Những ngày không quên

Sài Gòn 1995 (ảnh: Wenzel-Orf/ullstein bild via Getty Images)

Sau gần bảy năm bị tù ở Khám Chí Hòa sau ngày 30 Tháng Tư 1975, đầu năm 1982 tôi được trả tự do vào một buổi sáng cuối năm, gần đến ngày Tết Âm lịch. Gần bảy năm trước, tôi bị đám “Cách mạng ba mươi” chỉ điểm đến nhà bắt với lý do tôi trốn trình diện “học tập cải tạo”. Thật ra ngày 24 Tháng Sáu 1975, ngày tôi bị bắt, là hạn chót cho các sĩ quan cấp Đại úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ra trình diện “học tập”, còn tôi với cấp bậc Đại úy ngành cảnh sát thì đáng lẽ hai ngày sau tôi mới phải ra trình diện. Thế nhưng, với cộng sản thì thà bắt lầm hơn bỏ sót nên chúng vẫn bắt tôi.

Tôi không thể nào ngờ được tên hàng xóm người Hoa ở chung cư Minh Mạng Quận 10, Sài Gòn lại là một cộng sản nằm vùng. Nhà tôi ở sát vách nhà hắn. Tên này có một người chị nghe đâu dạy học ở trong Chợ Lớn. Hai chị em nhà này luôn luôn đóng cửa đi vắng suốt ngày, thỉnh thoảng mới thấy họ mở cửa ra ngoài quét dọn hành lang phía trước. Dù vậy, họ luôn tỏ vẻ thân thiện mỗi khi gặp chúng tôi.

Sáng 30 Tháng Tư, tôi từ Bộ Tư Lệnh Cảnh sát trở về sau đêm ứng chiến cuối cùng đầy căng thẳng. Suốt đêm hôm trước, tôi hầu như không ngủ được vì những âm thanh báo cáo từ chiếc máy truyền tin PRC-25, cho biết cộng quân đã tiến đến sát cửa ngõ Sài Gòn từ các hướng ngã tư Bảy Hiền, xa cảng Miền Tây và gần cầu xa lộ Thủ Đức. Khoảng gần 10 giờ sáng, sau khi nghe ông Dương Văn Minh ra lệnh binh sĩ không nổ súng và chuẩn bị bàn giao, chúng tôi bảo nhau tự động tan hàng ai về nhà nấy. Khi tôi vừa về đến nhà, vợ tôi vội vã đưa cho tôi túi quần áo, bảo tôi tạm về nhà chị tôi ở Tân Định lánh mặt vì thấy hai chị em tên người Hoa sáng nay đã lộ diện là Việt cộng nằm vùng mang băng đỏ đi phát truyền đơn cho từng nhà ở chung cư.

Một góc Sài Gòn thập niên 1990 (ảnh: Eric RAZ/Gamma-Rapho via Getty Images)

Sau mấy ngày lánh nạn và làm các thủ tục trình diện theo lệnh của Ủy ban Quân quản, thấy tình hình tạm yên, tôi trở về nhà. Trước mắt là phải lo mưu sinh sau khi bị “giải phóng” tan hàng một cách bất đắc dĩ. Trong lúc tôi chưa biết làm gì thì có hai người bạn đến rủ hùn vốn, mỗi người bỏ ra một trăm ngàn đồng để buôn bán phụ tùng xe đạp trên lề đường Minh Mạng. Cũng bởi nhờ Việt cộng “giải phóng” nên xe đạp bỗng chốc trở thành phương tiện di chuyển thịnh hành không ngờ. Với việc buôn bán này, mỗi ngày chúng tôi thay phiên nhau ngồi bán hàng từ 8 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều thì dọn hàng. Tuy nhiên, buôn bán chưa đầy một tháng, không biết lời lãi thế nào, thì tôi bị bắt.

Lúc mới bị bắt, tôi nghĩ, chắc vì tôi là cảnh sát nên bị Việt cộng ghép vào thành phần ác ôn phản động nên không được đi “trình diện học tập” như các bạn khác nhưng đến khi vào khám Chí Hòa tôi mới biết bị bắt hay đến trình diện thì cũng như nhau, bởi số bị bắt đưa vào đây lên đến cả ngàn người. Đủ mọi thành phần, từ dân sự, quân sự, cảnh sát, cho đến đảng phái, tôn giáo… Có người bị bắt tại nhà như tôi; có người đang trên đường đi đến nơi trình diện cũng bị bắt. Số người bị bắt quá đông nên khoảng vài tuần sau, chúng chuyển bớt một số người ra những trại bên ngoài. Tôi nằm trong số người ở lại khám Chí Hòa.

Chí Hòa là khu nhà giam do người Nhật xây từ Thế chiến thứ hai nhưng chưa kịp sử dụng thì Nhật bại trận. Nhà giam này hình bát giác, chia làm nhiều khu, ghi theo mẫu tự từ A đến H, như các khu AH, BC, FG, ED; chưa kể khu biệt giam AB và khu nữ tù nhân nằm ngoài khu bát giác. Những người không bị chuyển trại được chúng tập trung giam tại khu AH, khu dành riêng cho tù nhân chính trị. Khu của tôi ở tầng I, là khu dành cho sĩ quan các cấp và viên chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Sài Gòn tan hoang nghèo đói sau những ngày được “giải phóng” (ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket via Getty Images)

Sau nhiều lần chuyển kế tiếp, phòng của tôi cuối cùng còn lại đa số là sĩ quan cấp đại úy – vừa quân đội, vừa cảnh sát – một số khác là sĩ quan cấp tá và viên chức chính phủ. Trong các nhân vật thuộc loại VIP, tôi nhớ có bác sĩ Hồ Văn Châm, nguyên Bộ trưởng Cựu Chiến binh và Chiêu hồi; Đại tá Trần Vĩnh Huyến, nguyên Tỉnh trưởng Long An; Đại tá Cao Văn Khanh, nguyên Tổng Giám đốc Quan thuế và Cựu Giám đốc Nha Cảnh sát Trung Nguyên Trung Phần; cựu Trung tá Trần Ngọc Thức, người dính líu vụ tai tiếng vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axít năm 1963; cựu Thiếu tá Đặng Sỹ liên quan biến cố Phật giáo tại Huế năm 1963… Tôi không hiểu vì sao những vị VIP này bị kẹt lại để phải vào tù trong khi họ thừa khả năng di tản ra nước ngoài…

Khoảng giữa năm 1978, trước những cuộc tấn công gây rối của Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam lãnh thổ Việt Nam, các tù nhân chính trị ở các trại cải tạo gần biên giới Việt-Miên như Kà Tum, Đồng Ban, Trảng Lớn… đã bị chuyển về Chí Hòa. Thời gian này, tôi mới bị kỷ luật nhốt xà lim ba tuần vì bị “ăng ten” báo cáo hát nhạc vàng và phát ngôn bừa bãi bôi bác việc đại sứ Việt cộng Đinh Bá Thi ở Liên Hiệp Quốc bị Mỹ trục xuất vì tội làm gián điệp. Tôi đã nói với mấy người bạn tù nằm kề cận rằng, “Ông này bị Mỹ trục xuất chẳng có oan đâu, không có lửa sao có khói”.

Không ngờ lời nói này đã bị một tên chiêu hồi làm “ăng ten” nghe được đã báo cáo khiến cho tôi không chỉ bị kỷ luật giam phòng tối mà còn bị cúp thăm nuôi gần một năm trời. Cũng may sau đó nhờ các bạn tù mới chuyển về Chí Hòa, một số quen biết tôi đã thương tình san sẻ những món quà gia đình, kể cả thuốc men của họ, nếu không tôi đã bị suy nhược, không biết số phận ra sao. Có lúc tôi đã không đứng nổi vì suy dinh dưỡng. Nhờ một bạn tù là bác sĩ Vân từng phục vụ tại Bệnh viện Cảnh sát Sài Gòn khám và kết luận tôi chỉ bị thiếu vitamin B1. Khi biết tin này, các bạn đã bảo nhau gom góp cho tôi cả một vốc vitamin B1 cả trăm viên. Ân tình này tôi không thể nào quên.

*****

Ngày tôi được trả tự do cũng là ngày sắp đến Tết Âm lịch Nhâm Tuất 1982. Sáng hôm đó, tôi được lệnh tha cùng với khoảng mười người khác. Mọi người thất thểu bước ra khỏi khám, đi trên đường Hòa Hưng dẫn ra đường Lê Văn Duyệt. Nét mặt người nào cũng ngơ ngác, còn quần áo thì bèo nhèo trông chẳng giống ai. Tôi và Đức cùng bạn Thông vốn ở cùng phòng đã rủ nhau ngồi lại một quán cà phê ven đường Hòa Hưng để tâm sự trước khi chia tay. Cả ba chúng tôi kêu mỗi người một ly cà phê đen nhâm nhi cho bõ những ngày thiếu thốn. Ôi những ly cà phê ấy sao mà quá ngon. Sau gần bảy năm, đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức hương vị một ly cà phê dù chỉ là cà phê vỉa hè, chẳng bù cho những ngày trong tù phải lấy cơm cháy đen thui ngâm vào nước sôi giả làm cà phê cho đỡ thèm.

Bà chủ quán, một phụ nữ khoảng ngoài 50 tuổi, nghe chúng tôi trò chuyện bèn hỏi:

– Mấy chú là tù cải tạo mới ở Chí Hòa ra phải không?

Chúng tôi hỏi lại:

– Sao chị biết?

Bà nói:

– Nhìn biết liền. Trông mấy chú không giống những người tù hình sự.

Chúng tôi cười không nói gì. Lát sau, chúng tôi kêu tính tiền thì bà chủ nói xin tặng, như một lời chúc mừng chúng tôi được tự do. Chúng tôi cám ơn bà… Ra đến đầu đường Lê Văn Duyệt, chúng tôi bịn rịn chia tay. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi còn gặp Đức (Nguyễn Hữu Đức, sĩ quan khóa 3 Học viện Cảnh sát Quốc gia) vì chỉ khoảng hai tháng sau, tôi nghe tin Đức bị mất tích trên Biển Đông, trên đường vượt biên!

Bắt đầu từ đầu thập niên 1990, nhiều gia đình sĩ quan VNCH bắt đầu được bảo lãnh qua Mỹ; trong ảnh là một trong những chuyến ra đi theo chương trình ODP (ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket via Getty Images)

Tôi đứng một lát rồi vẫy một chiếc xe xích lô để về nhà chị tôi gần chợ Tân Định. Căn nhà tôi ở chung cư Minh Mạng chưa thể về, vì vợ tôi chưa hợp thức hóa được hộ khẩu cho tôi. Khi ngồi trên xích lô, tôi mới để ý đến phố xá. Tôi ngạc nhiên vì chỉ còn hai ngày nữa đến Tết mà đường phố thưa thớt, nhà cửa thì cũ kỹ như đã lâu không sơn phết lại. Trên đường phố chỉ thấy xe đạp và xích lô. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe hơi, thường là xe tải. Tôi đang suy nghĩ thì bỗng nghe tiếng anh xích lô hỏi:

– Xin lỗi, có phải ông là Toàn không?

Tôi ngạc nhiên quay lại hỏi:

– Ủa, sao anh biết tên tôi?

– Trời! Ông thầy không nhận ra em sao? Em là Nam, tài xế ở Khối nhân viên nè.

Lúc đó tôi mới nhận ra anh xích lô chính là Nam, người tài xế ở Khối nhân viên trong sở cũ của tôi. Nam hỏi tôi vì sao bị giam ở Chí Hòa mà không bị nhốt trong các trại cải tạo như mọi người khác. Sau khi kể cho Nam nghe chuyện, Nam cho tôi biết gia đình Nam đã bị buộc phải đi vùng kinh tế mới nhưng Nam trốn về lại thành phố, tạm tá túc ở nhà người quen cả năm nay. Sau khi Nam thả tôi xuống trước nhà chị tôi ở gần chợ Tân Định, tôi chưa kịp trả tiền thì Nam đã nói: “Thôi ông thầy khỏi trả tiền xe cho em, coi như em đi đón mừng ông thầy về nhà”. Tôi cảm động cám ơn người nhân viên cũ. Trước khi chia tay, Nam còn hẹn tôi sẽ trở lại mời tôi đi uống cà phê khi có dịp.

Khỏi nói, mọi người trong gia đình ai cũng mừng vui khi thấy tôi trở về. Nhưng thằng con trai tôi mới gần tám tuổi cứ ngơ ngác nhìn như một người xa lạ vì ngày tôi bị bắt nó mới tám tháng tuổi, chưa có một ký ức gì về người cha của nó. Mẹ nó phải nhắc, “Ra mừng bố đi con”, nó mới chạy lại cho tôi ôm nó khi nước mắt tôi như muốn ứa ra…

Sau mấy ngày ăn Tết, trở lại với đời thường sau năm tháng tù tội là những lo âu mới. Tôi phải ra trình diện với những Ủy ban kiểm tra người học tập cải tạo trở về ở phường, ở quận và thành phố. Ở các ủy ban quận và thành phố, tôi chỉ phải đến trình diện để họ đóng dấu chứng nhận, nhưng riêng ở cấp phường, chúng bắt tôi phải lập một cuốn sổ ghi chép báo cáo những việc hàng ngày rồi trình lên cho chúng duyệt xét mỗi tuần. Tuy chấp hành lệnh nhưng tôi chỉ ghi chép những việc vô thưởng vô phạt, như đưa đón con đi học, dạy kèm con học ở nhà, đưa đón vợ đi chợ, dọn dẹp nhà cửa v.v… Cuối cùng, sau ba tháng, chúng miễn cho tôi phải làm cái công việc nhàm chán này.

Những ngày tháng tiếp theo là mưu sinh. Thật không dễ chút nào. Ngoài việc phụ vợ buôn bán quần áo cũ ở chợ trời An Đông, tôi phải xin làm thiện nguyện viên nửa ngày cho Hội Chữ thập đỏ (tức Hội Hồng Thập Tự) Quận Phú Nhuận để không bị buộc phải đi kinh tế mới. Vì là việc thiện nguyện không lương, tôi chỉ được cung cấp một ít nhu yếu phẩm hàng tháng thay lương. Thời gian còn lại, tôi mở lớp dạy kèm Anh văn và Toán tại gia. Chỉ vậy nhưng tôi cũng bị công an khu vực đến làm khó dễ, hỏi tôi có giấy phép của Phòng Giáo dục hay không. Cuối cùng, tôi đành phải dẹp tiệm cho khỏi lôi thôi phiền phức.

*****

Những ngày tháng long đong lận dận cũng qua, như sau cơn mưa trời lại sáng. Nhờ chương trình H.O., cả gia đình tôi đã được đến định cư ở Mỹ Tháng Tư 1991, trong danh sách HO5. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với một kết cuộc đắng cay khó quên. Thật đáng buồn và chẳng có gì để tự hào khi chúng tôi phải sống lưu vong ở một đất nước từng là đồng minh đã bỏ rơi mình. Dù sao chúng tôi cũng cảm ơn nước Mỹ. Hơn ba mươi năm qua, họ đã cưu mang chúng tôi thoát khỏi những sự trả thù, kỳ thị, đối xử bất công của cộng sản. Các con tôi nay trưởng thành, được học hành đến nơi đến chốn, đều có gia đình riêng trong hạnh phúc và một tương lai sáng sủa phía trước. Cá nhân tôi sau nhiều năm “đi cày” trên xứ Cờ Hoa nay về hưu an hưởng tuổi già với những phúc lợi mà nếu còn ở Việt Nam tôi chẳng thể nào có được. Một lần nữa xin cám ơn nước Mỹ. Thank you America!

_________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: