Côn Đảo – sự thật và những điều không thật (2)

Một trại giam ở Côn Đảo thời Pháp thuộc (file photo)

CÔN ĐẢO THỜI PHÁP THUỘC VÀ “ĐỀ LAO HIỆP KHÁCH”

Năm 1859, quân đội Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, phá hủy thành Gia Định rồi rút trở ra Đà Nẵng. Hai năm sau (1861), họ quay lại tấn công Đại đồn Chí Hòa của triều đình, chiếm cứ toàn bộ thành phố Sài Gòn và lần lượt bốn tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long rơi vào tay họ.

Vào thời điểm này, do chưa có một trại giam cố định, ngày 28 Tháng Mười Hai 1861, Đề đốc Bonard ký quyết định tạm thời giao việc giam giữ tù binh cho từng đơn vị (Bulletin officiel de l’expédition de Cochinchine [Nam kỳ viễn chinh công báo – BOEC] năm 1862, trang 15). Song chỉ hơn một tháng sau, ngày 1 Tháng Hai 1862, viên Đề đốc này đã ký Quyết định số 35 thành lập một trại giam ở Côn Đảo (Pulo-Condore) dành cho “những kẻ nguy hiểm, những phạm nhân và các kẻ gian”.

Quyết định của Bonard chia phạm nhân Côn Đảo ra hai thành phần:

1/Những kẻ phạm tội phản loạn hoặc tội hình sự chung
2/Tù binh

Hai thành phần trên được tách biệt hẳn với nhau, các tù binh được cấp đất để ở, còn tù hình sự và tù phản loạn phải trồng trọt và làm các việc công ích. Việc canh giữ phạm nhân lúc đầu được giao cho các quan lại và quân sĩ triều đình đã đầu hàng binh lính Pháp, tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan Pháp về sau sẽ trở thành quản đốc trại giam. Các quan lại và quân lính người Việt coi tù được phép đưa gia đình ra đảo sống với họ. Con cái của họ sẽ là thế hệ người Việt Nam đầu tiên sinh trưởng và lớn lên trên đảo.

Quyết định số 35 ngày 1 Tháng Hai 1862 của Pháp thành lập Trại tù Côn Đảo (file photo)

Như vậy, từ năm 1862, một chương mới đã mở ra cho hòn đảo lịch sử này. Nó tồn tại từ thời điểm trên cho đến ngày những tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam (1954 -1955).

Về mặt tổ chức, nhà tù Côn Đảo vào những ngày đầu của chế độ thực dân Pháp được đặt dưới sự chỉ huy của một viên Quản đốc, có sự phụ tá của một Giám thị trưởng, bên dưới là các Giám thị, các Đội, Cai và một số dân quân, chủ yếu là người bản xứ.

Đến cuối năm 1869, số phạm nhân bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo đã lên đến con số 500 người, tổng số Cai, Đội và dân quân coi tù được nâng từ 23 lên 30 người, gồm 1 Đội, 3 Cai và 26 dân quân. Các giám thị được trang bị súng để tuần phòng ban đêm, ban ngày bỏ súng vào kho, khóa kỹ và chỉ được sử dụng kiếm để canh gác (Quyết định số 135 ngày 9.7.1869 – Bulletin officiel de la Cochinchine française – BOCF, no 7/1869, trang 241-242; Nguyễn Minh Nhựt – Tổ chức lao tù Poulo Condor thời Pháp thuộc – 1861-1945 – Tiểu luận Cao học sử – in Roneo, 1972).

Đề đốc Bonard, người ký quyết định thành lập Trại tù Côn Đảo (file photo)

Từ năm 1871, trại tù Côn Đảo được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Giám đốc Nha Nội vụ (Directeur de l’Intérieur) làm việc tại Sài Gòn.

Từ thập niên 1880 trở đi, Côn Đảo (tên lúc đó là Côn Lôn) là một trong những địa phương được sử dụng làm nơi đày ải các chiến sĩ Cần vương bị bắt giữ. Song sự kiện Trung kỳ kháng thuế năm 1908 mới đánh dấu một trang sử đầy bi kịch của hòn đảo này.

Vào thời điểm trên, gánh nặng sưu thuế ngày càng đè lên vai người dân thuộc địa nghèo. Tức nước vỡ bờ, sau những cuộc diễn thuyết kêu gọi không đóng thuế cho thực dân Pháp của các nhà nho yêu nước, Tháng Ba 1908, người dân Quảng Nam quyết định vùng lên, tổ chức những cuộc biểu tình kháng thuế, khởi phát từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam), sau lan rộng sang các tỉnh lân cận.

Trước tình hình nghiêm trọng, thực dân Pháp phản ứng một cách tàn bạo, kể cả việc nhắm bắn thẳng vào đám đông. Đến Tháng Năm 1908, họ làm chủ tình hình khắp nơi, từ Huế vào đến Nha Trang. Chiến dịch bắt bớ, tù đày bắt đầu với các nhân sĩ trí thức có ảnh hưởng rộng lớn trong công chúng và Côn Đảo là nơi mà chính quyền Pháp chọn lựa để làm nơi lưu đày họ.

Nhà cách mạng Phan Châu Trinh bị đày Côn Đảo năm 1908 (file photo)

Một trong những người đầu tiên bị đưa xuống tàu ra Côn Đảo là cụ Phan Châu Trinh, vào khoảng Tháng Tư 1908. Đến Tháng Tám 1908, đến lượt các tiến sĩ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, Cử nhân Đặng Văn Bách, Lê Văn Ôn… (Đại Nam thực lục chính biên – Đệ lục kỷ phụ biên – NXB Văn hóa-Văn nghệ – 2011, trang 508).

Theo cụ Huỳnh Thúc Kháng, tác giả của “Huỳnh Thúc Kháng niên phổ – Thơ trả lời Kỳ ngoại hầu Cường Để”, khi cụ cùng nhóm 26 người được chở đến Côn Đảo ngày 28 Tháng Tám 1908 thì cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh đã có mặt tại làng An Hải là một trong hai ngôi làng của hòn đảo chánh lúc bấy giờ. Ngay trong đêm đó, cụ Huỳnh và anh em mới đến nhận được lá thư tay của cụ Tây Hồ thăm hỏi và chỉ vẽ các việc trong tù để mọi người am hiểu (sđd – NXB Văn hóa Thông tin – 2000, trang 44 đến 46).

Theo bài thơ “Đập đá Côn Lôn” cụ Tây Hồ sáng tác trong thời gian ở Côn Đảo, người ta biết rằng có thời điểm cụ phải đi đập đá, vốn là một trong những công việc cực nhọc của người tù:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn

Năm 1909, sau sự kiện Hà thành đầu độc diễn ra trước đó một năm, Côn Đảo lại được dịp ghi đậm dấu chân của các nhà cách mạng Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Võ Hoành và hàng trăm thanh niên yêu nước khác. Nhờ sự can thiệp của các tổ chức nhân quyền Pháp, cụ Phan Châu Trinh là một trong những người rời hòn đảo sớm nhất, được trả tự do vào năm 1910, và cùng con trai là Phan Châu Dật sang Pháp một năm sau đó. Về phần các nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn… phải chờ đến năm 1921 mới được trả tự do sau 13 năm tù đày.

Hai cụ Ngô Đức Kế (trái) và Huỳnh Thúc Kháng cùng bị đày Côn Đảo năm 1908 (file photo)

Thập niên 1940, Côn Đảo một lần nữa dậy sóng với sự có mặt của “người tù thế kỷ” Sơn Vương Trương Văn Thoại (1909-1987). Ông là một nhà văn, chỉ trong hai năm 1930-1931, đã cho ra đời 20 tập truyện ngắn mỏng, mỗi tập chỉ vài mươi trang. Song người đời biết đến Sơn Vương không phải qua thân thế một nhà văn, mà là một giang hồ hiệp khách, với mấy chục năm trời vào tù ra khám.

Trong thời tuổi trẻ, Sơn Vương rất thần tượng nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, nhân một lần bị bắt chung với cụ Nguyễn khi có mặt trong một cuộc diễn thuyết kêu gọi lòng yêu nước (1926). Bị giam chung với hai ông, còn có Nguyễn Phương Thảo, về sau, thời kháng chiến chống Pháp, chính là Trung tướng Nguyễn Bình.

Được thả sau mấy tháng giam cầm, một năm sau (1927), Sơn Vương lại bị bắt trong lễ truy điệu chí sĩ Lương Văn Can, từng là Thục trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục. Từ thập niên 1930 trở đi, Sơn Vương trải qua cuộc đời vào tù ra tội kéo dài 35 năm, với hàng loạt hành vi cướp của người giàu để giúp các nhà cách mạng và người nghèo, cùng nhiều hành vi trượng nghĩa khác. Năm 1930, Sơn Vương bị bắt và bị kết án tù năm năm sau khi cướp nhà ông Kiệt ở Phú Nhuận, rồi chồng án tù 10 năm khi cướp tại nhà một ông vua cờ bạc nổi tiếng lúc bấy giờ có tên Ba Nhỏ, để có tiền cho người bạn kết nghĩa là Nguyễn Phương Thào sang Pháp liên lạc với các nhà yêu nước.

Tháng Tám 1933, Sơn Vương bị đày ra Côn Đảo, rồi sau đó, bị đưa về các nhà lao Hà Tiên, Phú Quốc và được trả tự do năm 1938. Ở Sài Gòn được một năm, năm 1939, Sơn Vương bị bắt lại vì đánh ngã một tên mật thám ở Chợ Lớn, bị đày sang Campuchia, vượt ngục trốn sang Thái Lan, bị bắt lại tại Bangkok năm 1942, bị đưa về Khám lớn Sài Gòn và sau đó, bị đày ra Côn Đảo năm 1942 (Nguyễn Q. Thắng – Sơn Vương, nhà văn – người tù thế kỷ – tập I – NXB Văn Học – 2007, trang 19-20).

Tại hòn đảo ngục tù Côn Nôn, Sơn Vương tỏ rõ thái độ và hành vi anh hùng hảo hán trong nhiều trường hợp khác nhau, được anh em tù ngưỡng mộ, đặt cho danh hiệu “Đề lao hiệp khách”. Nửa đầu năm 1945, Sài Gòn và nhiều nơi trên cả nước diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: ngày 9 Tháng Ba, quân đội phát xít Nhật đảo chánh Pháp, kiểm soát nhiều nơi; ngày 19 Tháng Tám, Việt Minh cướp chính quyền.

Ngay vào những ngày cuối Tháng Tám, một phái đoàn do ông Văn Cừ cầm đầu được cử từ đất liền ra Côn Đảo, với nhiệm vụ chính là đưa tù chính trị trở về đất liền. Tù thường phạm được tự do, nhưng vẫn còn phải ở lại đảo. Sơn Vương không phải là tù chính trị, nên dù được anh em tù tôn sùng đến đâu, vẫn không được đưa về đất liền.

Giữa Tháng Mười Hai 1945, phái đoàn Văn Cừ lại trở ra Côn Đảo, lần này nhằm hai mục đích:

-Triệu hồi về đất liền ông Lê Văn Trá, công chức ngạch Tham tá (commis) đang giữ chức vụ Giám đốc Trại tù Côn Đảo, do ông này bị nhiều tù chính trị tố cáo về những việc làm không chính đáng ở đây.

-Tuyển cử người giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Côn Đảo.

Tổng cộng có 15 ứng cử viên chức vụ trên là công chức hay cựu tù nhân trên đảo, song sau khi kiểm phiếu, không ai đạt được túc số quy định. Trong khi đó, hầu hết những người có mặt trên đảo đồng thanh đề cử Sơn Vương vào chức vụ trên, mặc dù lúc đó ông bận lo chuyện đóng tàu đi về đất liền, không bận tâm gì đến chuyện ứng cử. Cuối cùng, trong cuộc bầu phiếu kín, Sơn Vương đạt được hơn 90% số phiếu ủng hộ!

Không thể từ nan trước sự ủng hộ của mọi người, Sơn Vương tạm hoãn ý định trở về đất liền, bắt đầu chỉnh đốn công việc trên đảo, trong đó, hai trong những việc làm đầu tiên của ông là:

-Cải táng hài cốt chí sĩ Nguyễn An Ninh, đã qua đời ngày 14 Tháng Tám 1943
-Cho rằng tên Côn Nôn tiêu biểu cho một giai đoạn bi thương của dân tộc, ông đề nghị và được mọi người chấp thuận đặt tên Côn Đảo là “Quần đảo An Ninh”, lấy tên nhà cách mạng thần tượng của chính ông và nhiều người khác.

Tuy nhiên, chức chủ tịch Ủy ban Nhân dân Côn Đảo của Sơn Vương không kéo dài được lâu. Trung tuần Tháng Tư 1946, một thời gian sau khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, thực dân Pháp nắm lại quyền hành và tái chiếm Côn Đảo. Như vậy, sau hơn bốn tháng làm “chúa đảo”, như tên quen thuộc và không chính thức mà nhiều người dùng để gọi ông, Sơn Vương trở về với thân phận một người tù. Ông thụ án từ thời điểm đó đến năm 1968, khi giai đoạn một của nền Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam vừa bắt đầu không lâu, ông được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trả tự do, sau 35 năm trải qua nhiều nhà tù khác nhau, trong đó nhà tù Côn Đảo là lâu dài nhất.

Trong những năm còn lại, Sơn Vương viết hồi ức về khoảng thời gian tù tội lâu dài và nhiều văn phẩm khác trước khi qua đời năm 1987, thọ 78 tuổi.

Kỳ sau: Côn Đảo thời VNCH

____________

Hồ sơ: Côn Đảo, những điều chưa kể

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: