Những cuộc đổi đời sau mỗi chuyến đi

Chuyến ra đi 1954 – cuộc di cư có tổ chức qui mô nhất lịch sử cận đại Việt Nam (ảnh: Daniel M. Redmond/usni.org)

Người ta thường ví “cuộc đời là những chuyến đi”. Có chuyến đi thành công theo mong muốn. Có chuyến đi thất bại ê chề. Có chuyến đi, đặc biệt là đi vì vận nước như đi chạy giặc; đi di tản; đi di cư; đi tù “cải tạo” v.v … đều đã làm thay đổi hẳn cuộc đời!

Tôi được sinh ra và lớn lên trong thời tao loạn (1936) ở một vùng quê miền Bắc. Cha tôi là một Lý Trưởng xã. Ông nội tôi là một thầy đồ nho, dạy học, từng làm Chánh Tổng từ hồi Pháp thuộc, nên người trong vùng thường gọi ông một cách kính trọng là ngài “Tổng Sư” Ngô Văn Th. Ông là người học giỏi, sống hào hiệp, đức độ, có tới ba bà vợ và ba dinh cơ riêng cho ba bà.

Bà thứ nhất đẻ ra một người con gái, sau lấy ông Phó Lý ở một làng bên cạnh, sinh được người con trai tên Huỳnh, nên tôi gọi là bác Phó Huỳnh. Bà thứ hai đẻ ra cha tôi (cha mẹ tôi sinh được tôi và người chị gái); bà thứ ba đẻ ra chú tôi, làm thơ ký trong làng và sinh được “ngũ long công chúa” đặt tên là Phong, Cảnh, Tĩnh, Bé, Tí và tôi gọi là chú Thơ Phong. Vì chú thím tôi không có con trai, nên theo tập tục, tôi đương nhiên là người thừa tự của gia đình.

Thật ra tôi không có nhiều ký ức của thời thơ ấu. Dù được sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng bất hạnh là mẹ mất sớm khi tôi mới gần ba tuổi, cha lấy người vợ kế (dì tôi) và người này lại là một cô gái còn quá trẻ so với cha tôi, con của một ông Đội Xếp (Hạ Sĩ Quan của quân đội Pháp). Gia đình này thuộc loại “tỉnh thành”, ở cấp trung lưu, và không chuyên nghề làm ruộng. Vì thế bà nội tôi không ưng thuận, nhưng vì cưng chiều cha tôi nên bà ép bụng phải cưới về làm dâu trong gia đình.

Kể từ khi cha tôi có bà vợ kế, cũng là lúc ông bắt đầu tham gia “đảng phái Quốc Gia”. Mọi việc đồng áng, con cái, sản nghiệp gia đình do một tay bà nội tôi quán xuyến. Bà nội tôi rất thương yêu chị em chúng tôi. Tôi còn nhớ có một lần cha tôi đánh tôi một trận nên thân, vì tôi đã làm điều sai quấy, nhưng bà nội lại cho là cha tôi nghe lời vợ, nên bà giận, tuyệt thực hai, ba ngày, làm cha tôi phải lạy van, xin lỗi mãi bà nội tôi mới chịu tha.

Tới năm tôi được tám tuổi thì bà nội tôi mất, gia đình kể từ đấy sa sút. Phần vì tình hình loạn lạc gia tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong vùng; phần vì cha tôi đã bỏ ra nhiều thời giờ, tiền bạc cho bạn bè, đồng chí của ông, mọi việc trong nhà cha tôi đều giao cho vợ (dì tôi), một người còn quá trẻ lại không biết gì về đồng ruộng.

Chị em tôi từ đó cũng bắt đầu một cuộc sống cô đơn, vất vả. Dù tuổi của chị tôi chưa đủ trưởng thành nhưng đã phải làm lụng cáng đáng mọi việc trong nhà, đồng áng. Dì tôi chỉ là… “giám đốc”, nhưng được cái bà cũng thương yêu chị em tôi. Riêng tôi thì được gửi đi trọ học, ở nhờ nhà bà cô họ có chồng ở làng xa, gần huyện lỵ, vì nơi đây mới có trường tiểu học. Học hết bậc tiểu học, tôi được chuyển ra Hà Nội, ở nhờ trong cơ sở in báo của một người bạn với cha tôi, và đi học trong một trường trung học tư thục gần chợ Hàng Da, đường Nguyễn Trãi.

Thế rồi, một biến cố lớn xảy đến với gia đình tôi, làm tôi luôn ám ảnh! Như đã nói ở phần trên, cha tôi thời gian này là một trong các “lãnh tụ” của một đảng phái quốc gia trong vùng. Cha tôi đã quy tụ bạn bè, đồng chí và toàn thể đàn em là các ông chú tôi trong họ đứng ra lập đồn bốt ngay trong làng chống Việt Minh (VM) cộng sản. Gia đình tôi có nhà cửa khang trang, xây cất chắc chắn nên cha tôi dùng làm “Bộ Chỉ Huy” cho đồn. Chỉ một thời gian ngắn, vào một đêm tối trời thì VM đem quân tấn công. Sau khi quân trong đồn chống cự gần suốt đêm thì bị cộng quân tràn ngập. Chúng ra tay tàn sát mười mấy người ngay trong phạm vi nhà tôi, gồm chú bác, anh em, đồng chí của cha tôi; cùng với dinh cơ nhà trên, nhà dưới cả thảy mười gian bằng gỗ lim to lớn, quí giá của gia đình tôi đều bị VM đốt sạch.

Sau khi đồn bót trong làng của cha tôi thất thủ. Từ đó cha tôi cùng với đa số các gia đình của chú bác tôi đều phải đi tản cư sinh sống ở các vùng Tề (Quốc Gia), hay ra tận Hà Nội. Chị gái tôi có chồng ở làng bên cạnh, gia đình chồng chị cũng là “đồng chí” của các cha, chú tôi. Kể từ đó tôi không có dịp về thăm quê nữa.

Còn cha tôi vì sản nghiệp to lớn; vì người vợ trẻ; hơn nữa vì chú Thơ Phong, em cùng cha khác mẹ của cha tôi đang bị cộng sản bắt đi mất tích. Nên ông cứ nấn ná, qua lại quê nhà để nghe ngóng tin tức người em; chứ không chịu dứt khoát đi lánh nạn như mấy ông chú khác của tôi. Cho tới một ngày đầu Xuân, vào năm 1952, Việt Minh đã bắt cha tôi khi ông vừa từ xa về nhà và chúng dẫn đi biệt tích. Mãi hơn một năm sau thì gia đình tôi mới biết là cha tôi đã bị VM giết và chúng đem vùi ở một bờ chuôm (ao) trên cách đồng của một làng bên cạnh. Gia đình tôi đã đem hài cốt cha tôi về an táng bên phần mộ mẹ tôi.

Chuyến di cư từ Bắc vào Nam (cuộc đổi đời lần thứ nhất)

Năm 1954, Hiệp định đình chiến chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, miền Bắc do Cộng sản cai trị; miền Nam thuộc phe tự do của người Việt Quốc Gia, được ký kết. Theo hiệp định, người dân Việt Nam hai bên được quyền lựa chọn thể chế và nơi sinh sống của mình. Vì họ hàng, thân thuộc của gia đình tôi phần lớn là các chức sắc trong làng từ hồi Pháp thuộc, theo phe Quốc Gia, nên nhiều gia đình tìm cách di cư vào Nam. Ngoài ra còn có gia đình chồng của chị ruột tôi. Anh ấy là chi đội trưởng Địa Phương Quân trong làng bên cạnh lúc bấy giờ. Khi ấy tôi đang trọ học tại Hà Nội nên cũng được các ông chú và chị tôi ghi danh cho đi theo chuyến máy bay đầu tiên từ Gia Lâm tới Sài Gòn.

Vào trong Nam, mọi người trong dòng tộc, cũng như những bà con quen biết trong vùng cũng tìm tới bên nhau, quây quần lập nghiệp khá đông ở các vùng Bến Kéo, Tây Ninh; Hố Nai, Gia Kiệm, Biên Hòa; Sài Gòn… Mặc dù các ông chú tôi có lý tưởng quốc gia, có ý chí và quyết tâm chống Cộng, nhưng khi rời xa gốc gác quê nhà, nơi sẵn có gia sản, chức quyền để di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, với sự học hành ít ỏi, và chỉ quen nghề làm ruộng, nên cuộc sống mới tại miền Nam cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả. Thế hệ con cháu như anh em chúng tôi cũng ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình nên sự học hành nhiều người không thành đạt, và việc làm ăn cũng chẳng có ai “phất lên” như nhiều người di cư khác.

Riêng tôi lúc đó chẳng có cha mẹ, anh em nào bên cạnh. Chỉ có người chị gái có chồng trong quân ngũ thì ở mãi tận Pleiku. Các chú thím trong họ có vài gia đình ở Sài Gòn nhưng họ đều nghèo, tôi chẳng thể nhờ vả ai được, nên tôi đã xin vào trại học sinh di cư “Phú-Thọ-Lều” của chính phủ. Tôi ở tại đây một thời gian thì cùng vài bạn bè bỏ ra ngoài thuê phòng ở vùng Tân Định để vừa đi học, vừa phải đi làm đủ mọi công việc lặt vặt như đi dạy kèm trẻ ở tư gia, đi chuyển hàng hóa, rau quả cho các sạp bán hàng ở chợ Tân Định và các “ki-ốt” bán sách trên đường Lê Thánh Tôn. Chiều tối phụ họ dọn hàng về để có tiền sinh sống và ăn học. Cứ thế tôi đã cố gắng học xong trung học (Tú Tài) tại trường Nguyễn Công Trứ, niên khóa 1958-1959.

Cho tới năm 1961, cuộc sống vô định, sinh sống hết nơi này tới nơi khác đã làm tôi thật sự chán nản và cô đơn. Hơn nữa tình hình chiến sự lúc bấy giờ ngày càng gia tăng, sôi động. Cộng sản Bắc Việt đã lộ rõ ý định xâm lăng miền Nam theo lệnh quan thầy Nga Sô và Trung Cộng. Chúng bắt đầu phát động cuộc chiến. Trong Nam các thành phần Cộng sản (CS) nằm vùng sau năm 1954 trỗi dậy hoạt động công khai và bí mật ở nhiều lãnh vực: quân sự, xã hội, chính trị, sinh viên, học sinh…, với sự kết hợp, yểm trợ của nhà cầm quyền CS từ Hà Nội. Cho nên chính quyền miền Nam VNCH buộc phải tăng cường phòng thủ, tự vệ. Chính phủ đã phải gọi “động viên” thanh niên gia nhập quân đội.

Lúc này cũng đúng là lúc tôi ý thức trách nhiệm của một thanh niên trước thù nhà, nợ nước. Hơn nữa cuộc sống của tôi lúc bấy giờ chẳng còn con đường nào tốt hơn là chọn con đường tiến thân trong binh nghiệp. Nên tôi đã tình nguyện (với tư cách động viên) vào trường Võ Khoa Thủ Đức (Khóa 12). Tôi đã phục vụ trong binh nghiệp cho tới ngày 30 Tháng Tư 1975. Tổng cộng là 14 năm. Và đã được Việt cộng cho “bóc lịch” suốt gần 14 năm trong các trại tù “cải tạo” từ Nam ra Bắc, và từ Bắc vào Nam, với những trận đòn tàn bạo, chết đi sống lại mà chúng đã dành cho tôi!

Tôi không bao giờ có thể ngờ mình sẽ còn sống sót để trở về với vợ con đang ở một vùng “kinh tế mới” thuộc tỉnh Đồng Nai, vào năm 1989. Khi trở về xum họp với gia đình, lòng tôi vừa mừng vừa lo, không biết cuộc đời tôi sẽ ra sao. Không biết vợ con đối với mình thế nào, và mình có còn đủ can đảm, sự kiên nhẫn chịu đựng để gây dựng lại một gia đình đang trong tình trạng tận cùng của khốn khổ, phức tạp của một xã hội “Xã Hội Chủ Nghĩa” lai căng, xô bồ, khốn nạn hiện tại hay không? Nhất là khi nhìn cảnh một gian nhà tranh, vách nát với gia đình tám người chen chúc sống hàng ngày.

Không nói ra nhưng tôi biết, cuộc sống gia đình nay đều trông cậy vào các con tôi trong công việc đi rừng, làm rẫy vất vả, lam lũ, đổ mồ hôi để có chén cơm độn khoai sắn sống qua ngày. Một kỷ niệm tôi nhớ mãi đến bây giờ, đứa con gái lớn biết tôi ở tù về thiếu thốn, thèm khát đủ thứ, nhưng tiền đâu lo cho cha! Những gia đình có tiền bạc thì người ta mua món ăn này, thức uống nọ bồi bổ cho người tù trở về. Còn hoàn cảnh gia đình tôi, vợ con tôi biết lấy gì mà bồi bổ cho tôi! Nên thỉnh thoảng có tiền con gái ra quán mua cho bố phong bánh, quả chuối hay chiếc kẹo mang về giấu đút cho bố ăn chứ chẳng dám công khai, vì còn con nhỏ sợ chúng thấy, chúng đòi. Nhiều khi thèm quá tôi ăn như ăn vụng mà nước mắt lưng tròng vì cảm kích lòng hiếu thảo của con gái, và tủi thẹn cho thân phận của kẻ sa cơ.

Trong lúc cuộc sống của gia đình vẫn chưa biết tính sao, vợ tôi vốn “chân yếu tay mềm”; các con tôi lại học hành dang dở, tới độ tuổi cặp kê, trai gái; còn tôi tuổi cũng gần 50, sức khỏe yếu kém sau thời gian tù “cải tạo”, thì làm sao có thể vất vả với công việc ruộng rẫy hàng ngày; làm sao dạy bảo các con khi hình tượng người cha sĩ quan oai phong thuở trước đã thay đổi bằng một hình thể “thân tàn ma dại”, và là một “phó thường dân” của cái xã hội này! Vì thế tôi nghĩ chỉ còn một cách vượt biên thoát thân. Có thoát được mới có cơ hội làm lại cuộc đời và lo cho vợ con.

Tôi đã nhiều lần về Sài Gòn tìm đường dây vượt biên nhưng chi phí tới ba, bốn cây vàng cho mỗi người thì làm sao tôi có điều kiện để đi; làm sao tôi đủ can đảm dứt bỏ vợ con ra đi, mà tôi đã một lần không nỡ vào thời điểm 30 Tháng Tư 1975, nên đã phải đổi bằng cái giá 14 năm tù “cải tạo”!

Đang trong tình thế bế tắc của gia đình thì thình lình tôi có giấy gọi đi lên tỉnh lãnh hộ chiếu làm thủ tục xuất ngoại theo diện tù “cải tạo” mà từ lâu tôi mong đợi. Việc được đi Mỹ một cách bất ngờ theo danh sách H.O.6 mà không phải chạy chọt, hoặc qua môt dịch vụ tốn kém nào như những bạn bè H.O khác đến với tôi như từ trên trời rớt xuống, như một liều thuốc hồi sinh, một phép lạ cứu vãn cuộc sống và danh dự cho cả gia đình tôi.

Chuyến đi từ Việt Nam qua Mỹ (cuộc đổi đời lần thứ hai)

Chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Thái Lan cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhứt, trong đó có gia đình tôi rời Việt Nam vào một buổi sáng nắng đẹp, bầu trời xanh lơ, với những áng mây mờ cao vút vào những ngày đầu Tháng Tư năm 1991. Ôi, cũng lại cái Tháng Tư đen bạc đã làm thay đổi hẳn cuộc đời tôi. Và đã mấy chục năm qua, cứ mỗi lần Tháng Tư đến là những âm thanh, hình ảnh của ngày mất nước lại hiện về, làm cho tâm tư người lính “không chiến mà bại” như tôi cảm thấy bồi hồi, ray rứt, khổ đau!

Từ một quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với 14 năm phục vụ Tổ Quốc (Khóa 12 Thủ Đức) tôi luôn hãnh diện là “trai trong thời loạn”, được phục vụ cho lý tưởng cao cả vì Quốc gia, Dân tộc. Ấy thế mà chỉ sau những lời tuyên bố đầu hàng quân giặc của một ông tướng, Tổng thống Dương Văn Minh, khiến những người lính chúng tôi, vì phải tuân hành thượng lệnh đành trói tay, buông súng trong nỗi uất hận, nghẹn ngào!

Chiến dịch “Passage to Freedom” đưa người miền Bắc vào Nam năm 1954 (ảnh: history.navy.mil)

Biết bao người vì không chịu khuất phục kẻ thù đã phải tự sát; số còn lại, kẻ liều mình băng rừng, vượt biển, vượt biên không màng sống chết tìm đường thoát thân; người kẹt lại chịu cảnh tù đày khổ sai, hành hạ bởi lũ người được gọi là chiến thắng. Họ là đồng bào, đồng loại nhưng độc ác, dã man hơn loài dã thú.

Cũng may nhờ tình thế biến chuyển, nhờ sự quan tâm, tranh đấu của những người Việt tỵ nạn đi trước, nhờ sức ép của Hoa Kỳ và dư luận thế giới tự do, nên chúng tôi đã không bị Việt cộng tiêu diệt theo đường lối và chủ trương của chúng, và buộc bọn chúng phải buông tha chúng tôi. Rồi thì, cũng bằng một giá nào đó, chúng tôi đã được đi định cư ở nước ngoài, được Hoa Kỳ và các nước tự do dang tay đón nhận, cho chúng tôi có chỗ dung thân!

Hôm ấy ngồi trên chuyến bay dài quốc tế, máy bay đang bay trên thượng tầng cao độ, nhìn qua khung cửa sổ thấy bầu trời cao xa, biển cả xanh biếc mênh mông, trong lòng tôi đã thoát ra được tiếng thở phào nhẹ nhõm, với niềm cảm xúc vui, buồn lẫn lộn.

– V ui, vì kể từ đây tôi đã thật sự thoát cảnh “chim lồng cá chậu” với 14 năm trong các nhà tù “cải tạo” từ Nam ra Bắc, và sau hai năm khi được trở về với gia đình, nhưng dưới sự giám sát, kìm kẹp của cái gọi là “chính quyền địa phương” ở một góc rừng khô cằn sỏi đá, mà được ngụy quyền CS mệnh danh là vùng “kinh tế mới”.

Ở đó, cái cô quạnh, cảnh nghèo túng, sự hiểm nguy có thể xảy đến bất cứ lúc nào cho bản thân chẳng làm tôi buồn phiền, sợ hãi. Nhưng nỗi lo lắng, buồn phiền đến với tôi hàng đêm là lúc nghĩ đến năm đứa con đều đang độ trưởng thành mà không được học hành đến nơi đến chốn, ngày ngày chúng phải lăn xả vào cuộc sống trong cái xã hội “Xã Hội Chủ Nghĩa” lai căng, xô bồ, băng hoại, không hiểu rồi đây tương lai của chúng sẽ ra sao!

– B uồn, là vì lần ra đi này chưa biết đến bao giờ trở lại. Đây là lần thứ hai trong đời tôi đánh mất quê hương. Lần thứ nhất, sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước. Miền Nam là vùng Quốc gia, miền Bắc là Cộng sản. Vì biết rõ cái chế độ tàn ác, man rợ của VC, nên gia đình tôi đã từ bỏ của cải, ruộng vườn, mồ mả cha ông để tìm cách di cư vào Nam. Lúc đó tôi mới 14 tuổi, chưa đủ trí khôn suy nghĩ và thấm thía hết được khổ đau khi phải rời bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn của mình.

Hơn nữa, dù phải bỏ miền Bắc vào Nam thì miền Nam cũng vẫn còn là mảnh đất của giang sơn, tổ quốc. Còn lần ra đi này tôi thật sự đã mất quê hương, nơi mà tôi đã lớn lên, học hành và khi trưởng thành theo con đường binh nghiệp, xả thân bảo vệ từng mái nhà của dân chúng, từng tấc đất quê hương mà tiền nhân đã dày công gìn giữ và để lại. Ngoài ra, chúng tôi còn kẹt lại hai đứa con lớn, đứa có chồng con; đứa có vợ nên không được đi cùng với gia đình theo qui định. Thử hỏi còn nỗi xót xa, đớn đau, chia ly, mất mát nào to lớn hơn!

Trên chặng đường bay từ Sài Gòn đến Bangkok ngày hôm đó có gia đình tôi, một vợ ba con; và gia đình một chiến hữu Không Quân, đồng tù “cải tạo” – đi cùng danh sách HO.6 gồm hai vợ chồng và tới bảy đứa con lớn nhỏ. Chúng tôi ở lại Bangkok năm ngày rồi tiếp tục hành trình đi Mỹ. Trên đường bay phải ghé lại phi trường Tokyo (Nhật) bốn tiếng đồng hồ. Ở những chặng dừng chân như thế, tôi và người bạn đồng hành đã có dịp ôn lại dĩ vãng vui buồn đời lính, nhớ lại những đói khát, cực hình trong các trại tù, và chúng tôi cũng phỏng định cho tương lai của chúng tôi tại nơi đất khách quê người. Rất tiếc gia đình người bạn ấy sau đó định cư tại một tiểu bang khác nơi chúng tôi.

Sau mười mấy giờ trên máy bay, chúng tôi tới phi trường quốc tế Honolulu-Hawaii vào một buổi sáng sớm, bầu trời thoáng mát, lành lạnh. Trong thâm tâm tôi nghĩ rằng thế nào cũng có những chiến hữu đồng đội, đồng tù ở trong các hội đoàn tới đón, như vài người bạn đi trước viết thư về kể lại. Nhưng nhìn ngang, ngó dọc chẳng thấy một ai, ngoài trừ một người của hội thiện nguyện USCC ra đón, giúp làm thủ tục rồi dẫn ra cổng phi trường. Chúng tôi được một người em họ bảo trợ (sponsor) đến đón, dẫn về gia đình ở tạm ba ngày, trước khi mướn được căn phòng nhỏ cho gia đình tôi cư ngụ.

Thật tình mà nói, khi đặt chân tới Hạ Uy Di, nơi mà người ta mệnh danh là “Thiên Đường của hạ giới”, nhìn cảnh vật xa lạ, với những kiến trúc tân kỳ, tiện nghi tiên tiến, người người vui tươi đã làm tôi cảm thấy choáng ngộp và có nhiều lo lắng.

Bản thân tôi khi còn trong quân ngũ cũng đã từng hân hạnh được xuất ngoại vài lần để tham quan, hoặc học các khóa chuyên nghiệp quân sự. Nhưng những lần đi ấy từ cương vị đến hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Còn lần đi này, với tư cách là một người tỵ nạn cộng sản, bên cạnh vợ và ba đứa con dại, không hiểu rồi đây, với vốn liếng Anh ngữ ít ỏi, tiền bạc trắng tay, cuộc sống của mình và vợ con sẽ ra sao? Mặc dù trước đó tôi đã được bạn bè đi trước thư về cho biết rất nhiều tin tức. Trong đó có một câu mà tôi nhớ mãi và đúng mãi cho tới ngày hôm nay: “Ở Mỹ làm giàu rất khó, nhưng chết đói lại càng khó hơn” đã từng làm tôi yên tâm, vơi bớt lo âu.

Thế rồi mọi khó khăn, trở ngại lúc ban đầu cũng qua nhanh. Mọi người trong gia đình tôi đã cố gắng học hỏi mọi phương diện, đặc biệt là học Anh ngữ qua chương trình giúp đỡ của chính quyền dành cho những người tỵ nạn. Sau sáu tháng làm quen với cuộc sống mới, vợ chồng chúng tôi đã kiếm được công ăn việc làm thích hợp, cả ba đứa con tôi (hai trai, một gái) vừa đi học tại đại học cộng đồng (college) vừa đi làm thêm cũng đủ tự túc được vấn đề ăn, ở, và chi tiêu trong gia đình.

Cứ thế, đời sống của gia đình chúng tôi đã ổn định theo thời gian. Vợ chồng tôi lần lượt tới tuổi về hưu. Con cái đã học hành thành đạt, tạo dựng được gia đình và có cuộc sống ngày càng khá hơn. Hiện vợ chồng chúng tôi vui hưởng hạnh phúc ở tuổi già với đàn cháu nội, cháu ngoại và cả hai đứa chắt nữa. Và chúng tôi cũng bình tâm chờ đợi một chuyến đi cuối cùng của cuộc đời để về miền Cực Lạc.

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: