Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng (6)

Chiều tối, anh Lưỡng giải tôi về trong làng Nguyễn, vào nhà nào đó, cũng nhà tranh vách đất như nhà anh Bảng. Một lát, ông Khai ở đâu đó về, bảo anh Lưỡng mở trói cho tôi, rồi anh được lệnh về, vì đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng sáng sớm mai phải đến đây. Ông Khai mượn chủ nhà ngọn đèn chai.

Tôi nhận ra trong ba gian nhà tre có một phụ nữ từ góc tối bước ra: Chị Phương! Chị là cô hàng xén xinh nhất chợ Nguyễn! Dáng người thanh thanh, da trắng hồng, mặt mày không nét nào đáng chê. Gái quê như chị là hiếm lắm. Đàn ông ai cũng ước ao. Nhưng chị đã sớm hứa hôn với một thanh niên trong làng, đang đi bộ đội xa, chưa thể về cưới. Ông Khai lấy trong bao da khẩu súng lục giơ lên: “Phải ở đây chờ tau. Đứa mô bỏ trốn tau bắn bể sọ cái!”

Tôi rất sợ súng đạn, thoạt đầu nhìn khẩu súng tối hôm ông Khai đến nhà tôi đã phát khiếp. Vốn tính nhút nhát, sợ ma, sợ cả người… như ông Khai!

Ông Khai, Trần Ngọc Khai đáng sợ nhất! Ở xã tôi, một xã đông tới 12 làng, ông Xã đội trưởng kiêm Trưởng công an an xã là thống soái to chức và quyền hành hơn cả Chủ tịch xã Lê Quang Lời, muốn bắt ai thì bắt, muốn tha ai cũng được. Tất nhiên ông phải có cấp trên chỉ huy, nhưng là vị nào, tôi không biết. Quan xa, bản nhan gần. Ông Khai và ông Lời chưa trực tiếp đánh ai, nhưng sự thực các ông đã đánh tất cả những ai đã bị đánh bằng bàn tay quần chúng!

Ba đêm hò hét, chửi bới của ông Lời chính là phát súng đại bác mở màn phát động quần chúng đấu tranh tiêu diệt tận gốc rễ bọn phản động và thổi lên ngọn lửa căm thù bùng cháy, thiêu đốt hàng trăm sinh mệnh chính trị của hàng trăm con người lương thiện làng tôi. Một người mắc tội phản động, cả gia đình lớn nhỏ, già trẻ, thậm chí cả kẻ thân thuộc quen biết đều mắc tội liên quan. Nặng thì “khắc chữ” vào mặt, nhẹ nhất, cũng phải đeo cái biển ghi rõ “phản động” đeo ở trước ngực. Đó là cách nói hình tượng. Thực tế, bia miệng đáng sợ hơn bia đá… Tôi sợ cái tiếng xấu phản động của gia đình tôi sẽ giống như vết chàm đen di truyền lý lịch đến nghìn năm…

Ông Khai đi đâu đó bên hàng xóm đã trở về. Ông nói như ra lệnh: “Có một cái giường vừa bằng chạng đái, không đủ tau gác chưn. Bay ra bốc rác ngoài sưn vô mà trải ổ. Mùa đông được nằm ổ sướng bằng tiên!”.

Lát sau cái ổ rác đã trải xong. Ông khai kéo chiếc chiếu lác đàn vừa ngắn vừa hẹp xuống trải lên phía trên rác. Ông “Hừ!” một tiếng rồi truyền lệnh tiếp: “Phải nằm kiểu úp thìa mới đủ!”. Dường như chị Phương đã biết ý đồ ông Khai từ trước, vội nói: “Tôi nằm trong, anh Phổ nằm giữa, anh Khai nằm ngoài…” Tôi cũng chợt nhận ra ông Khai đưa tôi đến đây chỉ để làm màn che cho hành vi đồi bại của ông. Nếu không đạt được lòng mong muốn thú vật, nó thù mình thì chết dễ như chơi! Bất giác tôi từ chối: “Để ông Khai nằm giữa, tôi nằm ngoài cùng, đêm ngủ tôi hay cựa lắm!” Ông Khai vui hẳn lên: “Đúng! Tau phải nằm giữa để còn canh giữ cả hai đứa!”

Không có cách nào khác, chị Phương buộc phải nằm ghé mép chiếu phía trong, úp mặt vào vách đất. Tôi cũng nằm ghé mép chiếu ngoài, khoảng giữa rộng nhất dành ông Khai. Ông cởi thắt lưng bao da, lấy khẩu súng lục gối xuống đầu giường, đưa mắt nhìn tôi, có lẽ ý muốn bảo tôi: “Đừng có sờ mó vào nó, nó cướp cò thì chết cả lũ!” (Về sau, người ta nói với tôi đó là khẩu súng đã hỏng, ông Khai xin của Huyện đội để ra oai với thiên hạ!).

Tôi cố gắng nằm im lặng quay mặt ra ngoài như đã bắt đầu ngủ vô tư. Sự thực, tôi không nghĩ về thân phận mình mà lo thay cho chị Phương! Đêm nay chị sẽ đối phó ra sao trước miệng hùm răng sói? Tình cảnh chị đúng là “Phẩm tiên rơi xuống tay hèn!”. Tôi cảm thấy thương và lo cho chị. Nhưng bản thân tôi lúc này cũng đang trong cảnh cá chậu chim lồng, ốc chưa lo nổi mình, thương rêu sao được?

Không biết ông Khai giở trò ma quỷ gì, làm chị Phương rên rỉ, kêu đau suốt đêm. Sáng thức giấc, tôi thấy chị Phương dậy sớm nhất. Hình như cả đêm chị không nhắm được mắt. Chị nói với ông Khai, giọng thiểu não: “Em bị đau bụng suốt đêm, bây chừ hãy còn đau, xin anh cho phép em về nhà…”

Ông Khai không giấu được bực bội: “Rõ cái đồ liền bà con gái, trong lúc người ta đang cần lại giở trò đau bộng đau bão!”

Chị Phương nhăn nhó: “Em đến kỳ đau bụng thật mà!”

Ông Khai hất hàm khoát tay: “Tạm tha cho về, bữa mô phải đến tiếp tục công việc… khai báo chưa xong!”

Chị Phương vội vàng ra về, không dám ngoảnh cổ nhìn lại.

Anh Lưỡng cũng vừa đến. Ông Khai ra lệnh: “Đồng chí đưa thằng Phổ về, tạm thời cho quản thúc tại gia, cấm bước chân  ra khỏi ngõ!”

Anh Lưỡng ngập ngừng: “Báo cáo thủ trưởng, “đưa” ra răng ạ?”

Ông Khai đang cáu, có vẻ vì chuyện đêm qua: “Răng với chả lợi! Cứ theo luật!”

Luật gì? Có lẽ là luật bắt trói, giam giữ, đánh người vô tội vạ! Một thứ luật không có văn bản của thủ trưởng Trần Ngọc Khai, chỉ có nhân viên Lê Quang Lưỡng hiểu được. Anh trói tay tôi lại, theo “nguyên tắc” quặt hai cánh tay ra sau lưng, nhưng không đến nỗi chặt, hẳn vì bữa cơm rượu tối hôm nọ hãy còn hơi men?

Qua Tết Nguyên đán, không khí đấu tranh chính trị có phần lắng dịu. Dân làng tôi ngày càng trở nên sôi nổi hơn trong việc dân công tiếp tế phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Đợt trước chưa về, đợt sau đã lên đường. Đàn ông, đàn bà, con trai con gái đều nô nức xung phong. Số người được trực tiếp vận tải ra tận chiến trường không nhiều. Phần đông làm nhiệm vụ gánh chuyền cho nhau từng đoạn dài.

Đoạn mở đầu từ Quảng Xương lên tận Suối Rút, Cành Nàng (Quan Hoá, Bá Thước). Ngày nghỉ, đêm đi. Mỗi người một đôi bồ nặng trên vai và một chiếc đèn chai xách tay. Đầu không nón mũ, chân không giày dép. Gặp cơm mưa rừng, chỉ một mảnh ni lông dành cho đôi bồ gạo, vì người ướt sẽ khô, gạo ướt không thể khô. Đoàn dân công nối nhau dài vô tận, vui hơn ngày Tết, đông hơn trẩy hội.

Ở nhà, các cụ ông đan bồ, đẽo đòn gánh không kịp. Làng tôi không trồng nứa, nhưng tre thì nhiều. Nhà nào cũng um tùm, xum xuê bóng mát một vài bụi góc vườn, đầu ngõ. Anh Nậu nhà tôi cũng được đi. Anh là con nhà phản động, nhưng con nuôi. Các gia đình khác, đã thuộc thành phần phản động, con cái liên quan cũng không được đi, hoặc chỉ được đi đoạn đường ngắn, khoảng dăm bảy chục cây số. Người ta đề phòng thành phần xấu đi sẽ đổ bớt gạo trong rừng đi cho nhẹ gánh, thậm chí có thể dùng gương chiếu lên trời làm tín hiệu báo cho tàu bay địch đến ném bom vào đoàn dân công.

Anh Nậu gánh bồ gạo lên đến Cành Nàng (huyện Bá Thước, chừng hơn 200 cây số) trở về kể chuyện vui lắm. Anh tha hồ “hò”, được hoan nghênh rất nhiều. Ai cũng vừa đi vừa thi nhau hò, quên cả mệt nhọc. Anh Nậu hết sức kinh ngạc: “Không biết gạo ở mô ra mà lắm rứa!”

Mẹ tôi nói: “Thì ở trong dân chứ còn ở mô!”

Tôi chợt nhớ đến số “thuế khả năng” 10 tạ cả thóc cả tiền của nhà mình. Vô cùng to lớn so với khả năng của nhà mình. Bò cày, mâm thau, nồi đồng, giường, tủ… và những tạ thóc, biết bao hạt vàng, hạt ngọc, hạt mồ hôi, hạt nước mắt! Chắc trong số thóc khổng lồ như núi, như non vận tải ra chiến trường có phần đóng góp vô cùng nhỏ bé, chỉ bằng hạt cát của nhà mình?

Nghe tôi nói vẻ đầy hứng thú, mẹ tôi bảo: “Như rứa cũng đáng. Nhưng không khéo tất cả lại đổ vô mồm thằng Lời, thằng Cán!”.

Tôi giật thót mình: “Chết! Mẹ nói thế lỡ ra đến  tai các ông ấy!”

Mẹ tôi điềm nhiên: “Thì tau nói nhỏ ở nhà thôi, ai nghe!”

Tôi lắc đầu: “Bờ vách có tai, bờ rào có mắt!”

Tuy nhiên, không khí đấu tranh chính trị ở làng tôi chỉ là bầu trời lặng gió trước cơn bão tiếp tục quật xuống gia đình tôi dữ dội hơn.

Chủ tịch xã Lê Quang Lời lệnh bắt tôi giải lên huyện. Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Đỗ Đan Quế phân tích cho tôi hiểu điều hơn lẽ thiệt: “Gia đình anh trước Cách mạng bị phong kiến cường hào chèn ép, đế quốc phế bỏ. Cha anh làm Thư ký Sở Địa chính được dăm năm thì chúng đuổi về. Lại đầu đội vai vác như ai! Tại sao sau Cách mạng, gia đình anh, cụ thể là cha anh, chú anh lại làm phản động chống phá cách mạng, phản quốc hại dân. Bi giờ hối lỗi còn kịp. Cha chú anh khai báo cả rồi! Còn anh, anh biết gì cũng phải thành khẩn!”

Ông Chủ tịch huyện chỉ nói đúng một nửa – nửa trước Cách mạng – còn sau Cách mạng ông không hiểu. Tôi thưa: “Tôi không biết mình mắc tội gì”. Ông Đỗ Đan Quế nói: “Được, tí nữa toà làm việc, anh sẽ rõ”.

Trở lại câu chuyện. Hôm ấy, sau khi Chủ tịch Đỗ Đan Quế đi khỏi, có hai ông người dong dỏng cao, đeo kính cận, quần áo tươm tất, dáng vẻ trí thức đến. Một ông Thẩm phán Toà án Tỉnh, một ông Thẩm phán Toà án Huyện. Thỉnh thoảng họ trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp. Có lẽ trước đây hai ông học trường Luật. Tuổi tác các vị trong khoảng từ bốn đến năm mươi. Họ vặn hỏi tôi về súng đạn. Tôi trả lời không biết. Vì thực tình tôi chưa từng nghe ai nói về súng đạn.

Ông Thẩm phán Tỉnh đập bàn quát: “Nói láo! Cha mày và chú mày đã khai nhận có súng đạn mà mày còn dám chối!”. Ông Thẩm phán Huyện gườm gườm nhìn tôi: “Phải! Chúng mày chuẩn bị nổi dậy cướp chính quyền cách mạng, tất phải có súng đạn! Nếu không có, sao cha, chú mày lại thú nhận có súng đạn đang cất giấu ở nhà?” Tôi lúc ấy ngây thơ và ngu dại, tưởng cha, chú mình đã thú nhận rồi thật, nhưng quả tình mình không biết thì biết trả lời sao! Tôi sợ tái mặt, lúng túng.

Vị quan Toà tỉnh hạ giọng gợi ý: “Hay là thằng nào đến mang đi rồi?”

Tôi sợ hãi, lúng túng thật sự, run rẩy, lắp bắp nói: “Tôi không thấy… ai đến, hay là họ đến mà tôi không biết!”

Ông Thẩm phán Huyện gật đầu một cái: “Thế là mày đã khai nhận có súng đạn nhưng không biết ai đến lấy mất!” Tôi giật nảy mình, càng run sợ không nói nên lời!

Ông Thẩm phán Tỉnh dỗ: “Cứ nói tên ai đó ra, Toà phán xử rất công minh, sẽ thả cho mày về ngay với mẹ mày!”

Phải một lúc cố trấn tĩnh, tôi mới nói nổi: “Tôi không nhớ… đã thấy ai…”.

Ông Thẩm phán Huyện trợn mắt: “Mày nói quẩn nói quanh để đánh lừa Toà hả? Cha con mày muốn chết chung một hốc với hai thằng sư hổ mang Tuệ Quang, Tuệ Chiếu!”. Tôi cúi đầu, nước mắt chảy ra giàn giụa.

Ông Thẩm phán Tỉnh lại gợi ý: “Thằng nào hay thậm thụt ra vào nhà mày thì đích thị là nó! Hoặc mày khả nghi kẻ nào cũng được! Cứ nói, đừng sợ!”

Tôi nghĩ không ra ai. Muốn nói bừa một cái tên nào đó cho xong, nhưng đầu óc tôi sao tối tăm mù mịt, không còn biết ai là đồng bọn với Tuệ Quang, Tuệ Chiếu để cung xưng với toà. Tôi mà cũng bị bắt đi tù nữa thì mẹ tôi chết mất! Đầu óc tôi bỗng vụt sáng lên, nhớ đến một người cũng ở chùa, đầu tóc trọc lóc, mặt mũi xấu xí, có lần đến nhà tôi nói chuyện với bố tôi về sư Tuệ Quang, Tuệ Chiếu. Tuệ Quang tôi mới nghe lần đầu. Còn Tuệ Chiếu tôi đọc báo Đuốc Tuệ cũ (xuất bản vào khoảng 1942, 1943) sở dĩ tôi nhớ được, vì ông sang Lào, nhà vua cho ngồi ngai vàng để thuyết pháp…

CÒN TIẾP

_________

Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: