“Người từ trên trời rơi xuống” vẫn là bí ẩn

Minh hoạ: Etienne Jong/Unsplash

Đó là một buổi chiều Chủ Nhật mùa Hè êm đềm ngày 30 Tháng Sáu, 2019 khi Wil, một kỹ sư phần mềm 31 tuổi đang nằm dài trên chiếc nệm bơm hơi bên ngoài ngôi nhà của mình ở thị trấn Clapham, phía Tây Nam London trong bộ đồ ngủ, uống bia Ba Lan và trò chuyện với người bạn cùng nhà thì nhìn thấy một chiếc Boeing sắp hạ độ cao để hạ cánh xuống sân bay Heathrow của thành phố. Trên điện thoại của mình, Wil khoe với người bạn xem một ứng dụng cho phép người dùng biết tuyến đường và mô hình của bất kỳ máy bay nào đang bay trên đầu. Anh giơ điện thoại lên, che nắng và nheo mắt nhìn lên bầu trời. Bất ngờ, Wil thấy một vật gì đó rơi xuống. 

Cái chết từ trên bầu trời

“Lúc đầu, tôi nghĩ đây là một chiếc túi, nhưng sau một vài giây, nó biến thành một vật thể khá lớn và rơi nhanh – anh kể lại – Có thể đây là một bộ phận tách khỏi bộ hạ cánh máy bay hoặc một chiếc vali rơi từ hầm chứa hàng. Nhưng khi vật lạ đến gần, trong vài giây cuối cùng, tôi kinh hoàng khi nhìn thấy những chi tiết giống như chân tay người và sợ rằng một ai đó sắp tiếp đất!”. 

Wil chụp nhanh ảnh màn hình còn người bạn gọi điện ngay cho cảnh sát để khẩn báo những gì họ chứng kiến. Máy bay trên bầu trời là chiếc Boeing 787-8 Dreamliner của hãng hàng không Kenya Airways đang thực hiện chuyến bay chuyến bay KQ 100, cất cánh từ sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở thủ đô Nairobi lúc 8g6 phút, tức 9g35, giờ London. Wil lên chiếc xe máy chạy đi tìm vật thể lạ đó và cầu nguyện sẽ gặp một chiếc túi, chiếc áo choàng hoặc một cái gì đó không phải cơ thể người. 

Nhìn thấy một chiếc ba lô nằm trên đường, anh cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng lớp bụi phủ bên ngoài cho biết nó không rơi từ máy bay. Anh nhớ lại: “Lúc tôi đi tiếp con đường gần đó, một xe cảnh sát lao nhanh theo chiều ngược lại suýt đâm vào. Tôi buột miệng: Ôi lạy Chúa, họ có một cái xác!”. Wil bám theo xe cảnh sát đến đường Offerton, cách nhà 300m và thấy một thanh niên đẹp trai mặt xanh xao khoảng 20-30 tuổi đứng run rẩy và im lặng bên ngoài ngôi nhà. Đó là John Baldock, một kỹ sư phần mềm đến từ Devon. Wil nhìn qua cửa sổ thấy cỏ ở sân bị dập nát một góc. “Tôi hỏi John, có ai vừa rơi xuống đây phải không? Anh ta không nói gì, mà chỉ gật đầu”. 

Wil đã đúng. “Vật lạ” là một người đào thoát, trốn theo máy bay và đã rơi xuống. Vụ việc được giao cho đơn vị cảnh sát đô thị chuyên điều tra người mất tích với sự hỗ trợ của thám tử Paul Graves thuộc đội chuyên trách tội phạm. “Tôi nghĩ vụ án này rất thú vị vì chưa có tiền lệ” – Graves nói với truyền thông trong văn phòng nhỏ tại đồn cảnh sát Brixton. Trong 30 năm hành nghề cảnh sát, là một thám tử cấp cao giàu kinh nghiệm, Graves từng phá thành công nhiều vụ đâm chém, xả súng, bắt cóc, mưu sát nên rất quen sự “truy sát” của báo chí; truy vấn của gia đình, bạn bè nạn nhân và cả những nhân chứng miễn cưỡng hợp tác. 

Graves hy vọng sớm xác định được danh tính nạn nhân để đưa thi thể anh ta về đất nước mình. Nhận được điện báo, cảnh sát lập tức đến đường Offerton để lấy lời khai của Wil, bạn anh và những người láng giềng. Cảnh sát cũng liên lạc với phi cảng Heathrow. Phi cảng cho người kiểm tra các khoang chứa bánh xe của chiếc Boeing, nơi có một khoảng trống vừa đủ để một người ẩn nấp trong tư thế cúi đầu. Bên trong khoang, toán kiểm tra tìm thấy một chiếc ba lô bằng vải kaki cũ có chữ viết tắt MCA nhưng không chứa manh mối quan trọng nào trong đó, chỉ có một đôi giày, một ít bánh mì, một chai Fanta, một chai nước lọc và vài đồng tiền Kenya. 

Graves cho biết, chuyến bay xuất phát từ Johannesburg đến Nairobi rồi mới đến London, nhưng chai Fanta mua ở Nairobi nên không có khả năng người trốn lên máy bay từ Nam Phi. Tại nhà xác Lambeth, giám định pháp y lấy mẫu DNA và bản sao dấu vân tay nạn nhân rồi gửi cho phía Kenya. Tin không vui là dấu vân tay không có trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát Kenya! Khi Graves đang điều tra, các phóng viên thi nhau tìm kiếm thông tin liên quan đến giá trị ngôi nhà mà John đang thuê (2.3 triệu bảng Anh) ở đường Offerton, và cả Đại học Oxford, nơi anh ta theo học. 

Khó sống nhưng vẫn có người sống sót thần kỳ

Vụ án thu hút nhiều người quan tâm và là tin hot cho báo giới dù câu chuyện về những người di cư mạo hiểm mạng sống đến châu Âu không hề mới và ít được quan tâm. 

Một tháng trước đó, số thuyền vượt eo biển Channel từ Pháp sang Anh lập kỷ lục bị bắt giữ trong một ngày với hơn 70 người được cảnh vệ biển cứu vớt. Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc ước tính mỗi ngày có khoảng sáu người di cư chết trên biển Địa Trung Hải! Nhưng câu chuyện về người một người vô danh, đến từ một đất nước có 1/3 dân số có thu nhập dưới $2/ngày, rơi từ khoang bánh máy bay xuống một trong những nơi giàu có nhất thế giới quả là hiếm. 

Graves nói: “Nạn nhân đến vùng đất hứa với tốc độ cao theo chiều thẳng đứng từ một vị trí ẩn nấp vô cùng nguy hiểm”. Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ, từ 1947 đến Tháng Hai, 2020, có 128 người trên thế giới cố gắng đào thoát theo cách này với tỉ lệ tử vong là 75%. Thường là văng khỏi máy bay đang cất cánh, như Keith Sapsford, 14 tuổi vào Tháng Hai, 1970 hoặc như một học sinh rơi khỏi khoang bánh chiếc Douglas DC-8 từ Sydney đến Tokyo hoặc bị thiết bị hạ cánh nghiền nát khi nó rút bánh xe lên như vụ xảy ra vào Tháng Bảy, 2011 với Adonis Guerrero Barrios, 23 tuổi tại thủ đô Havana trên chiếc Airbus A340 nhắm hướng Madrid, Tây Ban Nha. 

Minh hoạ: pixpoetry/Unsplash

Khoảng 25 phút sau khi cất cánh, hầu hết máy bay chở khách đều đạt độ cao bay là 10,500m. Nhiệt độ bên ngoài máy bay xấp xỉ -54C, nên dù các đường ống thủy lực dùng thu, mở bánh xe tỏa nhiệt, làm tăng nhiệt độ đến 20C thì nhiệt độ -34C vẫn đủ lạnh để gây hạ thân nhiệt, gây tử vong. Không khí ở độ cao chứa khoảng 4% oxy, thấp hơn khoảng 5 lần so với mực nước biển làm cơ thể thiếu oxy và máu không cung cấp đủ oxy cho các mô, gây ra đau tim và chết não. 

Việc giảm áp suất không khí nhanh chóng lúc máy bay lên cao gây ra chứng giảm áp, các bong bóng khí hình thành trong cơ thể, làm suy nhược một số cơ phận, dễ dẫn đến tử vong. Nếu người trốn vẫn sống sót suốt cuộc hành trình, chắc chắn họ sẽ bất tỉnh khi máy bay bắt đầu hạ độ cao. 

Tuy nhiên, một số người trốn theo máy bay vẫn sống sót “phi thường” mà các nhà khoa học không giải thích được do không thể thử nghiệm mô phỏng những gì thực sự xảy ra khi một người thu mình vào khoang chứa bánh xe trong tình trạng biến động nhanh của áp suất, nhiệt độ… Paulo Alves thuộc Hiệp hội Y tế Hàng không Vũ trụ cho biết: “Có điều gì đó bí ẩn khoa học chưa hiểu hết được. Dự đoán khả thi nhất là những người liều mạng đã đánh lừa được thần chết?”.

Lý giải

Stephen Veronneau, chuyên gia hàng đầu thế giới về hành động trốn theo máy bay, đã nêu ra giả thuyết “tình trạng ngủ Đông” trong một bài nghiên cứu năm 1996 cho Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ. Ông viết: “Thân nhiệt của một số người có thể giảm xuống 27 độ C (thân nhiệt khỏe mạnh từ 36,1-37,2 độ C) hoặc thậm chí thấp hơn dẫn đến tình trạng ‘ngủ Đông’. Khi máy bay hạ cánh, oxy sẽ được nạp lại. Nếu nạn nhân may mắn tránh được tổn thương não, tử vong do thiếu oxy và hạ thân nhiệt, ngừng tim hoặc suy giảm mạch máu thần kinh họ sẽ phục hồi ý thức lúc máy bay hạ cánh”. 

Nghiên cứu về các trường hợp chết đuối trong nước lạnh dường như ủng hộ giả thuyết của Veronneau. Ví dụ, vào Tháng Hai, 2011, 13 học sinh và hai giáo viên ở trên một chiếc thuyền bị lật trong một con vịnh hẹp băng giá trên đường đến trường ở Đan Mạch. Một số giáo viên và học sinh bơi được vào bờ và báo cho cơ quan chức năng.  Khi toán cấp cứu đầu tiên đến hiện trường 103 phút sau đó, họ tìm thấy bảy học sinh bất tỉnh, nổi trong nước ở nhiệt độ -2 độ C. Hai giờ sau họ mới được đưa bằng máy bay đến bệnh viện khi tim gần như ngừng đập và thân nhiệt dưới 18.4 độ C. Theo bác sĩ cấp cứu Michael C Jaeger Wanscher, bảy học sinh gần như chết lâm sàng. Tại bệnh viện Copenhagen’s Rigshospitalet, đội hồi sức làm tăng nhiệt độ máu lên 1 độ C sau mỗi 10 phút để đưa thân nhiệt trở lại 36 độ C. 

Họ dùng máy chuyển máu khỏi cơ thể, cấp oxy cho nó rồi bơm trở lại để phục hoạt động của tim phổi. Sau đó, các nạn nhân được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt và tiếp tục được thở máy thêm một thời gian. Như phép lạ, cả bảy nạn nhân đều tỉnh lại, chỉ có một người tổn thương nặng thể chất và nhận thức. Sáu người còn lại bị tổn thương não từ nhẹ đến trung bình và sau đó đã quay lại trường học. 

“Khi gần bị đóng băng, nhu cầu oxy và năng lượng của cơ thể giảm đi, khiến não ít bị tổn thương hơn. Đến lúc được làm ấm trở lại, nạn nhân sẽ thức tỉnh, giống như sau một giấc mơ – Alves nói – Một số người trốn theo máy bay cũng có thể sống sót nhờ bị bao phủ trong băng giá, và trải qua quá trình hạ thân nhiệt. Họ được đóng băng, và sống lại thần kỳ. Nghe thì viển vông nhưng vẫn có thể là sự thật.

Cuộc điều tra vô vọng

Vào Tháng Chín, 2019, ba tháng sau khi tham gia điều tra vụ án, Graves bay đến Kenya, với hy vọng sẽ xác định người trốn theo chiếc Boeing. Cảnh sát đưa anh tham quan sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi và cho phép truy cập các đoạn ghi hình. 

Họ cho biết sau khi máy bay hạ cánh từ Nam Phi, nó được kéo về bãi đậu và nằm đó trong năm giờ, trước khi chuyển đến cổng khởi hành 17, nơi hành khách lên chuyến bay đến London. Camera quan sát tại cổng khởi hành và đường băng không phát hiện có ai nhảy lên máy bay và không thấy ai leo lên khoang bánh. Điều đó có nghĩa là người trốn gần như chắc chắn đã lên máy bay tại bãi đậu, nơi camera quan sát kém. 

Làm thế nào anh ta trốn lên được? Không khó lắm nếu chui vào khoang chứa bánh sau nhưng khó hơn nhiều là tiếp cận được gầm máy bay trước khi nó cất cánh. An ninh tại Jomo Kenyatta International vẫn được thắt chặt vào thời điểm đó. Graves nói: “Camera không phát hiện bất kỳ vi phạm an ninh nào. Tất cả nhân viên phải có thẻ mới đi qua được các cổng an ninh. Nhưng họ được tiếp cận máy bay để làm vệ sinh, tiếp nhiên liệu và chất hàng trước khi cất cánh”. 

Ban điều hành sân bay Kenya khẳng định với Graves: tất cả nhân viên đều bị cảnh sát phỏng vấn nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ hỗ trợ người đi lậu. Một khả năng khác là người trốn tiếp cận máy bay bằng cách lẻn vào hàng rào an ninh bên ngoài. Điều này từng xảy ra vào năm 2014, khi Yahya Abdi, 15 tuổi, trèo qua hàng rào tại sân bay San Jose ở tiểu bang California và bay đến Hawaii và may mắn đến nơi an toàn (thành phố phải bỏ ra $14 triệu củng cố lại hàng rào). 

Các quan chức sân bay khẳng định với Graves không hề có chuyện này tại sân bay của họ. Sự thật rõ ràng, kẻ rơi xuống từ bầu trời London là người Kenya, nhưng Graves vẫn chưa thể tìm thấy. Anh nhớ lại khi ngồi trên chuyến bay đến Kenya, chỉ chốc lát sau khi máy bay rời đường băng, anh nghe thấy tiếng kêu rắc rắc của bánh xe  rút lên và nghĩ đến cảnh khủng khiếp nếu có một người thu mình trong khoang bánh. 

Bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn

Kể từ những ngày đầu tiên của ngành hàng không, đã có nhiều người trốn lên máy bay vì đủ mọi lý do: Nghèo đói, tuyệt vọng. Bas Wie, 12 tuổi, trốn trong chiếc Douglas DC-3 từ Indonesia đến Úc năm 1946 là một đứa trẻ mồ côi sống bằng thức ăn nhà bếp trong sân bay Kupang ở Tây Timor. Những người trốn trong khoang bánh máy bay đều là nam giới và muốn ra nước ngoài. Trường hợp trẻ nhất là một cậu bé 9 tuổi. Rất ít trường hợp trốn trong tuyến bay nội địa. 

Sân bay Jomo Kenyatta/Unsplash

Khi Graves bất lực hoàn toàn tại Kenya trong việc xác định danh tính người chết, anh chỉ còn một việc là công bố những phát hiện của mình cho truyền thông với hy vọng “đánh thức” câu chuyện và kích hoạt trí nhớ của ai đó để họ lộ diện. Ý định này không được những người điều hành sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ủng hộ. Năm 2017, sân bay này được phân loại an ninh loại 1, cho phép các chuyến bay thẳng đến Mỹ. Nhà báo người Kenya Hillary Orinde, làm việc cho hãng tin AFP nhận định: “Có một mối lo của chính quyền sở tại là nếu người trốn theo chuyến bay là từ Jomo, sân bay sẽ bị đánh sụt hạng an ninh”. 

Trở lại Anh vào Tháng Mười, Graves phổ biến bức ảnh khuôn mặt của nạn nhân được các nhà nhân trắc học phục dựng cùng với ảnh chụp số tài sản ít ỏi của nạn nhân và chữ MCA viết tắt trên ba lô. Ngày 12 Tháng Mười Một, Sky News công bố kết quả điều tra xác định nạn nhân là Paul Manyasi, 29 tuổi, nhân viên vệ sinh của sân bay. Bạn gái của Manyasi, bí danh Irene, còn nói với Sky, MCA chính là biệt danh của Manyasi. Mẹ anh cũng nhận ra quần lót của con trai. 

Tuy nhiên, Willy Lusige, phóng viên kênh truyền hình KTN News của Kenya không tin vào phát hiện, và cuộc điều tra riêng của anh đã “đánh đổ” cuộc điều tra của Sky News. Không có hồ sơ nào về Paul Manyasi tại sân bay Jomo Kenyatta! Người mẹ được cho là có đứa con tên Paul thực ra con bà là Cedric Shivonje Isaac còn sống và đang ngồi tù ở Nairobi! 

Ngày 22 Tháng Mười Một, Sky phải rút lại bài báo và đăng lời xin lỗi. Đến cuối năm 2019, phía Kenya đã kết thúc cuộc điều tra của họ. Không có vi phạm an ninh nào được tìm thấy tại sân bay Jomo Kenyatta International nên nó vẫn giữ vững loại 1. 

Nhưng một năm sau, chuyện kỳ lạ xảy ra. Ngày 4 Tháng Hai, 2021, một chuyên cơ vận tải Airbus A330 của Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh xuống Maastricht. Máy bay xuất phát từ Jomo Kenyatta vào ngày 3 Tháng Hai, dừng ở Istanbul và London, rồi hạ cánh xuống Hà Lan. Người ta phát hiện ngồi trong bộ phận hạ cánh là một cậu bé 16 tuổi người Kenya. 

Thật kỳ diệu, cậu sống sót và được xuất viện sau một ngày. Nhưng sân bay Jomo Kenyatta vẫn không thừa nhận vụ việc hoặc giải thích. Cuối cùng, danh tính của người đàn ông rơi xuống đất vào ngày 30 Tháng Sáu, 2019 vẫn biệt tăm. Anh ta được chôn cất tại nghĩa trang Lambeth vào ngày 26 Tháng Hai, 2020. Trên quan tài có một tấm bảng kim loại, ghi: “Vô danh (nam), mất ngày 30 Tháng Sáu, 2019, 30 tuổi”.

(Theo The Guardian và các báo khác, 2021)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: