Cuộc vận động gia đình tù nhân H.O. quá cố định cư tại Mỹ năm 1990

Viên chức Sở di trú Hoa Kỳ tại Sài Gòn phỏng vấn một gia đình Việt Nam được xét duyệt theo chương trình Orderly Departure Program (ODP), 1990 (ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket via Getty Images)

Thỉnh nguyện (1990): Xin cho các gia đình tù nhân  H.O quá cố cũng được cứu xét cho đi định cư như các gia đình tù nhân còn sống.

Nghị sĩ Kassebaum:  Tôi nhận thấy rằng chính sách định cư hiện nay không công bằng. Tại sao gia đình của tù nhân đã qua đời lại không được trao cho cơ hội di cư đến Hoa Kỳ?

BNG: Kể từ nay (7.1991) gia đình của tù nhân đã chết trong khi bị giam giữ… thời có đủ điều kiện nộp đơn xin nhập cư vào Hoa Kỳ.

__________

Trước khi viết về cuộc vận động xin cho các gia đình tù nhân H.O. quá cố được định cư tại Mỹ vào năm 1990, tưởng cũng nên lược lại các bài viết về cuộc vận động chính phủ Mỹ nhận định cư thành phần tù nhân trong các trại tù cải tạo (H.O.) do một số tổ chức, hội đoàn đề xướng trước đây về “vòng đàm phán chung kết vào tháng Bảy 1989. Qua bài viết “Ôn lại một số đặc điểm trong Lịch Sử Tị Nạn Việt Nam Từ 1975” (ngày 5 Tháng Năm 2020) của Giáo sư Lê Xuân Khoa, cựu Chủ Tịch IRAC, trong đó có đoạn văn viết về cuộc vận động chính phủ Mỹ nhận định cư thành phần tù nhân trong các trại tù cải tạo.

Các hội đoàn vận động xin cho tù nhân H.O. định cư tại Mỹ 1982-1989

Theo Saigon Weekly ngày 5 Tháng Năm 2020: “Năm 1987, để hậu thuẫn cho những cuộc thương thuyết toàn diện với Việt Nam sớm có hiệu quả, Tổng Thống Reagan chỉ định Đại Tướng hồi hưu John W. Vessey, nguyên Chủ tịch các Chỉ huy trưởng Liên quân, làm Đặc Sứ (special emissary) của Tổng thống phụ trách đối thoại với Việt Nam. Bà Khúc Minh Thơ và Hội GĐTNCT cũng liên lạc với Đại Tướng Vessey để vận động thêm cho tù nhân cải tạo

Năm 1986, sau khi tham dự Hội nghị Toàn quốc Lãnh đạo Cộng đồng Đông Dương do IRAC triệu tập tại Đại học Georgetown, Washington DC, ông Funseth mới thật sự có những cuộc tham khảo với chủ tịch IRAC về vấn đề tù cải tạo và triển vọng thương thuyết với Việt Nam. Trước mỗi lần gặp, IRAC đều có soạn talking points và tài liệu liên quan để ông Funseth tùy nghi sử dụng. Khi ông Funseth chuẩn bị vòng đàm phán chung kết vào tháng Bảy 1989, chủ tịch IRAC đã thu xếp một cuộc gặp gỡ tại Bộ Ngoại giao giữa ông Funseth và phái đoàn đại diện Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải ngoại khi đó do nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn làm chủ tịch và nhà thơ Viên Linh, tổng thư ký”. [1]

Tại một bài báo khác (Tiếng Dân ngày 11 Tháng Mười Một 2021), cựu Chủ tịch IRAC viết: “Trong bài diễn văn ngày 5 tháng 8, 1989, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Robert Funseth cám ơn ba người đã lặng lẽ giúp ông trong bảy năm thương thuyết với Hà Nội về vấn đề định cư tù cải tạo là Bà Khúc Minh Thơ, GS Lê Xuân Khoa và Mục sư Lý Công Thuận. Khi tường thuật nội dung cuộc đàm phán, ông Funseth đã dẫn hầu như nguyên văn ba đề nghị của tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam thực hiện. Những yêu cầu này được tôi nêu lên trong thư gửi ông Funseth ngày 17/7/1989, trước khi phái đoàn Mỹ lên đường qua Việt Nam kết thúc cuộc đàm phán và ký bản thỏa hiệp song phương ngày 30/7/1989”. [2]

Đó là hoạt động của các hội đoàn (1982-1989), còn về phần người viết trong thời gian này, qua Hộp thư Đoàn Tụ và qua địa chỉ của Tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong/VNTP (tiẻu bang Virginia), người viết nhận được nhiều thư bày tỏ ý nguyện  muốn  xin cho tù  nhân trong các trại cải tạo đ̣ược nhận vào Mỹ định cư. Lý do là trên tờ VNTP vào thời gian này, người viết  thường trình bày qua nhiều bài viết về chương trình và chính sách định cư của Mỹ đối với người tị nạn Đông Dương dựa vào tài liệu do viên chức làm việc trong chương trình định cư thuộc Bộ Ngoại Giao gửi đến.

Số là sau cuộc vận động đoàn tụ 1978 được phía cơ quan ODP Bangkok gửi lời nhận xét tích cực về cuộc vận động đoàn tụ  gia đình với cơ quan LHQ thành công “Kết quả cuộc vận động LHQ về đoàn tụ gia đình ODP năm 1978”. Vì thế, nhân cơ hội này,  người viết  gửi thư đến viên chức ODP tại Bangkok để tìm hiểu về chính sách định cư  của tân chính phủ Reagan (1981), liệu còn nhận nhiều người tị nạn Đông Dương như chính phủ tiền nhiệm (1976-1980).

(Phía Bộ Xã Hội cũng có chương trình định cư ORR, định cư người tị nạn sau khi đến Mỹ. Theo báo chí thời đó loan tải  về tài khóa 1980, Chính phủ Carter đã nhận định cư người tị nạn Đông Dương con số lên trên 150 ngàn. Sau này khi có trang web, Bộ Xã Hội loan tải con số chính xác là 166,727 người tị nạn Đông Dương thuộc tài khóa 1980,Dept.of HHS/ORR Report to Congress, 31 January 1981.pdf.

Qua thư trả lời, viên chức tại ODP Bankok đã giới thiệu người viết với viên chức thuộc văn phòng hoạch định chính sách định cư East Asia Program / EAP thuộc Bộ Ngoại Giao/BNG. Do đó, EAP thường dành cho người viết nhiều cuộc phỏng vấn, hoặc gửi bản văn liên quan đến chương trình tị nạn, một khi có sự thay đổi chính sách về việc định cư người tị nạn Đông Dương.

Thí dụ, lá thư đầu tiên trả lời người viết đề ngày 19 Tháng Sáu 1981, viên chức tại văn phòng EAP này viết: “Mr. Sciacchitano recently became a father and he is not often in the office. If you have any problem in writing to the Bureau, feel free to contact me again”, và vì vậy người viết giữ mối liên hệ với giới chức phụ trách chính sách về tị nạn Đông Dương tại EAP, Bộ Ngoại Giao. Kèm bản chụp[3]

Trở về vấn đề định cư thành phần tù nhân chính trị, trong quá khứ, phía báo chí đã loan tải quan điểm của chính phủ Reagan về vấn đề tù nhân, nhưng còn tân chính phủ Bush nhậm chức vào ngày 20 Tháng Một 1989 thì sao? Phía viên chức thuộc EAP khuyên người viết nên vận động cấp cao hơn…

Vấn đề được nghị sĩ Nancy Landon Kassebaum (R.Kansas) thuộc Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Liên Bang, thuận chuyển tiếp thư của người viết gửi đến Tổng Thống Hoa Kỳ.  Sau đó, vào tháng 6.1989, một thư phúc đáp thay cho Tổng Thống Bush được ký bởi bà Janet G. Mullins Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc Trách Pháp Chế gửi trả lời.

Ngày 23 Tháng Sáu 1989 – Thư phúc đáp đề ngày 23 Tháng Sáu 1989, về vụ định cư tù nhân H.O., Bà Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc  Trách Pháp Chế viết:

Chúng tôi đánh giá cao nhận xét tích cực của ông Đào  về chương trình ODP của  BNG. Hoạt động của chương trình trong hai năm qua, theo quan điểm của chúng tôi, thực sự rất đáng khích lệ. Vào thời điểm đó, bà Hecklinger đã gửi cho ông Đào bức thư hồi tháng Tư. Ngày 6 tháng 4 năm 1987 (phần đính kèm cuối cùng trong bức thư của ông Đào), các nhà chức trách Việt Nam vẫn đơn phương đình chỉ tiến  trình phỏng vấn theo quy định của pháp luật nước ta. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1987, Việt Nam cuối cùng đã đồng ý cho phép các viên chức của chúng tôi tiếp tục phỏng vấn các đương đơn…

Như tôi đã đề cập, có những vấn đề mà chúng tôi mong muốn giải quyết nhưng không thể tự mình giải quyết một cách đơn phương vì phải có sự đồng thuận từ các cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam. Một trong số đó là vấn đề mà ông Đào nhấn mạnh là việc mở ra chương trình đón  nhận  những tù nhân đã trải qua thời gian dài trong các trại tù cải tạo – One of these is the problem which Mr. Dao highlights in his letter to you, that of access to the program for those who have spent considerable periods in re-education camps

Tôi đảm bảo rằng Chính phủ Hoa Kỳ không quên những người đã bị nhà đương  quyền Việt Nam bỏ tù vì quan điểm chính trị hoặc có mối quan hệ thân thiết trước đây của họ với Hoa Kỳ – I wish to assure you that the United States Government has not forgotten those who were imprisoned by the present Vietnamese government because of their political views or their former close association with the United States.”

“Ngoài ra, tôi rất vui  thông báo đến qúi vị  về một số tiến bộ gần đây trong vấn đề này. Thứ trưởng Ngoại giao Eagleburger, phát biểu vào ngày 13 tháng 6 tại một hội nghị quốc tế về người tị nạn Đông Dương tại Geneva, đã kêu gọi Việt Nam nối lại các cuộc đàm phán với chúng tôi về chủ đề này. Các quan chức Hoa Kỳ đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch vào ngày hôm sau (14.6.1989), và nhân dịp đó, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về chủ đề tù nhân vào tháng Bảy (1989) này, vào một ngày và địa điểm đã ấn định. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ đạt được thỏa thuận về vấn đề nhân đạo quan trọng này qua các cuộc đàm phán với chính phủ Việt Nam“. [4]

Đúng như điều bà Phụ Tá Ngoại Trưởng Đặc Trách Pháp Chế nêu ra trong thư ngày 23 Tháng Sáu 1989 nêu trên, một tháng sau, thỏa hiệp về việc định cư thành phần tù  nhân cải tạo được ký kết vào ngày 30 Tháng Bảy 1989 giữa Mỹ và nhà nước CSVN như giáo sư Lê Xuân Khoa cựu Chủ Tịch IRAC đã viết trên.

Cuộc vận động xin cho các gia đình tù nhân quá cố năm 1990

Ngày 28 Tháng Tám 1989 – Người viết nhận được bản văn về việc định cư tù nhân cải tạo do  viên chức thuộc văn phòng EAP /BNG gửi đến. Qua văn bản này, được biết chương trình đón nhận tù nhân cải tạo đã có một tên mới do thỏa hiệp thứ hai được ký kết ngày 28 Tháng Tám 1989 có tên là chương trình đặc biệt Định Cư Các Tù Nhân Cải Tạo – Special Released Reeducation Center Detainees Resettlement Program.

Trong văn kiện này liệt kê bốn [4] thành phần được thâu nhận qua chương trình đặc biệt này,  và điều  4  viết  như sau:

Những người có liên hệ mật  thiết với Hoa Kỳ, những người thuộc thành phần này bao gồm các cựu quân cán chính, những người đã từng phục vụ cho chính phủ  VNCH trước đây, được đào tạo hoặc thụ huấn tại Hoa Kỳ, hoặc những người đã nhận được các giải thưởng chiến đấu của Hoa Kỳ. Những người nộp đơn và các thành viên gia đình của họ được nhận vào Hoa Kỳ với tư cách là người tị nạn. Kèm văn kiện về thỏa hiệp. [5]

Nhìn vào các thành phần được nhận vào Hoa Kỳ liệt kê trong văn kiện đã không nhắc đến trường hợp các gia đình của tù nhân H.O. đã quá cố, vì vậy những người trong hoàn cảnh này khi nạp đơn, đã bị văn phòng ODP tại Thái Lan gửi thư từ chối vì không thuộc vào 1 trong 4  điều kiện nêu trên. Với lý do:

Trường hợp của bạn đã được xem xét và xác định rằng những ứng viên có tên nêu trên không đủ điều kiện để phỏng vấn vào lúc này. Quyết định này dựa trên những điều sau: ODP hiện chỉ phỏng vấn những ứng viên có ít nhất 3 năm cải tạo hoặc ít nhất 5 năm làm việc với chính phủ Hoa Kỳ hoặc công ty tư nhân. Hồ sơ của  bạn  có thời gian ít hơn thời gian ấn định, nên không đủ điều kiện.  [6]

Vì thế những người trong hoàn cảnh, lại viết thư nhờ người viết đạo đạt thỉnh nguyện lên chính phủ để xin cho các gia đình thuộc thành phần tù nhân  H.O. quá cố cũng được cứu xét  cho đi định cư tại Mỹ. Vấn đề  này được sự đồng ý của Chủ nhiệm Tạp chí VNTP, người viết lên tiếng kêu gọi những người trong hoàn cảnh bị văn phòng ODP tại Bangkok bác đơn,  gửi các giấy tờ bị ODP từ chối đến địa chỉ tòa soạn VNTP để người viết có chứng từ đi gõ cửa nhà quan.

Tháng Chín 1990 – Cuộc vận động xin cho các gia đình tù  nhân quá cố được đi định cư tại Mỹ khởi sự từ Tháng Chín 1990 (VNTP số 353 và 354 tháng 9/1990), sau đó,  dựa vào các chứng từ thu thập được, và áp dụng theo lời khuyên của viên chức thuộc EAP như đã viết phía vận động cấp cao hơn, nên người viết đã mang vấn đề trình bày với Nghị sĩ Kassebaum, để xin vị nghị sĩ này can thiệp với Cơ Quan Tị Nạn thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Bởi vì cùng là thân nhân của những tù nhân cải tạo H.O., mà một khi người tù còn sống thì được nhận, nhưng chẳng may, tù nhân chết trong tù hay chết sau khi được phóng thích, thì thân nhân của những tù nhân H.O. này không được nhận vào định cư, nên quả là có sự không công bằng, vì phía các viên chức phụ trách tại “vòng đàm phán chung kết vào tháng Bảy 1989đã không dự liệu điều khoản này trong chương trình Đặc Biệt Định Cư tù nhân cải tạo.

Nghị Sĩ Kassebaum: Tôi nhận thấy rằng chính sách định cư hiện nay không công bằng. Tại sao gia đình của tù nhân đã qua đời lại không được trao cho cơ hội di cư đến Hoa Kỳ?

Ngày 23 Tháng Sáu 1991. Thể theo yêu cầu của người viết, Bà Nghị sĩ đã  gửi thư đến ông Giám đốc Chương trình Tị nạn thuộc BNG Hoa Kỳ. Trong thư, Nghị Sĩ Kassebaum yêu cầu giải thích sự khác biệt trong chính sách định cư và yêu cầu cho thân nhân gia đình tù nhân quá cố cũng phải được  nhận vào định cư tại Hoa Kỳ, Bà viết:

Chương trình dành cho tù nhân  người  Việt Nam bị giam giữ trong các trại tù cải tạo vì đã có liên hệ trước đây với Hoa Kỳ đã được thực hiện. Theo sự tìm hiểu của tôi, gia đình của các  cựu tù nhân đã qua đời cũng phải được coi là  thuộc thành phần được cho phép định cư. Tuy nhiên, thời điểm gây đến tử vong của người bị  giam giữ là khá quan trọng trong tiến trình thụ lý.

Nếu tù nhân qua đời khi bị  giam cầm trong  trại tù cải tạo, hoặc nếu cái chết của họ là do  hậu quả  của việc giam cầm, thì  cần được  cấp cho gia đình này quyền  phỏng vấn để nhập cư vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu tù nhân chính trị được thả ra khỏi  trại cải tạo và chết vài năm sau đó vì nguyên nhân tự nhiên, thì những gia đình  trong trường hợp này sẽ không dễ dàng được chấp nhận phỏng vấn. Tôi nhận thấy rằng chính sách định cư hiện nay không công bằng. Tại sao gia đình của tù nhân đã qua đời lại không được trao cho cơ hội di cư đến Hoa Kỳ, trong khi những gia đình mà người bị giam cầm trước đây còn sống thì lại được phép  định cư?”  (Kèm bản chụp, trang 2). [7]

Cơ quan tị nạn thuộc BNG  chấp nhận định cư thân nhân gia đình tù  nhân H.O. quá cố.

Khoảng một tháng sau ngày Nghị Sĩ Kassebaum đặt vấn đề với ông Giám đốc Chương trình Tị nạn về việc “chính sách tị nạn không công bằng”, người viết nhận được thư thông báo kết quả về trường hợp của các gia đình từ nhân quá cố, trong đó có kèm theo lá thư trả lời của phía Bộ Ngoại Giao đề ngày 15 Tháng Bảy 1991, và người ký tên trên thư này cũng lại là bà Janet G. Mullins, Phụ Tá Ngoại trưởng đặc trách Pháp Chế Bộ Ngoại Giao, người mà trước đây đã gửi thư đảm bảo rằng Chính phủ Hoa Kỳ không quên những người đã bị  nhà đương  quyền Việt Nam bỏ tù…” (23 Tháng Sáu 1989), như đã tình bày phần trên.

Ngày 15 Tháng Bảy 1991 – Trong thư trả lời đề ngày 15 Tháng Bảy 1991, bà Phụ Tá Ngoại trưởng đồng ý với những điều trình bày từ phía vị Nghị Sĩ thuộc Ủy Ban Ngoại Giao Thượng viện và xác nhận rằng đối với thành phần thân nhân có liên hệ ruột thịt với các tù nhân chính trị, dù đã chết khi còn bị giam cầm hoặc đã chết một thời gian sau khi được phóng thích, đều được nạp đơn, xin đi định cư qua chương trình ODP, để xin nhập cảnh Hoa Kỳ với chiếu khán tị nạn, với điều kiện đã được nhà cầm quyền Việt Nam cấp  giấy phép xuất cảnh. Thư của bà Phụ tá viết:

Đây là thư trả lời thư đề ngày 17 Tháng Sáu của Bà  gửi tới Princeton Lyman, Giám đốc Chương trình Người Tị nạn, về chính sách của Chương trình Ra Đi Có Trật tự đối với gia đình các cựu tù nhân chính trị Việt Nam đã chết sau khi được thả khỏi các trại tù cải tạo.

Nói chung, chính sách của chúng tôi như Bà đã nêu trong thư của Bà. Các thành viên gia đình tù nhân đã chết trong khi bị giam giữ hoặc (tử vong) ngay sau khi được thả do hậu quả của việc giam giữ , thời có đủ điều kiện nộp đơn xin nhập cư vào Hoa Kỳ như những người tị nạn, thông qua chương trình ODP, sau khi họ được chính quyền Việt Nam cho phép xuất cảnh. 

Ngoài ra, ODP sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để phỏng vấn vợ và con của các cựu tù nhân đã chết sau khi được phóng thích, có tính đến thời gian tù nhân bị giam giữ, và chết một thời gian  bao lâu sau khi được thả

Tôi khuyến khích Bà và cử tri  của Bà chuyển hồ sơ về các trường hợp đã được đề cập, gửi đến văn phòng ODP, tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok, để họ có thể xét xem có đủ điều kiện phỏng vấn hay không”. [8]

Như trên, phần cuối lá thư trả lời của Bà Phụ Tá Ngoại Trưởng khuyến khích chúng tôi “chuyển hồ sơ về các trường hợp đã được đề cập, gửi đến văn phòng ODP” để nơi đây cứu xét hầu cho phỏng vấn. Nhưng như đã trình bày, người viết chỉ nhận làm công việc đi  tìm chứng cứ để vận động xin cho các gia đình tù nhân quá cố cũng được đi định cư mà thôi…

Và qua tạp chí VNTP (số 378 tháng 9.1991, kèm bản chụp phía trên) trong bài viết tường trình về kết quả sau một năm đề xướng cuộc vận động, để thông báo đến  bà con, bạn đọc đã tiếp tay cho cuộc vận động, thì nay chính phủ đã chấp thuận nguyện vọng, đồng thời yêu cầu những người trong hoàn cảnh nên trực tiếp gửi hồ sơ đến cơ quan ODP Bangkok để nơi đây xét duyệt cho đi định cư. [9]

Một lần nữa, người viết lại xin gửi lời cám ơn chân thành đến bà con xa gần đã tiếp tay đẩy mạnh cuộc vận động cho thân nhân gia đình tù nhân H.O. quá cố đến Mỹ định cư (1990-1991) đến thành công.

__________________

Tài liệu tham chiếu:

[1]- Ôn lại một số đặc điểm …

[2]-Trả lại sự thật cho lịch sử

[3]- Thư của  EAP/ BNG  1981: “…feel free to contact me again”

[4]- BNG 23.6.1989, Thư trả lời về:  Đề nghị định cư thành phần  tù nhân cải tạo

[5]- BNG 28.8.1989-Điều kiện nhận định cư tù nhân…: Special Released Reeducation Center Detainees Resettlement Program.

[6]- ODP Bangkok: Mẫu thư từ chối các đơn không đủ điều kiện…

[7]- Thư gửi BNG 17.6.1991 (a,b): Đề nghị định cư gia đình tù nhân quá cố

[8]- BNG July 1991,thư chấp thuận: Định cư gia đình tù nhân quá cố với điều kiện…

[9]- VNTP số 378, tháng 9.1991: Tường trình kết quả cuộc vận động gia đình tù nhân quá cố đi Mỹ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: