Một trại tỵ nạn của người Việt ở Philippines (vietnamvoice.org)

“Thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ,” thấm thoát mà chúng tôi đã ở PFAC này được gần hai năm rồi, thật không ngờ! Bây giờ thì ai cũng hiểu thanh lọc tị nạn là gì? Nhưng tiêu chuẩn để được “approve” thì vẫn chưa có gì rõ ràng vì hiện tại cũng chưa ai nhận được kết quả nên chuyện “đậu, rớt” vẫn còn là điều vô cùng bí mật.

Group hai trăm bốn mươi sáu thuyền nhân của chúng tôi thì sau tiền thanh lọc (pre-screening) một năm mới được phỏng vấn. Tưởng rằng sẽ nhẹ người sau cực hình chờ đợi lâu dài, nhưng ác mộng bị “đá” và sẽ phải hồi hương đã làm mọi người hoảng loạn khi gặp phỏng vấn viên của mình. Bởi cuộc thanh lọc vô vàn phức tạp, đầy bất lợi chứ không đơn giản như họ nghĩ lúc đầu.

Trong buổi ban sơ của chương trình này, Hội đồng Đại diện trại đã tìm và đề cử một số vị giáo sư, sĩ quan, công chức của VNCH có khả năng để lập Ban Hướng dẫn thanh lọc nhằm giúp bà con hiểu biết thêm năm điều tự do căn bản về nhân quyền mà Liên Hiệp Quốc từng minh định. Từ các quyền cơ bản này, mọi người suy nghĩ, soi lại quá khứ của mình, lý lịch gia đình mình để chiêm nghiệm bản thân mình hay nhà mình đã từng bị cộng sản đàn áp, ngược đãi chưa và nếu có thì như thế nào để có thể trình bày với phái đoàn khi vào phỏng vấn.

Tuy nhiên thực tế của vấn đề không giống mọi người nghĩ! Như lúc tôi trình cho vị phỏng vấn viên xem giấy tờ của ba tôi làm cho các hãng Mỹ gần hai mươi năm trời nhưng anh không tin là vì vậy mà gia đình tôi bị chính quyền “phân biệt đối xử, bị đuổi đi vùng kinh tế mới nhằm lấy nhà, lấy tài sản…” Đoạn anh ta đòi tôi đưa giấy tờ đi vùng kinh tế mới để chứng minh gia đình bị ngược đãi. Tôi nói má tôi nhất quyết không rời Sài Gòn do đó tôi không có giấy này thì phỏng vấn viên tiếp tục vặn vẹo:

– Thế anh và gia đình có bị gì không?

– Công an khu vực, Hội Phụ nữ, nhân viên phường thường xuyên tới “vận động” ép đi khiến cho sinh hoạt, công ăn việc làm của chúng tôi luôn gặp phiền nhiễu khó khăn, điều đó chứng tỏ tôi không có quyền tự do đi lại, không được tự do cư trú! Tôi đáp.

Nhưng anh ta lắc đầu bảo khó khăn ấy không nguy hiểm đến tính mạng và tôi khai thế này thì chỉ có Chúa mới cứu được tôi thôi!

Còn thằng Phước thì kể lúc mới nói bị bắt đi “Lực lượng Thanh niên Xung phong (The Youth Volunteer Force)” vì cha là Đại úy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) đang đi cải tạo là thằng phỏng vấn bỏ bút xuống quát to “cái đấy là do anh tự nguyện đi” chứ ai bắt anh đâu. Và dù chị thông dịch Cao ủy cố gắng giải thích đó chỉ là cách người cộng sản “chơi chữ” đến mấy thì vị phỏng vấn viên vẫn lắc đầu quầy quậy thôi.

Từ đó mới biết chuyện thanh lọc này có nhiều cái trắc trở vì khác biệt ngôn ngữ, hiểu biết về cộng sản, chủ nghĩa cộng sản của người phỏng vấn. Riêng các báo cáo, sự kiện mà Cao ủy giao cho phái đoàn phỏng vấn tham khảo về thời kỳ đàn áp ngược đãi ở Việt Nam thì lại là tài liệu được lấy từ chính quyền Việt Nam thì thử hỏi chương trình này có chính đáng hay không?

Chuyện chị Hồng thì cũng buồn cười không kém. Chị nói với tụi tôi chị khai rằng ba chị trước 1975 là Đại úy cảnh sát, có giấy tờ hẳn hoi. Nhưng ông mất năm 1973 vì bạo bệnh, mẹ chị tạo dựng một sạp bán rau cải ở chợ Khánh Hội để nuôi gia đình. Vậy mà sau ngày mất Sài Gòn, cộng sản cứ tới đuổi hoài và bảo nhà chị thuộc diện đi vùng kinh tế mới nên phải rời khỏi thành phố càng sớm càng tốt.

Cũng như má tôi, mẹ chị vẫn không chịu, cuối cùng họ lấy sạp của mẹ chị, từ đó bà ra vỉa hè bán nhưng đám dọn dẹp lòng lề đường của ban quản lý chợ cứ rượt tới rượt lui hoài khổ vô cùng. Chị kể vậy mà bà phỏng vấn vẫn không nghe, rồi bà hỏi tới chồng chị; ba bé Na. Chị bảo ảnh là thợ hàn, nhưng hằng ngày đi làm xong là đi nhậu luôn, tối nào cũng tới khuya mới mò về thành ra gia đình không có hạnh phúc. Vợ chồng cãi lộn suốt có khi ổng còn đánh chị nữa nên chị chịu chẳng nổi đành chia tay. Nghe tới đó bả phán một câu:

– Tôi nghĩ chị đi tị nạn “tình cảm” chứ không phải tị nạn chính trị thì đúng hơn!

Bọn tôi cười ngất lúc chị ngừng lại. Chị cũng cười theo phân bua:

– Bả hỏi thì mình trả lời. Trả lời xong bả lại bảo vậy thì biết làm sao? Chị nói tiếp thì bả không cho, thành ra đâu chứng minh được là mình có lý do chính đáng để ra đi đâu em. Bây giờ người ta không muốn nhận mình nữa thì nói sao họ cũng không tin em ơi!

Thằng Thịnh ngồi cạnh tôi lên tiếng theo giọng điệu cố hữu của nó lâu nay:

– Phải khai làm sao là mình có “background” mạnh thì các điều mình nói họ mới tin!

Chuyện là vậy nhưng như ông Jan Top Christensen; cựu Cao ủy Trưởng đã nói ngày tôi vừa đặt chân tới “barrack rằng đôi khi lời khai của những người cộng sản còn dễ được chấp nhận là tị nạn chính trị hơn cả các người thuộc chế độ VNCH khi họ trốn khỏi chế độ của họ nữa là!” Điều này đúng như trường hợp của thằng Linh ở gần nhà tôi mà sau này nó đi định cư nhiều năm rồi thiên hạ mới được biết tới.

Linh là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cha nó cũng vậy tức thuộc thành phần cộng sản “nòi!” Linh đi du học bên Tiệp Khắc, gặp và yêu Phương đang đi “hợp tác lao động” tại đó. Cha Phương là Đại tá VNCH, đang bị cải tạo ngoài Bắc nhưng vì gia đình nàng “chạy chọt, lo tiền” nên cô ấy được sang đấy làm việc.

Rồi Linh đưa Phương về nước ra mắt cha mẹ và lập gia đình nhưng đám cưới đã bị Đảng ủy chặn lại vì lý lịch “ngụy quân” của Phương nên cả hai đành vượt biên. Tại trại tị nạn khi vào phỏng vấn Linh không giấu giếm gì cả mà còn trình cả thẻ đảng viên của nó cho vị phỏng vấn xem và nói “nó ra đi vì bị Đảng Cộng sản kiểm soát tình cảm, hôn nhân bị quản lý chặt chẽ bởi chế độ. Đó là điều nó không thể chấp nhận được và đấy là lý do nó xin tị nạn chính trị vì không có quyền tự do bày tỏ tư tưởng, chính kiến của mình!” Thế là trong quyết định “đậu” thanh lọc của nó, người phỏng vấn ghi rõ rằng “lời khai của đương sự phù hợp với một trong các điều khoản được xem là tị nạn của Công ước Genève mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận”!

Thanh lọc thuyền nhân là chuyện dài nhiều tập ngày ấy, bởi ngoài những điều kể trên thì việc này còn tùy thuộc vào sự hên xui của thuyền nhân, cảm tính, buồn vui tùy hứng của người phỏng vấn viên nữa. Ai ở PFAC lúc đó đều biết việc bà phỏng vấn viên Teano vừa bị chồng – nguyên là một quân nhân Phi Luật Tân – ly thân. Bà đang căm hận người lính nên khi chương trình CPA bắt đầu tiến hành bà giả vờ tỏ ra thương cảm những người lính trong khi trò chuyện với mấy ông thông dịch Cao ủy như ông Bính hay ông N.H.Vân làm mấy chú này tin lầm, đã sắp xếp cho rất nhiều cựu quân nhân VNCH vô gặp bà để được giúp đỡ. Kết quả là hàng loạt mấy ông lính VNCH bị bà Teano “đá liên hoàn cước” khiến cả trại tá hỏa, còn Hội Cựu Quân Nhân VNCH thì xây xẩm trước những cái chết oan mạng nọ!

Từ đó thiên hạ mới nói rằng chương trình thanh lọc tị nạn này là một sự “may rủi”, một cuộc thi nói láo và ai nói láo giỏi thì đậu và gọi đây là một cuộc xổ số! Hoặc lắm chuyện khôi hài cười ra nước mắt khác như chuyện của chị Sáu ghe tôi chẳng hạn!

Chị chỉ có một tay! Khi còn ở El Nido, chị nói với tôi là ở Việt Nam chị bán nước mía và bất cẩn bị máy nước mía cán vào bàn tay đến nỗi phải cưa mất gần cả cánh tay. Về PFAC, sau hai năm chờ phỏng vấn và đợi kết quả, chị “đậu” thanh lọc rồi chuyển trại lên Bataan đi định cư trước sự ngạc nhiên và thán phục của mọi người.

Một thời gian sau người thông dịch cho chị mới tiết lộ rằng ngày ấy chị khai với người phỏng vấn rằng chị là liên lạc viên của một tổ chức phục quốc nào đó. Việc bại lộ, chị bị bắt, bị đánh đập tra tấn dã man mà không được cứu chữa đến phải bị cưa mất một cánh tay! Tuy nhiên cái tài ở đây là chẳng hiểu chị nói thế nào, thuyết phục làm sao mà nhân viên phỏng vấn tin và ban cho chị quy chế tị nạn và cái giấy ra trại của chị là do một người trong trại làm với thủ thuật đơn sơ nhưng rất hiệu quả. Giấy thì kêu thân nhân ở bên nhà gửi qua rồi dùng nước trà phun nhẹ, phơi nắng cho tờ giấy cũ đi, tìm hiểu để đánh máy các chi tiết như ở trại nào, ai là trưởng trại thời gian đó, ai ký giấy ra trại… và cuối cùng là mộc (con dấu) thì được làm bằng củ khoai lang!

Tôi thì biết chị Sáu lanh lợi lâu rồi nhưng chẳng ngờ chị lại giỏi tới như vậy. Nhớ có một chiều tôi đi thơ thẩn ngoài Vườn Dừa về ngang qua ngôi chợ trước cổng thì đụng phải chị đang đi tới. Thấy tôi chị mừng quá, réo như giặc:

– N., lại dịch giùm chị cái này.

Nói xong chị kéo tôi tới trước sạp chạp phô, anh chàng Phi bán hàng ngồi trên đó nhìn chúng tôi chờ đợi. Chị Sáu chỉ vô bịch đường vàng trong cái bọc ny-lông tròn, ốm như bịch cà rem nhưng dài, bảo:

– Bịch đường này hai pesos mà tao giờ chỉ còn một đồng hà. Mày kêu nó bán tao phân nửa đi.

Lúc ấy tôi đang học Anh văn ở trường CADP, nghe chị nói vậy tôi cố suy nghĩ coi phân nửa nói thế nào, còn anh ta thì giương mắt ngó hai chúng tôi một lúc rồi lên tiếng hỏi:

– What do you want to buy my friend?

Trong khi tôi cứ đứng thừ người lục lạo mớ ngữ vựng tiếng Anh mới học trong đầu thì chị Sáu dường như quá sốt ruột không thể chịu đựng lâu hơn được nữa, bèn tiến lên một bước móc một peso trong túi ra để lên bịch đường, nhìn thẳng vào mặt người chủ nói:

– My friend…

Chị vừa gọi nó vừa ra dấu cắt ngang cây ny-lông đựng đường là anh chàng Phi nọ hiểu ngay. Mặt hắn rạng rỡ, miệng tíu tít:

– OK, OK, no problem!

Nói xong là nó thò tay rút một cái bao khác và chia bịch đường ra hai phần bằng nhau đoạn đưa chị một bịch liền. Vào khỏi cổng trại chị nói như trách:

– Mẹ, tao thấy mày xách tập đi học tối ngày mà có phân nửa cũng không biết là sao?

– Em mới học lớp Hai thôi chị. Hơn nữa chị hỏi bất ngờ quá em không nhớ!

Chị lắc đầu bỏ đi một nước. Gần cả năm sau khi tôi đã học tới lớp Sáu và trưa một hôm lúc tôi đang trên đường từ Thư viện Trung tâm ở khu Tám về nhà, ngang qua Phòng Y tế thì thấy Sister Ann đang đứng cùng chị Sáu với một người phụ nữ và một đứa bé gái độ năm sáu tuổi gì đó. Chị ngoắc tôi qua:

– Mày nói giùm với sister là con này bị bón mấy hôm rồi không đi cầu được nên nó nặng bụng, khóc quá đi.

Nghe chị nhờ, tôi lại hết hồn vì mới hôm qua tôi được cô Thủy dạy về bài “tiêu chảy” nên tôi còn nhớ tiêu chảy tiếng Anh là “diarrhea” mà bây giờ chị lại hỏi “táo bón” thì làm sao tôi biết. Tôi nghĩ thầm “thiệt tình, chị này toàn làm khó mình không. Sao không hỏi tiêu chảy mà lại đi hỏi táo bón chớ?” Tôi lắc đầu đáp thẳng trong khi Sister Ann nhìn tôi chờ đợi:

– Em chỉ biết từ tiêu chảy thôi, còn táo bón thì chịu!

Không nén nổi nỗi thất vọng nơi tôi, chị quay sang Cô Ann nói:

– Sister, sister…

Đoạn chị chỉ con bé rồi đưa cánh tay còn lại của chị ra trước, chỉ xuống dưới hạ bộ mình và hất ra la “Yes, yes” đoạn đưa tiếp bàn tay ra sau mông khoát khoát nói to “No” tức thời Sister Ann hiểu ngay và lập tức dẫn con bé với má nó và chị Sáu vào trong bệnh xá, bỏ tôi vừa ngượng vừa đứng lớ ngớ một mình bên ngoài. Trên đường về, ngẫm nghĩ chuyện vừa qua tôi cảm thấy mắc cỡ quá nhưng cũng vô cùng thán phục chị.

Phi là một nước đang phát triển nên vẫn còn nghèo, do đó nhũng chuyện xấu khác như tống tình, tống tiền là không tránh khỏi. Thời đó có rất nhiều bằng chứng về các “corruptions” này, ví dụ như một người có nhiều thân nhân ở nước ngoài và thường được trợ giúp tiền bạc thì phỏng vấn viên gợi ý việc hối lộ bằng cách hỏi “nếu anh chị cần năm bảy ngàn đô thì người thân có sẵn sàng cho bạn không?” hoặc giả là nam phỏng vấn viên nào gặp một người con gái trẻ trung đẹp đẽ thì anh ta thăm dò như “bạn có thích con trai Phi không? Bạn có muốn làm bạn với con trai Phi không? Nếu bạn được bạn trai Phi mời đi phố chơi thì bạn có đồng ý không… v.v… và v.v…!”

Cứ thế, chúng tôi đã sống qua các tháng ngày hoảng loạn bằng sự khủng bố tinh thần của Cao ủy trên loa truyền thông trại, của những câu chuyện thanh lọc đến độ có nhiều hôm tôi giật mình thức giấc sợ hãi, mồ hôi vã ra ướt đẫm cả lưng trong màn đêm tăm tối vì mơ thấy bị cưỡng bức hồi hương về với cộng sản.

Lúc này Cao ủy bắt đầu thu xếp giải pháp mới cho vấn đề tị nạn Đông Dương. Tại Phi, họ chuẩn bị chuyển tất cả các người đến trước ngày đóng cửa lên PRPC (Philippine Refugee Processing Center) ở Bataan chờ làm thủ tục đi định cư ở đệ tam quốc gia. PFAC chỉ dành cho thành phần đến sau ngày 21 Tháng Ba 1989. Ai tới sau ngày này phải thanh lọc, nếu đậu cũng sẽ được chuyển lên PRPC còn rớt thì ở lại và chờ hồi hương. Sự sắp xếp lại này dù muốn hay không cũng làm nên một hố chia rẽ trong thuyền nhân, tạo nên mặc cảm buồn tủi cho phận người muộn màng và bị bác quyền tị nạn!

Và dù hoàn cảnh có ngặt nghèo như thế nào nhưng khi Tết Tân Mùi 1991 ngấp nghé bên thềm năm mới là các người tha hương chúng tôi lại nghe lòng rộn rã như hương Xuân thoang thoảng quanh đây đồng thời cũng bùi ngùi hoài niệm dĩ vãng thuở ấu thơ. Trong cái cảnh buồn vui xen lẫn muộn phiền lúc đau đáo ngó về quê nhà; nơi có mẹ già luôn mòn mỏi ngóng tin con như “cây đa cũ nhớ mãi bến đò xưa” ấy, Hội đồng Điều hành trại đã cố gắng tổ chức đón Xuân thật trang trọng để cho đồng bào được vơi đi nỗi niềm viễn xứ như lo tập dượt văn nghệ, trang hoàng sân khấu trung tâm nhưng không “dựng nêu” vì muốn tránh vết xe đổ của năm ngoái là gẫy nêu, mang lại lắm bi quan cho thuyền nhân muộn màng như Tiều Cái trong truyện Thủy Hử bị gẫy cờ trước khi xuất trận; một điềm gở của cái chết được báo trước! Phần các hội đoàn thì lo tập múa lân, chuẩn bị đưa Táo quân mang “sớ tị nạn” về bẩm Ngọc Hoàng nỗi lo thanh lọc của thuyền nhân…

Lúc này tôi đã vào làm thiện nguyện trong “Art Team” của Hội đồng Đại diện Nhiệm kỳ 30 do cựu Đại tá Trần Phước Dũ làm Chủ tịch và được chú Phan Văn Minh; group 169 Mangsee, một cán bộ Xây dựng Nông thôn ngày xưa và cũng là một họa sĩ làm trưởng toán, bảo bọc vì hàng tháng chú được em gái bên Mỹ gửi cho $100 nên túi khá rủng rỉnh. Từ đó ngày hai bữa tôi sang nhà chú ở 17 Khu 1 ăn cơm cùng một số anh em mồ côi khác. Trong số này có anh Dũng “đỏ” là người đến trước ngày đóng cửa đảo (PA), rất hiền và ít nói!

Mãi cho đến khi tôi được người ta nói về anh tôi mới giật mình và hơi sợ bởi anh là người được ông Minh; cựu Đại úy Thủy quân Lục chiến VNCH giao cho nhiệm vụ đập đầu mấy người sắp chết để làm lương thực cho số còn sống trên chiếc ghe định mệnh được biết tới là “ghe ăn thịt người” vì bị chiến hạm U.S.S. Dubuque Mỹ bỏ rơi năm 1988. Quyết định sai lầm đầy thảm họa này của ông hạm trưởng Alexander G. Balian cuối cùng đã khiến cho 57 trong tổng số 110 thuyền nhân phải bỏ xác, chỉ còn lại 52 người sống sót bởi được ngư phủ Phi Luật Tân cứu vớt mang vào Bolinao; một thị trấn ở bờ Tây của đảo Luzon, miền Bắc Phi Luật Tân, sau 37 ngày lênh đênh trên biển do bão tố làm hư máy tàu!

Bấy giờ tôi mới để ý anh kỹ hơn thì thấy người anh luôn ửng đỏ dưới làn da trắng mịn và mỗi khi ăn cơm anh ăn rất từ tốn, nhẹ nhàng nhưng lắm lúc đôi tròng trắng mắt anh hiện lên các tia máu đỏ rất nhỏ, những khi đó ánh mắt anh sắc đến nỗi tôi cảm thấy lạnh người, phải ngó đi nơi khác không dám nhìn lâu. Ngoài ra, sát nhà tôi là nhà 13 Khu 1, cạnh bãi biển, có anh Hải vô cùng dễ thương với nụ cười hiền lành. Anh chuyên may Âu phục rất đẹp, chính anh đã may cho tôi chiếc quần tây để vào thanh lọc hôm nào. Anh Hải đi vượt biên trên con thuyền định mệnh kia với anh của anh và người này đã bị giết để xẻ thịt khi hấp hối. Riêng số phận anh Hải thì may mắn hơn bởi chiều hôm ấy ghe của họ được ngư dân Phi giúp đưa vào Bolinao bằng không thì tối đó anh sẽ bị đập đầu để làm thức ăn cho những người khác do chỉ còn thoi thóp!

Câu chuyện này tôi được nghe trên đài VOA khi còn ở bên nhà nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng có ngày tôi lại gặp trực tiếp các nạn nhân trong cuộc. Hèn nào mà nhiều lúc đang nói chuyện cùng tôi, anh Hải bỗng thẫn thờ mắt rơi vào cõi hư không, mặt dại đi một cách kỳ lạ với nỗi kinh sợ tột độ quên cả hiện tại! Đời vượt biển của thuyền nhân Việt Nam thì có nhiều đớn đau, bi thảm không thể tưởng tượng được. Cái giá của tự do là vậy!

Một hồ sơ còn lưu lại của những ngày tỵ nạn (ảnh tác giả gửi)

Thế nên bây giờ vui lúc nào được là họ tận hưởng hết lòng bởi mỗi ngày vui đối với họ là một “bonus” mà Thượng Đế ban cho sau khi trải qua một chuyến hải hành kinh hoàng nên hôm nay họ rất tận tình với các phong tục của quê hương như Tết dù ở bất cứ nơi nào. Vì vậy ở khắp nơi trong trại, đâu đâu cũng thấy người ta tất bật lo toan. Kẻ vô rừng kiếm củi người lại đi tìm nồi to lớn chuẩn bị nấu bánh tét, bánh chưng. Chồng mua lá chuối thì vợ lo lau chùi thật nhộn nhịp!

Hòa trong niềm vui chung ấy, chúng tôi lại vào rừng chọn lựa những cây thật đẹp mang về, lấy giấy xanh làm nụ mai, cắt giấy vàng làm thành những chùm hoa mai năm cánh nở đầy cành trông thật rực rỡ. Ngày Tết giữa nhà có cội mai già nghe ấm lòng vì ngỡ đang ở cùng Xuân. Riêng chú Minh cũng hăng hái mua cọ, màu nước vẽ thiệp Xuân bằng cả tâm hồn của một nghệ sĩ ly hương. Vẽ xong chú liền chụp hình lại và mang ra phố rửa thành nhiều tấm cho chúng tôi gửi về gia đình như là thiệp chúc Tết!

Nhờ đó mà tôi còn có tấm thiệp thời tị nạn này bởi má tôi vẫn trân trọng gìn giữ tất cả những gì thuộc về của tôi cho tới ngày tôi trở về sau gần ba mươi năm cách biệt như một kỷ vật khiến tôi không khỏi nghẹn ngào khi nhìn thấy lại!

Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi, đời con giờ đây đang còn lênh đênh… giờ đây chắc mẹ già tóc bạc nhiều… Đêm nay núi rừng gió nhẹ sang Xuân, thoáng mùi mai nở đâu đây… Bếp hồng quây quần bên nhau, nghe mẹ kể chuyện đời xưa. Mẹ ơi, con hứa con sẽ trở về… chỉ bên mẹ là mùa Xuân thôi. Ngày đi con hứa Xuân sau sẽ về, mà nay… thoáng mùi mai nở đâu đây… Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về, dù cho dù cho Xuân này đi qua, dù cho én từng bầy bay về ngàn, dẫu gì rồi con cũng về. Chỉ bên mẹ là… mùa Xuân thôi!

Đêm hai mươi tám Tết, anh em chúng tôi ngồi trùm mền, co ro dưới tiết trời lành lạnh ngoài khoảng đất trống trước nhà, canh nồi bánh tét trên bếp lửa bập bùng với chai rượu Tanduay (một loại rượu đế của Phi rất ngon và mạnh) trong tiếng đàn guitar ngọt lịm của Ninh và giọng hát mùi mẫn, da diết của thằng Quang qua bài “mùa Xuân của mẹ” mà lòng bùi ngùi thổn thức, sầu dâng lên cao lúc nhớ về quê hương thật nhiều. Xa xa, quanh “xóm” tôi, nhiều ánh lửa cũng lập lòe hòa cùng tiếng củi cháy nổ lốp bốp trong đêm trường nghe thật vui tai. Nhìn bà con tưng bừng tới lui lo Tết, con Nhạn ngồi cạnh tôi bỗng chạnh lòng khóc rống lên. Nó khóc thảm thiết, sụt sùi như chưa bao giờ khóc. Mọi người thôi đàn ngưng hát, im lặng đồng cảm với nỗi lòng của Nhạn. Ngày ra đi nó đã bỏ cha mẹ, anh khờ, em dại lại sau lưng, bỏ cái thị xã Sông Cầu nghèo nàn mà thơ mộng như bức tranh thủy mạc để đến đây; hoang đảo buồn và đẹp nhưng nó vẫn cảm thấy bơ vơ bởi tứ cố vô thân!

Sống một mình côi cút chốn này, “thân gái dặm trường”, Nhạn lấy các bạn bè mới quen làm người thân, lấy đồng hương xung quanh làm gia đình để bù vào nỗi mất mát không dễ gì thay thế kia. Nó biết không phải chỉ riêng nó mà tất cả, lúc bước chân ra đi là đều mong có ngày trở lại nhưng là một ngày trở lại khác với khi ra đi. Tuy nhiên trong tình cảnh hiện tại thì xem ra ước mơ kia chỉ vẫn mãi là mơ ước! Khóc chán rồi nó thút thít nghĩ tới sau cái mùa Xuân ấm cúng này thì nó, đứa con gái hai mươi tuổi đầu vừa được phái đoàn Canada đón nhận và những người PA sẽ lên đường đi Bataan, bỏ các người PS kém may mắn lại đây.

Nó không biết tương lai của nó sẽ thế nào khi tới sinh sống nơi vùng tuyết giá mà nó từng thấy qua hình ảnh nhưng dù sao thì vẫn còn hơn họ nhiều vì không phải lo sợ sẽ phải trở về với cộng sản. Nó thương mến họ, những số phận hẩm hiu, bởi dẫu sao họ cũng sống với nó hơn hai năm trời như chú Minh rồi bây giờ là tôi chẳng hạn. Ngày xưa chưa có chương trình thanh lọc thì thuyền nhân đến đảo chỉ ở chung với nhau dăm bảy tháng. “Yes, yes, no, no sáu tháng rồi cũng go!” nên tình thân với nhau không có nhiều như với đám “bi đát” tụi tôi bây giờ!

Đang nghĩ ngợi miên man đột nhiên từ ngoài khơi một luồng gió biển chợt thổi mạnh vào khiến ánh lửa lập lòe tắt phụt. Không gian trở nên tối đen như phận thuyền nhân muộn màng. Ôi buồn quá, những mùa Xuân tị nạn khó quên, tôi nghĩ thầm!

Ohio, ngày 3 Tháng Một năm 2022 (nhằm ngày Mùng 01 Tháng Chạp năm Tân Sửu)

Kỷ niệm một mùa xuân cũ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: