Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 11

Tết chiến khu, Tháng Hai 1946,

Tiếng súng địch vẫn nổ giòn tan từ lúc sáng tinh mơ, núi rừng còn ướt đẫm sương. Toàn là tiếng súng trường Mas 36, thỉnh thoảng có pha lẫn tiếng “pàng pàng pàng… pàng pàng” của đại liên hotchkiss. Anh Trịnh Danh, chi đội phó (tương đương với trung đoàn phó) vừa nhìn bản đồ vừa lẩm bẩm:

DM, chẳng lẽ bọn Pháp lại phản công vào đúng sáng Mùng Một Tết!

Khoảng ba tháng nay, từ đầu Tháng Mười Một 1945, Chi đội 2 Quốc Dân Quân thuộc Bộ tư lệnh phân khu Yên Bái, Đệ Tam Chiến Khu giáp giới biên thùy Bắc Việt-Trung Hoa, vẫn cầm cự với các đơn vị bộ binh thuộc địa của tướng Pháp Alessandri trước kia bị quân đội Nhật Bản đánh bật sang Trung Hoa, nay lợi dụng cơ hội Nhật Bản đã đầu hàng, vượt biên giới, tiến xuống Yên Bái mong khôi phục chủ quyền của Pháp tại miền Bắc Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu chúng đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của các chiến sỹ Quốc Dân Quân.

Chi đội 2 dưới sự chỉ huy của chi đội trưởng Nguyễn Duy Dị gồm tám đại đội được phân khu tư lệnh Triệu Việt Hưng phái lên Mường Là để thiết lập phòng tuyến Mường Là-Hà Cẩm, một vùng núi non hiểm trở phía Bắc tỉnh Yên Bái, để bảo vệ Đệ Tam Khu gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Việt Trì và Phúc Yên, là khu giải phóng của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Ngay trận đầu ngày 5-11-1945, hai đại đội 8 và 12, nhờ am hiểu địa hình, địa vật và được đồng bào thiểu số người Mường giúp đỡ dẫn đường, đã anh dũng đánh tan Tiểu đoàn 5 Bộ binh thuộc địa Pháp gồm vừa lính Pháp vừa lính Sénégalais do tên thiếu tá Carpentier chỉ huy.

Thế mà mỉa mai thay, trong khi tờ nhật báo Việt Nam của Việt Nam Quốc Dân Đảng xuất bản tại Hà Nội hàng ngày loan tin chiến sự tại biên giới Bắc Việt giữa quân Pháp và Quốc Dân Quân do điện tín của Bộ tư lệnh phân khu Yên Bái đánh về thì tờ báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng Bộ Việt Minh trơ tráo “cải chính” là không hề có việc quân Pháp vượt biên giới vào Việt Nam!

Không những thế, bọn cộng sản còn tăng viện cho các đơn vị Vệ Quốc Quân của chúng bao vây, tấn công Vĩnh Yên và Yên Bái mục đích cầm chân Quốc Dân Quân, không cho các chiến sĩ Quốc gia tập trung lực lượng đánh Pháp. Bởi thế suốt từ Tháng Mười 1945 đến Tháng Mười Hai 1948, Quốc Dân Quân không những phải đơn phương kháng Pháp mà còn luôn bị Việt Minh đánh tập hậu phía sau.

Từ Tháng Mười Hai 1945, Chi đội 2 đã phải rút hai đại đội xuống tăng cường cho chi đội ở ba trận Nghĩa Lộ-Ấm Thượng để đối phó với những đợt tấn công mới của Việt Minh. Tuy thế các chiến sỹ Quốc Dân Quân tại Mường Là vẫn giáng cho quân Pháp những đòn nặng, làm cho chúng phải tháo chạy, bỏ lại cả súng cối 81 ly. Trước khí thế chiến đấu hào hùng của Chi đội 2, bộ chỉ huy chi đội đã nhận được nhiều giấy tuyên dương của Đệ Tam Khu và của Trung ương Đảng Bộ.

Đặc biệt Tết này, anh Lê Khang, Đệ Tam Khu bộ trưởng, đã điện cho Bộ tư lệnh phân khu Yên Bái tìm mọi cách gửi cho Chi đội 2 đầy đủ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và cả lá giong để gói bánh chưng, còn trâu và rượu cần thì đã có đồng bào người Mường và Thái Đen ủng hộ cho “các anh chiến sĩ ăn Tết rồi đánh Pháp thật giỏi cho dân ‘chung tao’ được nhờ”, theo lời các già làng người dân tộc Mường.

Anh em Quốc Dân Quân còn trẻ lắm, nhiều anh chỉ 17 hay 18 tuổi, có cả những anh đang học trường thuốc, trường luật ở đại học Hà Nội đã “giã nhà đeo bức chiến bào” để “xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao” như anh Tố, anh Hà, anh Minh, anh Tâm, anh Đức “Bô Vê”. Trong đội cứu thương có nhiều chị chiến đấu thật gan dạ mà xinh đáo để như chị Hà, chị Trang.

Đêm hôm qua, Giao thừa, anh em du kích người Mường nhất định đi tuần, bám sát đơn vị tiền phương của quân đội Pháp để mấy anh người Kinh xuống bản của “người Mường chúng em” xem múa xòe, uống rượu cần rồi nhảy Lâm Thôn. Vừa nghe nói đến rượu xòe và nhảy Lâm Thôn là anh Tâm, tiểu đội trưởng, đã đỏ cả mặt. Người đâu mà cứ như con gái nhà lành, hễ cứ nghe nói đến các cô là đỏ mặt lên rồi. Ra trận thì liều mạng số một, nhưng đứng trước mặt con gái là lính quýnh như gà mắc dây thun.

Chiều hôm qua, Ba Mươi Tết, bánh chưng đã gói xong, phần lớn là “tác phẩm” của anh Tố và chị Hà. Các anh trong bộ chỉ huy chi đội chia thành hai toán – một toán ở lại trực chiến và một toán hạ sơn xuống bản để ăn Tết với đồng bào người Mường. Ai đi ai ở đây? Thôi đành bắt thăm là công bình nhất. Anh chi đội trưởng bắt thăm trúng ở lại. Mọi người phá ra cười.

Chả là anh Nguyễn Duy Dị được già làng dưới bản quý lắm. Già làng lại có cô con gái út là Noọng Khen xinh nhất bản. Cô đã mấy lần vá áo cho “chàng” rồi đấy. Thế mà đêm Giao thừa lại không được xem người đẹp múa xòe thật tiếc hùi hụi! Nói chơi cho vui thôi chứ có “nước non” gì đâu. Quân kỷ nghiêm lắm mà anh Dị lại là cấp chỉ huy cao nhất ở đây còn làm ăn gì được nữa.

Đã hơn nửa tháng nay mặt trận tương đối yên tĩnh. Chỉ có vài cuộc chạm súng nhỏ giữa các đội tuần thám của đôi bên, nên mười chiến sĩ Quốc Dân Quân, chín nam và một nữ là chị Trang, ung dung xuống đến bản vào lúc gần nửa đêm, chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ nữa là Giao thừa. Từ xa đã trông thấy lửa cháy sáng rực, núi rừng lung linh trong ánh lửa bập bùng. Những bóng người yểu điệu nhịp nhàng đang diễu quanh đống lửa khổng lồ; các noọng (cô gái) đang múa xòe.

Vừa thấy bóng các chiến sĩ Quốc Dân Quân, thanh niên và thiếu nữ Mường đã đổ xô ra nắm tay kéo họ vào đám múa xòe. Tiếng khèn, một thứ kèn của dân tộc Mường, tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng đàn t’rưng lúc thì dìu dặt, lúc thì sôi nổi hòa với lửa hồng thành một âm điệu man rợ, vô cùng quyến rũ giữa núi rừng hùng vĩ. Tiếng già làng bỗng vang lên kéo các anh chị chiến sĩ về thực tế:

-Nào mấy anh chị vào nhảy Lâm Thôn với người Mường “chung tao” cho vui đi chớ!

Người nọ đùn người kia, chúng tôi nào có ai biết nhảy Lâm Thôn đâu. Cuối cùng người liều lĩnh nhất chi đội là anh Trinh Danh đảo bước theo Noọng Bích. Cô này miệng cười chúm chím, có cái răng hơi khểnh thật xinh, vừa dang hai tay múa theo điệu Lâm Thôn, chân nhún nhảy, diễu cợt anh Danh:

Múa và nhảy theo tôi đi không “cái ma” nó bắt bây giờ!

Tội nghiệp cho anh chi đội phó Trinh Danh. Thoạt đầu anh lảo đảo cứ như muốn ngã, làm cho người đẹp Noọng Bích cười nắc nẻ, thế mà lạ thay chỉ một lát sau anh nhảy rất đẹp, lại đúng nhịp kèn, nhịp trống nữa làm cho người xem vỗ tay vang dậy. Thế là tất cả các chiến sĩ Quốc Dân Quân, kể cả chị Trang nhào đại vào nhảy cùng thanh niên nam nữ người Mường. Cuộc vui đang lúc hào hứng nhất, bỗng trên sườn núi có ánh đèn pin. Anh Trinh Danh, nhanh như ánh chớp, chụp lấu khẩu tiểu liên báng sắt, miệng hô to:

Chuẩn bị tác chiến!

Năm, sáu bóng đen xuất hiện và làm mật hiệu bằng ánh đèn. Té ra báo động lầm. Quân ta mà. Người đi đầu là anh Hà. Anh nhanh nhẹn trao cho anh Trinh Danh lệnh của chi đội trưởng gọi tất cả các anh chị Quốc Dân Quân về Bộ chỉ huy. Tại đây, anh chi đội trưởng, nét mặt đăm chiêu, đưa cho các anh chị xem bức công điện mới nhận được của phân khu.

“Nơi nhận: Ban chỉ huy Chi đội 2 – bốn giờ sáng nay hai Trung đoàn 7 và 9 thuộc Đại đoàn 304 Việt Minh được nhiều đơn vị súng cối từ Hà Nội gửi lên tăng cường, tấn công toàn diện vị trí Ấm Thượng – ta tiêu diệt một đại đội địch, đẩy lui nhiều đợt xung phong – kịch chiến tiếp diễn. Lệnh cho Chi đội 2 tức khắc tăng phái ba đại đội bôn tập bằng đường mòn về Ấm Thượng nhận lệnh – Phân khu tư lệnh Triệu Việt Hưng”.

Anh chi đội trưởng đưa mắt nhìn toàn thể mấy anh chị chiến sĩ trong ban chỉ huy tập họp trước mặt rồi chậm rãi nói:

Tình hình khẩn cấp. Ba Đại đội 3, 4, và 5 sẽ lên đường ngay đêm nay. Ban chỉ huy chi đội sẽ chia làm hai, một nửa ở lại một nửa sẽ trở thành ban chỉ huy tác chiến điều khiển ba đại đội xuống Ấm Thượng tham chiến. Tôi chỉ định anh Tố làm chỉ huy trưởng.

Anh Tố đứng nghiêm nhận lệnh. Tuy nhiên anh chi đội trưởng Nguyễn Duy Dị thấy anh Tố hình như muốn nói gì, bèn lên tiếng hỏi:

Anh Tố cần gì xin cứ nói.

-Chúng tôi hãnh diện nhận nhiệm vụ mới nên không cần gì cả nhưng chúng tôi lo cho những người ở lại. Bây giờ chỉ còn có ba đại đội. Nếu bọn Pháp tấn công, làm sao các anh chống đỡ nổi. Kinh nghiệm cho thấy hễ Việt Minh tấn công là y như bọn Pháp cũng tấn công. Chắc chắn cộng sản và thực dân đã bí mật liên kết với nhau. Anh phải thận trọng lắm mới được.

-Các anh cứ yên tâm lên đường, tôi đã nghĩ đến chuyện đó rồi. Ngay ngày mai ba đại đội còn lại sẽ được phân tán mỏng thành những đơn vị nhỏ để thích ứng với vận động chiến và du kích chiến trong khi chờ đợi thêm viện binh.

Quá nửa đêm Ba Mươi Tết ấy, các chiến sĩ anh hùng trong quốc Dân Quân dời khỏi Mường Là, tiến về Ấm Thượng.

_________

Gió lốc – hồi ký chính trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: