Quê hương nỗi nhớ chạnh lòng

Minh họa: Colton K/Unsplash

Tây Ninh có núi Điện Bà,

Có vùng Thánh Địa quê nhà dõi trông.

Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tây Ninh “nắng cháy da người” – như một nhạc sĩ đã viết như thế. Tôi không nghĩ quê tôi “độc” như vậy nhưng trong sâu thẫm tâm hồn, quê tôi đẹp nhất trong trái tim mộc mạc này. Nhà tôi ở ngã ba Mít Một, địa danh mà mỗi lần nhắc đến ai ai cũng liên tưởng vị ngọt ngào thanh thanh nơi đầu lưỡi hoặc gắt nơi cổ họng, và không thể không hếch mũi lên để hít lấy mùi thơm phưng phức phảng phất. Rẽ phải tại ngã ba đi vào sẽ gặp ngã tư ao hồ, tại đây muốn xuống chợ Long Hoa lại rẽ phải qua dốc ao hồ đến chợ Long Hoa. Đi thẳng sẽ đến chợ cửa số bảy lại chia hai ngã – một là vô cửa số bốn; hai là cửa Hòa Viện. Các địa danh gắn bó với tôi là chợ Mít Một; chợ cửa Số Bảy; chợ Long Hoa; chợ Thương Binh; chợ Đất Thánh, chợ Tây Ninh.

Xa quê chạnh nhớ chuỗi ngày,

Bần hàn, lam lũ, u hoài nỗi đau.

Nước nhà trong buổi lao xao,

Kẻ vui người khóc biết bao tủi hờn.

Làm sao khỏi nhớ những tháng ngày đang trắng thành đen, sáng thành tối, tốt thành xấu, vui thành buồn, đang đoàn tụ bỗng phân ly. Làm sao khỏi nhớ những ký ức ngày thơ và những kỷ niệm không thể nào quên cho dù bao vật đổi sao dời.

Nhớ những vị ngọt của trái bắp luộc, chiều chiều chị em tôi thường đạp xe đến mua ở khu chợ bắp của chợ Thương Binh. Những nồi bắp luộc to đùng trên bếp lửa không thể ngăn sự dừng lại của khách qua đường. Từ đó đạp xe về đến nhà vẫn còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn, cả nhà quây quần bên rổ bắp. Tiếng húp nước của trái bắp nghe rồn rột cùng tiếng cười nói của cả nhà thật ấm áp làm sao. Bây giờ những đêm Đông nước Mỹ thèm trái bắp nóng quê nhà đến quay quắt.

Nhớ các loại bánh chế biến từ củ khoai mì ở sạp bác năm chợ cửa Số Bảy. Bánh tằm mì với những sợi màu xanh lá dứa, màu đỏ nước cà rốt, màu tím của lá cẩm, màu  trắng đùng đục của nước cốt dừa vừa béo vừa dẻo, mềm khi nhấm nháp. Bánh củ mì mài hấp nhân chuối chan thêm muỗng nước cốt dừa béo ngậy thơm lừng mùi hành. Nồi chè khoai mì mài nhuyễn vo thành từng viên bằng đầu ngón tay cái nấu với đường thốt nốt luôn nóng trên bếp than hồng, khi múc vô chén rắc thêm tí muối mè và chan muỗng nước cốt. Bánh khoai mì nướng thơm lừng miếng bánh mịn và ngọt đậm đà; khoai mì hấp nước cốt dừa, bác chọn loại vừa bột vừa dẻo nên luôn luôn ngon. Ngoài ra còn một thau khoai mì luột dầm nhỏ trộn hành phi mằn mặn béo béo loáng qua là bán hết sạch vì món này vừa rẻ vừa ngon.

Minh họa: Alfred Kenneally//Unsplash

Nhớ quán chè bà Tư cô đơn ở cửa số bốn với những chén chè đậu đen nho nhỏ gợi thèm ăn xong một chén phải gọi thêm chén thứ hai. Hạt đậu đen bà nấu bùi và mềm không bao giờ bị sượng mùi nước dừa và mùi lá dứa không thể thiếu trong chén chè. Nhớ xe nước mía ở chợ Đất Thánh ngọt lịm, mát lạnh giữa trưa nắng hừng hực, thơm mùi trái tắc, nuốt từ cổ chạy xuống ruột, chạy đến đâu mát đến đó. Uống xong một ly tiếc nuối vì không có tiền cho ly thứ hai.

Nhớ những miếng kẹo đậu phộng dòn tan mới ra lò, từ xa đã ngửi được mùi đường mía xông theo gió và mùi đậu thơm nứt mũi. Lò kẹo ở trên đường từ nhà đến trường nên tôi và các bạn thường xuyên tấp vào xem thợ đổ kẹo và chắc chắn chúng tôi luôn được thưởng thức những miếng kẹo bể, vụn từ những mâm kẹo loại ra. Ăn thỏa thích mà không phải trả tiền vì các chủ lò thường hiền lành nhân hậu, họ thấy không đáng để lấy tiền những đứa học sinh ngoan ngoãn dễ thương như chúng tôi.

Nhớ quán cốc ổi ngâm đường và me ngào đường được gói trong miếng lá chuối rắc lên tí mè vừa chua, vừa ngọt vừa thơm, nhắc lại mà cần cổ tôi giật cấp tám phải nuốt ực một cái… kẻo nước miếng trào ra ngoài mép thì thật xấu hổ. Bao nỗi nhớ trỗi dậy trong tâm trí tôi cùng lúc, ngọt ngào, dìu dịu lắng đọng giữa đêm Đông lạnh lẽo miền Bắc nước Mỹ, giữa hai dòng nước mắt nóng hổi chợt lăn dài không ngăn được.

Bây giờ đến nỗi nhớ nghề, nhớ nghiệp.

Sau 30 Tháng Tư 1975, tôi vào học khóa sư phạm cấp tốc ba tháng để đi làm “giáo viên nhân dân” dạy ở vùng kinh tế mới. Tên gọi của nhóm giáo viên thật kêu: “Đoàn giáo viên xung phong”, với mười cô, sáu thầy, tuổi từ mười tám đến hai mươi. Có một chị là giáo viên tốt nghiệp sư phạm đã dạy được hai năm lớn nhất nên được cử làm trưởng đoàn. Không muốn cũng phải xung phong lên vùng kinh tế mới cất trường mở lớp vì tương lai bầy trẻ.

Minh họa: Alfred Kenneally/Unsplash

Mái tranh, vách đất, ghế bàn bằng cây rừng ghép lại. Các thầy lo trường lớp, các cô đi tìm kiếm học sinh. Rồi cũng khai giảng, rồi cũng có tiếng gõ bảng và tiếng ê a đánh vần. Nhớ lại mà thương cho các em ngồi học trên băng ghế ghép từ những thân cây rừng bằng cườm tay, đau đít cứ nhóng lên nhóng xuống. Thực phẩm chính giai đoạn này là cơm độn khoai mì. Nhà nào đông con thì không có đủ cơm mà khoai mì là chính. Mỗi tuần đều nghe có người bị ngộ độc khoai mì chết. Mẹ của học sinh tôi trúng độc khoai mì chết khi sinh em bé chưa đầy tháng. Thương cảm cho đồng bào tôi và cả chính mình trong giai đoạn tranh tối tranh sáng ấy.

Tôi may mắn sau một năm được chuyển về dạy ở trường cấp hai của Nông trường mía Dương Minh Châu. Đó là một ngôi trường vô cùng “hỗn tạp” mà tôi là một trong những giáo viên dạy ở đó cho đến ngày “bỏ nghề.” Tại sao tôi nói trường này hỗn tạp?

Hỗn tạp từ đội ngũ giáo viên cho đến học sinh. Giáo viên có nhiều thành phần: bộ đội chuyển ngành; nữ dân công; thân nhân cán bộ nông trường trình độ không có mà được làm hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng ban ngành. Một thành phần nữa là dân học sinh miền Nam vừa được huấn luyện cấp tốc cùng đội ngũ giáo viên được đào tạo từ trường Sư phạm của chế độ Việt nam Cộng Hòa. Hỗn tạp.

Học sinh đa phần là con em cán bộ, kế đến là con thường dân Nam bộ từ Sài Gòn bị đưa đi kinh tế mới. Nhưng các em học cấp hai mới xin vào đây được vì khi ấy các trường kinh tế do đoàn giáo viên xung phong xây dựng chỉ có cấp một. Học sinh con em cán bộ từ Bắc vào không học đúng lứa tuổi. Học sinh lớp tám cao hơn cô giáo, lớn tuổi hơn cô giáo. Cô giáo mười chín tuổi; học sinh có đứa đã hai mươi và ngoài hai mươi. Vì lý do chiến tranh, học sinh miền Bắc không được học như ở miền Nam. Có khi ba bốn năm mới học xong một lớp.  Hỗn tạp.

Tôi là giáo viên cấp một, học ba tháng sư phạm cấp tốc, nhưng được dạy kê lên cấp hai vì lý do môn sinh ngữ không có giáo viên. Tôi được học sáu năm tiếng Pháp ở trường Nữ trung học mà lại thuộc loại giỏi, nói tiếng Pháp như “gió lùa” qua cửa sổ, do đó Hiệu trưởng đề nghị Phòng giáo dục cho tôi dạy tiếng Pháp, từ lớp sáu đến lớp chín…

Còn cái hỗn tạp về vùng miền mới quan trọng đây. Đi cắm trại, học sinh miền Bắc con em cán bộ um sùm chí chóe: “Này này cho tớ vay tạm cái bát…, này này cho tớ dùng tạm cái thìa, cái cốc…”. Mấy em miền Nam cứ xoe mắt không hiểu bạn nói gì. Hỗn tạp. Một hôm tôi đang ngồi chấm bài trong lớp, vào giờ chơi, Nghĩa chạy vào hổn hển: “Thưa cô, bạn Ngọc mắng em là ‘Bắc kỳ ăn cá rô cây, ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc kỳ’…

Minh họa: Joydeep Sensarma/Unsplash

Nhớ những đêm trăng sáng vằng vặc, chúng tôi mang bài vở ra sân ngồi chấm bài. Trăng treo lơ lửng giữa trời, chúng tôi không khỏi chạnh lòng thương cho quê hương nghèo khó.  Mọi người nhìn nhau đồng cảm “Chúng mình nợ ánh trăng vàng, bao giờ mới trả được đây?” Nay sống giữa lòng đất Mỹ, nhiều đêm trăng, tôi ngước lên bầu trời để tìm kiếm ánh trăng cơ cực nơi quê nhà nhưng nào đâu thấy. Những ngày đầu đến Mỹ, tôi nhớ nhà quay quắt nhưng rồi cũng bị chữ “bận” làm cho quên mọi thứ, mọi việc, mọi người. Bận học, bận làm, bận tiệc tùng, bận tham quan đây đó, bận trang trí nhà cửa theo mùa, bận trồng hoa tỉa cỏ…

Thật vậy, bảy giờ sáng đã lăn vào bếp nấu ăn cho cả nhà rồi chín giờ đi giũa nails. Tám giờ tối về đến nhà, loay hoay những việc không tên đến mười giờ đêm thì dán mắt vào màng hình laptop check mail, đọc sách báo, đọc Kinh Thánh, sau đó viết vài trang nhật ký hay một vài ý tưởng ngắn. Mười hai giờ khuya vào lớp online học chương trình cử nhân thần học cho đến hai giờ sáng hôm sau mới đi ngủ. Đôi lúc chống cằm suy nghĩ không biết có ai bận giống mình không? Ròng rã bảy năm rồi cũng đến ngày ngồi trên máy bay về trường ở Orange County dự lễ tốt nghiêp cùng chồng và con trai. Lòng dạ bồi hồi và câu tục ngữ mà chồng tôi hay dùng để khích lệ cứ nhảy múa trong trí “Có công mài sắc, có ngày nên kim”.

Tác giả (trái) trong lễ tốt nghiệp B.A tại Union University Of California năm 2008

Nhìn vào khoảng không gian mênh mông trên bầu trời thấy xanh hơn mọi khi, rực rỡ hơn mọi khi, đẹp lạ lùng. Nhiều lần đã muốn bỏ cuộc vì mệt mỏi, vì áp lực công việc, vì áp lực kinh tế, vì áp lực bài vở và vì chữ “sợ” cứ khi ẩn khi hiện ngăn đường cản lối. Mặc chiếc áo tốt nghiệp, tay tôi run run không đội được cái mũ lên đầu, nhìn vào gương ánh mắt  đã rưng rưng, ửng đỏ từ bao giờ; sóng mũi không dưng lại cay sè khiến phải hít hít. Đừng khóc, đừng khóc, vui mà, lòng dặn lòng nhưng không kìm được, hai dòng lệ sung sướng tuôn trào. Mình tốt nghiệp cử nhân hôm nay ư? Nếu còn ở Việt Nam mình có được ngày hôm nay không?  Năm cuối cấp chưa kịp thi tú tài thì đất nước đổi ngôi, nghèo khổ khốn cùng tôi đã bỏ học đi làm. Mãi đến năm 1985 có dịp học bổ túc văn hóa lấy được mảnh bằng tốt nghiệp cấp ba vô học đại học mở, khoa kinh tế nghành hướng dẫn viên du lịch…

Tôi biết ơn nước Mỹ vì đã tạo cơ hội cho tôi có được mảnh bằng cử nhân. Tôi biết ơn Thượng đế đã ban mọi sự tốt lành cho tôi. Biết ơn ông xã và các thầy cô, bạn bè đã giúp đỡ trong học tập, khích lệ khi nản lòng. Biết ơn bản thân đã cố gắng vươn lên không bỏ cuộc. Lại chạnh nhớ và thương cho những mảnh đời không được cơ hội như mình, bị chôn vùi tương lai nơi chính quê hương yêu dấu; nơi mà dẫu đến hơi thở cuối cùng vẫn thoát ra từ bờ môi nhợt nhạt hai chữ “Quê hương”.

Nam California

Quận Cam, Tháng Mười 2021

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: