Từ giã Việt Nam

Minh họa: Mathieu Bigard/Unsplash
Share:

Thời gian gần đi tôi hay hát một cách hào hứng những câu trong bài Viễn Du của Phạm Duy:

Một người bạn thấy thế cười bảo: “Thôi đừng có lãng mạn nữa. Ông đi hát-ô thì phải xem thử tiền trợ cấp nó cúp còn mấy tháng thay vì tìm cho ‘thấy tình thế giới’; phải chuẩn bị tiếng Anh và nghề ngỗng để dễ tìm job thay vì tìm ‘mộng ngày mai’; còn ‘niềm tin mới’… đó là cái tôi e rằng khó khăn nhất cho ông đấy. Coi chừng một nhúm ‘của tin còn một chút này’ trong lòng ông rồi sẽ sớm tan theo mây khói trong cuộc sống cày bừa sắp tới, chứ đừng nói chi tới chuyện tìm thấy niềm tin mới.”

Những điều bạn tôi nói tôi đều biết cả rồi. Có tới mười ba cái HO đi trước tôi đã tới Mỹ và đã phản hồi mọi sự về cho đám ở nhà. Một cuộc sống căng thẳng, làm việc đầu tắt mặt tối, nợ nần suốt đời, thiếu thốn tình cảm. Một người bạn vừa đến đất Mỹ viết thư về cho biết, câu chào đón đầu tiên của anh ta tại phi trường là: “Trời ơi ở bên nhà đang sung sướng như thế, qua đây làm chi cho khổ!” Rồi tin một ông HO đã tự tử vì thất vọng sau mấy tháng đến đất mới. Những lời kể khổ về cuộc sống tại nước Mỹ thì rất nhiều, không những chỉ của những người mới qua giữa lúc kinh tế khó khăn, mà còn từ những người qua đã lâu. Chẳng lẽ cái nước Mỹ nó lại cong cong, người hòng ra khỏi người mong bước vào?

Minh họa: Monica Valls/Unsplash

Nhưng tôi không muốn nghĩ tới những cái đó khi đến phiên tôi, tôi lại sắp lên đường. Dù đi tị nạn (tức là đi xin ở nhờ xứ người vì bị nạn tại xứ mình) thì cũng là một chuyến “ra đi”, tội gì lại không lãng mạn một chút cho nó hả cái tính giang hồ, cho nó bõ những năm tù đày bên trong và cả bên ngoài trại cải tạo. Tôi muốn rên lên một tiếng như cụ cố Hồng và bảo bạn tôi: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”

Tính giang hồ! Nghe khá lạc lõng trong thời buổi này, giống như đem một bộ quần áo thời những năm hai mươi, ba mươi ra phủi bụi rồi diện vào làm thời trang. Đã có thời con người Việt Nam sống trong xã hội khép kín của nền văn minh nông nghiệp và luân lý Khổng Mạnh, lại còn được bao trùm bên ngoài một cái ách thực dân, thời ấy “ra đi” quả là một mời gọi ghê gớm. Nó là nhu cầu phá vỡ cái tổ kén để con sâu thành con bướm có đôi cánh nâng mình lên tới những bầu trời lạ; nó là cảm hứng giải thoát cho bản thân, ý thức và dân tộc; nó là khai thông các ao tù đã ứ đọng lâu ngày. Từ các chuyến “vượt biên” của phong trào Đông Du cho đến Đi Tây của Nhất Linh, từ cuộc đưa tiễn anh khóa của Á Nam Trần Tuấn Khải cho đến các trang tùy bút đầy khinh bạc của chàng đãng tử Nguyễn Tuân, tất cả đều mang nỗi niềm giải thoát ấy. Hai tiếng “ra đi” tự nó mang đầy đủ sức cám dỗ, sự say sưa, và có thể còn đồng nhất với một lý tưởng đẹp.

Đến thế hệ của tôi, lớn lên giữa những năm 50, sự thể đã đổi khác. Đi ra nước ngoài không còn chất kích thích của một thứ trái cấm, trái lại là một chân trời mở rộng công khai cho việc học hành, và không còn là độc quyền của phái nam. Đi có nghĩa là đi du học chứ không còn là “tìm đường cứu nước” một cách thực tiễn hay lãng mạn. Nhà giàu thì con cái đi học tự túc, không có tiền mà học giỏi thì đi học bổng, đi Mỹ, Pháp, Úc, Tây Đức… hằng năm đều có thi tuyển để chọn lựa học sinh ưu tú. Thời ấy những thanh niên có hoài bão sắp đậu tú tài là bắt đầu rạo rực chuyện du học.

Ra đi du học còn mang nặng lý tưởng “xuất dương” của lớp trước, ý thức rõ vai trò xây dựng đất nước và cả xây dựng địa vị xã hội của mình trong tương lai (hai việc ấy xem ra không có gì mâu thuẫn nhau). Nhưng khi cuộc chiến tranh Việt Nam trở nên khốc liệt trong những năm 1960 trở về sau, đi du học trở thành con đường trốn chạy của thanh niên ra khỏi cuộc chiến. Nét đẹp của sự ra đi bị hoen ố đi nhiều khi người ta bắt đầu phù phép từ cái bằng tú tài (phải đậu hạng ưu, dù học lực dưới trung bình) cho đến sự chuyển ngân chính thức và lậu, cho đến hối lộ cửa này cửa kia để con cái được phép ra đi. Cuộc chiến tranh thật buồn và vô duyên. Nó đã phá vỡ bao nhiêu cái đẹp đẽ một cách vĩnh viễn không bao giờ có thể bù đắp được.

Từ đầu thế kỷ người Việt Nam đã có nhu cầu ra đi nhưng âm ỉ đến năm 1975 mới thực sự bùng nổ, như một cái ung nhọt đến lúc vỡ toang. Dân Việt tung tóe khắp năm châu bốn biển. Biến cố lịch sử có vẻ chỉ là cái cớ cho một sự ra đi đã được định trước, được ao ước nuôi dưỡng trong tâm thức dân tộc từ bao đời rồi. Tác giả Con Đường Cái Quan, khi đến Cà Mau thì bảo rằng “đường đi đã tới”, nhưng vội nói thêm: “Người tạm dừng bước chân vui người ơi”. Nhưng câu kết mới là ghê gớm:

Con đường thế giới xa xôi

Trong lòng dân chúng nơi nơi.

Đó há không phải là cái cảm thức tiên tri của người nghệ sĩ hay sao?

Ra đi, kể từ 1975, có nghĩa là đi tìm những vùng đất mới để định cư hầu thoát khỏi sự áp bức trong nước. Thế giới gọi đó là sự tị nạn. Bao nhiêu cuộc di dân lớn trên thế giới từ cổ chí kim đều bắt nguồn từ một nguyên nhân trực tiếp là để thoát một cái nạn nào đấy, thiên nhiên khắc nghiệt, chính trị hà khắc hoặc tôn giáo hẹp hòi, nhưng kết quả là thường mở ra được một trang sử mới cho bộ mặt của Trái đất. Nhìn lại, người ta thấy nguyên nhân trực tiếp của các cuộc ra đi có vẻ chỉ như một cái cớ nhất thời để thực hiện một sự sắp xếp nào đấy lớn lao hơn của một tổng đạo diễn giấu mặt. Giống như trong một đô thị, người dân làm nhà hay mở cửa hiệu chỗ này chỗ kia tưởng như là do ý thích của mình, có khi một cách rất tình cờ, nhưng thật ra là theo một qui hoạch tổng quát người ta đã định ra từ rất lâu trước đó.

Minh họa: Pacific Austin/Unsplash

Tôi thấy sự ra đi của người Việt Nam có tính cách định mệnh hơn là do tình cờ của lịch sử, đi miên man trên đường gian nan, không cưỡng lại được. Ống kính của Walt Disney đã thu được hình ảnh những bầy chuột đông vô số kể tiến về bờ biển, khi đến bờ vực con nọ nối đuôi con kia phóng xuống nước bơi ra khơi không một chút do dự. Khi xem đoạn phim đó, tôi băn khoăn về cái ý muốn lạ lùng của tạo hóa. Bản năng thông thường của sinh vật không cho phép đàn chuột dẫn nhau đi vào cõi chết như vậy, thế thì cái gì thúc đẩy chúng thực hiện cuộc hành trình kỳ lạ đó? Chuột đã quá đông, chúng phải tự hủy để tạo sự cân bằng sinh thái, nhưng tại sao lại đến nông nỗi ấy, chúng đã lấy nhau sinh sản rồi tự tử tập thể, hoàn toàn một cách mù quáng thế ư? Chuyện ấy liệu có ý nghĩa gì?

Xin chịu. Chỉ biết là đến lượt tôi ra đi, tôi cũng có đầy đủ lý do lý trí và tình cảm để rời khỏi xứ sở, như bao người Việt khác đã và đang ra đi. Dĩ nhiên tôi không thấy mình mù quáng như những con chuột kia, nhưng rõ ràng tôi đang ở trong một luồng chảy mà tôi không đủ sức lội ngược lại.

Sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi kể từ lúc nộp đơn ở Công an quận Ba xin đi tị nạn tại Hoa Kỳ, tôi được giấy mời đến Sở Ngoại vụ ở đường Pasteur Sàigòn để chuẩn bị các thủ tục phỏng vấn. Lúc bấy giờ là giữa Tháng Tư 1992. Bước chân tới đây tôi bị choáng ngợp ngay vì cái đồ sộ của guồng máy đưa người ra nước ngoài này. Những ngày chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn chưa thấy bóng dáng người Mỹ đâu nhưng tôi vẫn có cảm tưởng rõ rệt đây là một sở Mỹ. Phòng ốc tương đối tiện nghi, cách làm việc khoa học và hữu hiệu là những cái dứt khoát không có ở một công sở Việt Nam, nhất là Việt Nam Cộng sản.

Cho đến khi nghe các nữ nhân viên người Hà Nội đùa cợt với nhau: “Nay ta phải đi làm thuê cho giặc…” thì tôi mới hiểu rằng cái gọi là Sở Ngoại vụ này được chi phối hầu như hoàn toàn, hay ít ra về kinh phí và phương pháp làm việc, bởi người Mỹ. Số người hằng ngày đến đây để chuẩn bị các thủ tục đi nước ngoài đông một cách không ngờ. Các phòng chờ chứa hàng mấy trăm người luôn luôn đầy ắp, từ năm giờ sáng đến bốn giờ chiều: Người ta đến để được người Việt Nam “sơ vấn”, để được người Mỹ phỏng vấn, để đăng ký chuyến bay, có thể thuộc vào diện đoàn tụ, diện con lai hay diện HO (thỉnh thoảng có cả diện… du lịch).

Từng gia đình, từ người già lụm cụm chống gậy đến đứa bé còn bồng trên tay, hết lớp này đến lớp khác lần lượt vào, ra theo tiếng loa gọi, cuồn cuộn, cuồn cuộn, khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một dòng thác chảy liên tục. Đây là một guồng máy xuất cảng người làm việc một cách qui củ, khi anh đã vào dây chuyền của nó rồi thì biến thành nguyên liệu của máy, vào đầu này thì sẽ được nhả ra đầu kia. “Đầu kia” của tôi là Hoa Kỳ, cụ thể hơn, phi trường John Wayne thuộc quận Cam, California, cho đến khi được bạn bè và người thân dang tay đón tiếp ở cổng phi trường vào lúc 11 giờ sáng ngày 4 tháng Mười Một, 1992, tôi mới thực sự ra khỏi guồng máy.

Nhưng đấy chỉ là một phần của một cỗ máy khổng lồ vận chuyển trên toàn thế giới ngày đêm không nghỉ, cỗ máy của HCR, Cao ủy Tị Nạn. Tuy to lớn cồng kềnh, đây là một cái máy đầy tình người. Ngày xưa Nguyễn Du viết Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, kể ra mười loại chúng sinh đau khổ nhất của xã hội, vẫn không nghĩ ra loại người phải đi tị nạn, đó là loại đau khổ vì bị một chế độ chính trị ức hiếp. Nhưng cụ Tiên Điền chỉ an ủi các hồn đau khổ, tức là những kẻ đau khổ sau khi đã chết, còn tổ chức nhân đạo HCR lại muốn cứu vớt kẻ bị ức hiếp ngay khi họ còn sống. Sống với nhân loại ngày nay, vui lắm chứ!

Các thế hệ tiền bối tìm cách đi nước ngoài là để một ngày kia về sửa sang lại đất nước, nhưng đến tôi, vào thập niên cuối thế kỷ, lại có mục tiêu khác: Đi định cư ở xứ khác để sửa sang lại cuộc đời của chính tôi và gia đình (còn chuyện có nhớ nghĩ gì đến “cố quốc” không thì cứ để đấy, hồi sau phân giải). Chuyện đi của tôi là từ tương quan giữa tôi và phần nhân loại ngoài xứ sở của tôi. Quả đất có vẻ nhỏ bé lại, so với hồi đầu thế kỷ. Người ta quan tâm đến số phận của đồng loại ở đầu này đầu kia quả đất như các thành viên của một gia đình lo cho nhau.

Tai họa của con người gây cho chính mình trong hai cuộc đại chiến thế giới và cuộc cách mạng Cộng sản lớn lao quá đến nỗi đã khiến cho con người biết quí số phận của nhau hơn chăng? Hay tại ngày nay đi lại và thông tin quá nhanh, con người lại đã ra ngoài vũ trụ, nên nhìn cả quả đất như là một loại quê nhà chung, từ đó đối xử với nhau tử tế như anh em một nhà? Tình nhân loại thì con người đã ý thức được từ thời thượng cổ, nhưng thể hiện nó ra trên qui mô hoàn cầu thì phải đến những thập niên cuối của thế kỷ hai mươi.

Trong một chuyến đi như của tôi vừa rồi, sao cứ thấy khía cạnh chính trị hay quyền lợi vật chất, mà không nhìn vào bản chất của nó, điều quan trọng nhất, là tính chất nhân đạo. Triết lý căn bản của một hành động lớn lao có qui mô hoàn cầu như thế có thể hiểu cách nào khác hơn là CỨU KHỔ CỨU NẠN, điều ước ao của biết bao bậc hiền triết, hệ thống triết học, tôn giáo, và gần gũi hơn, của biết bao tấm lòng thương người của cả loài người từ xưa đến nay. Hãy vui khi điều thiện được thực hiện. Bản thân tôi cảm nhận đầy đủ nguồn vui ấy.

Có thể có người sẽ mỉm cười lắc đầu thương hại, cho là tôi quá tình cảm và thiếu thực tế, như lời anh bạn ở Sàigòn ở đầu bài viết này. Có thể như thế lắm, nhưng có khi thế lại hơn, vì trong trạng thái ấy tôi dễ dàng cảm nhận được niềm vui khi thấy được ánh sáng của cái Thiện, giữa vô vàn cái ác. Và vẫn hy vọng thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới, tại sao không?

Irvine, ngày 12 tháng 12, 1992

(Bài viết này đã in trong cuốn sách đầu tiên của tác giả, Hà Nội Trong Mắt Tôi, do Thế Kỷ xuất bản năm 1994)

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: