, bà da trắng nhưng chồng và đứa con lai da đen. Bà buồn rầu tâm sự… Con trai có người tình và đứa con, khi miền Nam thất thủ, lính Mỹ phải rời bỏ Việt Nam nên mất liên lạc. Bao năm đi tìm kiếm, dò la tin tức của những người con lai được mang qua Mỹ theo Chiến Dịch Di Tản Cô Nhi  (Babylift Operation), Tình Mỹ Lai Á không Biên Giới (Amerasians without Borders), và Chiến Dịch Đoàn Tụ ( Operation Reunite), nhưng vẫn không tìm được tung tích vợ con. Bị ám ảnh bởi những cảnh bi thương, tàn khốc của chiến tranh và tình cảm bị mất mát, chia lìa nên con trai bà Susan buồn rầu, thất vọng, bị trầm cảm rồi tự sát. Bà đưa hình con trai chụp với người vợ Việt và đứa con… Tấm hình cũ đã úa vàng, mờ nhạt theo năm tháng, nhưng người thì thấy rất thân quen… Nam bàng hoàng, sửng sốt, la lớn:

– Trời ơi, Hồng và thằng Đông đây mà…. Hồng cũng có tấm hình này…!

Nam lắp bắp nói với bà Susan trong cơn xúc động:

– Người… người trong hình này bây giờ là vợ của tui, “boy” này là con của tui…

Bà Susan không thể tin ở tai mình, bà hỏi lại:

– Anh nói gì? …. anh biết người trong hình này à? Tấm hình mà con tôi luôn mang theo để tìm kiếm vợ con ở Việt Nam.

Nam vội hỏi:

– Có phải con trai bà tên “Đê” không? (Hồng hay nhắc tên David gọi tắt là Dave).

Giọng bà Susan run run, nghẹn ngào …

– Đúng rồi! Sao anh biết tên con trai tôi?… Nó là David Thompson.

***

Người ở xóm gọi Đông là “thằng Đen”, họ không hề biết tên thật của nó. Vì đói ăn, nó cao nghệu, ốm nhom như cây tre miểu. Nó luôn an ủi, binh vực má dưới sự khinh rẻ, cười chê của bà con lối xóm và những lời chửi bới của dì Ba, dì Tư và dượng út. Từ ngày có chú Nam ngăn đuổi gã Tài mỗi khi say xỉn tới kiếm chuyện, Đông thấy thương chú như cha.

Từ nào tới giờ nó đâu biết cha nó là ai, chỉ nghe người ta mắng nhiếc, xua đuổi vì nó là con lai, con thằng Mỹ ác ôn! Nó đâu biết lai là gì, ác ôn là sao (?!), tâm hồn và trái tim bé bỏng của nó chỉ muốn được yêu thương và che chở. Lúc còn bé đứng sớ rớ trước cửa nhà người ta, ai cũng xua đuổi nó “Ê, thằng Đen kia! cút ra khỏi sân nhà tao!”, “Mấy đứa bay, không có chơi với thằng mọi Đen nghe chưa!”… Ngay cả vào trường học nó cũng bị tẩy chay, xa lánh không đứa nào muốn chơi với nó trừ con Hậu. Mà thôi, có một đứa bạn hủ hỉ cũng đỡ buồn tủi rồi! 

Ảnh minh hoạ

Khi lớn lên ở Mỹ, Đông tình nguyện vào quân đội. Sau một thời gian phục vụ, nó xin được trở lại trường, chính phủ cho tiền nó vào đại học. Hên, nhờ cha dượng Nam, nó gặp được bà nội ruột. Nội khuyên nó nên cố gắng học hành thành tài, vì theo con đường binh nghiệp có khi lại giống như cha nó, buồn khổ sinh chán đời rồi cầm súng tự sát! Nội không thích nó cầm súng, chiến tranh đã gieo rắc quá nhiều đau thương với chia ly và mất mát! Đông nghe lời nội, nó ráng học. 

Tìm được đứa cháu, bà nội Susan rất vui mừng và muốn cả nhà về ở chung cho bà đỡ đơn độc. Nhưng má có mở một tiệm bán bánh ướt, bánh cuốn,… cha dượng Nam phải phụ giúp má, nên chỉ có một mình Đông chịu ở với nội để tiếp tục học hành. Thời gian thấm thoát thoi đưa, Đông là một chuyên viên làm về “Thống kê và phân tích các dữ liệu” (Data Analyst). Ở Mỹ, người ta gọi nó là Don Thompson. Mang cái tên Mỹ, quốc tịch Mỹ, nhưng nó vẫn là người gốc Việt.

Một ngày đẹp trời, Đông rủ bà nội về Việt Nam:

– Nội ơi, nội sẽ có cháu bế bồng nghen. Con về quê cưới Hậu, con thương nhớ nó lắm, nó nói là vẫn chờ con cho tới già! Mà con cũng “già” thiệt rồi nội ơi! …

Đông bâng khuâng thương nhớ về quê mẹ, một miền đất nghèo nàn với những người dân hiền hòa, sống cuộc đời mộc mạc như bà ngoại, ông Tư Thới, Dì Hai Lựu má con Hậu, cha dượng Nam và má nó…là những người thương “thằng cu Đen” từ cái thời thơ ấu đầy cơ cực, tủi sầu. 

Xa quê, người mà Đông thương nhớ da diết nhứt là con Hậu, nhỏ hơn nó hai tuổi, ở chung xóm, học chung lớp và rất thương mến nhau. Đám bạn thường dè bỉu chê bai: “Cái thằng Đen nhìn phát ớn mà con Hậu nó mê!”. Vậy mà bây giờ đứa nào cũng “mê” được chồng cưng chiều như con Hậu. Đúng là duyên lành trời cho! Đông có thể bị ruồng rẫy, xua đuổi, bị bứng khỏi quê hương, nhưng muôn đời không ai có thể “bứng” tình yêu quê, tình yêu người con gái quê ra khỏi trái tim và tâm hồn của nó. 

Đông đưa bà nội về thăm quê ngoại. Người quen biết gặp lại đều sửng sốt vì dòng đời “hoán chuyển”, nó đã “hóa thân” không còn là một đứa con hoang, con lai nghèo khổ bị gọi là “thằng Đen” nữa, mà nó là một Việt kiều về thăm quê, một ngoại kiều về cưới vợ Việt.

Quê ngoại có nhiều đổi thay quá! Nhứt là… tiền má gởi về, bà ngoại và mấy dì không còn sống nghèo khổ, nhờ xuất khẩu “bánh tráng phơi sương” mà người Việt tha hương rất ưa thích. Người ta cũng thay đổi nhiều nữa, ngay cả những quan niệm, những góc nhìn về “con lai” cũng khác trước. Không còn phân biệt hắc chủng, bạch chủng, hoàng chủng,… Không còn bị thù ghét, tẩy chay vì là ngoại bang hay đế quốc. Bây giờ, những đứa con lai lại là niềm vui, niềm hạnh phúc chan hòa của những mối tình dị chủng. Tình người, tình yêu thương không có biên giới, nó là một thứ ngôn ngữ mà con tim nào cũng có thể nói được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: