Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chân dung một trí thức Việt

Người Việt tại nhiều nơi trên thế giới đón nhận tin tức về sự ra đi của giáo sư Ngô Vĩnh Long với nhiều suy nghĩ khác nhau. Ông từng là một trong những học giả hàng đầu đưa ra những lý luận thực tiễn về vấn đề chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và cảnh báo công khai những âm mưu của Bắc Kinh. Những nghiên cứu của ông được nhà nước Việt Nam theo dõi, nhưng ông cũng từng bị cấm về Việt Nam sau 1975.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long sinh năm 1944, tại Vĩnh Long. Tên của ông lấy từ địa danh ông sinh ra. Gia đình ông là người Bắc (Ninh Bình) di cư vào Nam. Ông Ngô Vĩnh Long là người Việt đầu tiên tốt nghiệp Đại học Harvard của Hoa Kỳ. Sau khi lấy bằng tiến sĩ về lịch sử Đông Á và Viễn Đông tại Harvard, ông làm Tổng Giám đốc Trung tâm tài liệu Việt Nam ở Cambridge và sau đó là giáo sư Đại học Maine.

Năm 2000, ông về dạy cấp đại học ở Việt Nam một giai đoạn ngắn, trong khuôn khổ chương trình Fulbright. Theo lời ông kể với bạn bè, dù chỉ là giảng dạy về kinh tế thế giới, nhưng hầu như ông luôn bị mật vụ theo sát và cuối cùng không quay trở lại. Trước đó, năm 1979, ông được mời về nghiên cứu tình hình nông nghiệp ở Hà Tây. Ông đã chỉ ra chính sách nông nghiệp hợp tác xã của Hà Nội là thất bại. Viết trên BBC Việt ngữ, tác giả Joaquin Nguyễn Hòa có tiết lộ về mối quan hệ giữa ông Long và Hà Nội rằng “Hà Nội lại cấm cửa không cho Ngô Vĩnh Long về nước, mà cũng không rõ lý do gì (những chuyện như thế thường không có lý do!). Anh Long kể với tôi rằng anh thoát bàn tay công an Việt Nam trong gang tấc nhờ một người bạn che chở trong một lần về Việt Nam”.

Theo đánh giá của giới trí thức cùng thời, giáo sư Ngô Vĩnh Long được chính quyền ưa chuộng vì quan điểm công dân yêu nước, chống sự xâm lấn Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng khó chịu vì sự nhận định không khoan nhượng của ông về chế độ cầm quyền cộng sản. Nói trên BBC vào năm 2013, ông khẳng dịnh là “Đảng đang làm ‘mất thời gian’ của nhân dân và các giới trong xã hội khi cố tình trì hoãn cải tổ thể chế, chính trị qua việc tiếp tục không ‘gạt bỏ’ điều 4 về vai trò độc tôn của Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và toàn thể xã hội ra khỏi Hiến pháp”.

Ông đưa ra các lý do cốt lõi về việc Bắc Kinh chiếm Hoàng Sa, và Hà Nội đã ngây thơ ủng hộ cuộc xâm lược đó ngay từ đầu, rằng Bắc Kinh đã âm mưu chiếm biển Đông từ nhiều thập niên trước cho mưu đồ bá quyền. Trong hội thảo về Hoàng Sa tại Harvard ngày 11 Tháng Một 2014, ông khẳng định “Trung Quốc lấy nốt Hoàng Sa rồi để từ đó mới nói rằng Trung Quốc có lãnh hải mấy trăm dặm, thành ra, gây tranh chấp khắp khu vực. Trung Quốc gây sự, chiếm chỗ này, chiếm chỗ kia, để mà người ta phải tới để điều đình với Trung Quốc. Khi mà tới nói chuyện với Trung Quốc thì Trung Quốc tuyên bố chỉ nói chuyện song phương thôi, chứ không nói đa phương. Trung Quốc dùng sức mạnh của các nước lớn để ăn hiếp các nước nhỏ”.

Trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, được phủ bằng tấm khăn thêu đẹp đẽ về mối quan hệ hữu nghị, có những điều cần phải nói rõ thì Hà Nội lại phải mượn lời của “người thứ ba”. Thay vì tự vạch trần thì Hà Nội mượn ngôn ngữ của những người như giáo sư Ngô Vĩnh Long. Ngày giáo sư Ngô Vĩnh Long ra đi, báo chí nhà nước viết nhiều bài về ông, trên nền tảng vấn đề biển Đông và chủ quyền quốc gia trong tương lai. Nhưng không có tờ báo nào nhắc đến những ngôn luận như ông từng nói trên BBC vào năm 2020: “Tình trạng chuyên quyền và sử dụng quyền lực một cách độc đoán có thể nói lại càng ngày càng tăng… Chính quyền hiện nay chuyên quyền hơn, nhưng không phải một cách mù quáng. Sự chuyên quyền hiện nay không phải vì cộng sản hay không cộng sản mà vì lợi ích là phần nhiều”.

Cần nói thêm, việc khen ngợi ông Long của chính quyền Việt Nam là cách lợi dụng quen thuộc của họ sau 1975, đối với những trí thức mà họ không thể hoàn toàn thu phục hoặc biến thành công cụ của mình. Khi ngừng tiếng súng, nhiều trí thức miền Nam hy vọng có thể dùng khả năng mình để phục vụ đất nước thời hòa bình, hy vọng xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn. Nhưng để rồi sau đó phải chấp nhận sự thật rằng cộng sản không thể thay đổi. Nhiều người chọn cách ra đi hoặc từ chối đứng cùng hàng ngũ, theo nhiều cách khác nhau.

Nhiều ý kiến không thích giáo sư ngô Vĩnh Long vì ông từng tham gia các thành phần phản chiến ở Việt Nam, tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có thể thấy rằng giáo sư Ngô Vĩnh Long là người sống với chủ nghĩa yêu nước thuần túy theo quan điểm cá nhân và không thuộc về bất kỳ chủ nghĩa hay lý tưởng nào. Bi kịch cuộc nội chiến Việt Nam với phần thắng thuộc về phía xâm lược khiến quan điểm của những thành phần yêu nước, không thuộc về cộng sản cũng không thuộc về cộng hòa, trở thành chủ đề của những chỉ trích. Không ít trí thức Việt Nam đã rơi vào hoàn cảnh này.

Cho đến khi qua đời, giáo sư Ngô Vĩnh Long đã viết nhiều công trình nghiên cứu. Ông cũng là gương mặt quen thuộc của các diễn đàn về những vấn đề chính trị và ngoại giao quốc tế được tổ chức tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Sự ra đi Ngô Vĩnh Long là một mất mát cho thế hệ trí thức người Việt bên ngoài quê hương – một thế hệ luôn ưu tiên nghĩ về dân tộc và đất nước nhưng không thể sống cùng chế độ cộng sản.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: