Tuổi nào ngồi ngóng…

Hình minh hoạ: Apaha/Unsplash

Tôi có trí nhớ từ năm bốn tuổi nên chuyện xưa nhớ lại chẳng khó. Học bài thì không thuộc mà chuyện “tào lao xịt bộp” lại nhớ rất tài. Khó là làm sao kiếm cho ra chuyện vui những năm sau 75’ để kể cho hứng chút.

Viết để chửi cộng sản cho hả thì dễ thôi. Nhưng với tôi thì chửi cũng phải nhìn trước ngó sau chứ không lại đụng đến ông Nội và mấy bác, kẹt rứa chơ…

Thực ra thì ông nội tôi chỉ mới là Việt Minh. Mấy bác tôi mới là VC thứ thiệt. Sau 1945, ông tôi rủ cả bà nội lên chiến khu kháng Pháp. Mấy đứa con nhỏ thì ở lại quê với vợ chồng người con gái Cả.

Một lần Pháp đi càn, ông bà núp trong hang. Pháp kêu không ra nên tọng lựu đạn vào. Ông chết tại chỗ. Bà đứng sau bị thương nặng, đưa về quê chữa trị nhưng cầm cự được một tháng rồi cũng mất.

Mấy bác “giận” Pháp “thôi rồi”. Thề đủ kiểu.

Một bác có chữ mà không có sức thì làm lãnh đạo huyện. Một bác khác vào đặc công, chuyên nghề ám sát. Thành tích nổi nhất của ông bác đặc công là chém đầu một viên quan hai Pháp, rồi còn đem đầu lâu cắm cọc trước chợ huyện. Lên tới đại đội trưởng đặc công, một lần ông dẫn lính về Đồng Hới định làm thịt một sĩ quan Pháp thì bị phục kích bắt sống. Pháp xử tử bằng treo cổ.

Ông bác lãnh đạo huyện cũng mất sớm do không chịu nổi rừng sâu nước độc. Chỉ còn một bác trẻ hơn, bôn ba tận Việt Bắc, là còn sống sót tới già.

Năm 1954, Ba tôi còn ở tuổi thiếu niên. Vì cha mẹ mất và anh lớn đi xa nên ổng tự do bay nhảy. Nhà nằm sát Quốc lộ 1 (tỉnh Quảng Bình). Thấy xe di cư vô Nam thì nhảy lên vô Huế chơi. Cứ nghĩ quá lắm thì chơi đủ hai năm sau về lại thôi. Hổng dè 20 năm sau cũng chưa về lại được.

Hình minh hoạ

Vào trong này, ổng ở với một vị linh mục. Vị linh mục này nuôi cả chục đứa trẻ hoàn cảnh như ổng. Tuy nhiên, chỉ một mình ông già tôi là gắn bó với Ông suốt đời, theo đúng nghĩa cha con. Ma chay, giỗ chạp, cưới hỏi…, không có lễ nào trong dòng họ đó mà ông bỏ qua. Cũng nhờ được cưu mang như vậy mà ông già tôi được gửi vào dòng tu học hành đàng hoàng.

***

 Trên đường chạy giặc từ Quảng Trị vô tới An Giang vào năm 1975, gia đình tôi có ghé qua Cam Ranh. Bà ngoại tôi lúc đó đang ở tại khu định cư mới khai phá đâu chừng năm 1973, 1974 gì đó thôi. Rừng thì còn nhiều mà đất thì rất tốt, nên sau khi thất trận là nhà tôi về lại Cam Ranh.

Sau đó, Ba tôi “trình diện” để đi “cải tạo 10 ngày”. Mười ngày “học” chưa xong nên họ đưa ra trại ở Ninh Hoà học tiếp thêm 3 tháng nữa. Qua khỏi tháng thứ 3, Mạ tôi ra thăm thì thấy trại đóng cửa, không biết họ đưa tù đi đâu.

Đang nhấp nhỏm đợi tin thì một buổi chiều, có một anh thanh niên chạy Honda dame vào đưa một mảnh giấy xé vội và hỏi có phải đúng là người nhận không? Anh kia giải thích là khi  xe tù chạy ngang thị trấn Ninh Hoà, thấy tù nhân họ quăng mấy mảnh giấy này ra. Vài người lượm được rồi chuyền tay cho nhau.

Vì thông tin trên giấy rất mù mờ, không có địa chỉ, nên anh phải chạy từ Ninh Hoà vào Cam Ranh mấy lần để mò tìm cho ra. Mạ tôi mừng lắm. Chữ ba tôi thì có viết láu cách mấy Mạ tôi cũng đọc ra, dĩ nhiên là vậy. Nhưng khi nằn nì đưa tiền xăng xe cho anh kia thì ảnh dứt khoát từ chối. Cuối cùng ảnh trầm mặt nói nhỏ “chị để cho tôi một lần bày tỏ sự biết ơn với các anh ấy”. Mạ tôi chững lại, rồi bặm môi nén xúc động, cúi đầu gật nhẹ. Anh kia quay xe phóng đi rất nhanh, không chào ai cả.

Khi Mạ tôi lần mò tìm ra được trại cải tạo ở Đồng Trăn (hay Đồng Tranh, hay Đồng Giăng?) thì Ba tôi đang trong tình trạng suy sụp sức khỏe trầm trọng. Mặt mày sưng phù, tím tái,… Đi thăm nuôi về là nhà tôi như có đám tang. Bà con chòm xóm tới thăm hỏi rất nhiều. Ai hỏi gì Mạ tôi cũng chỉ lắc đầu khóc. Ráng lắm thì mới nói được một câu “e không sống nổi”. Sau đó, Mạ tôi phải thuốc thang lương thực thăm nuôi ráo riết Ba tôi mới qua khỏi.

Chừng giữa năm 1976, Bác tôi vào thăm. Lúc này ổng đã là phó trưởng Ty ở tỉnh Bình Trị Thiên. Mạ tôi buôn chuyến xa nhà nên ông phải ở đợi lâu. Thấy ảnh bán thân của ba tôi treo trên tường, bác tôi cứ hay ngắm say sưa. Lúc thì mắt nhìn xa xăm, lúc thì chùi nước mắt, có khi còn khóc sụt sịt. Ngày nào ổng cũng làm vài cữ như vậy luôn á.

Hình minh hoạ: Pixabay

Tới bữa thứ ba, tôi nói với ông anh “hình đó có gì đâu mà bác coi hoài hè”. Ông anh nói “ờ”, nói xong lóc tóc chạy lại bên bác khoe “Hồi trước nhà con có ba bức hình to gấp mấy lần hình này luôn á. Một bức là ba con đang chào Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; một hình ba con bắt tay Tổng thống; và một hình ông Thiệu đang gắn huân chương lên ngực của ba”. Không biết bác tôi có tin không, chỉ thấy ổng lơ đãng hỏi lại “Rứa à, mô hết rồi?”.

Anh tôi hồ hởi “dạ hồi giải phóng vô, ba mạ con sợ Việt cộng quá nên đốt hết rồi”. Ông bác quay phắt lại, mặt khó chịu. Rồi ổng quay mặt đi một đỗi mới quay lại nói giọng bực dọc “Ba mi đang cải tạo, không được nói mấy cái này kẻo ba mi không biết ngày mô về. Nhớ chưa”. Bọn tôi thưa dạ chứ không hiểu lý do của phản ứng đó. Mãi sau này tôi mới đoán là cái từ VC làm ổng khó chịu. Vì hình như đối với VC thứ thiệt như bác tôi mà gọi họ là VC là một sự xúc phạm.

Mạ tôi về rồi đưa bác đi thăm ba tôi, có cho tôi theo. Ra tới trại, tôi nghe đúng hai tiếng hét lớn “Anh”, “Chú”, xong rồi thấy hai ông lao vào nhau xáp-lá-cà, ôm nhau khóc to khủng khiếp, hết hồn hết vía. Thấy cán bộ trực đang ngồi bàn thì quay mặt ra cửa sổ, cười cười. Còn cán bộ mang súng đứng thì xoay người hẳn ra cửa sổ, người cứng đờ như đang chào cờ cái cửa sổ luôn. Mà nói chứ, thằng khóc ké như tôi cũng ướt cả vạt áo nè. Cảm động lắm.

Rồi bác tôi làm đơn bảo lãnh, đưa ra Hà Nội cho một ông thứ trưởng Bộ Thuỷ Lợi ký xác nhận. Ông này vốn là cấp trên trực tiếp của ông bác đặc công xưa kia. Chắc sợ Bộ Thuỷ lợi nói có sưng lợi cũng không ai nghe, nên ông bác tôi đề nghị ba tôi tuyên bố bỏ đạo, cho lá đơn thêm phần trọng lượng. Ba tôi nổi điên, tuyên bố từ mặt. Mấy năm sau mới làm hoà, sau nhiều nỗ lực hàn gắn của mấy cô tôi. Dĩ nhiên, vụ bảo lãnh thì phải quên nó đi. Vậy mà may cho cả hai, vì sau này nhờ thuốc Mỹ mà ông bác tôi cầm cự thêm được cả chục năm.

***

Cam Ranh hồi đó chưa phát triển. Chỗ tôi ở lại càng heo hút. Vì là đất rừng núi mới khai phá được mấy năm nên rắn, rít, bọ cạp còn nhiều lắm. Một lần mắc mùng ngủ, tôi bị bọ cạp chích. Sợ máu độc chảy về tim như người lớn họ nói, nên tôi lấy dây thun lưng quần cột chặt ngón tay cái. Bị chích đã đau mà cột kiểu đó được một đỗi còn đau hơn. Đau tới gần điên rồi tự nhiên tôi cởi dây thun ra và thấy nhẹ cả người. Bữa đó soi đèn lên vách đất, tìm đập được thêm sáu con bọ cạp nữa. Sau này tôi còn bị chích nhiều lần, cũng đau nhưng không đáng kể.

Rắn thì ban đêm bắt chuột nghe rầm rầm nơi mái tole. Đây là loại rắn mối, không độc, nên không lo lắm. Có khi còn thấy một con rắn lục trườn lên thân cây trâm ổi sau nhà. Từ bữa nó lên, tôi hết hứng trèo lên cây đó. Rít thì có con đỏ lòm, dài cả gang tay, to như ngón tay cái, nó làm tôi một phát nơi ngón chân mà cái háng sưng phù, cả ngày đi chàng hảng.

Mạ tôi đi buôn chuyến xa nhà, cả tuần mới về một lần. Buôn gần thì không có sức tranh với người ta, nên chỉ còn vắt óc nghĩ cách buôn xa, buôn đủ thứ. Có khi phải ra Tuy Hoà mua gạo mang vào Sài Gòn bán. Từ Sài Gòn thì mang áo quần cũ, xà-phòng, nồi niêu, thau, thùng…, ra Nha Trang… Cứ vậy mà xoay vòng suốt trọn cả tuần mới về nhà một lần.

Hình minh hoạ

Nghe mấy chị bạn buôn kể với nhau là đi tàu lửa, đêm hôm thường thấy Mạ tôi ngồi nhớ con khóc một mình. Đứa nhỏ nhất sinh đầu năm 1975, tức là cũng chỉ mới một vài tuổi; đứa lớn nhất cũng chỉ mới mười mấy tuổi đầu. Năm đứa nheo nhóc tự bảo bọc nhau.

Bọn tôi ở nhà cũng trông Mạ về từng ngày. Mạ về khi nào cũng có quà. Tới bữa được ăn ngon. Đêm tối thì yên tâm ngủ.

Hồi đó nhà nào cũng nằm lọt thỏm vào vườn rộng nên trông tách biệt. Nhà tôi có vườn chuối rộng, đêm hôm gió thổi xào xạc, làm mình lo lắng thêm. Nghe tiếng động lớn thì mình quát to “ai đó?”. Trả lời là sự im lặng nặng nề. Một đứa khác xướng lên trả lời “O đái”, rồi cười với nhau cho quên nỗi lo. Tối đi ngủ thì ông anh để cái rựa dưới đầu giường. Tôi thì “thủ” cái dao phay dài thượt. Dĩ nhiên là cho yên tâm thôi chứ ăn trộm nó vào lấy đồ công khai mà đưa lưng cho chém mình cũng chả dám đụng tới.

Cứ vài tháng Mạ tôi lại sai tôi đi xuống ủy ban xã ký giấy xin đi thăm ba tôi. Ở xã có chú phó công an người trong xã, dễ chịu nên đỡ kẹt. Ông trưởng công an cũng người địa phương nhưng trước 1975 ổng đi lên chiến khu mấy năm nên nhiễm thói hách dịch đâu trển mà khó chịu gớm. May là ổng chỉ thích đi săn nên giao hết việc quan cho ông phó.

Mỗi lần ký giấy tờ, ông phó thường hỏi han trò chuyện vui vẻ với bà con. Chẳng hạn, cầm lá đơn của tôi thì ổng hỏi:

-“Mày bữa nay học hành sao rồi?”.

-“Dạ thì cũng rứa” – tôi nói cho qua.

-“Rứa cái đầu mày. Lý lịch thế này mà không lo học thì mai mốt chỉ có nước bốc cứt mà ăn”.

Bà con cười gật đầu lia lịa. Ai cũng nghĩ lý lịch Công giáo cộng thêm con sĩ quan “Ngụy” là không có cửa trong xã hội này.

Vui được một thời gian thì họ đuổi ông trưởng công an kia, thay bằng một ông cỡ 30 tuổi, ngoài Bắc vào. Ông mới này thì cán bộ “rặt”, cán bộ từ cách đặt tên cho chó, tới cách làm việc nguyên tắc và ưa giảng chính trị “điếc ráy” bà con.

Trào lưu cán bộ hồi đó là lấy tên tổng thống Mỹ đặt cho chó. Ổng đặt tên con chó mực to và đẹp của ổng là “Giôn-xơn” (Johnson). Thấy thầy trò ổng quấn quýt nhau lắm.

Lần đầu tiên tôi ký giấy với ổng, ổng đuổi tôi về, nói “trẻ con không được ký giấy”. Quay sang ông phó, ổng “dạy” rằng “nàm việc phải nguyên tắc chứ chên nại bảo công an xã nàm việc nèm nhèm”.

Lần kế đó đi ký giấy, lúc ra nộp đơn không thấy ông trưởng nên đã mừng. Xui sao, lát sau ổng mò ra, mình rút đơn cũng chẳng dám. Thấy bữa đó ổng vui vẻ nên hy vọng. Đang làm việc, ông gọi con chó nằm một bên chân “ê Giôn-xơn, mày thích ăn phân của tao, phải không nào?” Con chó nghe chủ gọi tên thì đứng bật dậy vẫy đuôi. Ổng chỉ vào nó nói tiếp “Bà con xem, tổng thống Mỹ là thế đấy”. Nói xong cười hô hố.

Bà con nhếch mép và cúi đầu. Thấy thế, ổng nói tiếp “Mà tôi nói thật, nó còn thông minh hơn cả tổng thống Mỹ đấy. Phải không lào” – câu sau ông nói như quát. Mắt lườm lườm nhìn từng người một. Thấy ổng nhìn tới đâu là bà con gật đầu lia lịa tới đó. Ổng nhìn quanh một lượt rồi nói tiếp “Đấy, thì tôi đã bảo mà”. Nói xong lại phá lên cười sảng khoái.

Tới lá đơn của tôi, ông cầm lên hỏi “đương sự đâu?”. Tôi đứng lên. Ổng nói “trẻ con à? Thế mẹ mày đâu”. Tôi lúng túng khai thật “dạ mạ con đi buôn chuyến xa chưa về kịp”. Thấy chú phó cúi đầu lắc rất nhẹ mà rất nhanh, tôi biết là mình nói hớ.

Ổng trưởng reo lên “Ô, thế là con buôn à?”. Tôi đứng trân người. Ổng xổ tiếp một tràng “thế mày có biết bố mày là thành phần ác ôn, có nợ máu với nhân dân không? Không biết à? Đấy, lẽ ra là phải đem đi bắn bỏ. Ấy thế nhưng đảng ta là một đảng hết sức nhân đạo, đã mở lượng khoan hồng, chỉ cho bố mày đi cải tạo để trở lại làm người. Thế mà nhà mày lại không biết ơn, mẹ mày lại đi buôn, bóc lột nhân dân, phá hoại đường lối chính sách của đảng và nhà nước ta…”

Tôi chỉ muốn khóc mà không dám. Sau lần đó tôi “tởn” tới già. Mạ tôi có hăm dọa cách gì tôi cũng không đi ký đơn nữa. Ông anh tôi nghe kể cũng thất kinh, dứt khoát không đi ký. Sau này, Cậu tôi lo vụ đơn từ. Cậu làm chi hội trưởng thanh niên thôn và có quen chú phó nên cứ kiếm dịp đưa cho chú ấy ký riêng.

Hình minh hoạ

***

Thấy mấy đứa tôi cô đơn lo lắng, một bữa, Mạ tôi mang về một chú chó con. Bọn tôi đặt tên nó là Cu Bi. Cu Bi lớn nhanh, nhỏ xác, nhưng tiếng sủa rất đáng nể. Bọn tôi thích lắm. Cứ tưởng tượng ăn trộm vào mà nghe tiếng sủa của nó là bủn rủn tay chân, lo mà chuồn cho nhanh.

Một buổi chiều mùa Đông, cả mấy anh em lùng sục, gọi tên Cu Bi từ xế chiều tới tối mà không thấy nó, tức lắm. Cứ nghĩ nó theo “cái” mà bỏ mình. Lúc trời đổi sang đen, mới thấy nó mò về, toàn thân run rẩy. Không biết nó ăn cái gì trúng độc hay bị con gì cắn, mà cái hàm dưới của nó sưng phù. Đưa món ngon nhất mà mình có ra mời, nó cũng không thèm ngửi. Lo ơi là lo. Cả mấy đứa cứ thay nhau ôm nó, gọi tên và vuốt ve. Lâu lâu nó mới ngước nhìn mình, mắt ướt rượt.

Tối đó quấn vải bao tải rồi đặt nó nằm ngủ ngay dưới giường mình. Sáng ra, người nó đã cứng đờ, duỗi thẳng, mặt nhăn nhó phơi cả hàm răng. Chắc nó chết đau đớn lắm. Mấy đứa nhỏ ùa khóc. Ông anh nạt “chó chết mà khóc cái gì. Nín!” Thế là từ đó trở đi, đã xác quyết không được buồn.

Ông anh lầm lũi vác cuốc ra vườn đào hố. Tôi ôm xác chó theo sau. Ba đứa em sắp hàng một theo thứ tự tuổi tác đàng hoàng, tiễn đưa đồng chí Cu Bi. Mặt đứa nào cũng trống trải. Trong bụng chỉ có duy nhất là nỗi buồn mà không được phép thể hiện thì còn cái gì có thể hiện ra mặt được.

Ra vườn, tôi đặt xác Cu Bi trên vồng sắn rồi dẫn mấy đứa em vào, dặn tụi nó tuyệt đối không hé răng về chuyện này. Bởi vì, dân chỗ tôi không kiêng thịt chó. Nếu họ biết, thế nào họ cũng xin về làm thịt. Mình mà không cho thì tối họ sang đào lên đem về. Nếu vậy thì bọn nhóc tụi tôi đau chịu sao nổi.

Sáng đó tôi không nấu ăn mà không đứa nào thắc mắc. Đứa nào cũng đứng ngồi vật vạ mà không buồn chơi hay nói năng gì. Mấy tháng sau Mạ tôi định mua con khác nhưng đứa nào cũng cự. Đang buồn, đang cô đơn, mà Cu Bi nó bỏ mình nó đi. Chơi một cú điêu đứng luôn. Đứa nào cũng sợ.

***

Lúc đó tôi có hai người Dì chưa lập gia đình. Một Dì đi tu, sau 1975 tạm về chăm sóc bà ngoại. Một Dì đang học Cao đẳng Sư phạm ở Huế. Lúc nào rảnh thì mấy Dì cũng lên ngủ lại với bọn tôi. Đây là những dịp thích thú. Dì đi tu mà tiểu thuyết Quỳnh Dao sao rành dữ. Rồi Dì còn kể về “Những kẻ khốn cùng”, “Túp lều của chú Tom”, hay “Chiến Tranh và Hoà Bình”… Sang tới cả những câu chuyện “mê ly củ kiệu” của “Một Ngàn Lẻ Một Đêm”.

Dì học Cao đẳng thì thỉnh thoảng mới về, nhưng mỗi lần Dì lên nhà tôi ngủ là bọn tôi vui hết cỡ. Bởi vì khi nào có Dì là có mấy anh vào chơi. Tôi nhớ có hai anh bạn thân với nhau cùng hay rủ nhau vào chơi. Một anh là “cựu” Thuỷ quân Lục chiến, anh kia là “cựu” Nhảy Dù.

Một lần anh “Dù” đang say sưa kể về những chiến trận anh tham gia thì anh “Chiến” nhấp nhổm rồi chen vào “Tao nhớ hồi 72′ ra tiếp quản chiến trường Quảng Trị, thay thế binh chủng Dù, lấy lại Cổ thành. Vụ đó chào chiến hữu Dù, để TQLC đánh cho nhé”. Anh “Dù” có vẻ quê độ. Anh “Chiến” muốn đá khéo anh Dù cái vụ Mùa Hè Đỏ Lửa ở Quảng Trị năm nào đó mà. Quân Dù phải lui để TQLC làm ăn, đại khái vậy.

Hình minh hoạ

Dì tôi thấy anh “Dù” lúng túng thì nói “hồi đó em thấy mấy anh Biệt động quân, Nhảy dù, TQLC, anh nào cũng oai phong. Bọn con gái tụi em chỉ mơ lấy được mấy anh binh chủng ấy thôi.” Anh “Dù” lấy lại tinh thần bèn hỏi “Giờ em còn mơ như vậy nữa thôi?” Dì trả lời “Em không bao giờ mơ lấy anh bộ đội mô nà”. Mọi người cùng cười vui vẻ. Nhưng mấy hôm sau không thấy hai anh vào chơi nữa. Chắc cũng hục hặc với nhau.

Chiến-Dù không vào thì có Hải quân bổ sung. Anh trung sĩ Hải quân mấy hôm lượn lờ, thấy vãn là vào liền. Anh này không kể chuyện đánh đấm, chỉ toàn đàn hát. Vốn là lính văn nghệ, anh chơi được nhiều loại đàn và thổi được nhiều loại kèn, sáo. Nhiêu đó tài năng cũng đủ “sát gái” rồi, nhưng ảnh còn có “cú nịnh” thần sầu.

Một lần ảnh cầm sách Văn lớp 6 của tôi lên, đọc một đoạn rồi bình phẩm “Bác Hồ viết văn thua P., một câu văn mà có tới mấy từ thì, là, mà, và”. Tôi nhớ đó là bài văn Bác chúc Tết Trung Thu cho thiếu nhi. Tôi tức gần chết, bởi vì với tôi lúc đó, “Bác Hồ” chẳng những giỏi nhất Việt Nam mà còn giỏi nhất thế giới, Dì tôi có là thêm cái sinh viên Văn khoa thì đã là cái thá gì so với “Bác”? Mặt khác, ảnh nói không sai, vì thầy cô luôn dặn là một câu văn không thể có hơn một từ loại đó.

Với những “cú nịnh” chết người như vậy nên cỡ hơn một năm sau là Dì tôi đầu hàng vô điều kiện, phải để yên cho ổng cưới.

Tuổi “chiều” ngồi ngóng chuyện xưa. Cũng vui. Chuyện nhiều nhưng thời lượng báo cũng phải có hạn. Cám ơn bổn báo tạo điều kiện cho mọi người hồi tưởng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: