Côn Đảo – sự thật và những điều không thật (5)

Phi trường Phù Cát ngày nay – nguồn bestprice.vn

HAI NHÓM TÙ ĐẶC BIỆT TẠI CÔN ĐẢO

Vào những năm 1965-1970, trong tổ chức của Cơ sở Hành chánh Côn Sơn, bên cạnh viên chức giữ chức vụ chính thức Đặc phái viên Hành chánh Côn Sơn, chỉ có một Phụ tá Nội an do sĩ quan Đặc khu phó kiêm nhiệm.

Giữa năm 1970, trong một dịp ra Côn Sơn để duyệt xét công tác điều hành Trung tâm Cải huấn tại đây, ông Lê Công Chất, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phát hiện nhiều sai sót. Đệ nhất Phó Quản đốc là một vị giám thị lớn tuổi đã tình thực thưa với vị lãnh đạo cao cấp là mình đi lên từ một viên chức hạng thấp, trình độ rất hạn chế, nên không thể chấn chỉnh công việc hành chánh, nhất là công tác kế toán của trung tâm. Ông Thứ trưởng Lê Công Chất suy nghĩ một thoáng rồi nói:

-Thôi được, tôi sẽ cử ra đây một ông Đốc sự Hành chánh để giúp cho các ông.

Ông Chất trở về Sài Gòn chưa bao lâu thì các Tòa hành chánh tỉnh nhận được công điện của Bộ Nội vụ thông báo là Thủ tướng chánh phủ sẽ ban hành sắc lệnh thiết lập chức vụ Phụ tá Hành chánh Cơ sở Hành chánh Côn Sơn, Bộ cần một viên chức ngạch Đốc sự tình nguyện ra Côn Đảo đảm nhiệm chức vụ này. Sau này, theo tiết lộ của một viên chức lúc ấy đang làm việc tại Bộ Nội vụ, có khoảng 10 người ở các tỉnh tình nguyện ra Côn Đảo. Và không biết theo tiêu chuẩn cứu xét nào, người được chọn lại là… tôi.

Tôi trở thành viên chức giữ chức vụ Phụ tá Hành chánh đầu tiên trong guồng máy công vụ tại Côn Đảo, kể từ những ngày cuối cùng của năm 1970. Chức vụ Phụ tá Nội an vẫn chưa bị hủy bỏ, song vị Đặc phái viên Hành chánh không đề cử ai kiêm nhiệm.

Trong một bài trước, người viết đã kể ra các thành phần tù nhân trên đảo, các điều kiện sinh hoạt và lao động của họ, theo đó, bên cạnh những tù nhân sống trong những phòng giam kiên cố, còn có những “công nhân văn phòng” sống trong một dãy trại riêng, thoáng mát, không bị cấm đoán việc đi lại trên đảo, và các tù trật tự sống ở các chòi ven biển để phòng tránh nạn tù đóng bè vượt biển.

Song, vào những năm cuối thập niên 1960, Côn Đảo có thêm hai nhóm tù đặc biệt hơn cả. Họ được cấp hai căn nhà riêng biệt chung vách nhau và sinh hoạt gần như những người dân bình thường khác. Họ nằm trong hai vụ án khác nhau:

-Vụ án “tham nhũng” mà người đứng đầu là Trung tá Trần Đình Vọng, Tỉnh trưởng Bình Định kiêm Thị trưởng Qui Nhơn.

-Vụ án “chính trị” mà người đứng đầu là ông Huỳnh Văn Trọng, Phụ tá chính trị kiêm Cố vấn đặc biệt tại Phủ Tổng thống, chức vụ xếp ngang Tổng trưởng.

NHÓM TÙ TRẦN ĐÌNH VỌNG

Vào nửa sau thập niên 1960, để ngăn chặn nạn tham nhũng gia tăng, Quốc Hội VNCH biểu quyết thông qua một đạo luật dành bản án tử hình cho những quân nhân công chức tham nhũng với khoản tiền trên 500.000đ, tương đương khoảng 25 lượng vàng (giá thời điểm năm 1969 là 20.000 đ/lượng).

Khoảng năm 1968, tỉnh Bình Định được phép xây dựng phi trường Phù Cát nằm chủ yếu trong lãnh thổ hai quận An Nhơn và Phù Cát, và vụ scandal tham nhũng tiền giải tỏa, đền bù đất đai nổ ra, đưa nhiều viên chức ra trước vành móng ngựa. Dù do nguyên nhân nào thì vụ án cũng đã diễn ra và những người rơi vào vòng lao lý là Trung tá Vọng cùng những thuộc cấp, trong đó có Thiếu tá Võ Đình Giai, Trưởng khu Tu bổ Quy Nhơn, đơn vị trực tiếp xây dựng phi trường Phù Cát; Đại úy Trương Văn Tuyên, Quận trưởng An Nhơn; Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi, Quận trưởng Phù Cát, cùng một số người khác.

Vào thời kỳ này, các cựu sinh viên QGHC, sau khi tốt nghiệp, được theo học những khóa huấn luyện quân sự rất bài bản nên khả năng quân sự của họ khá vững chắc. Điểm đặc biệt là vào năm 1963, các sinh viên QGHC tốt nghiệp khóa 8 (trong đó có ông Trương Văn Tuyên) đã học xong khóa huấn luyện quân sự tại Đồng Đế, Nha Trang, khi về các tỉnh vùng 2, đều được mang cấp bậc Trung úy khi giữ chức vụ Phó Quận trưởng (vào thời điểm này, các Quận trưởng cũng chỉ có cấp bậc Trung úy hay Đại úy).

Vào một đêm nọ, đối phương tấn công và tràn ngập quận lỵ An Nhơn, sát hại hầu hết giới chức chỉ huy quân sự từ Quận trưởng trở xuống, Phó Quận trưởng Trương Văn Tuyên còn lại một mình đã chỉ huy cuộc phản công, buộc Việt Cộng phải rút lui với mức thương vong khá cao. Ngay buổi sáng hôm đó, tướng Tư lệnh vùng 2 đã bay trực thăng xuống quận lỵ An Nhơn, khen thưởng chung, đặc cách gắn cấp bậc Đại úy cho ông Tuyên và đề nghị Bộ Nội vụ cử ông làm Quận trưởng.

Cuối năm 1970, khi tôi ra tới Côn Đảo thì nhóm tù của Trung tá Vọng, ngoài ông ra, còn có Thiếu tá Giai, Đại úy Lộc, Trung úy Thuần, riêng ông Trương Văn Tuyên, Quận trưởng An Nhơn, vừa được trả tự do, do thời gian thụ án ngắn hơn cả.

Vì nhiều lý do, mối liên hệ giữa tôi và Trung tá Vọng sớm trở nên thân tình, chủ yếu do ông có người con trai lớn, anh Trần Đình Liên, là bạn đồng môn QGHC của tôi đang làm việc tại tỉnh Biên Hòa. Mặt khác trong cương vị Tỉnh trưởng Bình Định, ông có được sự cộng sự của một số cựu sinh viên QGHC khác, trong đó có anh Phạm Hữu Độ, người mà ông thường nhắc đến trong câu chuyện với tôi. Ông Vọng còn là thông gia với ông Nguyễn L., cháu nội một đại thần bậc nhất triều vua Thành Thái, người giữ chức vụ Chánh Sở Nông phẩm, Nha Nông vụ, Bộ Cải tiến Nông thôn, nơi tôi đến tập sự vào năm 1964.

Khoảng Tháng Hai 1971, Trung tá Cao Minh Tiếp, Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, được cử giữ chức vụ Đặc phái viên Hành chánh Côn Sơn, thay thế Trung tá Nguyễn Văn Vệ, và từ đó, số phận của người tù tử hình (sau giảm còn chung thân khổ sai) có nhiều thay đổi. Với bản tánh quí trọng những người mà ông coi như là bậc đàn anh, bất luận đó là một người tù dưới quyền quản lý của mình, vừa đặt chân đến đảo buổi sáng thì buổi chiều ông Tiếp đã cho xe đi rước tù nhân Trần Đình Vọng đến chơi với mình. Tôi khâm phục và trân trọng cách hành xử đó của ông Tiếp.

Tuy nhiên, do ông Tiếp bận nhiều việc, ông Vọng đến chơi với tôi nhiều hơn, thường là vào ban đêm. Trong những buổi nói chuyện bên tách trà, hai thế hệ chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện, vui cũng như buồn. Ông Vọng kể cho tôi nghe nhiều tình tiết trong “vụ án tham nhũng” mà ông là bị cáo cao cấp nhất. Tôi nhớ ông có đề cập đến hai chi tiết quan trọng trong vụ án này. Một, đây là hệ quả sự bất đồng đang ngày càng gay gắt giữa hai “ông lớn”, cụ thể là đương kim Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đương kim Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ.

Về điều này, ông Vọng có cho tôi xem một bức ảnh đã ố vàng, chụp từ nửa đầu thập niên 1950 tại một đơn vị ở Quân khu 2. Trong ảnh, ông Vọng mang cấp bậc trung úy, đứng cạnh hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm mang cấp bậc đại úy.

Còn một trong những người thân cận với ông Nguyễn Cao Kỳ lúc đó không ai khác hơn là tướng Nguyễn Ngọc Loan, người nắm trong tay bộ máy cảnh sát mà một trong những nhiệm vụ chính là thực hiện thủ tục điều tra các vụ án lớn.

Chi tiết thứ hai là nguyên nhân gần của vụ án: Với tư cách Tỉnh trưởng Bình Định kiêm Thị trưởng Qui Nhơn, ông Vọng đã thẳng thừng từ chối lời yêu cầu của mẹ ruột một bà “mệnh phụ” bậc nhất muốn được mở casino tại Qui Nhơn, một thị xã có rất nhiều lính Mỹ.

Trong những ngày tháng đó, ông Vọng và tôi có nhiều sự đồng cảm với nhau, tôi coi ông như một người cha, người chú của mình. Có những đêm mưa lất phất, trời đã khuya, tôi cầm đèn pin tiễn ông ra đến cổng nhà, rọi đường cho ông đi. Nhìn bóng người tù tử hình bước liêu xiêu trên con đường ven biển, giữa hai hàng cây bàng, tôi chùng lòng trong một nỗi thương cảm mênh mang, thương ông, và thương cho cả đời mình.

Hai ông Huỳnh Văn Trọng (giữa) và Vũ Ngọc Nhạ (bìa phải) trong thời gian bị xét xử (1969) – file photo

NHÓM TÙ HUỲNH VĂN TRỌNG

Những gì người dân được biết về nhóm tù Huỳnh Văn Trọng vào những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, khi tôi có mặt tại Côn Đảo, rất khác với những gì họ nghe nói đến sau ngày 30 Tháng Tư 1975. Sau 1975, vụ án được thổi phồng lên theo chiều hướng là một vụ “tình báo chiến lược” quan trọng và người có công lớn nhất, nếu không muốn nói là độc nhất, là ông Vũ Ngọc Nhạ.

Song khi vụ án xảy ra, và cho đến gần hết nửa đầu thập niên 1970, theo cách hiểu chính thức của chính quyền VNCH lúc bấy giờ, cùng hàng ngũ quân nhân, công chức đương thời, thì đây đơn thuần là vụ án của những công chức cao cấp tại Phủ Tổng thống đã liên lạc bất hợp pháp với Mặt trận giải phóng (MTGP) và các cơ quan của cộng sản Bắc Việt.

Về mặt danh nghĩa, người cầm đầu nhóm này là ông Huỳnh Văn Trọng, Cố vấn chính trị kiêm Phụ tá đặc biệt tại Phủ Tổng thống, vị thứ ngang hàng cấp Tổng trưởng; ông Vũ Ngọc Nhạ cùng nhiều viên chức khác là chuyên viên các cấp dưới sự điều hành của ông Trọng.

Chính vì quan điểm trên mà chính quyền và giới quân nhân công chức tại Côn Đảo đối xử với nhóm tù Huỳnh Văn Trọng không khác gì nhóm tù Trần Đình Vọng. Họ được cấp hai căn nhà khang trang, chung vách, như hai gia đình công chức trên đảo.

Vào những năm 1970-1971, hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ còn bị giam giữ tại Trung tâm cải huấn Chí Hòa. Những người được cấp nhà tại Côn Đảo gồm có nhân vật số ba là ông Nguyễn Xuân Hòe, bị án chung thân ngang với ông Vũ Ngọc Nhạ, ông Bửu Chương, nguyên Chánh Sở Nha Cán bộ, Bộ Xây Dựng nông thôn vào những năm 1966-1968, ông Vũ Hữu Ruật, ông Vũ Văn Hiếu… Chỉ riêng ông Bửu Chương và tôi là từng gặp nhau đôi lần khi cùng làm chung với nhau tại Bộ Xây dựng Nông thôn.

Trong những ngày đầu năm 1971, cuộc sống mới mang lại nhiều ưu tư, tôi có làm một bài thơ và chép tặng ông Trần Đình Vọng và ông Bửu Chương là hai người có “chút dây mơ rễ má” với mình. Chẳng ngờ bài thơ ấy lại là dấu gạch nối giữa tôi và ông Hòe. Ông làm bài thơ họa tặng tôi và từ đó, vào những ngày chủ nhật, ông thường đến thăm tôi, mang cho tôi mượn các tạp chí TIME, Newsweek do người nhà từ đất liền gửi ra cho ông đọc.

Với tôi, ông Hòe không có một dấu hiệu nào chứng tỏ ông là một cán bộ cộng sản, khác hoàn toàn với một người mà tôi sẽ kể sau. Chúng tôi trao đổi với nhau nhiều vấn đề liên quan đến thời sự quốc tế như hai người bạn không khác biệt nhau về chính kiến và tôi đặc biệt khâm phục sự nhạy bén trong nhận thức về thời sự quốc tế của ông Hòe. Tôi còn nhớ một “tiết lộ” quan trọng của ông về hai vụ án tưởng chừng tách biệt nhau mà thật ra có liên hệ nhân quả với nhau.

Theo ông Hòe, hai vụ án cách nhau chỉ một thời gian ngắn là đòn ngầm giữa Đại sứ quán Mỹ và Phủ Tổng thống VNCH. Vụ thứ nhất liên quan đến Đại úy Trần Ngọc Hiền của MTGPMN, bị an ninh VNCH bắt khi từ chiến khu vào Sài Gòn tiếp xúc riêng với Sứ quán Mỹ. Việc bắt ông Hiền được xem là phản ứng của phía VNCH trước người đồng minh đã tự ý quyết định một việc hệ trọng mà không tham khảo mình. Ông Trần Ngọc Hiền là anh ruột ông Trần Ngọc Châu, người từng là Trung tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre), sau làm dân biểu Quốc hội VNCH. Ông Hiền bị đưa ra tòa và thụ án tù tại Côn Đảo.

Vụ thứ hai, cũng theo ông Hòe, lại là cú phản đòn của Sứ quán Mỹ đối với Phủ Tổng thống VNCH. Khi Tổng thống Thiệu ra lệnh cho người Phụ tá chính trị Huỳnh Văn Trọng cùng các cộng sự của ông Trọng tìm cách tiếp xúc riêng với đối phương, phía Mỹ bắt được những chứng cứ qua liên lạc vô tuyến và tung ngay ra trước công luận.

Ông Thiệu ở vào tình thế phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ra lệnh truy tố người phụ tá thân cận của mình. Chuyện này không biết có ai đặt ra như một giả thuyết hay không, nay xin phép hương linh ông Nguyễn Xuân Hòe được kể lại, để may ra có thể giúp làm sáng tỏ thêm nhiều góc khuất trong đời sống chính trị của VNCH trong một thời kỳ nhiều biến động.

Một buổi đi chơi chung giữa sĩ quan, viên chức và tù nhân Côn Đảo, từ trái qua: Tác giả bài viết, cùng Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật, Đại úy Lê Nam Hải-Tiểu đoàn trưởng Tâm lý chiến, Bửu Chương. Ngoại trừ tác giả và Đại úy Hải, những người còn lại thuộc nhóm tù Huỳnh Văn Trọng, đang làm công nhân văn phòng tại các Ty Sở trên đảo (ảnh tư liệu riêng, chụp tại mũi Cá Mập năm 1971)

Người quen thứ hai của tôi trong nhóm Huỳnh Văn Trọng-Vũ Ngọc Nhạ là ông Vũ Hữu Ruật. Ngày ấy, Ty Thanh niên Côn Sơn có cho tôi mượn một bàn ping pong (bóng bàn) và ông Ruật là bạn chơi gắn bó với tôi ở bộ môn này. Thời đó, công chức làm việc đến 12g rưỡi trưa Thứ Bảy thì được nghỉ cuối tuần cho đến sáng Thứ Hai. Mỗi tuần, cứ khoảng 2g chiều Thứ Bảy, ông Ruật lại xách vợt đến chơi với tôi. “Giơ” (jeu) ping pong của tôi với ông Ruật rất hợp nhau nên cả hai trở thành cặp đối thủ tương đắc của nhau. Bàn ping pong tại nhà tôi ngày càng lôi kéo các tù “công nhân văn phòng” đến chơi hay dự khán đông đảo…

Khoảng Tháng Ba 1972, tức ba tháng trước khi tôi rời Côn Đảo về nhiệm sở khác trong đất liền, hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ được đưa từ Chí Hòa ra đảo. Có lẽ do ngôi nhà được cấp riêng đã đông người hay vì một lý do nào không rõ, hai ông ở tại Trại lá, nơi dành cho những người tù làm công nhân văn phòng.

Ông Trọng lúc đó đã nhiều tuổi, song ông vẫn còn giữ được cái phong thái của một quan chức xưa, điềm đạm, ít nói. Ông Nhạ thì tôi chỉ gặp một lần, trong phút chốc. Gần ngày chính thức rời nhiệm vụ, một chiều nọ, tôi đến thăm và từ biệt hai ông Trọng và Nhạ. Đó là lần gặp cuối cùng.

Khi Hiệp định Paris 27 Tháng Một 1973 vừa ký xong, trong các đợt trao trả tù nhân, tôi đọc báo thấy ông Huỳnh Văn Trọng “xin ở lại miền Nam”. Điều đó dễ hiểu, vì theo tôi biết, ông Trọng không phải là người cộng sản. Trước 1954, ông từng là Đổng lý ngự tiền của Vua Bảo Đại. Và cũng vì thế mà sau 30 Tháng Tư 1975, tên tuổi ông chìm nghỉm bên cạnh người cộng sự Vũ Ngọc Nhạ được bơm thổi đến trời.

Tôi không có đọc quyển Ông Cố Vấn viết về ông Nhạ, vì ngay cái tựa sách đã sai rồi. Cố vấn và Phụ tá chính trị cho ông Thiệu là ông Huỳnh Văn Trọng, chứ chẳng phải là ông Vũ Ngọc Nhạ. Song có điều chăc chắn là trong quyển này, ông Nhạ sẽ nhắc nhiều đến những người cộng sự của ông trong “cụm tình báo chiến lược” như ông Nguyễn Xuân Hòe, ông Vũ Hữu Ruật, ông Bửu Chương…

Riêng ông Nguyễn Xuân Hòe, “duyên nợ” với tôi còn kéo dài đến sau 1975. Đã 10 năm kể ngày chia tay, tôi gặp lại ông mấy tháng sau khi tôi từ trại cải tạo trở về (1982). Khi đó, ông đang là Trợ lý giám đốc của công ty xuất nhập khẩu công tư hợp doanh Ficonimex mà giám đốc là ông Đinh Xáng, từng là giáo sư trường Chính trị Kinh doanh Đà Lạt trước 1975. Đây là mô hình thử nghiệm đầu tiên trong giao dịch với khu vực tư bản chủ nghĩa sau 1975.

Nhớ lại mối quan hệ cũ ở Côn Đảo, ông Hòe ngỏ ý “mời” tôi cộng tác với ông và ghi vào đơn xin việc của tôi là văn phòng ông đang thiếu người. Ông Đinh Xáng phê “thuận” trong đơn xin việc của tôi.

Thế là một người vừa đi tù về, chưa có quyền công dân, chưa có hộ khẩu, phải “tạm trú” ngay trong ngôi nhà của chính mình, lại vào làm ở một công ty xuất nhập khẩu cấp thành phố. “Chuyện lạ” ấy khiến chính quyền địa phương, nơi có trách nhiệm “quản chế” tôi, đâm ra… ngơ ngác.

Riêng tôi, lúc bấy giờ trở thành một anh nhân viên cạo giấy dưới quyền sai khiến của ông Hòe. Những lúc ngồi trong văn phòng Trợ lý Giám đốc, tôi vẫn còn hình dung rõ hình ảnh người tù Nguyễn Xuân Hòe mỗi sáng Chủ Nhật đến nhà tôi, khi vừa đến giữa khoảng sân rộng, đã đứng chụm hai chân lại, nghiêng người chào tôi rồi mới từ từ bước lên bậc tam cấp để vào nhà. Nếu có một chút ray rứt nào đó gợn lên từ lòng tự trọng hay tự ái thì những thứ tình cảm “tiểu tư sản” ấy phải chịu lép vế trước miếng cơm manh áo cho gia đình, giữa cuộc đua tranh khốc liệt đang diễn ra trong đời sống hàng ngày.

Kỳ sau: HỢP TÁC XÃ TIÊU THỤ VÀ QUỸ KÝ THÁC CAN NHÂN CÔN SƠN

_____________

Hồ sơ: Côn Đảo, những điều chưa kể

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: