Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng (4)

Lê Quang Lời đã từng làm lính “tuần sai” cho phát xít Nhật. Sau khi đánh đổ đế quốc Pháp, phát xít Nhật ở Thanh Hoá dựng lên chính quyền tay sai mới, thành lập đội lính tuần sai làm công cụ dò la, đàn áp. Chúng mộ lính, ngoài sức khoẻ tốt, còn phải biết đi xe đạp. Thời ấy đa số thanh niên nông thôn không biết đi xe đạp. Chú tôi (Hoàng H. Thuyết) người cùng làng, đang học trường Trung học tư thục Nord’ An Nam biết đi xe đạp, nên được ông Lời nhờ cậy vào thi hộ.

Dĩ nhiên chú tôi không biết mình giúp người ta như thế là sai, nên nhận lời. Lê Quang Lời trúng tuyển lính “tuần sai”, đội quân tay sai đắc lực của phát xít Nhật. Không rõ Lời có làm nên công trạng gì cho giặc Nhật, chỉ biết, sau Cách mạng Tháng Tám, Quang Lời tìm nơi trốn tránh một thời gian. Sau thấy tình hình ở địa phương không ai hỏi đến, nên Lời mò về, tham gia công tác cách mạng rất tích cực, rồi xông lên hàng đầu cuộc đấu tranh chính trị  mạnh như bão tố!

Đêm thứ ba, đối tượng là cường hào ác bá, chánh phó tổng, lý trưởng, hương kiểm, hương mục, hương bạ, hương bản, hương dịch, bọn lưu manh xã hội; thầy bói, thầy cúng, thầy chùa, thầy tướng, thầy số, thầy địa, thầy… Ông Lời không quên thành phần phú nông, địa chủ ngồi mát ăn bát vàng, phát canh thu tô gánh nặng gãy lưng, cho vay nặng lãi gấp đôi, gấp ba!

Nhà tôi gần đình làng Đoài, ngôi đình to lớn đồ sộ, nghe văng vẳng tiếng ông Lời oang oang, giọng ông Lời hùng hồn, khí thế đấu tranh hừng hực của ông rực lửa suốt ba đêm liền, từ 8 giờ tối đến 11 giờ khuya. Cảm tưởng như trong làng chó cũng không dám sủa, gà không dám gáy… Tất cả chìm vào im lặng, nín thở chờ đợi những đêm đấu tranh gay cấn khốc liệt hãy còn ở phía trước!

Đúng vậy! Mấy hôm sau đến lượt quần chúng vùng dậy đấu tranh, không bằng chính trị mà bằng những trận đòn thù! Mở đầu, anh Sử trại Cồn tố cáo anh Trị xóm Đồn “càn” trộm vịt, người ta nói, còn đấm lại!

“A! Hắn cậy thế có anh là Phó Cai tổng Văn Trinh đó mà!” Có tiếng người nói.

Quang Lời gọi: “Thằng Trị mô ra đây!”

Trị “Dạ” một tiếng, bước ra trước bục sân khấu làm sau Cách mạng Tháng Tám để thanh niên diễn kịch, bây giờ các vị lãnh đạo đang oai vệ ngồi.

Một người hô to: “Đánh bỏ mẹ hắn đi!”

Lập tức, Sử nhảy lên trước tiên, đấm đá Trị túi bụi. Rồi mấy người cũng xông lại cùng đánh, Trị tối tăm mặt mày, đau quá không kêu được gì, từ từ gục xuống. Lúc này người ta mới dừng tay.

Mặc kệ kẻ tội phạm nằm gục đó, Quang Lời nói: “Ai muốn tố cáo cứ tố cáo, đừng lo kẻ địch trả thù, có tôi đây là chính quyền cách mạng!”

Trong đám đông, một người giơ tay: “Tôi xin tố cáo thằng Sử là phản động theo đuôi bọn Phật giáo!”

Lê Quang Lời gật gật đầu: “Đúng! Nhà hắn cũng có người đi lễ Phật! Thằng Sử mô rồi lại đây!”

Sử mới đánh Trị xong, đang đứng gần đó, run sợ bước ra, vái Lời một vái. Lời bật cười: “Tao có phải Phật tổ nhà mi mô!”

Sử chưa kịp kêu oan, đã bị nhiều người xúm lại đấm đá. Sử kêu trời được mấy tiếng, rồi ngã lăn quay ra nền đình. Có lẽ Sử hết sức bất ngờ về cuộc đấu tranh này: mình vừa nện cho thằng Trị một trận nên thân, thì chính mình cũng bị mấy đứa ghét mình đánh cho đau hơn! Nhưng chắc chắn điều này phải sau đó, lúc hồi tỉnh trong cơn đau đớn, Sử mới nhận ra!

Đêm đã khuya, người ta có vẻ dè chừng, thận trọng về lời tố cáo. Lê Quang Lời kêu gọi, gợi ý mãi cũng chỉ thấy có mấy cái tên phản động đầu sỏ: Thuỳ, Thuyết, Hân, Điều đã bị bắt bỏ tù cả rồi. Từ Nhen đề nghị chính quyền cách mạng xã gửi giấy lên cấp trên giải những tên đầu sỏ phản động về địa phương để nhân dân đấu tranh, bắt khai ra bè lũ tay chân của tụi hắn trong làng xã. Quang Lời gật gật đầu khen ý kiến anh Chư (Lê Trí Chư, tức Từ Nhen) rất đúng! Lê Quang Lời tuyên bố: Cuộc đấu tranh buổi đầu thắng lợi, cho bà con tạm nghỉ, đêm mai lại tiếp tục.

Tôi và anh Nậu buộc phải đến, không phải để tham dự, mà để chứng kiến. Nay mai sẽ đến lượt chính chúng tôi phải tố cáo tội ác phản quốc hại dân của cha, chú mình!

Về nhà, anh Nậu nói nhỏ với tôi: “Tau đếch kinh! Cái hạng dân ngu cu đen như tau thì biết cấy chi!”. Mẹ tôi đang thức, hỏi chuyện đấu tranh ngoài đình. Tôi lo họ bắt tôi khai báo, không biết gì để khai báo, họ lại kết tội mình cũng là phản động hoặc liên quan phản động. Mẹ tôi nói: “Con tuổi nhỏ mới lớn, đang là học trò, chắc ông Lời không để ý”. Tôi ngỏ ý muốn tránh lên Nông Cống một thời gian, chờ bão tan sóng lặng hãy trở về. Nhưng mẹ tôi dứt khoát: “Chạy trời không khỏi nắng! Để sớm mai mẹ nói với anh Lưỡng công an, cậy nhờ giúp đỡ”.

Trời chưa sáng, mẹ tôi đã gõ cửa nhà anh Lưỡng. Nhà anh gần nhà tôi, cách một quãng đường vòng đi qua ao đình làng với ao nhà ông Mục Chức và ngõ ông Từ Chức là đến. Mẹ tôi phải đi lúc này vì nhà ông Lời chỉ cách nhà anh Lưỡng một cái ngõ. Sợ ông ấy nhận thấy lại nghi ngờ.

Nhưng sau mấy đêm hò hét, đấu tranh, chắc ông Lời không thể thức dậy sớm. Anh Lưỡng làm công an thôn, vốn người tốt bụng, gia đình nghèo khó, bố anh là ông Kỹ làm nghề bán nước chè xanh ở chợ Nguyễn, lúc này cũng đã thức dậy sửa soạn hàng. Ông Kỹ hiền lành như đất, không để ý đến khách của con. Anh Lưỡng vui vẻ nhận lời. Nhưng vì không có quyền hành gì, nên chỉ hứa sẽ nói khéo với ông Trần Ngọc Khai, xã đội trưởng kiêm Trưởng công an xã, thương tình che chở.

Trưa hôm ấy, anh Lưỡng báo tin ông Khai đã nhận lời, hẹn tối sẽ đến gặp, gia đình nên tiếp đãi tử tế. Mẹ tôi vâng dạ rối rít. Mẹ tôi và anh Nậu bắt con gà mái duy nhất còn lại trong nhà đang nhảy ổ, cục ta cục tác mấy hôm rồi mà chưa đẻ. Anh Nậu tiếc, cầm cái tách nứa trong tay, chần chừ không nỡ cắt cổ nó. Mẹ tôi bảo: “Người còn không tiếc được, nói chi con gà! Chả nhẽ bắt em nó cắt?”

Anh Nậu bất đắc dĩ phải xuống tay. Tôi quay mặt đi chỗ khác. Từ hôm thấy người bị trọng thương khiêng đến bệnh viện trường y sĩ quân y sơ tán tại Cổ Định, bị thủng hông, toác ngực, cụt tay, mất chân bởi máy bay giặc Pháp ném bom chợ Mục Nhuận (huyện Đông Sơn), tôi rất sợ cảnh máu chảy, không dám nhìn thấy máu. Tôi biết mình là kẻ nhát gan, không chỉ nhát gái, còn sợ cả cảnh chết chóc!

Buổi tối, khoảng 8 giờ, anh Lưỡng đưa ông xã Trần Ngọc Khai đến, vào thẳng nhà dưới. Ông Khai to mập, đầu đội mũ bộ đội có lưới, mặc quần áo bộ đội màu cỏ úa đã cũ, kiếm được từ thời còn đi bộ đội địa phương huyện. Đặc biệt ông có một khẩu súng lục đút trong bao da đeo xệ xuống một bên hông, khiến ông trở nên oai vệ khác thường, bước đi khệnh khạng, ngất ngưởng. Tôi cứ dán mắt vào khẩu súng ấy, cảm giác sờ sợ…

Mâm cơm rượu đã được dọn sẵn, chỉ chờ khách đến là bưng ra. Ông Khai hỏi: “Cái chi rứa?” Mẹ tôi xoa xoa hai bàn tay run rẩy vào nhau, miệng lắp bắp: “Dạ bẩm ông, có chén rượu lạt mời ông, anh Lưỡng… cho ấm bụng…”. Ông Khai đưa mắt hỏi anh Lưỡng: “Ra răng đồng chí?”. Anh Lưỡng cười: “Thôi thì gia đình có lòng thì ta có bộng (bụng)!”

Mâm cơm mời khách quá đơn sơ, chỉ có món gà luộc và chai năm rượu (chừng nửa lít). Nhưng trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, được như thế đã là sang lắm. Anh Lưỡng rót rượu ra chén tống, mời thủ trưởng. Ông Khai nhấp thử một ngụm, “khà” một tiếng, khen: “Được!”. Thấy anh Lưỡng không uống, ông nhắc: “Đồng chí! Uống đi chứ!”. Anh Lưỡng rót nửa chén rượu: “Em còn phải làm nhiệm vụ!”

Hình như đến giờ anh mới nhớ ra một nhiệm vụ quan trọng. Anh đứng ngay dậy, bảo mẹ tôi: “Biểu thằng Nậu, tôi cần dặn”. Anh Nậu đang đứng sau cây cột, bước lại gãi tai. Anh Lưỡng ghé vào tai anh Nậu: “Mi ra ngoài ngõ đứng canh, có ai vô thì nói công an xã đang mằn việc, không được vô!”. Dặn dò xong, anh Lưỡng yên tâm ngồi xuống ghế, nâng chén.

Mẹ tôi hai bàn tay run run, vừa xoa xoa vừa nói. Bây giờ bà đã mạnh dạn hơn lúc đầu: “Bẩm ông và anh Lưỡng, xin thương tình… giúp đỡ…” Ông Khai vừa gắp miếng lưỡi hái gà trắng nõn bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm vừa nói: “Được, có chuyện chi tôi biểu đồng chí Lưỡng!”.

Hai người ngồi uống hết chai năm rượu, nhắm với hai đĩa thịt gà đầy có ngọn, chỉ còn lại miếng cổ, rồi đi ra khỏi nhà, không chào hỏi ai. Chợt anh Lưỡng ngoảnh lại dặn: “Nhớ không được hé răng nửa lời với ai!”. Mẹ tôi và tôi đều nói: “Bẩm vâng, hai ông đi…” Riêng anh Nậu đang mắc bận sờ tay vào mấy miếng cổ gà lật đi lật lại, chẳng nói chẳng rằng…

Tối hôm sau, công an Lưỡng đến nhà trói tôi lại dẫn ra đình. Trong đình làng đã đầy người. Ngoài sân một đoàn người đang đứng sắp hàng. Họ đều bị trói chung một dây dài. Công an Lưỡng dắt tôi buộc nối vào cái dây người ấy, chỗ đầu hàng. Tiết trời đông lạnh giá, dưới ánh trăng non, tôi không rõ ai với ai. Ông Khai tay cầm gậy giới thiệu từng tên phản động từ rốt hàng lên đầu hàng. Ông thuộc lòng danh sách lũ phản động trong xã chuẩn bị “nổi lên cướp chính quyền”. Tên nào làm chức vụ gì đã được sắp sẵn. Chánh, phó cai tổng, lý trưởng, hương kiểm các làng trong xã đều có cả.

CÒN TIẾP

_________

Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: