Côn Đảo – sự thật và những điều không thật (1)

Bản đồ Côn Đảo in trong tập san BAVH năm 1925 (file photo)

CÔN ĐẢO QUA NHỮNG THĂNG TRẦM LỊCH SỬ

Trong quá trình lịch sử, Côn Đảo ngày nay được bộ chính sử Đại Nam thực lục chép là đảo Côn Lôn, người Pháp gọi là Pulo Condore (hay Poulo Condor), thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa gọi là Côn Sơn. Trái với sự lầm tưởng của nhiều người, Côn Đảo không phải là một nhà tù kể từ thời Pháp thuộc (1962-1954), mà trước đó, vào thập niên 1830, dưới thời vua Minh Mạng, nó đã là nơi mà triều đình Huế đã đưa các tù phạm trong đất liền ra đó. Khi ấy, trên đảo đã có cư dân bản địa sống từ lâu và chính quyền Đại Nam đã kiểm soát đảo ít nhất từ thế kỷ XVIII.

Từ trước thế kỷ XVIII, với vị trí thuận lợi về mặt hàng hải, Côn Đảo sớm được các thương nhân và chính quyền phương Tây chú ý. Người Anh sớm có những bước đi cụ thể khi vào năm 1702, một chủ thương điếm Anh ở Chu Sơn (Trung Hoa) là Allen Catchpole đã đến Côn Đảo để xây dựng một đồn lính trên hòn đảo chính, sau đó ông ta soạn thảo tài liệu hướng dẫn cho một thương nhân tên Daniel Doughty điều hành công việc, trong lúc chờ viên Thống đốc lâm thời là Trung úy Rashell đến nhận việc chính thức.

Thuyền trưởng John Gore từng ghé lại Côn Đảo năm 1780 (file photo)

Song cùng năm đó, vì nhiều lý do, thương điếm Chu Sơn phải đóng cửa, Allen điều hành một cơ sở mới. Người Macassars được ông ta sử dụng làm quân đồn trú bị giữ chân quá hạn hợp đồng đã nổi dậy và ban đêm đã giết chết bất cứ người châu Âu nào mà họ gặp (Charles B. Maybon – Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) – Paris 1920, trang 152).

Sự kiện trên được Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc lại trong bộ sử biên niên Đại Nam thực lục (Tập I – NXB Giáo dục 2002, trang 115). Chẳng những thế, sử còn ghi chép thêm là sau khi nhận được bản trình tấu của Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan về những hành động của nhóm người Anh trên đảo, chúa Nguyễn Phúc Chu liền ra lệnh cho Phúc Phan dẹp yên những người này.

Chi tiết trên cho thấy ít nhất một điều: ngay từ đầu thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn đã mặc nhiên khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt đối với quần đảo Côn Lôn. Điều này có thể diễn ra song song với sự kiện năm 1698, khi chúa Nguyễn “… Sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay)…” (Đại Nam thực lục – tập I – sđd, trang 111).

Người Anh sau sự kiện chủ thương điếm Allen Catchpole bị sát hại cùng lúc với hầu hết thuộc hạ của ông ta, không để lộ ý định quay lại Côn Đảo, và người Pháp nhanh chóng chớp lấy thời cơ. Linh mục dòng Tên Jacques là một trong những người Pháp đầu tiên lưu trú ở hòn đảo này từ Tháng Chín 1721 đến Tháng Sáu 1722. Trong thời gian này, Jacques đã cùng một người Pháp khác tên Renault đặt thêm cho Côn Đảo cái tên Ile d’Orléans (Hòn đảo của Orléans) để vinh danh hoàng thân Philippe Charles xứ Orléans, từng làm Nhiếp chính triều đình Pháp những năm 1715-1723. Tuy nhiên, cách gọi này không mấy phổ biến nên rất ít người biết đến.

Chân dung vua Gia Long (1762-1820) – (file photo)

Đầu thập niên 1720, Công ty Ấn Độ thuộc Pháp (Compagnie des Indes françaises) đã phái hai đội quân đến đóng ở Côn Đảo. Về phần Renault, trong  bản tường trình ngày 25 Tháng Bảy 1723 gửi Ban Giám đốc Công ty Ấn Độ thuộc Pháp, ông ta mô tả Poulo-Condore là một hòn đảo nghèo nàn, không có tài nguyên, ít người ở. Ông ta cho rằng những bất lợi về khí hậu khiến cho người châu Âu khó làm việc trên đảo và có lẽ vì lý do này, người Anh đã không có ý định quay trở lại Poulo-Condore  nữa.

Theo ông ta, phải tốn kém nhiều tiền bạc và thời gian để mang về một kết quả nhỏ nhoi, vì thế đây là nơi “cần phải từ bỏ hơn là chiếm giữ” (L.Gaide – Note historique sur Poulo-Condore [Ghi chép lịch sử về Côn Đảo] – Tập san Bulletin des Amis du Vieux Hue [BAVH] số 2/1925, trang 96).

Cuối thập niên 1770, cuộc nội chiến giữa các chúa Nguyễn và anh em nhà Tây Sơn đã bắt đầu bước vào giai đoạn ác liệt. Sau cái chết của Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương, người còn lại trong dòng họ Nguyễn là Nguyễn Ánh được tôn làm Đại nguyên soái Nhiếp quốc chính (1778) rồi sau đó xưng vương (1780).

Ngay trong thời kỳ đầy biến động này, Nguyễn vương vẫn không bỏ quên Côn Đảo. Ngày 10 Tháng Tám 1779, người thay mặt cho vương là Giám mục Bá Đa Lộc (Pierre-Joseph-Georges, Evêque d’Adran) cấp cho một viên quan của triều đình giấy chứng nhận được ra Côn Đảo để chờ và tiếp đón tất cả tàu buôn của phương Tây đi đến gần vùng này. Chứng thư của Bá Đa Lộc được người Trưởng làng xuất trình cho một nhà thám hiểm người Anh là Gore xem khi đoàn tàu của ông này ghé lại đảo vào Tháng Một 1780 (L. Gaide – tlđd, trang 87-88).

Vị trí Côn Đảo trong một bản đồ năm 1875 (file photo)

Năm 1783, thế lực nhà Tây Sơn rất mạnh, Nguyễn vương phải chạy ra đảo Phú Quốc và các hòn đảo lân cận để tránh sự truy đuổi của đối phương, sau rốt phải chọn Côn Đảo làm nơi ẩn lánh cuối cùng. Năm 1787, khi phái bộ Hoàng tử Cảnh-Bá Đa Lộc đặt chân đến kinh đô Paris của nước Pháp, đạt đến một thỏa hiệp hỗ tương ngày 28 Tháng Mười Một 1787, thì Côn Đảo cũng là một trong những tương nhượng của Nguyễn vương cho Pháp để đổi lấy sự giúp đỡ của chính quyền Pháp vầ nhân và vật lực cần thiết cho cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn.

Những dữ kiện nêu trên cho thấy rằng trong cuộc nội chiến kéo dài 30 năm giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, Côn Đảo vẫn là một vị trí đắc địa trong cái nhìn không chỉ của người sở hữu nó là chúa Nguyễn, mà còn trong con mắt của những nhà hàng hải, những cơ sở thương mại lớn của phương Tây. Sang thế kỷ XIX, sự khôn ngoan của triều đình nhà Nguyễn thể hiện ở chỗ kết chặt Côn Đảo vào số phận chung của vùng đất phía Nam, cho dù sự cách trở về mặt địa lý có gây ít nhiều khó khăn cho mọi toan tính.

Từ đầu thập niên 1790, sau khi thỏa ước Versailles ngày 28 Tháng Mười Một 1787 ký kết giữa đại diện hai bên Việt-Pháp đã trở nên hoàn toàn bất khả thi thì Nguyễn vương đã làm chủ trọn vùng đất Gia Định. Tháng 10 Âm lịch 1790, chúa cho tổ chức chăn nuôi ngựa công ở Côn Đảo và sáu năm sau (1796), “sai đội Nội mã ra đảo Côn Lôn chọn ngựa công về dâng” (ĐNTL tập 1- sđd, trang 266, 334).

Sang hai thập niên đầu của thế kỷ  XIX, tuy không giúp được gì cho Nguyễn vương trong cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn, song người Pháp vẫn còn ấm ức về vùng đất Côn Đảo còn nằm ngoài tầm tay của họ. Năm 1817, chính quyền Pháp phái chiếc tàu La Cybèle dưới quyền thuyền trưởng De Kergariou qua Việt Nam tiếp xúc vời đại diện triều đình và yêu cầu phía Việt Nam giao Côn Đảo theo tinh thần thỏa ước Versailles. Trước đòi hỏi bất hợp lý của phía Pháp, vua Gia Long đã thẳng thắn khước từ, với lý do là người Pháp đã không thi hành Thỏa ước Versailles thì không có lý do gì phía Việt Nam đơn phương thi hành nó (Trần Trọng Kim – Việt Nam sử lược NXB Văn Học – 2012, trang 465).

Dưới triều vua Minh Mạng, Côn Đảo và Hà Tiên, Phú Quốc được mệnh danh là “thủ” (thủ sở Côn Lôn), với nghĩa là những cơ sở có đặt quân đội để phòng thủ. Nhiều trường hợp bọn hải tặc quấy nhiễu vùng ven biển Gia Định, bị quân triều đình đánh đuổi, lại chạy ra Côn Đảo, đốt nhà, cướp của, như trường hợp đã xảy ra vào Tháng Chín nhuận năm 1832.

Năm 1836, một bước chuyển quan trọng đã diễn ra tại Côn Đảo: Nơi đây được triều đình nhà Nguyễn chọn làm nơi phát vãng (đày đi xa) các tội phạm ở đất liền (Đại Nam thực lục – tập 4 – NXB Giáo dục – Hà Nội 2007, trang 989).

Đến cuối thập niên 1830, số tội phạm bị đày ra Côn Đảo đã khá nhiều. Tháng Tư Âm lịch 1840, vua Minh Mạng cử Thị vệ Tôn Thất Hạ “đi ra đảo Côn Lôn, tỉnh Vĩnh Long do thám tình hình. Về nói rằng: dân sở tại có đến 200 người, những tù phạm đưa đến cũng nhiều; mà những ruộng hiện đã khai khẩn, ước được 150 mẫu…” (Đại Nam thực lục – tập 5 – NXB Giáo dục Hà Nội 2007, trang 710).

Đến Tháng Mười Âm lịch 1840, con số cư dân Côn Đảo do tỉnh thần Vĩnh Long báo cáo đã cụ thể hơn, trên đảo có 205 thường dân và 210 tù phạm. Trại giam được đặt dưới quyền điều hành của một quan lại xếp vào hàng Chánh bát phẩm thư lại, chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng đốc tỉnh Vĩnh Long về cả hai mặt quân sự và hành chánh. Dưới quyền “quan Chánh” (chánh bát phẩm thư lại) có 80 binh lính chia thành hai hạng:

– Hạng lính hầu, bao gồm chủ yếu dân địa phương

– Hạng quản tù do triều đình cử đến đảo để giám thị tù nhân

Quân lính coi tù trên đảo không được trang bị súng ống, vũ khí của họ chỉ có gươm giáo mà thôi (Nguyễn Minh Nhựt – Tổ chức lao tù Poulo-Condor thời  Pháp thuộc – 1861-1945- Tiểu luận Cao học sử – Đại học Văn khoa Sài Gòn 1972, bản in roneo, trang 12).

Hiện trạng nhà tù Côn Đảo của triều Nguyễn tồn tại đến đầu thập niên 1860 thì kết thúc, ngay cả trước khi hai bên Việt-Pháp ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 công nhận chủ quyền của thực dân Pháp tại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và Côn Đảo.

KỲ SAU: Côn Đảo thời Pháp thuộc

Hồ sơ: Côn Đảo, những điều chưa kể

___________

Tác giả bài viết tên thật là Lê Văn Cẩn, tốt nghiệp khóa 10 Học viện Quốc gia Hành chánh (1965), từng giữ nhiều chức vụ khác nhau trong 10 năm công vụ: Phó Quận trưởng, Trưởng ty, Phụ tá Hành chánh tỉnh, Phụ tá Hành chánh Côn Sơn; chức vụ cuối cùng là Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách phát triển kinh tế thuộc Văn phòng Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo.

Hồ sơ này ông gửi riêng cho Saigon Nhỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: