Pleiku một thuở…

Minh họa: Antevasin Nguyen/Unsplash
Share:

Sân bay Cù Hanh đậm màu đất cao nguyên đập vào mắt khi tôi từ trong chiếc máy bay cánh quạt bước ra. Xa xa còn có núi núi đồi đồi, lớp gần, lớp xa, với dầy đặc mây xám xuống thật thấp, cứ trôi qua như ngang tầm mắt. Cả nhà theo ba lên xe nhà binh, về khu ba ở. Vòng vèo quanh co, lên dốc xuống dốc trên những con đường phủ bóng từng hàng thông già dẫn về thị xã. Ra khỏi xe là một khung cảnh lạ hoắc huơ với cậu bé miền biển…

Nhìn quanh tứ phía. Quá lạ! Chiều Pleiku gió thổi từng cơn cuốn bụi đỏ mù, gió cuộn tròn hình phễu chạy dài theo con đường đất trải đá dăm rồi biến mất phía xa. Chiều Pleiku se sắt, mờ hơi sương, quạnh quẽ và buồn. Trời đất cao nguyên khác Đà Nẵng quê tôi quá. Đất Pleiku cao, kéo trời xuống thấp, đất trời giao nhau liền lạc, không như miền biển, trời trong xanh rất cao với mây trắng từng cụm lớn trải đến tận chân trời. Ở đây, màu xanh cây cối giăng hàng lớp dài làm ngắn hẳn tầm nhìn.

Vậy là tôi đã ở đây, chẳng bạn bè thân quen nào cả, không có biển, có sông, không có những cánh đồng thơm mùi rơm rạ, không những con đường bằng phẳng đầy xe qua lại, không hàng phố xôn xao. Đang ở miền biển, thoắt cái đã trên vùng núi cao! Đất lạ đón tôi bằng gió chiều lành lạnh rất lạ, trong màu chiều của cao nguyên cũng lạ!

Nhà tôi ở trong khu gia binh với những dãy nhà bằng gỗ liền nhau, chạy dọc hai bên con đường đất đỏ trải đá dăm đằm kỹ lưỡng. Trước mỗi ngôi nhà là khoảng sân nhỏ với hàng rào thấp bằng cây lá nhỏ ken dày, được cắt tỉa gọn hoặc bằng dây kẽm gai với cọc thép xanh và nhà ai cũng có một giàn cây, hoa lá hay lấy trái, nhiều nhất là cây dưa leo với lá to, xanh mướt quanh năm, hoa to màu trắng phớt tím, cho trái dưa to, ăn mát. Phía sau mỗi dãy nhà là đất trống rộng, chỗ trồng bắp, trồng đậu, nơi trồng chuối cùng nhiều loại cây khác nữa. Những trảng cỏ rộng với nhiều bò được nuôi thả. Có cả những đàn dê, không biết từ đâu, thỉnh thoảng cũng tràn ra đó.

Sống ở đây, đa phần là những gia đình của những Người Lính như ba tôi, sáng chiều các chú các bác đi về trên những chiếc xe nhà binh đều một màu xanh lá già. Con đường trước nhà, mỗi ngày có nhiều người dân tộc qua lại. Lúc đó, tôi nghe ba kêu là người Thượng. Họ ăn mặc khác, sắc vóc cũng khác. Họ thường gùi những cây trái họ trồng được ra bán ở cái chợ đầu con đường, nhiều nhất là bắp, đậu, khoai lang, chuối và mít. Mỗi sáng sớm họ đã cười nói râm ran bằng tiếng của họ trên đường còn mù sương, nhìn chưa rõ mặt người. Cứ chân trần vậy họ đi.

Minh họa: Larm Rmah/Unsplash

Pleiku những năm đó, nhìn đâu cũng thấy những Người Lính. Và nhìn đâu cũng thấy rừng, thấy cây cối rậm rì. Trong thị xã có nhiều cây thông già cao to và cây phượng tỏa bóng rộng. Ba nói, Pleiku vẫn còn nặng lam sơn chướng khí lắm. Chỉ trong thời gian ngắn mà nhiều người nhà tôi đã ngã bệnh, chỉ còn tôi, đứa gầy ốm nhất, là vẫn khỏe. Ba thì không nói rồi, ba là Lính, phong sương đã đẫm đầy!

Em gái tôi, mới chỉ bốn tuổi, đã ra đi từ đợt ngã nước đó. Em không chịu nổi khắc nghiệt của khí hậu vùng cao, không qua được trước gió núi mưa rừng ở đây, dù bệnh viện quân đội của quân đoàn đã làm đủ mọi cách. Ngày đưa em ra nghĩa trang quân đội, ngoài nhà tôi thì chỉ có những đồng đội trong đơn vị của ba. Nghĩa trang trên vùng đất cao, bên vực sâu mà ba nói là dân làm lúa nước ở dưới đó và xa kia, sau rặng cây rậm dày là buôn làng của người Bahnar. Em gái bé nhỏ của tôi yên nghỉ bên những Người Lính về đây từ khắp các chiến trường khốc liệt trên cao nguyên, dưới bầu trời thấp, thường có những đàn chim két bay ngang, kêu xé nát chiều hôm.

Sau khi em tôi mất, mẹ và các em tôi quay về Đà Nẵng. Chỉ tôi ở lại với ba. Tôi đi học ở trường trong thị xã. Sáng đi chiều về, có lúc không về nhà mà vào thẳng trong đơn vị của ba, nhất là vào những ngày nghỉ học, ăn ngủ ở đó luôn. Quanh tôi chỉ là những Người Lính như ba. Cả ngày tôi lang thang trong căn cứ rộng mênh mông, nhảy xuống đường hào chạy quanh men theo hàng rào, chui vào các lô-cốt với mấy chú, mấy bác đang gác ở đó, vào khu để súng mà ba đang làm việc, sờ súng trên giá, sờ đạn trên kệ. Nhiều súng, nhiều đạn lắm, to nhỏ khác nhau.

Rồi len lỏi giữa đủ các xe loại to nhỏ đang đậu thành hàng ở  nhiều chỗ trong sân. Có xe còn gắn sẵn súng dài, súng lớn. Không vào căn cứ với ba thì tôi về nhà. Có ba, thì tôi ăn cơm và ngủ ở nhà. Bữa nào ba bận việc không về thì tôi qua nhà chú Thiệu cùng đơn vị với ba để ăn uống và sợ nhà vắng, thấy trơ trọi thì tôi ngủ lại bên nhà chú luôn. Ban ngày một mình thì tôi học, rồi tự kiếm trò chơi cho mình. Tôi lấy nước đổ vào các hang dế. Dế cao nguyên đất đỏ to bự chảng, bóng lưỡng ánh nâu, nhìn rất đẹp. Nước ngập hang là dế trồi đầu lên, bị tôi tóm gọn. Dế mái thả ra cho đi, dế trống tướng ngon thì giữ lại cho vào hộp, được vài ba con thì cho chúng đá với nhau. Rồi thả chúng ra, nhảy đi đâu thì tùy. Trong những lần chăm chú tìm hang dế, tôi phát hiện ra là ở dưới đất sâu nơi đây có loài kiến đen thật là to mà tôi chưa từng thấy bao giờ khi còn ở Đà Nẵng. Kiến đen to nối đuôi nhau di chuyển theo hàng trật tự lắm.

Có lúc tôi ra khoảng đất trống có các bạn đồng trang lứa đang đá banh, vào đá với các bạn. Trước lạ, sau quen, vào ngày nghỉ là những trận đá banh chân trần trên sân đất đỏ, bụi bay mù mịt, sau mỗi trận banh là người ngợm đỏ từ đầu tới chân. Về nhà thì cứ đứng ngoài sân, múc nước từ trong những thùng phuy mà tắm, giữa trời vậy. Ở đây, nhà nào cũng chứa nước bằng những thùng phuy của quân đội, trước và sau nhà đều có, nước được bơm từ xe chứa nước cũng của quân đội. Khu gia binh của quân đội nên cái gì ở đây cũng mang màu lính. Điện dùng cũng từ những cái máy phát điện to ở cuối khu nhà, xa về một phía. Cái đèn pin có cái cổ cong màu xanh với những viên pin to cũng màu xanh lá. Màu xanh lá khắp mọi nơi, mọi chốn ở đây. Hộp thịt, hộp bánh, hộp nước trái cây các loại cũng màu xanh lính.

Tôi lớn dần lên giữa màu xanh của Lính, trên đất đỏ cao nguyên, với mùa khô ầm ào gió bụi, mùa mưa với từng cơn xối xả, tối trời đất, sấm sét như ngay trên đầu, xẹt qua trước mắt, đất nhão nhoẹt giữ rịt chân người, bước tới mà cứ bị kéo lại và trơn trượt, dễ bị ngã chỏng chơ. Rồi tôi cũng quen với mọi điều, tự học, tự hành, tự lo nhiều thứ trong sinh hoạt hàng ngày, đúng cách con nhà Lính trong thời chiến ở vùng cao, khi những người cha là Lính đang ngày đêm đối diện bao hiểm nguy của vùng đất mà có người gọi là “trên vòm trời lửa đạn”.

Minh họa: Manh Phung/Unsplash

Có lần tôi hỏi ba khi hai ba con ngồi bên Biển Hồ, “sao ba để con sống ở đây, buồn hiu ba à!“. Một lúc lâu ba mới nói, “Ba nghĩ, ở đây với ba, trên vùng đất này con sẽ ăn học phù hợp với hướng sau này con sẽ theo học trường của quân đội mà ba thấy con sẽ theo được. Trong nhà, chỉ có con là có thể theo được thôi!“. Suốt quãng đường trở về nhà, dù vẫn chưa rõ ý ba, nhưng tôi biết ba bận nhiều việc quân đội nên tôi không hỏi gì thêm ba nữa. Cuộc sống với việc học hành của tôi ở thị xã nhỏ bé được năm năm thì biến cố ập đến. Ba gửi tôi về Đà Nẵng, khi bên Buôn Ma Thuột rền vang tiếng súng. Núi rừng chao đảo, ngã nghiêng.

Khi tôi rời Pleiku, đâu có thơ có mộng “Pleiku ơi, mai em về xuôi/ Giữa tháng ba con tim thơm mật” như ai đó đã để lại. Tôi xa Pleiku trong cuộc chia lìa không định trước, vào đầu tháng ba bão lửa can qua. Trí óc non nớt trẻ thơ, tôi rời đi mà chưa hiểu gì nhiều, nghĩ chắc cũng chạy loạn như hồi Mậu Thân, rồi sẽ quay trở lại, với ngôi nhà, mái trường, với những con đường thẫm đỏ, đi lên, đi xuống, loanh quanh rồi cũng trở về chỗ cũ của cái thị xã của Lính. Tôi đâu biết sau đó, ba tôi cùng nhiều, rất nhiều các chú, các bác mặc đồ lính như ba đã phải thả tay, trong muôn vàn đớn đau, uất nghẹn. Pleiku đã phủ màu xanh khác.

Con đường ba hướng tôi đi cũng đứt đoạn và xoay chuyển hẳn theo thời thế. Hoàn toàn thay đổi! Để rồi bao năm sau đó cho đến lúc ba ra đi, tôi vẫn luôn thấy và cảm nhận được ánh mắt nhìn xa xăm trong im lặng của ba. Trong xa xăm đó, Pleiku ngút ngàn xanh chắc chắn vẫn thắm hồn ba. Trong những câu chuyện giữa hai ba con, Pleiku hoang sơ, trong trẻo vẫn vẹn nguyên một thuở.

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: