Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn từ giữa thế kỷ 16 đến thế kỷ 19

Minh họa: tinki-unsplash

Huyện Tống Sơn xưa chỉ là một dải đất nhỏ hẹp, càng thêm chật hẹp bởi núi liên chi, đồi bát úp. Đây là hình ảnh đặc trưng nhất của Thanh Hoá, cả ba miền rừng núi, trung du, và đồng chiêm trũng cùng hoà hợp trên một vùng đất cổ. Có lẽ họ Lê (tổ tiên của tuyên uý Lê Huấn) đến trước chọn nơi cát địa nhất, lập lên trang Bái Nại rồi hương Đại Lại, lưng tựa vào dãy núi Ông Lâu hình long ngai, hướng nhìn ra sông Lèn vòng tay ôm phía trước.

Năm 1336, Lê Quý Ly sinh ở mảnh đất “phát vương” này để thành Hồ Quý Ly, ông vua nhiều danh tiếng cũng lắm tai tiếng. Họ Nguyễn (tiên tổ của Bình Ngô khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn) hẳn là đến sau, không ngại rừng thiêng nước độc, lập trại ấp Bái Nại, phát triển thành Bái Trang, sau là Gia Miêu Ngoại Trang ở một góc khuất hoang vắng, nơi núi Bái Sơn dáng rồng nằm gặp dãy Tam Điệp như đàn hổ dữ đuổi theo hai con trâu chạy ra tận sát mép biển Đông (1). Họ Nguyễn đến đây từ bao giờ? Họ bí mật chui qua lỗ đơm đó của ông Khổng Lồ trên đèo Ba Dọi hiểm trở, hay đàng hoàng vượt biển Thần Phù sóng gió rồi ngược dòng Tống Giang lên Bái Sơn?

Vua Gia Long nói: “Tổ tiên ta công đức chứa chồng, có hơn ngàn năm, nhưng thế đại xa cách, sự tích thiếu sót” (2). Và họ Nguyễn cũng chỉ truy tầm để truy phong đến đời ông nội Nguyễn Hoàng là Nguyễn Hoằng Dụ, thân phụ Nguyễn Kim. Địa danh Gia Miêu đã thấy nói đến ở đời Lê Thái tổ, với ba “trang” Gia Miêu Ngoại, Gia Miêu Nội, Gia Miêu Thượng, trong đó, Gia Miêu Ngoại là “anh cả”. Chữ “Gia Miêu” 嘉苗 là mạ (cấy lúa).

Tổ tiên Nguyễn Công Duẩn đã sớm biến cả một vùng sơn lam chướng khí, nước độc hoá nước lành, đất chua thành đất ngọt để xây nên những đồng lúa tốt. Chắc chắn lương thực gia đình họ Nguyễn phải tích luỹ qua nhiều đời, giàu hơn cả Lê Lương giáp Bối Lý thời Đinh Lê, mới đủ cung cấp cho nghĩa quân Lam Sơn nhiều vạn thạch lương trong suốt 10 năm kháng chiến.

Câu chuyện “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” giống như một giai thoại vui vui. Nguyễn Hoàng vào Hoành Sơn đâu phải để dung thân mà để lập thân. Đặt chân lên đất Hoành Sơn, Nguyễn Hoàng cùng Nguyễn Ư Dĩ (người cậu ruột nuôi cháu từ lúc mới hai tuổi) bàn tính kế lâu dài “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng” lại thường xưng là chúa Tiên”, tỏ rõ khát vọng lớn, lập giang sơn riêng. Đến phút cuối đời, Nguyễn Hoàng vẫn chỉ một niềm mong muốn “dựng nên nghiệp lớn”.

“Nghiệp lớn” của Nguyễn Hoàng cũng như các đời chúa kế tiếp đều mang danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Thế là anh em thành cừu thù, đất nước xảy ra chiến tranh. Tất nhiên nếu không có chiến tranh, lịch sử sẽ mười phần hoàn hảo. Tuy nhiên, chiến tranh đã dạy cho cả hai bên những bài học đắt giá. Từ sau thất bại ở Nghệ An (1655-1660), chúa Nguyễn Phúc Tần nhận ra phía Bắc không phải là con đường mở nước. Và những lần tiến đánh Nam Hà tiếp đó của các chúa Trịnh như càng thúc giục thêm các chúa Nguyễn sải dài hơn bước chân mở đất về phương Nam.

Minh họa: kayla-kozlowski-unsplash

__________

Chính sách di dân khẩn hoang là quốc sách lớn của chúa Nguyễn. Nòng cốt của đội quân khẩn hoang vô cùng đông đảo ấy không phải là dân nghèo phiêu dạt. Trước hết, họ là những nhà giàu có, những nông dân biết làm ăn, những quan lại am hiểu nghề ruộng mang theo những thành phần bất hảo: lưu dân, tù binh, hàng binh, tội đồ, nô lệ,… người người, lớp lớp tiến về miền đất mới. Tổ tiên chúa Nguyễn xuất thân là dân khai hoang lập ấp, từ hoang rậm mà có trăm kho nghìn lẫm, từ dân lân, dân ấp mà thành trụ cột quốc gia.

Những anh hùng ấy khi gấp khúc lươn, họ lại trần lưng tay cày tay cuốc cùng gia nhân, tướng sĩ tự mưu sinh, tích luỹ lương thực chờ thời cơ mới, tiêu biểu: Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim,… Các chúa Nguyễn không chỉ có truyền thống mà còn biết phát huy truyền thống bằng kinh nghiệm thực tế và tư duy sáng tạo của mình để tổ chức sản xuất, quản lý lao động, khắc phục thuỷ thổ, đấu tranh chống thiên nhiên, xây dựng trại ấp,… giúp dân an cư lạc nghiệp trên quê mới.

Quốc sách di dân khẩn hoang lập làng của các chúa Nguyễn giải quyết có hiệu quả vấn đề nông dân trong lịch sử, hạn chế tới mức thấp nhất căn bệnh nan y của xã hội phong kiến, có lúc, có nơi xảy ra khá trầm trọng là phiêu tán, tệ nạn, trộm cướp… dẫn đến bạo động, loạn lạc,… ảnh hưởng an ninh quốc gia. Các chúa Nguyễn, ngoài trách nhiệm dựng nước và giữ nước còn tự giao phó cho mình nhiệm vụ mở nước.

Trong tình hình bấy giờ, mở nước cũng chính là dựng nước và giữ nước. Họ mở nước đến đâu, di dân khẩn hoang, lập làng đến đó, và ngược lại, di dân khẩn hoang, lập làng đến đâu, mở nước tới đó. Nghĩa là dân ở đâu, cõi bờ ở đó. Nếu giặc xâm phạm cõi bờ, chính người dân ở đó cầm vũ khí, tự bảo vệ làng quê mình. Trong khoảng 200 năm, các chúa Nguyễn mở mang được gần nửa nước, từ Phú Yên, Khánh Hoà đến An Giang, Hà Tiên, công nghiệp sánh với mấy nghìn năm lịch sử.

__________

Tuy nhiên, lịch sử đất nước cũng như mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ, có thịnh suy, tồn vong. Nhà Đinh trung hưng thất bại. Nhà Lý bị diệt là mất luôn. Nhà Trần trung hưng đến hai lần đều không thành. Hai nhà: Hậu Lê và Nguyễn đều sáng chói sự nghiệp Trung hưng. Tuy vậy, các vua Lê Trung hưng đều là cái bóng mờ trên ngai vàng đã nhạt màu son. Riêng nhà Nguyễn làm chủ cả một vùng giang sơn rộng lớn nghìn xưa chưa từng thấy. Nhưng đó là do thực lực nhà Nguyễn hay bởi bàn tay can thiệp giúp đỡ của nước ngoài?

Thực tâm, Nguyễn Ánh trên bước đường cùng, chưa dám quyết định cầu viện vua Xiêm vì chưa tin lắm ông bạn láng giềng nhiều tham vọng. Nhưng tướng Châu Văn Tiếp lại thua trận Cá Trê, đánh liều chạy sang Vọng Các kêu cứu. Vua Xiêm sai hai người cháu Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem hai vạn quân giúp Gia Định trả thù Tây Sơn vốn đã gây cho Xiêm mối bất bình từ trước.

Nguyễn Ánh không thể không chấp nhận vì lúc ấy ông chẳng còn tí quyền hành nào ở Gia Định. Việc bất ngờ xảy ra đến cả vua Xiêm cũng không thể ngờ là Chiêu Tăng, Chiêu Sương thả cho quân sĩ cướp bóc, hãm hiếp, tàn hại dân lành, tranh nhau cả tiền bạc Tây Sơn ném ra làm mồi nhử, khiến Nguyễn Ánh thất vọng tin chắc sẽ thất bại, đành tập hợp bề tôi của mình cấp tốc rút về đảo Thổ Chu. Tại đây, theo lời Bá-Đa-Lộc, Nguyễn Ánh phải than rằng người Xiêm lừa gạt ông, mượn cớ lập lại quyền bính cho ông để dùng danh vị ông mà cướp bóc dân chúng và bắt sống ông thôi (3).

Dù sao, sai lầm của Châu Văn Tiếp dẫn đến hậu quả nhân dân Gia Định bị tàn hại, Nguyễn Ánh là chủ soái vẫn phải chịu trách nhiệm.

Mạc thị gia phả, tập sử liệu của người đương thời sống trong cuộc chép rất rõ: “Chiêu Tăng và Chiêu Sương vẫn thả quân cướp bóc tàn hại dân chúng”… Vua (tức Nguyễn Ánh) ngăn cản không được, nhỏ nước mắt than: “Việc phục quốc cốt là lo cho nước cho dân, thế mà nay để cho bọn ấy thả sức làm điều bạo ngược, làm quốc chủ như ta làm gì, kẻo rồi giặc nguỵ (tức Tây Sơn) lại vin vào cớ đó vu cho ta rước giặc về tàn hại nhân dân. Ta không nỡ nhìn thấy cảnh đó. Chư tướng xin từ nay không để mặc cho bọn chúng hoành hoành tàn bạo nữa” (4).

Sau đó, nhiều lần vua Xiêm muốn gửi quân sang giúp, Nguyễn Ánh đều không nhận. Ví dụ: Tháng Chín năm Quý Sửu (1793) vua Xiêm sai đại tướng Chất Trì đóng quân năm vạn ở Nam Vang, gửi 500 chiến thuyền đậu ở Hà Tiên, đưa thư hẹn giúp Nguyễn Ánh diệt Tây Sơn, nhưng ông từ chối khéo. Nguyễn Ánh không dễ quên bài học hơn 10 năm trước. Ông nói với tướng sĩ: “Mượn người ngoài giúp, đưa họ vào trong nước mình, sợ di mối hại về sau” (5).

Nhưng phải chăng, “miệng đọc ca, tay gẩy đàn lỗi”, Nguyễn Ánh vẫn cầu viện phương Tây! Tại sao?

__________

Bá-đa-lộc đem Hoàng tử Cảnh đi cầu viện từ cuối năm 1784, đầu năm 1787 mới đến nước Pháp. Rồi 10 tháng sau, ngày 28 Tháng Mười Một 1787, hiệp ước mới được ký kết, một bên là đại diện vua Louis XVI, một bên Bá-đa-lộc được Nguyễn vương uỷ nhiệm với tờ giấy viết từ năm, sáu năm trước!

Không có quốc thư, chỉ có một tín vật làm tin, đó là chú bé mang tên Hoàng tử Cảnh, lúc ra đi tuổi lên ba, bây giờ lên bảy! Pháp hứa giúp Nguyễn Ánh bốn chiếc tàu, 1,200 bộ binh, 200 pháo binh, 250 lính Phi, để đổi lấy cửa biển Hội An, sau thêm hòn Côn Lôn. Pháp được toàn quyền và độc quyền thương mại ở Nam Hà (8).

Nhưng hiệp ước không thành! Nhiều năm sau, một số người Pháp còn tắc lưỡi tiếc của vì đã bỏ mất món hàng béo bở. Họ không biết chính bởi món hàng hiệp ước Versailles quá hời tới mức không ngờ, Toàn quyền De Conway, người được giao trách nhiệm thi hành hiệp ước, vốn tính đa nghi càng thêm hồ nghi. Ông đã phái nhiều tàu đến Nam hà thám thính, tìm hiểu các cửa biển, các đảo lớn nhỏ và thực lực Nguyễn Ánh… Hẳn là tên cáo già này đã đánh hơi thấy nhượng địa quan trọng: Cửa bể Hội An thuộc quyền quản lý của Tây Sơn hùng mạnh, còn Côn Lôn chỉ là hoang đảo giữa trùng khơi mịt mù sóng gió!

Tờ báo Gazette Nationale ngày 14 Tháng Sáu 1789 xuất bản tại Pondichéry viết: “Không bao giờ tình hình dễ dàng cho việc lập lại quyền bính cho ông vua mất ngôi đã trở về chiếm năm tỉnh phía Nam như bây giờ” (9). Đó là một nhận xét đầy mỉa mai: Một ông vua mất ngôi, mới trở về tạm thời chiếm được Gia Định như Nguyễn Ánh mà dám đòi nhường đất đai đã thuộc về một ông vua hùng mạnh của Tây Sơn!

Trước tình hình ấy, Nguyễn Ánh phản ứng như thế nào? Ông rất mừng khi Hoàng tử Cảnh đã được Bá-đa-lộc bảo vệ yên lành, tổ chức đón rước linh đình tại Vũng Tàu. Còn hiệp ước Versailles, De Conway coi là “một trò đùa”, Nguyễn Ánh cũng xem như tờ giấy lộn! Nó có vẻ giống chuyện chú Cuội bán đàn vịt trời trong truyện cười dân gian Việt Nam, một thứ mẹo vặt rất An Nam!

Nhưng hiệp ước Versailles sẽ dẫn tới chiến tranh Pháp với Tây Sơn nếu Pháp muốn có được cửa bể Hội An, và như “Chiến quốc sách” “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”. Có lẽ đó mới là thâm ý của “ngư ông” Nguyễn Ánh. Sự thật, lúc bấy giờ, con voi Louis XVI đã già, quá già, lại đang sa lầy ở chính nước Pháp và chưa biết đến bao giờ mới thoát ra được.

Cần nói thêm, hiệp ước Versailles thất bại, Bá-đa-lộc không thể đi không lại về không. Con đường truyền giáo của Đức cha có thể chấm hết nếu ông bị mất lòng tin đối với Nguyễn Ánh. Ông vất vả chạy ngược, chạy xuôi mới quyên nổi tiền mua 1,000 khẩu súng trường và mộ được 19 người, gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng giống nhau ở điểm hám lợi, ham danh!

Họ đến Gia Định Tháng Bảy 1789, thường ngày lo đánh chén hơn đánh giặc và rốt cuộc đánh bài chuồn sau mấy năm “làm ăn” không phát tài! Theo số liệu của các giáo sĩ: Trong quân đội của Nguyễn Ánh đến năm 1800, số người Tây cũng chỉ có khoảng hơn 40 người!

Ảnh: annie-spratt-unsplash

__________

Cái người xưa gọi là “khí số” chính là vai trò lịch sử. Khi nhà Tây Sơn hết vai trò lịch sử, lịch sử tất phải chọn ai đó, không người này thì người khác, đứng ra dọn dẹp đống đổ nát để xây dựng trên nền tảng quốc gia ngôi nhà mới. Và lịch sử đã chọn Nguyễn Ánh. Lịch sử có thể chọn nhầm ai đó, nhưng với Nguyễn Ánh, là nhân vật xứng đáng nhất vì ông đã thành công nhất. Nếu không chọn Nguyễn Ánh, lịch sử chọn ai bấy giờ? Điểm mặt các anh hùng, hào kiệt nổi lên buổi ấy, không còn ai hơn Nguyễn Ánh hay bằng Nguyễn Ánh.

Thiết tưởng hậu thế không nên quá khó tính đòi hỏi những gì lịch sử không thể có được, những gì Nguyễn Ánh không thể làm được. Hạn chế lịch sử từ Quang Trung đến Gia Long là không thể cởi bỏ sớm chiếc long bào ố vàng cũ kỹ để thay bằng bộ complet tân thời mới toanh của văn minh tư sản. Vậy, ở trong cái lồng phong kiến đã trở nên chật hẹp ấy, triều Nguyễn của Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị phải khắc phục như thế nào để ổn định đất nước, bảo vệ nền độc lập, điều hoà mâu thuẫn giai cấp, củng cố vương quyền, phát triển xã hội toàn diện? Trước hết là:

Vấn đề ruộng đất

Sau gần nửa thế kỷ loạn lạc, chiến tranh, triều Nguyễn phải gánh chịu hậu quả nặng nề về tình hình ruộng đất rắc rối, phức tạp, đòi hỏi nhà nước phải có chủ trương đúng đắn kèm theo biện pháp hữu hiệu. Năm 1803, Gia Long chỉ dụ cấm bán công điền, tiếp theo, năm 1804, chỉ dụ chia công điền. Gia Long không thể và cũng chưa dám làm gì khác vì đất nước chưa thật sự ổn định. Một số triều thần xin vua thi hành phép “phân điền chế sản”. Nhưng triều Hồ “hạn điền” hoàn toàn thất bại, triều Tây Sơn lấy ruộng nhà giàu chia cho nhà nghèo cũng chỉ có tác dụng nhất thời.

Điền chủ giàu lên, ngày càng giàu thêm nhờ nhiều nguồn đất đai, không phải hoàn toàn bởi thủ đoạn chiếm đoạt của nông dân. Gia Long rất có cơ sở khi ông nói: “Bọn nghèo không chịu khó nhọc làm ăn, chia cho rồi đem cho kẻ khác, nay muốn ngăn ngừa bọn cường hào kiêm tính bao quát, lấy ruộng chia đều thì lại thêm phiền nhiễu nhân dân. Trẫm đã nghĩ rồi, không thể làm được” (10).

Cho nên Gia Long vẫn phải theo cách cũ của triều Lê, nhưng kèm theo các chính sách tích cực: Mở mang đồn điền, đẩy mạnh khai hoang, khuyến khích lao động, dùng pháp luật ràng buộc và xử lý kẻ lười biếng, bọn cường hào, v.v… Đời Minh Mạng, xét thấy tổng số ruộng đất ở Bình Định 76,000 mẫu, ruộng tư chiếm 70,000, còn ruộng công chỉ có 6,000 mẫu, cho lấy một nửa số ruộng tư của mỗi nhà chuyển sang làm ruộng công.

Cách làm này tưởng như người ít ruộng chịu thiệt thòi nhất, sự thật ruộng tư của họ ra đi lại trở về dưới cái tên khác: Công điền. Còn nhà giàu, càng giàu càng thua thiệt nhiều (những nơi công điền nhiều hơn hoặc bằng tư điền không áp dụng lệnh này).

Những cố gắng của triều Nguyễn các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đã đưa nông dân ra khỏi bờ vực thẳm, hạn chế ở mức độ nhất định nạn lưu tán, căn bệnh nan y của thời đại phong kiến nói chung. Đặc biệt, nhà Nguyễn là triều đại phong kiến duy nhất trong lịch sử có thóc gạo dồi dào tới mức xuất khẩu bán cho ngoại quốc.

Vấn đề thương mại

Có phải triều Nguyễn “trọng nông ức thương”? Đúng! Thì triều đại phong kiến nào mà chẳng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”? Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… bấy giờ cũng không khác, không thể khác. Đó là đặc điểm của phong kiến phương Đông chăng? Tuy vậy, hãy xem triều Nguyễn ức thương như thế nào?

Nhà Nguyễn đặt trạm thu thuế trên ngã ba các con sông huyết mạch. Điều này chứng tỏ nội thương nếu không phát đạt cũng chẳng bị ngăn cấm. Sau một thời gian, Gia Long bỏ bớt trạm thu thuế và giảm mức thuế hoặc không đánh thuế một số mặt hàng để khuyến khích nội thương. Đối với ngoại thương, triều Nguyễn bị xem là “bế quan toả cảng”. Có đúng triều Nguyễn “bế quan toả cảng” hay chỉ giới hạn giao thương, quản lý chặt ngoại thương? Hãy đơn cử một vài ví dụ:

Sau khi Gia Long lên ngôi, người nước Anh ba lần đến Đà Nẵng xin lập phố buôn bán ở Trà Sơn, nhà vua đều không cho, vì đấy là nơi quan yếu không thể cho người ngoài đến ở. Năm 1832, Tổng thống Hoa Kỳ cử đặc phái viên mang quốc thư đến xin thông thương tàu thuyền ở cửa Vụng Lấm, Phú Yên; Minh Mạng sai viết thư phúc đáp, đại ý: Hoa Kỳ muốn xin thông thương, cố nhiên ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay tàu thuyền nếu có đến buôn bán thì cho ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà vượt quá kỷ luật (11).

Không thể nói nhà Nguyễn, cụ thể Gia Long, Minh Mạng chủ trương “bế quan toả cảng”. Lý do họ quy định cho tàu thuyền ngoại quốc là chính đáng và cách giải quyết như thế là thoả đáng. Các vua Nguyễn cũng hoàn toàn đúng khi triều đình nắm độc quyền ngoại thương để chỉ mua vào những thứ thật cần thiết và bán ra những gì nên bán, có thể bán. Đặc biệt loại hàng chiến lược như thóc gạo, khoáng sản,… quan hệ tới an ninh quốc gia, nhà vua trực tiếp quản lý. Triều đình Nguyễn biết khá rõ trên tàu buôn của nước ngoài có cả những món hàng nguy hiểm chết người: Cha cố, gián điệp, thuốc phiện,… không thể để tự do nhập lậu vào Việt Nam.

Một nhà sử học kịch liệt lên án chính sách “bế quan toả cảng” của nhà Nguyễn và phê phán thẳng tay tình trạng công thương đình đốn ở triều Nguyễn cũng đã buộc phải viết: “Dù sao thời Gia Long đến thời Minh Mạng, nền thương mại trong nước và bên ngoài có phục hồi; thuế thương chính thu được là ba trên bốn mươi triệu, tức là một phần 13 của ngân sách nói chung” (12).

Vấn đề bang giao

Truyền thống Việt-Miên-Lào-Xiêm là láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Gia Long trước khi mất, căn dặn hoàng thái tử (tức Minh Mạng) không được gây hấn ngoài biên (13). Năm 1823, Diến Điện vì mấy lần xâm lược Xiêm, bị quân Nguyễn giúp Xiêm đánh thua nên xin lập đồng minh Việt-Diến chống Xiêm, Minh Mạng từ chối.

Nhà vua bảo triều thần: “Không nên bỏ tình hoà hiếu mà tìm sự cừu thù” (14). Nhưng bản tính các vua Xiêm hay cậy mạnh, lại nhiều tham vọng, muốn thôn tính Lục Chân Lạp (Miên) để xâm chiếm luôn vùng đất Gia Định, mưu đô hộ Vạn Tượng (Lào) nhằm uy hiếp cả miền Trung nước Việt. Bởi thế, nhà Nguyễn phải sai tướng đem quân giúp Miên, Lào giữ yên đất nước, vì Việt-Miên-Lào như môi với răng, môi hở răng lạnh.

Xiêm nổi giận, hễ có dịp là tấn công Việt để trả thù. Năm 1833, quân Xiêm đánh chiếm các tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, đánh chiếm cả miền đất phía Tây Quảng Trị và xâm phạm biên giới Nghệ An, uy hiếp đến kinh đô Huế, khiến triều đình Nguyễn hết sức lo lắng. Phải mất mấy năm vất vả, quân Nguyễn mới dẹp yên được. Nhưng sau đó, triều đình Nguyễn vẫn sẵn sàng bỏ qua chuyện chiến tranh, lại quan hệ hữu hảo với Xiêm.

Không biết có bao nhiêu độc giả đã hiểu lầm bởi một giáo sư nổi tiếng đầu ngành sử học, đã dùng ngòi bút đanh thép kết tội các vua Nguyễn “bành trướng, xâm lược” và “chính sách xâm lược tai hại của triều đình nhà Nguyễn càng làm cho cuộc khủng hoảng trong nước thêm sâu sắc”. Ông tâng bốc Xiêm hết lời và mạt sát Nguyễn cũng cạn lời! (15).

Sự thật, từ thời các chúa Nguyễn, hai nước Miên, Lào đã nhờ Nam hà bảo hộ để chống lại sự bành trướng của Xiêm. Và các chúa Nguyễn, tiếp theo là các vua Nguyễn đều hết lòng với Miên, Lào trong việc bảo hộ, vì bảo hộ bạn cũng tức là bảo vệ mình. Bảo hộ là gì? Theo quan niệm các vua chúa nhà Nguyễn, bảo hộ là giúp đỡ, bảo vệ, khác với đô hộ là thống trị, xem nước người ta như thuộc quốc của nước mình.

Chính sách bảo hộ của nhà Nguyễn khá minh bạch. Gia Long bảo triều thần: “Bảo hộ là cốt giữ cho nước ấy được còn, chứ không phải để giám sát, cai trị nước ấy. Vậy nên hạ lệnh bọn Thuỵ (viên quan phụ trách bảo hộ Cao Miên) chớ nên can dự vào chính sự nước ấy, để cho phiên vương được tự làm việc thì lòng dân sẽ yên” (16). Một số triều thần muốn giải quyết dứt điểm vấn đề Cao Miên để đối phó dứt khoát với Xiêm. Gia Long nói: “Được một nước Chân Lạp để sự lo về sau, Trẫm quyết không làm như thế”. Đó là quan điểm đúng đắn mang tầm chính trị sáng suốt, sâu sắc của ông vua giỏi.

Vấn đề ngoại đạo

Nhà truyền giáo nổi tiếng nhất Nam hà bấy giờ là Bá-đa-lộc. Ông này còn mang các tên: Đức cha cả, Giám mục d’Adran, Đức ông Pigneau, Pierre-Yoseph-Georges, Pigneau de Béhaine… Với tên Bi-nhu quận công, Bá-đa-lộc như một triều thần Việt Nam thứ hạng cao, chỉ sau quốc công.

Ông đang long đong tại Nam Vang, được Mạc Thiên Tứ đưa đến gặp Nguyễn Ánh tại đảo Thổ Chu. Chính ở đây, năm 1784, ông hứa giúp Nguyễn Ánh cầu viện Đại Tây. Mối quan hệ bắt đầu từ đó, đôi bên tưởng chừng gắn bó keo sơn, thực chất là hai thế giới cách biệt không thể dung hoà giữa hai luồng tư tưởng văn hoá Đông-Tây, Việt-Pháp. Bá-đa-lộc âm mưu biến Hoàng tử Cảnh thành con chiên ngoan đạo và tương lai sẽ là ông vua sùng tín bậc nhất phương Nam, để dân tộc Việt, tất cả đều chắp tay, cúi đầu trước cây thánh giá.

Năm 1789, Hoàng tử Cảnh trở về nước sau sáu năm được Bá-đa-lộc kèm cặp. Ngày giỗ gia tiên, cậu bé Cảnh không chịu vái lạy ông bà, Nguyễn Ánh hỏi Đức cha cả tại sao thầy dạy học trò quên ông bà? Bá-đa-lộc trả lời: Thờ cúng ông bà, tin ông bà phù hộ con cháu sống lâu, giàu có là mê tín dị đoan. Nguyễn Ánh bảo Bá-đa-lộc: Lễ bái chỉ là để chứng tỏ con cháu nhớ ơn tổ tiên, ông bà, để đền đáp công ơn ấy, tôi nhất quyết phải giữ đạo ông bà vì đó là một trong những giáo dục căn bản của xứ tôi (17).

Rồi Nguyễn Ánh đặc cử một số nho thần dạy bảo Hoàng tử Cảnh theo lề lối giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bấy giờ ở Nam hà, thế lực các giáo sỹ phương Tây rất mạnh nhưng họ đều phải lùi bước trước thái độ cứng rắn của Nguyễn Ánh, quyết xây dựng một quốc gia thống nhất về mọi mặt trên cơ sở truyền thống tư tưởng – văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Vương triều Nguyễn thời kỳ đầu trị quốc, các vua Gia Long, Minh Mạng không bảo thủ lạc hậu đến mức “phản động” như người ta lầm tưởng. Họ ý thức việc cần thiết phải học tập, tiếp thụ khoa học kỹ thuật tiến bộ của văn minh thế giới để áp dụng vào thực tế Việt Nam.

Chỉ có khoảng nửa thế kỷ (1802-1858), họ xây dựng vững chắc nền tảng quốc gia thống nhất, để sau đó đế quốc Pháp trong 80 năm đô hộ dù chia cắt đất nước thành ba “kỳ”, với ba chế độ chính trị khác nhau, âm mưu biến Việt Nam thành quận huyện của Đại Pháp thì Việt Nam vẫn là Việt Nam.

Dĩ nhiên, bên cạnh vinh quang có cay đắng, họ Nguyễn, từ chúa Nguyễn đến vua Nguyễn đều phải chịu trách nhiệm trước lịch sử những nhiệm vụ lịch sử giao phó mà không hoàn thành, cả những hành vi sai trái, lỗi lầm bất cứ vì nguyên nhân chủ quan hay lý do khách quan.

Nếu tôi là nhà điêu khắc, tôi sẽ làm một pho tượng đài MẸ ĐẤT MẸ LÚA vĩ đại, dưới chân tượng, hiển nhiên khắc to hai chữ VIỆT NAM, không quên thêm một chữ “NGUYỄN”, dựng tại nơi cát địa nhất của Nam bộ, miền đất được xây đắp bằng trí tuệ, sức lực và máu xương người Việt Nam suốt năm thế kỷ.

__________

(1) Hiện núi Song Ngưu đã lùi vào đất liền xa bờ biển.

(2) “Đại Nam thực lục” tập 1 Nhà xuất bản Giáo dục. Trang 883.

(3) Thư của Pigneau ngày 20 tháng 3 năm 1785. Dẫn theo “Lịch sử nội chiến 1771 – 1802” của Tạ Chí Đại Trường.

(4) Nhà xuất bản Thế giới. Vũ Thế Dinh căn cứ sổ nhật ký của tham tướng Mạc Tử Sinh và những điều mắt thấy tai nghe của mình để biên soạn.

(5) “Đại Nam thực lục chính biên”.

(6) Tài liệu đã dẫn.

(7) Tạ Chí Đại Trường. Tài liệu đã dẫn.

(8) Văn Tân: “Cách mạng Tây Sơn” và nhiều tài liệu khác.

(9) Tạ Chí Đại Trường. Tài liệu đã dẫn.

(10) “Quốc triều chính biên”: Dẫn theo “Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn”… của Trần Văn Giàu – Nhà xuất bản Văn hoá trang 17.

(11) “Đại Nam thực lục”, tài liệu đã dẫn trang 412-413.

(12) Trần Văn Giàu, tài liệu đã dẫn trang 90.

(13) “Thực lục”, tài liệu đã dẫn.

(14) “Thực Lục”, tài liệu đã dẫn.

(15) Trần Văn Giàu, tài liệu đã dẫn trang 100-119.

(16) “Thực Lục”, trang 883.

(17) Tạ Chí Đại Trường, tài liệu đã dẫn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: