Ra đi mãi hay quay trở về…?

Claudette Bleijenberg/Unsplash

Người dân miền Nam nói chung, từ vĩ tuyến 17 trở vào, khó sống dưới thể chế Cộng sản độc tài đảng trị và luôn bị nghi ngờ, bị kỳ thị, phân biệt vùng miền vì họ là công dân của phe thất trận. Sự kỳ thị bất công này đã có ngay từ sau 1975, kéo dài suốt mấy chục năm qua và đến nay vẫn còn tiếp tục ở mọi lãnh vực lý lịch, học hành thi cử, cơ hội vào đời, làm ăn kinh tế… đẩy người dân miền Nam Việt Nam vào một tâm thế ức chế, luôn muốn tìm đường ra đi tị nạn.

Tị nạn Cộng sản nói chung và tị nạn giáo dục, tị nạn kinh tế, tị nạn nhân quyền, dân sinh, dân chủ… Thế nhưng không phải ai ai cũng có được sự dứt khoát, chọn lựa ra đi dễ dàng. Cũng có người đành lòng chấp nhận ở lại Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó cũng có những lý do mà xét cho cùng, ngẫm suy cho kỹ thì cũng khó mà lên án họ.

Tuổi trẻ ở đâu, thời nào cũng thường thích bay nhảy, học hành, đi lập nghiệp ở các đô thị lớn, các đất nước văn minh. Riêng người già, hình như họ ngại thay đổi nên có một số người chấp nhận ở lại Việt Nam, và cũng có người chấp nhận ở lại còn vì lý do tâm linh, báo hiếu… Một số thì chọn sẽ quay về lại Việt Nam khi về già để dưỡng già, để chăm sóc mồ mả ông bà cha mẹ hoặc chỉ để sống với những kỷ niệm từ những ngày thơ ấu…

Đi hay ở, rồi quay về hay không, cũng là chuyện đã và vẫn cứ đang xảy ra trong nhiều gia đình Việt Nam; đôi khi còn gây ra nhiều bất hòa ngang trái trong nhiều gia tộc. Đi hay ở, và nếu đã đi rồi thì có còn nghĩ đến, có còn chấp nhận chuyện quay về lại Việt Nam khi vẫn còn Cộng sản hay không cũng là một câu hỏi dai dẳng, vẫn còn gây nhức nhối cho nhiều người, mà với gia đình tôi cũng thế!

Huế từ sau thập niên 90 nổi lên nhiều khu nghĩa trang lộng lẫy do những người Việt ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Mỹ mang tiền về xây; đã gây ra nhiều dư luận trái chiều. Khen có và chê có, mà đa phần là chê sao người đã chết rồi mà mồ mả lại được xây cất quá công phu tốn kém… Nhưng có lẽ chỉ có chính người Huế, hay những người từng sống ở Huế, hiểu nhiều về Huế, chắc mới có thể hiểu hết và khen chê đúng mực trước hiện tượng này; hiểu cái ranh giới giữa đâu là hiếu đễ, là nỗi lòng của con cháu tha hương đối với ông bà cha mẹ anh em ở cõi âm; và đâu là mê tín dị đoan, là phô trương hoang phí…

Có điều ai cũng biết Huế là vùng đất sống nhiều cho tình cảm và tâm linh… và đa phần người Huế xem trọng trách nhiệm với gia đình, gia tộc; và giữa người chết với người sống như vẫn còn nhiều kết nối, như thể chưa hề ly biệt; và Huế cũng nổi tiếng với rất nhiều lăng tẩm, chùa chiền…

Cũng như nhiều người Huế khác, ba tôi cũng là một người rất coi trọng đời sống tâm linh. Ông rất chú trọng việc thờ cúng ông bà tổ tiên, đến mức tôi nghĩ hình như là ông dành thời gian, công sức chăm lo cho người chết và cúng giỗ, chăm sóc mồ mả… còn nhiều hơn là thời gian, công sức, tiền của ông bỏ ra để lo cho người sống; như chính tụi tôi, là con, cháu… của ông!

Kha Vo/Unsplash

Đó là một sự thật, là ông vì người chết nhiều hơn, vì thế giới tâm linh nhiều hơn… nên vào những ngày gần 30 Tháng Tư 1975, dù chính ông từng động viên cả nhà là đừng có lo; ông nói rằng chỉ cần một ba lô đồ cổ thoát ra được nước ngoài rồi thì tha hồ sống khỏe; thế nhưng, ông nói vậy mà rồi cuối cùng ông đã không làm như vậy, dù tôi biết là ông có dư điều kiện, có nhiều cơ hội để làm.

Cũng chính vì vậy mà sau 75, khi ông bị lùa đi cải tạo, lúc cả nhà phải sống bế tắc, quá cùng cực khổ đau thì lứa con cháu tụi tui đã từng… “hận” ông. Hận vì nghĩ là do ông chỉ biết lo cho “người cõi âm, vì trách nhiệm với những người đã chết, với thế giới linh thiêng mơ hồ nào đó“ mà đã không làm tròn trách nhiệm với những người đang sống, với con cháu; ông chọn không ra đi nên con cháu ông, những người sống chúng tôi mới bị kẹt lại, mới khổ đau bế tắc.

Lúc còn trẻ, ít nhất thì tôi cũng từng nhiều năm dài, vẫn cứ luôn bất mãn ông về chuyện này, nhất là khi còn ở trong nước, những lúc bị kỳ thị, đói khổ nhất. Còn bây giờ, khi đã ra sống ở nước ngoài rồi, khi cũng đã lớn tuổi rồi thì tôi lại có chút thay đổi, có đôi phần cảm thông và cả nể trọng… Vì hình như tôi lờ mờ nhận ra là ông cũng có lý, ông chọn sống cho tâm linh, ông yêu nước theo cách của ông; và có khi cũng nhờ có những người như ông mà Việt Nam mình vẫn còn giữ lại được nhiều cổ vật, nhiều di sản quý giá…

Quay lại cuốn phim gia đình, từ hồi còn rất nhỏ, tôi đã chứng kiến cảnh ông tháng nào cũng mấy lần vào các ngày rằm, mồng một và nhất là trong các lần giỗ chạp, ông đều chay tịnh, tắm rửa sạch sẽ, mặc quốc phục áo dài khăn đóng chỉnh tề, thắp hương khấn vái trước bàn thờ ông bà. Bằng một thái độ vô cùng kính cẩn và thiêng liêng, ông cầm mấy cây hương đã đốt, chắp hai tay trước ngực, cúi đầu, mắt lim dim khấn vái tường trình về các sự kiện lớn trong gia đình và dòng họ thân tộc trong thời gian vừa qua như ai còn ai mất, ai đi lính đang đóng ở đâu, ai thi đậu thi rớt… rồi cầu nguyện xin phù hộ cho con cháu sức khỏe, may mắn.

Thường ông hay bắt tôi là trưởng nam phải cùng đi thăm mộ, rồi về phụ ông làm vệ sinh bàn thờ ông bà, cắm bình hoa… và những lúc đó ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện về những người đã mất; giảng giải cho tôi về nguồn gốc gia đình, thân thế những người trong họ tộc; cả người sống và cả những người đã mất, lăng mộ họ ở đâu, chạp, cúng giỗ lúc nào… và dạy tôi phải nhớ thật kỹ, để sau này còn thay ông trong việc giữ gìn chăm sóc mồ mả ông bà, cúng kỵ tổ tiên…

Ngay khi tôi còn học tiểu học ông cũng vẫn hay chở tôi vào Đại Nội… là nơi ông làm việc, để dạy tôi cách thờ cúng và phụ ông lau chùi các điện thờ, ngai vàng cùng các loại đồ cổ trên các bàn thờ, mà một số những đồ thờ cúng đó cũng là những thứ mà khi còn trị vì các vị vua vẫn dùng.

Lớn lên, và bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy là chế độ VNCH rất hay khi tuyển dụng những người như ông, là con cháu trong Nguyễn Phước Tộc cho vừa làm công chức ăn lương của Cơ quan Bảo Tồn Di tích Lịch Sử Huế (thời VNCH thuộc Viện Khảo cổ, Bộ Giáo Dục) để quản lý chăm sóc Đại Nội và các lăng tẩm triều Nguyễn, gìn giữ cổ vật và các di tích lịch sử quốc gia ở Huế. Vì như vậy thì họ vừa có trách nhiệm của một viên chức ăn lương chính phủ, vừa có trách nhiệm tâm linh nên rất chu đáo. Họ có được niềm tin thiêng liêng và sự trung thành tuyệt đối với thế giới bên kia, với cả các cổ vật, di tích của quốc gia, cũng là của chính tổ tiên dòng họ.

Tôi dám khẳng định điều này vì tôi hiểu trong thời loạn lạc chiến tranh, nếu không tin vào đời sống tâm linh, nếu tham lam, nếu muốn trộm cắp cổ vật thì những viên chức được giao trách nhiệm quản lý cổ vật rất dễ hành động. Vì trừ Thành Nội Huế là an ninh, chỉ có thể đổ thừa cho thất thoát, mất mát cổ vật tài sản… trong Tết Mậu Thân 1968 ra thì còn lại, hầu hết các lăng lớn ở Huế như Gia Long, Minh Mạng, Khải Định, Tự Đức… đều ở trong tình trạng mất an ninh, đánh nhau liên tục; và trong điều kiện đó thì việc quản lý cổ vật, nhất là những đồ cổ mà các vua chúa khi sống vẫn dùng, thường vẫn được cất giấu ngay trong lăng và dùng thờ cúng trên bàn thờ các vị vua đó chỉ dựa vào chính sự trung thực, trung thành của các viên chức trực tiếp quản lý.

Ba tôi cũng là một viên chức như vậy. Ông còn có được nhiều khả năng hơn để gian dối vì vừa được Chính phủ VNCH phân công quản lý nhiều lăng và các khu vực Đại Nội, Lầu Ngọ Môn, Tử Cấm Thành… vừa được chính Đức bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) tin tưởng ủy nhiệm thay mặt bà để giám sát, kiểm tra và chăm lo việc tế tự thay cho bà ở các Lăng Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng…

Vừa là viên chức của Chính phủ VNCH được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý cổ vật, vừa có được sự ủy thác của Đức bà Từ Cung; vừa là con cháu Nguyễn Phước Tộc có sự trung thành và tín nhiệm của dòng tộc nên ba tôi là một trong vài người biết cổ vật triều Nguyễn còn lại những gì, được cất giấu ở đâu. Vậy mà 1975, trước khi mất nước ông đã chọn… không ra đi, không chạy ra nước ngoài cùng cổ vật, dẫu cho thú thật là trước đó, có lúc ông cũng đã từng dự tính!

Không chỉ vậy, không chỉ làm tròn vai trách nhiệm của một viên chức bảo tồn di tích lịch sử Huế và bảo quản tốt các cổ vật… mà trong chiến tranh, ông từng còn nhiều lần còn dám liều mạng, xông vào những nơi đang có bom đạn phi pháo hủy diệt; đang đánh lớn, chiến sự đang giằng co lan rộng chỉ để mong bảo tồn các di tích, và di chuyển, cứu các cổ vật quý.

Tôi đã có một lần đi cùng, trực tiếp chứng kiến cảnh ông liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm để kịp thời xông thẳng vào một căn cứ pháo binh dã chiến Mỹ khi họ kéo đến, đặt súng ngay sau đầu lăng Minh Mạng để bắn đi, yểm trợ cho các đơn vị lính Mỹ đang hành quân, đánh nhau với Việt cộng gần đó; vì mỗi lần họ bắn đi là cả khu vực lăng bị chấn động, cột kèo lung lay và mái ngói của lăng Minh Mạng bị rung, nứt…

Mà trong thời chiến tranh, việc xông vào khu vực chiến sự để đòi hỏi dời cả một đồn lính Mỹ đi nơi khác, đòi lính Mỹ ngưng bắn trọng pháo, ngưng yểm trợ cho lính Mỹ đang đi hành quân, đang dụng trận là điều tưởng như không thể; vậy mà ông dám làm và đã làm được; nhờ có được sự hỗ trợ từ Đức bà Từ Cung thông qua nhiều kênh, và qua nhiều chính khách, tướng tá VNCH khác cùng can thiệp với quân đội Mỹ, chính phủ Mỹ.

Ông là như vậy, dám nhiều lần liều mình vì trách nhiệm nên Đức bà Từ Cung đã hứa thưởng cho con trai đích tôn của ông tức là tôi, được một suất du học do bà bảo trợ, tiếc là 75 đến nhanh khi tôi mới còn đang học lớp 12, nên tôi chưa kịp nhận được suất học bổng du học đại học từ bà.

Riêng ba tôi, dù dưới chế độ nào, lúc nào cũng vì mồ mả ông bà, lúc nào cũng chú trọng đời sống tâm linh, nên sau 75, nhất là sau khi đi “học tập cải tạo” về, sau khi đã lớn tuổi, ông lại thường xuyên yêu cầu tôi là trưởng nam thay ông để lo việc tế tự, chăm lo mồ mả ông bà… Cũng do bị ảnh hưởng nhiều từ ông về đời sống tâm linh, về trách nhiệm với những người đã khuất, về cúng giỗ và chăm lo mồ mả tổ tiên dòng họ nên tôi cũng từng đã có nhiều lấn cấn về chuyện đi ở.

Bởi vậy thật lòng mà nói, khi có điều kiện và ngay cả khi đã ra nước ngoài rồi, nhất là trong những ngày đầu mới rời bỏ Việt Nam tôi vẫn cứ nghĩ là sẽ cố gắng thu xếp thật nhanh, rồi khi hai con đã nhập học, ăn ở ổn định rồi, tôi sẽ quay về lại Việt Nam.

Vì thực sự mà nói, lúc còn ở trong nước và ngay cả khi vừa mới ra đi, tôi cũng đâu có đã hình dung được cuộc sống ở Mỹ, Canada là như thế nào, khác biệt với cuộc sống dưới chế độ Cộng sản ra sao đâu… Tôi chỉ quyết tâm là phải đưa hai đứa con đi cho tụi nó được sống trong một xã hội tự do, văn minh, bình an, môi trường ít mầm bịnh ung thư; luật pháp và tình người được tôn trọng hơn; và nhất là giúp cho con mình thoát khỏi một nền giáo dục Cộng sản nhồi sọ phản động, ngày ngày bóp méo nhân cách, đày đọa, hủy diệt tuổi thơ… của chúng.

Còn chuyện về hay ở thì tính sau vì về kinh tế thì ở Việt Nam, tôi và vợ đều có công việc ổn định và thu nhập cũng khá. Vợ tôi chỉ là giáo viên cấp một nhưng lương rất cao vì cô ấy dạy giỏi, được tăng lương hết mức nhờ có hơn 20 năm là giáo viên dạy giỏi cấp Quận, cấp thành phố và đạt nhiều danh hiệu như Viên phấn Vàng, giáo viên dạy giỏi môn Tiếng Việt và môn Toán…; được chọn làm giáo viên dạy lớp điểm để dạy mẫu cho sinh viên các trường đại học, Cao Đẳng Sư phạm về kiến tập.

Còn tôi thì sau khi nói không, dứt khoát không vào đảng, chấp nhận bỏ nghề biên tập, viết báo, làm báo bưng bô mà thu nhập rất cao, trả thẻ nhà báo… xong ra ngoài “lăn lộn bụi đời kiếm sống” đã được bạn bè giúp tìm giao cho một công việc cũng nhẹ nhàng thích hợp.

Hàng năm được đi thăm viếng, tham gia tổ chức sự kiện… ở vài hội chợ ở nước ngoài và trong nước; tổ chức và tham gia các sự kiện thể dục thể thao quốc tế và vài ba giải golf, bóng đá, bóng chuyền, liên kết đối ngoại với các báo đài; viết lách chút đỉnh và điều hành một câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp gồm cả một đội bóng chuyền nữ lớn, nhiều lần vô địch quốc gia… Nói chung là lo việc PR cho một thương hiệu có sản phẩm bán mạnh ở Việt Nam và khu vực đang làm ăn tốt; công việc thú vị, thu nhập khá…

Bởi vậy ra đi nhưng luôn ở trong tâm thế tiếc nuối và vẫn nghĩ có thể sẽ nhanh quay về và lãnh đạo cơ quan cũng thích, đồng ý chờ, cho phép một năm để quay lại. Cũng bởi vậy ra đi nhưng nhà không bán, hộ khẩu không cắt, không tiệc tùng tạm biệt bạn bè, cũng chẳng nói lời chia tay với gia đình và bè bạn vì luôn nghĩ rất đơn giản rằng mình có nhiều khả năng sẽ quay về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Claudette Bleijenberg/Unsplash

Thế nhưng cuộc đời hình như luôn có những biến chuyển từ những hoàn cảnh mới, hiểu biết mới… Kiểu như một con ếch sau khi tình cờ nhảy ra khỏi giếng cạn mới thấy được ngoài cái giếng cạn mà cứ vẫn tưởng đã là thiên đàng thì còn có cả… bầu trời; mới biết tự lâu rồi mình cũng chỉ là con ếch; và khi đã nhảy xa ra khỏi giếng rồi mới thấy được trời cao đất rộng, mới thấy thế giới là bao la là vĩ đại là xinh đẹp; và thấy loài người ở các nước văn minh, ở thế giới tự do họ đã sống rất Người, rất hạnh phúc bình an… đến dường nào.

Nhảy lại vào giếng với chút ít thuận lợi về kinh tế và với bổn phận tâm linh, chăm lo cho những người đã mất và mồ mả của họ như trách nhiệm của một trưởng nam, một người cháu đích tôn ư!? Có nên không, khi mà phải chăng chính những con người còn sống, chính những đứa con đứa cháu, cho dù chúng sống ở đâu trên thế giới này thì chúng vẫn còn là gốc gác Việt Nam, vẫn là huyết thống-mạch nối của dòng tộc; mới chính là sức sống, là tương lai của cả gia tộc, cần phải chăm lo trước nhất!

Quay về chỉ vì chuyện tâm linh, báo hiếu ư; vì những người đã mất ư… Xin được thật lòng mà nói, chú ếch nay đã dứt khoát rồi, vừa không nỡ bỏ con cháu lại vừa không đành lòng chọn quay về… dù chú ếch vẫn mang nặng ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục, vẫn còn nhớ mãi quê hương nơi mình đã được mẹ cha sinh ra và lớn lên, với biết bao nhiêu là kỷ niệm…

Chú ếch vẫn nhớ da diết cái giếng cạn xưa với nhiều buồn vui, nhớ từng người thân cha mẹ anh em bạn bè vẫn đang còn sống ở Việt Nam; nhớ những khuôn mặt những dáng hình… đã khắc sâu vào tim óc; nhưng giờ đây đành xin được mang theo trong tâm đến vùng quê hương mới và xin được nói lời tạ tội. Ếch kia nay đã chọn kiếp tha hương để lo cho những người còn sống, lo cho chính bản thân và cho các thế hệ tương lai; hơn là quay về chỉ vì tâm linh hiếu đễ, vì để chăm lo cho mồ mả ông bà, cúng giỗ tế tự… cho những người đã mất!

Còn trách nhiệm với ông bà cha mẹ, với những người còn sống và cả những người đã mất, ếch tôi cũng xin hứa sẽ hết sức cố gắng để làm bổn phận con cháu từ xa, như đóng góp chi phí xây cất, sửa sang lăng mộ, cúng giỗ… riêng chuyện quay về lại Việt Nam, thì đã là bất khả.

Thời gian luôn cứ trôi và cuộc đời luôn vẫn trôi cùng với những day dứt lo toan, nhưng hình như một khi ta đã có được một sự chọn lựa dứt khoát thì với thời gian, rồi ta cũng sẽ có được sự an bình trong tâm tưởng… Thấm thoát như vậy mà cũng đã hơn hai mươi năm trôi qua rồi, những mầm non ngày nào nay cũng đã lớn khôn, đã mạnh mẽ sống khỏe và đâm chồi nảy lộc, đã mọc rễ cứng cáp luôn ở đất mới rồi. Nên thôi thì đã quá xa vời, đã hết thật rồi mọi mộng mơ hò hẹn quanh chuyện quay về nên nay cũng xin được một lần nói lên lời tạ lỗi cùng gia tộc, xin được chính thức từ chối các danh hiệu nào là trưởng nam, nào là đích tôn… và cả các quyền lợi đất đai, nhà cửa… kèm theo vẫn luôn được nhắc đến khi được mời gọi quay về để thừa tự.

Chớp mắt mà cô gái, chàng trai tràn đầy sức sống ngày ra đi nay cũng đã chớm bạc đầu; nên thôi đã quá trễ tràng rồi cho một kiếp người trước muôn nẻo đường đời phải cân nhắc và chọn lựa, mà trong đó có cả những ước mơ cho một đời sống tâm linh mà nay đã không còn hy vọng gì thực hiện.

Tháng Mười 2021, Ontario, Canada

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: