Đạo Công giáo có mặt ở Việt Nam từ lúc nào?

Minh họa: Katherine Hanlon/Unsplash

Mốc chứng lịch sử:

-Đạo Công Giáo có ở Việt Nam năm 1615

-Quân Pháp đến Việt Nam năm 1858

(Cách nhau 243 năm)

Không chỉ một số sử gia và nhiều người Việt Nam nghĩ rằng đạo Công Giáo tại Việt Nam bắt nguồn từ những Linh Mục người Pháp, mà ngay trong Giáo hội Pháp cũng có một số người nghĩ như vậy. Vào thời điểm tài liệu lịch sử khan hiếm, ý niệm trên cũng lan truyền trong nhân gian, tạo ra dư luận ác ý suốt thời gian khá dài: Công Giáo Việt Nam có liên hệ đến việc Pháp xâm chiếm nước Việt Nam. Thế nhưng lối suy nghĩ này đang được chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam Roland Jacques (Dương Hữu Nhân) phản đối, bắt đầu từ bài tranh luận qua dạng lá thư gửi đến Hội đồng giám mục Pháp từ năm 1997. [1]Những năm gần đây, do tài liệu lịch sử dễ tiếp cận, những “ác ý” nói trên bị mai một theo thời gian. Bởi vì Đạo Công giáo có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 16 và được thiết lập vững chắc bởi các thừa sai Dòng Tên Bồ Đào Nha và Ý, từ trụ Dòng Tên tại Nhật Bản đến Việt Nam năm 1615 [2].

Mãi 243 năm sau, Tháng Tám 1858, quân Pháp mới đổ bộ vào Đà Nẵng, Việt Nam. Đây là MỐC LỊCH SỬ RÕ RÀNG NHẤT, làm cho những ai có dụng ý muốn gán cho Công Giáo Việt Nam “tội rước Pháp xâm chiếm Việt Nam” phải xét lại định kiến sai lầm.

Trong cuộc trao đổi với phái viên Vận Hội Mới tối 30 Tháng Tám 2021, Linh Mục Roland Jacques, Trưởng Khoa Giáo Luật Đại Học St Paul, Ottawa, Canada đã xác nhận những điểm quan trong thượng dẫn.

Nhân chuyến thăm Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh cha Phanxicoxavie Trương Bửu Diệp, tại trụ sở của Hội ở Miền Nam California, Hoa Kỳ, Linh Mục Roland Jacques Dương Hữu Nhân được mọi thành viên cùng một số Linh Mục và quan khách ái mộ, đã dành cho Ngài một buổi tiếp đón trong không khí cầu nguyện Thánh Thiêng với tấm lòng ngưỡng mộ một người gốc Pháp yêu mến quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Chính vì lý do này, cha Nhân, ngoài chín ngôn ngữ khác trên thế giới, ngài đã cố gắng học để đọc, viết và nói chuyện bằng tiếng Việt một cách thành thạo, không thua gì những con dân Việt. Do tâm tình yêu mến quê hương Việt Nam, Linh Mục Roland Jacques đã chọn cho mình tên Việt là Dương Hữu Nhân từ thập niên 1980.

Chính nhờ biết đọc, viết sành sỏi các ngôn ngữ như Hy lạp, Do Thái, Latin, Bồ Đào Nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và cả tiếng Việt Nam…, nên cha Nhân đã tiếp cận được nhiều tài liệu khác nhau để đủ giúp ngài chứng minh rằng, kể từ năm 1615, các vị giáo sĩ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản, tỉnh dòng có nhiều Linh Mục mang quốc tịch khác nhau, có tầm vóc quốc tế đã đặt nền móng thành hình cho công cuộc truyền giáo, cũng là nền móng cho Giáo Hội Việt Nam.

Tài liệu trên Bách Khoa Toàn Thu Mở ghi rõ: Các vị thừa sai Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha thuộc nhiều Hội dòng khác nhau đôi lúc đã cố thử mở đường rao giảng Phúc Âm, nhưng phải đợi đến phương pháp và sự kiên trì quyết tâm của các tu sĩ dòng Tên để thấy được những hy vọng trở thành sự thật.

Tài liệu trên Bách Khoa Toàn Thu Mở ghi rõ: Các vị thừa sai Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha thuộc nhiều Hội dòng khác nhau đôi lúc đã cố thử mở đường rao giảng Phúc Âm, nhưng phải đợi đến phương pháp và sự kiên trì quyết tâm của các tu sĩ dòng Tên để thấy được những hy vọng trở thành sự thật. Vào năm 1615 các Linh Mục Dòng Tên như LM Francesco Buzomi, ngưới Ý lần đầu tiên đến Đàng Trong. LM Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha là nhà truyền giáo đầu tiên thông thạo tiếng Việt. LM Giuliano Baldinotti, người Ý tới tìm hiểu Đàng Ngoài năm 1626. LM Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), người Pháp cập bến Cửa Bạng, Thanh Hóa năm 1627 và bắt đầu công cuộc truyền giáo với nhiều thành tựu tại Đàng Ngoài. LM Girolamo Maiorica, người Ý nhiều năm truyền giảng Phúc Âm, viết sách chữ Nôm và hoạt động mục vụ tại Đại Việt cho tới những năm cuối đời. Dòng Tên đã gây dựng nền móng vững chãi cho Công giáo Việt Nam ngay từ thế kỷ 16.   [3]

Khi những vị người Pháp đầu tiên – các tu sĩ Joseph Francis Tissanier và Pierre Jacques Albier – đi tàu biển đến Việt Nam vào năm 1658, thì có gần 70 vị truyền giáo gồm tám quốc tịch khác nhau đã kẻ trước, người sau cũng đặt chân đến nơi này, trong số đó có 35 vị người Bồ Ðào Nha, 19 vị người Ý và 7 vị người Nhật. [1] Như thế, vào thời kỳ đầu của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, chưa có vị nào mang quốc tịch Pháp. Sau 243 năm, Tháng Tám 1858, quân viễn chinh Pháp cùng Tây Ban Nha đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn. [4] Căn cứ vào mốc thời gian để minh chứng lịch sử cho từng giai đoạn thì những gì LM Roland Jacques Dương Hữu Nhân trình bày hoàn toàn thuyết phục.

Về tiến trình vận động tuyên Thánh cho Linh Mục Tử Đạo Phanxicoxavie Trương Bửu Diệp, Cha Dương Hữu Nhân thông báo chung cho mọi người biết: Mọi việc đã thực hiện theo qui định tuyên Thánh trong Tông huấn Divinus Perfectionis Magister, do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25 Tháng Một 1983.

“Special Problems in Canon Law III – Canonizations, do linh mục Roland Jacques, omi. tức Cha Dương Hữu Nhân, Cha Giáo Sư và Khoa Trưởng Giáo Luật Đại Học St. Paul ở Ottawa soạn và dạy trong niên khóa 2007-2008.

Huấn thị “Sanctorum Mater” Mẹ của các Thánh, do Bộ Tuyên Thánh ban hành năm 2007 và được Tòa Thánh chính thức giải thích ngày 28 Tháng Hai 2008 tại Roma.Theo hướng dẫn của “Sanctorum Mater”, tiến trình tuyên phong chân phước phải được bắt đầu nơi địa phận mà ứng viên tuyên thánh đã chết.

Về luận án 400 trang khổ giấy lớn với đầy đủ chứng từ cần thiết đã đệ trình Tòa Thánh Vatican. Một vài cuốn đã được chuyển đến các thành viên của Hội Đồng Sử Gia, để những vị này lượng giá tài liệu trong luận án đối với lịch sử. Công việc này đang được tiến hành, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 nên có sự chậm trễ đôi chút. Sau khi Hội Đồng Sử Gia lượng giá, luận án được chuyển đến Hội Đồng Thần Học gồm chín nhà Thần Học khuyết danh để thẩm định Cha Diệp đã bị chết như thế nào? Và kết luận sẽ được trình lên Đức Giáo Hoàng, để ngài ký sắc lệnh công bố rằng, Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp thực sự là một vị tử đạo. [5]

Công việc của chúng ta là tiếp tục cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cho một người con đất Việt ở thời đại này, Cha Trương Bửu Diệp sớm được hoàn thành, để ngài được tôn kính trên bàn thờ của mọi Kitô Hữu trên toàn thế giới.

Giới thiệu về Linh Mục Roland Jacque, tác giả cuốn sách “Les Missionnaires Potugais et les débuts de l’Église Catholique au Viet-nam – Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công Giáo Việt Nam”, Đức Giám Mục Joseph Vũ Duy Thống, Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa Hội đồng Giám Mục Việt Nam viết:

Roland Jacques xây dựng nội dung các tác phẩm từng được xuất bản về lãnh vực này qua hai trục nghiên cứu. Trục đầu là phần nghiên cứu về ngữ học mà các vị thừa sai Dòng Tên do Bồ Đào Nha gửi đến đã khởi sự và thực hiện một cách thành công. Ngoài Cha A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ, mà tên tuổi che che khuất những vị tiên phong đầy công lao khác, chúng ta sẽ thích thú khám phá được rằng đây là một công trình tập thể: có những người Việt Nam và những người Âu Châu từng cộng tác với nhau rất mật thiết và lâu dài cho công trình này, chuẩn bị cho một tương lai văn hóa dân tộc. Sự nghiệp của các bậc nghiên cứu tiền nhân này đã cống hiến vào gia sản chung của toàn dân tộc Việt Nam.

Trục thứ hai là Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của chúng ta. Vì tác giả là người đã góp phần mình vào việc xây dựng hồ sơ và giúp cho chúng ta có được tên Anrê Phú Yên vào danh sách các vị Chân phước, nên tác giả quá quen thuộc với khuôn mặt sáng chói lạ lùng về sự trưởng thành trong cuộc sống Kitô Giáo và lòng dũng cảm tông đồ. Một trong những kỳ công lớn lao của cuốn sách này của tác giả hẳn sẽ là việc giúp độc giả biết rõ hơn về vị tử đạo của chúng ta và giúp chúng ta nhìn nhận công đức và vai trò của ngài. Như tác giả từng viết: “Anrê là tiêu biểu cho tất cả những thừa sai Việt Nam vô danh nầy, là những anh hùng trong cuộc sống trước khi tỏ ra anh hùng trong khi chết… Chính ở điểm nầy mà Anrê là một gương mẫu của đời sống công giáo rất thích hợp cho thời nay.”

Hiệp thông cùng Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tại Giáo Phận Orange, Tuyên Úy Hội Yểm Trợ Tuyên Thánh Cha Trương Bửu Diệp, chúng tôi nhóm phóng viên Vận Hội Mới, xin lập lại lời Đức Cha Joseph Vũ Duy Thống như trên để ghi ơn và tỏ ngưỡng mộ một vị ân nhân của Công Giáo Việt Nam, một người say mê văn hóa và Tiếng Nước Nam… để kết thúc bài tường trình cho lần đầu gặp gỡ Linh Mục Roland Jacques Dương Hữu Nhân, hôm 30 Tháng Tám 2021.

Vi-Khiêm Nguyễn Văn Liêm

Hình của William Quế Nguyễn

Ghi chú:

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/2004/06/040609_vietcatholic

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_gi%C3%A1o_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%B2ng_T%C3%AAn

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Ph%C3%A1p%E2%80%93%C4%90%E1%BA%A1i_Nam

[5] Lễ giỗ Cha P.X. TBD Lần Thứ 75 – LM Dương Hữu Nhân

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: