Những lời giáo huấn của cha

Hình minh hoạ: Pexels

Cuộc đời tôi chịu ảnh hưởng của cha tôi rất nhiều…

Cha tôi là con thứ ba trong một gia đình có bốn trai, năm gái. Cha tôi ra đời năm 1911 và đã chết trong trại tù “cải tạo” của Cộng sản từ năm 1977! Ông nội tôi đậu Cử nhân nhưng chỉ ở nhà dậy học không chịu ra làm việc với Tây, gia đình vốn khá giả có nhiều ruộng vườn. Bà nội tôi xuất thân từ một gia đình quan cách và giầu có, bà đẹp người đẹp nết, cai quản giang sơn nhà chồng và dậy con rất nghiêm minh.

Bức tranh “Cô đơn” do tác giả vẽ.

Bà nội tôi cho các con trai lên Hà Nội học, còn các con gái, bà trau dồi công dung ngôn hạnh rồi gả chồng sớm như các cô gái vào thời đó. Ông nội tôi bị bệnh mất khá sớm trước khi các con thành đạt.

Bác cả tôi số đào hoa, lấy vợ sớm và chính thức có tới ba người vợ. Tôi nghe kể bác gây cho bà nhiều khó khăn, gia đình bác ăn xài sang, luôn tổ chức tiệc lớn tiệc nhỏ đãi khách. Do làm ăn không thành công nên bác hay về đòi bà nội tôi bán ruộng nhiều lần để bác tiêu xài. Bác còn đòi bán cả ruộng hương hỏa vốn dành cho con cả để lo việc thờ cúng tổ tiên, nên bà tôi rất lo buồn. Cha tôi và hai người em trai ở Hà Nội thì chăm lo học hành. Cha tôi sau khi tốt nghiệp trường Albert Sarraut, học Luật và đi làm ở Hà Nội. Cha tôi hàng tháng gửi tiền về biếu bà nội tôi để phụ lo cho các em…

Tình duyên của cha mẹ tôi cũng trắc trở. Thủa sinh viên cha tôi yêu em gái người chị dâu cùng lên Hà Nội học, khi định hỏi cưới, ông bà nội tôi đi xem tử vi thấy cô này có số sát phu nên không cho lấy. Phần mẹ tôi tuy đã làm đám hỏi với con trai người bạn thân của ông ngoại tôi, nhưng sau mười năm, người ấy du học mãi không về nên hai gia đình phải hủy hôn. Bà nội tôi thấy số tử vi của mẹ tôi rất tốt nên xin hỏi cưới, dù cha tôi chưa quên được mối tình đầu!

Mẹ tôi là người rất chăm lo chồng con và đúng là “vượng phu ích tử”. Cha tôi đã sống hạnh phúc và hài lòng với người vợ do cha mẹ chọn, cùng đàn con ba trai ba gái mà ông rất yêu quý. Cha tôi là con trai thứ nhưng bao giờ cũng mời mẹ về ở chung để phụng dưỡng, bà nội tôi ở với chúng tôi nhiều năm tới khi bà nội tôi mất. Em gái có chồng bị Việt cộng sát hại, cha tôi cũng đem em và cháu về nuôi.

Cha tôi hay nhắc đến một người chú mà ông luôn ngưỡng mộ, ông chú này rất thông minh, học giỏi. Khi Pháp bỏ tù và giết hại các đảng phái chống đối, ông chú tôi nghe nói thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng nên phải lánh nạn sang Tầu. Từ đó cha tôi không bao giờ được gặp lại chú. Sau này khi cha tôi đã mất, ông chú đó có liên lạc được với họ hàng ở miền Bắc.

Tôi được đọc thư ông kể sau khi sang Tầu học đại học mấy năm, ra trường ông được cử sang Mỹ học ở trường kỹ thuật MIT ở Boston bên Mỹ (Massachusetts Institute of Technology) rồi qua học thêm ở Harvard (có lẽ ông là người Việt đầu tiên học ở hai trường danh tiếng này khoảng năm 1920). Sau ông lấy vợ Tầu có hai con gái là bác sĩ và giáo sư Đại học, con trai là kỹ sư.

Ông kể vẫn giữ họ Việt Nam cho các con và cố gắng dậy các con nói tiếng Việt. Khoảng năm 1985 các con ông có đến San Jose, California nhận họ hàng khi ông đã mất. Tôi thật tiếc cha tôi đã không được gặp lại người chú mà cha tôi rất yêu quý, đã chăm sóc dậy dỗ cha tôi lúc còn trẻ. Cha tôi nói ông chú này đã rèn luyện cha tôi về nhiều mặt…

Cha mẹ tôi cũng mất của nhiều lần, ruộng đất bà nội và ông bà ngoại tôi chia cho cũng mất hết vào tay cộng sản khi vào Nam, lần di cư năm 1954 ấy, cha mẹ tôi phải bỏ lại căn nhà lớn ba tầng mới mua ở Hà Nội. Vào Nam cha tôi lên dần đến chức vụ cao cấp: Chánh Nhất tòa Phá Án. Cha tôi đẹp trai, tướng sang trọng nhưng rất nghiêm trang, không bay bướm như bác cả. Cha tôi nổi tiếng thanh liêm, không ai đút lót được ông, ai đến biếu đồ nhờ vả ông cũng không nhận. Ông không giao thiệp nhiều, cho rằng quen biết nhiều sẽ bị nhờ vả rắc rối. Cha tôi bảo làm Thẩm phán cần nhất là phải công bằng.

Cha tôi rất lo chăm sóc con cái, ông dậy dỗ các con học hành chu đáo và dạy dỗ cho nên người đạo đức. Hai anh tôi du học bên Pháp nhưng cha tôi vẫn theo dõi sát. Em trai út tôi học rất giỏi, ba lần thi Trung học đều đỗ Ưu và được học bổng đi Mỹ. Ba con gái đều học Dược.

Cha tôi còn quan tâm đến các cháu. Vào Nam đại gia đình gặp khó khăn vì không đem theo được của cải, cha mẹ tôi san sẻ giúp đỡ anh em và lo xây dựng thế hệ sau. Cha tôi đem các cháu về nuôi dậy. Hôm nào cha tôi đi làm về cũng dậy Pháp văn, hôm thì viết dictée, hôm thì dậy litterature, grammaire… và thuê thầy kèm toán lý hóa nên con cháu luôn đỗ đạt cao, do được du học nên có khả năng giúp đỡ gia đình khá giả nhiều hơn, đến sau 1975 họ bảo lãnh gia đình sang Âu Mỹ sinh sống…

Cha tôi dậy các con cháu rất nghiêm túc, ông không cho đọc tiểu thuyết, không đi xinê hay la cà ngoài phố với bạn bè, không bồ bịch trai gái, coi TV thì phải có giờ quy định… còn lại chỉ học và học! Cha tôi sợ những trò giải trí đó làm sao nhãng, ảnh hưởng xấu đến việc học hành. Thuở nhỏ, các trò giải trí chỉ là chơi với đám anh chị em họ đến nhà học, con gái giờ nghỉ nhẩy dây, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, con trai thì đá banh, bắn bi… Anh tôi hay cho tập thể dục, thi nhẩy cao, nhẩy xa, chạy nhanh… nên đám trẻ đều khỏe mạnh. Anh tôi mua sách Hồng cho đọc, anh kèm toán rất giỏi.

Thỉnh thoảng cha tôi dắt đám trẻ đi coi xiếc, đi hội chợ, đi Sở thú, đi ciné coi phim nhi đồng… Cha tôi cũng chẳng quan tâm đến những môn nghệ thuật: Cầm, Kỳ, Thi, Họa nên chúng tôi chẳng ai biết đàn địch ca hát, chỉ có anh tôi dậy đám trẻ nghe nhạc classic và hát chung vài bài như: Ra khơi, Bạch Đằng giang, Tiếng Nước tôi…

Cha tôi còn treo những giải thưởng lớn để đám trẻ cố gắng học hành:

– Giải đỗ hạng Ưu được 3 ngàn (em trai tôi được ba lần Ưu: Em mua một đồng hồ quả lắc rất lớn và được học bổng đi Mỹ), em họ tôi được một lần Ưu.

– Giải đỗ hạng Bình được 2 ngàn (tôi được giải đỗ Bình hai lần ở trung học và Tú tài 1 nhưng đến Tú tài 2 ban Toán tôi chấm sai số ở bài toán Lượng giác nên chỉ đỗ thứ, tan luôn giấc mộng đi Tây với các anh !)

– Giải đỗ hạng Bình thứ được 1 ngàn.

Nhiều anh chị em họ tôi cũng được những giải thưởng của cha tôi. Hồi đó đám trẻ học rất hăng say, đa số đỗ cao và du học khá nhiều… Tôi đang học hăng say thì số mạng đưa đẩy để gặp một anh chàng lạ hoắc học bên kia Thư viện Pháp, anh đã theo đuổi rồi hỏi cưới tôi. Đang là một cô gái học giỏi, cứng đầu và nhiều tham vọng, muốn thành khoa học gia… tôi không hề muốn lấy chồng sớm! Tôi không thích vùi đầu vào bếp và suốt ngày thay tã cho con nít như những phụ nữ tầm thường khác. Thấy anh đến hỏi cưới, tôi lắc đầu quầy quậy!

Bà nội tôi theo lối cổ nên dục bố mẹ tôi gả con gái sớm. Anh kia đang học Y khoa năm cuối, anh luôn có lời lẽ khôn khéo nhỏ nhẹ, anh nói tôi cứ học lên cao anh sẽ chờ… Anh dùng tình cảm nhẹ nhàng làm mềm lòng tôi như ngọn lửa nhỏ làm tan chảy dần cây đá lạnh… Anh gửi tặng tôi những cuốn băng anh vừa đàn vừa hát với giọng trầm bổng. Tôi nghe những bài hát đó, dù rất nổi tiếng như: Những chiều không có em, Mộng dưới hoa, Thủa ban đầu, Tiếng Thu, Bài ca sao…, nhưng lúc đó tôi chưa hề biết bài nào. Lúc mới nghe cũng thấy hấp dẫn, thỉnh thoảng anh lại chen vào vài câu tỏ tình trước mỗi bài hát…

Hình minh hoạ: Pexels

Anh hoàn toàn khác với người trong mộng của tôi! Thủa mới lớn, học lịch sử tôi chỉ quý trọng những anh hùng vì dân vì nước như Nguyễn Thái Học… Tôi không thích những thanh niên ủy mị, tâm hồn yếu đuối nghệ sĩ, đầy thơ và nhạc như anh…. Tôi lại còn không thích bác sĩ vì sợ dơ và sợ bệnh tật từ nhà thương đem về… Nhưng mưa dầm thấm lâu, sự kiên nhẫn và tình yêu sâu đậm của anh từ từ làm mềm yếu trái tim tôi… Anh cứ năn nỉ cho bố mẹ anh tới chơi rồi chúng tôi đã làm lễ chạm ngõ trước khi tôi thi Tú tài!

Không hiểu sao anh chọn tôi? Sau này anh nói ngồi học bên kia Thư viện Pháp, anh đã nhìn sang nhà tôi chéo bên kia đường, thấy tôi từ vài năm trước, khi anh mới vào học Y khoa, lúc đó tôi còn nhỏ và từ từ lớn dần… Anh đã thấy và yêu thích tôi nhiều năm rồi coi đó là định mệnh! May mà tình yêu của anh sâu đậm và bền vững mấy chục năm qua! Không được đi du học, tôi phải chọn ngành học ở Saigon. Anh không muốn tôi học Y khoa, nói là sẽ mất hết nữ tính (!), nhưng lúc đó tôi đâu có nữ tính?  Tôi mạnh mẽ, quyết tâm học hành và không hề yểu điệu, lãng mạn…!  Ngoài Y khoa, hai chị tôi đã học Dược nên tôi muốn học ngành khác.

Đúng năm đó, trường Dược bắt đầu thi tuyển, mấy ngàn người thi, đậu có 200 người. Bạn bè rủ đi thi chơi nhưng tôi lại trúng tuyển. Thế là số mạng an bài… tôi vào học Dược! Tôi học Dược thật bất ngờ và không đúng với khả năng của tôi. Ngành Dược rất nhiều bài vở cần học thuộc và ghi nhớ, nhưng trí nhớ của tôi vốn kém nên học thật vất vả, học xong lại dễ quên. Ngày trước tôi học ban Toán, cần lý luận nhiều, ít phải thuộc bài nên tôi học dễ dàng.

Học đến năm thứ ba thì chúng tôi làm đám cưới, đám cưới xong, tôi rất vất vả với hai năm cuối. Tôi còn phải săn sóc hai đứa con nhỏ nên học rất khó khăn… ngày mọi người đi thi thì tôi đi nhà thương sinh con! Cuối cùng rồi tôi cũng ra  trường, muộn mất hai năm! Tôi ra trường thì cha mẹ tôi quyết định mở tiệm thuốc Tây ở căn nhà gần nhà thương Grall. Chưa khai trương thì năm 1973 thím tôi từ Mỹ về, bà khuyên Mỹ sắp bỏ Việt Nam, không nên bỏ tiền ra làm ăn gì nữa. Nhưng mọi việc đã gần xong không lùi lại được!

Chú thím tôi có con gái lớn du học bên Mỹ, lấy một bạn học người Mỹ làm Tham vụ Ngoại giao, nên biết rõ tình hình Mỹ sắp bỏ rơi Việt Nam, cô ta bảo lãnh ngay sáu người em qua Mỹ năm 1973, cho các em tiếp tục học…, cô rước mẹ sang trước. Biết bố đang làm Thẩm phán tòa án quân sự đặc biệt, chuyên xử tử Việt cộng, sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nếu Việt cộng vào chiếm miền Nam. Cô ta phải nói dối bố là mẹ đang đau nặng, đón bố sang thăm mẹ và giữ bố ở lại Mỹ luôn từ năm 1974, cô ta đã cứu cả gia đình, nhất là ông bố chắc chắn Việt cộng vào sẽ bị tàn sát ngay!

Tiệm thuốc gia đình tôi mới mở được ít năm thì Cộng sản tràn vào, chẳng làm ăn gì phi pháp cũng bị đánh tư sản, bị đánh thuế siêu ngạch thật vô lý, bị tịch thu hết thuốc men vì trong xã hội chủ nghĩa không ai được buôn bán tư, tất cả thuộc Nhà nước! Thế là mất cả vốn lẫn lãi, giá mà thím tôi cho biết sớm thì cả nhà đâu đến nỗi sạt nghiệp.

Bức tranh “Hoa Lan” do tác giả vẽ.

Năm 1975 mất nước, cha tôi là công chức cao cấp bị đi tù “cải tạo”. Khi đó cha tôi đã tuổi già sức yếu, sau vài năm bị lao động khổ sai, ăn uống thiếu thốn, bệnh tật không thuốc men, cha tôi đã ra đi trong cô đơn… Gia đình tôi được tin đã rất đau khổ…

Chúng tôi vượt biên mấy lần không xong, bao nhiên tiền của anh tôi gửi về mất sạch, mà còn vào tù ra khám… con tôi mấy lần bệnh suýt chết vì trong tù ở dơ, không đủ thuốc!

Rồi cuối cùng chúng tôi cũng được bảo lãnh đi theo diện ODP. Chúng tôi phải đút lót vì họ bảo bác sĩ, dược sĩ… thuộc diện khoa học kỹ thuật phải ở lại xây dựng đất nước, nhưng thực tế họ đã bỏ tù…

Qua đến Mỹ tôi nghĩ mình sẽ không còn theo ngành Dược, nhưng số mạng xui khiến sao đúng lúc đó họ lại cho thi tương đương có hai năm (bằng Dược sĩ cũ họ vẫn giữ trong văn phòng Quốc hội Mỹ). Thế là lại phải cố gắng học, không còn chọn lựa. Thế là tôi vùi đầu vào học, vừa ôn bài cũ vừa học thêm những bài mới.

Chương trinh Dược ở Việt Nam theo kiểu Tây, nặng về từ chương kiến thức. Nay học theo kiểu Mỹ, thực dụng hơn. Sau gần 20 năm, ngành Dược cũng phát minh thêm nhiều thuốc mới, phải học hỏi thêm…. Sau khi đậu phần lý thuyết phải đi thực tập ở nhà thương, phòng thí nghiệm, dược phòng… đủ hết quy trình bắt buộc mới được thi bằng Dược sĩ quốc gia.

Đậu xong còn phải thi bằng Dược tại tiểu bang mình hành nghề như các sinh viên ra trường Dược ở Mỹ. Cái khó nhất là Anh văn, họ nói rất nhanh mình nghe chưa quen, lại còn phải đi làm full time nuôi con và sinh sống… Vì tốn nhiều thì giờ đi làm và ngồi lái xe nên tôi nghĩ ra cách: Mỗi sáng ráng dậy sớm trước khi đi làm, học xong một hai bài mới, hiểu thấu đáo rồi làm dàn bài chi tiết vào một cuốn vở rồi tự đọc, thu vào cassette. Mỗi khi lái xe đi về là vặn lên nghe vài lần, cả khi làm bếp, giặt đồ… tôi cũng vặn lên nghe, khi vào giường ngủ cũng để headphone học thêm vài lần và ôn bài cũ… Đi đâu tôi cũng mang mấy cuốn cassette theo học.

Không ngờ học nhiều lần mấy cuốn cassette tự thâu, nó thấm vào đầu lúc nào không hay: Khi đi thi với 300 câu hỏi, tự nhiên trí óc tôi tuôn ra gần hết những câu trả lời đúng. Tôi nhớ ngày nhận được giấy báo tin thi đỗ, mấy mẹ con mừng quá nhẩy tót lên giường ôm nhau thật sung sướng, tương lai rộng mở…

Nhưng thực tế không ngon lành như ước mơ. Tôi đi làm cũng trầy da tróc vẩy vì nghe tiếng Anh chưa kịp, họ nói tiếng Anh rất nhanh, mới ghi được phần đầu họ đã xong phần cuối. May mà ông manager rất tử tế, ông dùng máy thâu order của bác sĩ và giúp tôi kiểm tra lại cho chính xác… Một thời gian sau nghe quen, tôi mới không cần máy thâu nữa. Thời gian làm việc rất căng thẳng lo âu, vì nghề Dược không thể làm lỗi được.

Ngoài việc chuyên môn về thuốc men, đôi lần gặp chủ nhân không phải là dược sĩ, tôi còn phải cố gắng ngăn chặn mọi thứ buôn bán phi pháp, vì chủ nhân chỉ muốn mau làm giầu, còn trách nhiệm thuộc về dược sĩ với chính quyền. Tiền vào túi họ còn mình rất dễ mất bằng hành nghề. Mình kiểm soát kỹ lưỡng quá làm họ khó chịu, tôi phải đi làm chỗ khác để tránh rắc rối!

Đôi khi cũng gặp nhân viên khó chịu: Họ ghen tức nói dược sĩ làm nhàn hơn mà lương cao gấp mấy lần. Tôi khuyên họ đi học và giải thích dược sĩ phải học nhiều năm mới vững kiến thức về thuốc men để giao thuốc chính xác, giảng giải cho bệnh nhân biết cách dùng thuốc; hiểu những phản ứng phụ và giúp bác sĩ ý kiến về liều lượng thuốc. Bác sĩ học nhiều về định bệnh và chữa trị còn liều lượng thuốc men dược sĩ phải rành. Trách nhiệm của dược sĩ rất nặng, dược sĩ phải lãnh hết trách nhiệm dù nhân viên làm nhầm lẫn hay gây chết người…

Tôi bị đau chân không đứng lâu được, tôi yêu cầu được ngồi làm việc, chủ nhân rất tử tế mua ngay ghế xoay cho tôi ngồi. Có nhân viên khó chịu thấy dược sĩ được ngồi. Tôi nói họ trả lương dược sĩ vì cái đầu và cái bằng chứ đâu phải vì đôi chân. Tuy nhiên khi thấy nhân viên cũng nghèo mà mình quá may mắn, nên tôi cũng thỉnh thoảng mua đồ ăn trưa cho nhân viên. Đôi khi dắt cả đám đi ăn bò bẩy món hay ăn phở nên họ rất vui và không khí làm việc thân thiện hơn…

Nghĩ mình may mắn được cha mẹ cho ăn học lên cao nên đời sống tốt đẹp, còn nhân viên đa số gia đình nghèo không được học cao, phải đi làm sớm, mên tôi đối xử với họ luôn tử tế, vì thời gian sống với họ nhiều hơn sống với gia đình. Mình đối xử tốt đẹp thì họ vui vẻ, hai bên đều được làm việc hạnh phúc bên nhau…

Dậy dỗ đàn con, tôi cũng theo lối dậy của cha tôi, tuy không ràng buộc chúng được như gia đình tôi xưa, nhưng phải luôn coi việc học là chính: “Ấu bất học lão hà vi” (Trẻ không học già làm gì), gia đình tôi trung hòa với đời sống mới cùng lối giáo dục của Mỹ… các con tôi cũng đều thành đạt, nên người đàng hoàng…

Sau mấy chục năm tôi đã thay đổi nhiều, tôi không còn mạnh mẽ như xưa, nhưng lại thích nấu ăn, nhất là những món cỗ rất ngon mà mẹ tôi hay nấu… Tôi cũng không còn ngại thay tã, tôi thích chăm sóc các cháu… Tôi không yểu điệu nhưng đã là một phụ nữ đa cảm và đối xử dịu dàng hơn… và ở bên anh, tôi được thưởng thức văn nghệ rất nhiều… Anh đi lính, ra trận nhiều, yêu nước, tận tụy với bệnh nhân, tốt đẹp hơn tôi nhận xét ban đầu…

Nay nhìn lại đời mình… Dù nhiều thăng trầm, dù phải ly hương, dù đã nếm đủ vị mặn, ngọt, đắng, cay, chua, chát… của đời sống tôi vẫn thấy đời rất đẹp! Chúng tôi thích du lịch khắp nơi… Trái đất với bao cảnh núi non hùng vĩ, sông thác biển đảo… bao cảnh thiên nhiên thật đẹp khiến tôi lặng người ngắm không chán mắt… Về già, ngồi bên giá vẽ, đầy đủ mầu sắc tha hồ pha chế, tôi say sưa vẽ bao cảnh thiên nhiên… nước biển đủ mầu, cảnh bình minh, hoàng hôn ánh mặt trời độc đáo, đủ loại hoa đẹp mầu sắc rực rỡ, nhất là hoa lan nhiều loại thật lạ kỳ…. Dù tài nghệ tôi chưa tới đâu, nhưng được ngồi hạnh phúc vẽ tranh theo ý thích là những phút giây rất tuyệt vời…

Rồi mai đây, đời tôi sẽ qua đi, nhưng những lời dậy dỗ của cha mẹ, tôi luôn ghi nhớ, và truyền sang đời con cháu. Đó là phải cố gắng học, luôn sống tử tế, nhân đức… Cám ơn cha mẹ đã dậy cho chúng con những điều tốt đẹp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: