Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 15

Chương VI – Mối tình thời loạn

Năm 1945, từ sau cuộc đảo chánh của quân đội Nhật Bản lật đổ chính quyền đô hộ của Pháp tại Đông Dương, nhất là sau khi Việt Minh lợi dụng cuộc biểu tình của công chức, cướp được chính quyền tại Hà Nội, hầu hết các trường học đều tạm thời đóng cửa, một phần vì tình thế lộn xộn, một phần vì thanh niên, nam cũng như nữ, ham mê tham gia những đoàn thể chính trị đến độ bỏ bê gia đình, bỏ cả học hành, và còn xao lãng cả tình yêu nữa!

Thông thường, đối với các cô, các cậu mới lớn, tiếng gọi của tình yêu bao giờ cũng có sức thu hút mãnh liệt, thế nhưng vào những năm sôi động của lịch sử ấy, thanh niên Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, hầu như lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc phục vụ quốc gia, dân tộc. Nói như thế không có nghĩa là thanh niên đã quên mất tình yêu, nhưng tình yêu đối với họ gần như chỉ còn là một thứ trang trí không cần thiết.

Tôi có một người bạn thân cùng học với tôi ở bậc trung học tên là Hải, anh gần như hội đủ các điều kiện “con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai”. Ngay từ năm còn học lớp Đệ Nhất trung học (sau này là lớp 12), anh đã bí mật tham gia học sinh đoàn của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Khi các đảng cách mạng ra hoạt động công khai, anh hăng say, thoát ly gia đình. Nhờ bố mẹ anh giàu có, anh có đủ tiền thuê một căn lầu tại đường Quan Thánh để dùng làm nơi hội họp chi bộ và in roneo những tài liệu cần thiết. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy vài, ba cô bạn gái của anh tới thăm, nhưng cứ thưa dần. Trong số các cô này, có một cô độ mười bảy, mười tám tuổi, trắng trẻo, xinh xắn như búp bê. Hải giới thiệu với tôi là cô Tuyết. Sau này anh kể cho tôi nghe khá nhiều về cô bạn gái xinh đẹp của anh.

Tuyết năm ấy đang học lớp Đệ Tam ban thành chung, trường Đồng Khánh. Cha mẹ cô là chủ tiệm ăn A.M., một tiệm ăn khá sang hồi bấy giờ ở Hà Nội. Những khi không bận làm bài, Tuyết thường ra ngồi ở “két” thu tiền. Nhờ thế Hải mới có cơ hội làm quen được với cô này, vì Hải là khách ăn thường xuyên của tiệm A.M., tuy nhiên cũng chỉ là quen sơ thôi, giữa khách hàng với con gái của chủ tiệm ăn.

Dần dần, thấy Tuyết xinh xắn, dễ thương, Hải quyến luyến rồi tình yêu đến lúc nào anh không hay. Chưa biết làm cách nào để tỏ tình với Tuyết thì một hôm, vừa để trêu cô, vừa để xem cô có chú ý đến anh hay không, nên sau khi ăn xong, người hầu bàn mang hóa đơn tính tiền đến, thay vì lấy tiền ra trả thì Hải bảo với người hầu bàn rằng hôm nay anh quên không mang theo tiền và nhờ người hầu bàn nói với Tuyết để lần sau anh sẽ trả, đồng thời, nếu có thể, cô Tuyết cho anh mượn tạm hai chục (hai mươi đồng thời đó rất lớn, học sinh đi trọ học chỉ phải trả mười đồng mỗi tháng).

Một phút sau người hầu bàn trở lại, tay cầm một cái đĩa nhỏ, trong đĩa có tờ giấy bạc hai mươi động, anh ta ghé tai nói nhỏ với Hải:

-Cô Tuyết hỏi cậu thế này đủ chưa? Cậu có cần thêm nữa không?

Cầm tờ giấy bạc trong tay, Hải mừng như mở cờ trong bụng:

-Vậy là cá đã cắn câu rồi. 

Anh nhìn ra chỗ quầy thu tiền, Tuyết đang ngó anh, tủm tỉm cười. Anh cũng mỉm cười đáp lại. Từ đó, tuần nào Hải và Tuyết cũng hẹn hò gặp nhau một, hai lần. Có lúc ở tiệm kem Zephyr trên bờ hồ Hoàn Kiếm, khi lại ở đường Cổ Ngư hay tại vườn Bách Thảo. Lâu lâu Tuyết cũng đến thăm anh, nơi anh ở và cũng từ đó Hải lạt lẽo với mấy cô bạn gái khác. Rồi những cô này từ từ cũng rút lui hết.

Mối tình giữa Hải và Tuyết đang “đẹp như trăng” thì cách mạng bùng nổ như một trận cuồng phong. Hải được thị bộ Quốc Dân Đảng Hà Nội biệt phái sang công tác tại tòa báo Việt Nam ở đường Quan Thánh, công việc bận rộn, anh thường ngủ đêm tại tòa báo. Do đó Hải và Tuyết ít khi gặp nhau. Có một lần, có lẽ vì nhớ Hải quá, Tuyết đến tòa báo Việt Nam tìm Hải và phải chờ đợi khá lâu ở ngoài cửa vì tòa báo được bảo vệ rất cẩn mật, đề phòng sự đột nhập, phá hoại của Việt Minh. Hải cũng khuyên cô không nên đến tòa báo, vừa phiền phức cho Tuyết, vừa trở ngại cho anh vì anh rất bận.

Cuộc đấu tranh giữa các đảng chính trị có xu hướng quốc gia và Mặt Trận Việt Minh do Cộng sản lãnh đạo ngày càng ác liệt thì Hải, nay là cán bộ trực thị bộ Quốc Dân Đảng Hà Nội, càng hoạt động tích cực hơn. Nhiều ngày Tuyết mất hẳn liên lạc với Hải, không biết chàng ở đâu mà tìm.

Một buổi sáng chủ nhật, đầu năm 1946, Hải đến tiệm ăn A.M. tìm tuyết, dẫn cô đi ăn kem ở bờ hồ Hoàn Kiếm, rồi hai người lên vườn Bách Thảo, tìm chỗ vắng tâm sự như ngày xưa. Sau khi hôn say đắm người yêu, Hải cho Tuyết biết có lẽ lần này là lần gặp gỡ cuối cùng vì Hải sắp được cử đi công tác ở biên giới phía Bắc, giáp với Trung Hoa, ít có hy vọng trở về Hà Nội. Anh nói tới đây Tuyết đã khóc sướt mướt, mặc dù Hải hết sức an ủi, dỗ dành. Hai người chia tay nhau trong nước mắt lưng tròng.

Sáu năm sau, Hải từ Đài Loan đáp máy bay trở lại Việt Nam. Anh là một trong số rất ít đảng viên của Quốc Dân Đảng còn sống sót, sau các trận đánh ác liệt giữa Quốc Dân Đảng và Việt Minh năm 1946. Mặc dù anh vẫn chưa lập gia đình và không bao giờ quên được Tuyết, Hải không có ý định tìm gặp lại Tuyết vì anh nghĩ số phận đã an bài, chắc chắn Tuyết đã lấy chồng, anh không có quyền xâm phạm vào hạnh phúc gia đình của Tuyết.

Một buổi tối chủ nhật, Hải cùng với vài người bạn cũ, trước kia lưu lạc với anh ở Trung Hoa, đi ngang bờ hồ Hoàn Kiếm, thấy có tổ chức Chợ Phiên nên rẽ vào coi cuộc đua thuyền trên mặt hồ. Hôm ấy, người ta vào chơi Chợ Phiên chen chúc nhau rất đông. Bỗng nhiên anh trông thấy Tuyết, tay phải bế con nhỏ, đi với một người đàn ông trẻ tuổi, có lẽ không hơn tuổi anh. Ông này chắc là chồng, thỉnh thoảng lại cầm tay Tuyết, cười nói vui vẻ.

Sáu năm đã trôi qua, nhưng Tuyết vẫn không khác trước, vẫn giữ được vẻ đẹp thùy mị như xưa. Vì đông người và mãi nói chuyện với chồng nên Tuyết không trông thấy anh. Sau một giây bàng hoàng, Hải kéo mấy người bạn… rẽ sang lối khác!

______________

Người Việt mới

Cuối năm 1945 một từ ngữ mới xuất hiện: “Người Việt Mới”, khác với từ ngữ người Pháp mới do Mặt Trận Việt Minh dùng để chỉ lính Pháp trong đạo quân viễn chinh của Đô Đốc D’Argenlieu, mục đích lừa gạt quần chúng để bào chữa cho việc Hồ Chí Minh đón tiếp quân Pháp đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, trắng trợn nuốt lời thề của Hồ tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 là “không cộng tác với Pháp, không đi lính Pháp, không tiếp tế cho Pháp!”

Từ ngữ “Người Việt mới” dùng để chỉ một số sĩ quan và lính Nhật đào ngũ sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh vì họ không muốn trở thành tù binh và bị đưa về Nhật để giải ngũ. Số người Nhật này khá đông. Do hoàn cảnh lúc bấy giờ, Việt Nam chia thành nhiều khu vực do những lực lượng đối nghịch nhau quản trị như Việt Minh, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Liên Tôn (Công Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo…) họ bỗng trở nên “cán bộ” của các đảng phái, giáo phái khác nhau, đôi khi lại đối lập với nhau nữa!

Dù ở hoàn cảnh nào, họ cũng trung thành với Đồng Minh hay nói cho đúng hơn, với người chỉ huy mới của họ. Đã có những trường hợp, các sĩ quan Nhật trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng tử chiến với “bộ đội” Việt Minh hay ngược lại, chiến đấu đến chết chống lại Việt Nam Quốc Dân Đảng nếu họ đứng trong hàng ngũ Việt Minh.

Tại Vĩnh Yên, Yên Bái, và các tỉnh khác ở Đệ Tam Chiến Khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, có rất nhiều cán bộ quân sự là “Người Việt mới”. Riêng tại Đệ Nhất Chiến Khu bao gồm Hải Phòng và các tỉnh miền duyên hải Bắc Việt có khoảng gần mười người. Ở trụ sở Thị bộ Hải Phòng năm 1945 có năm đại tá và một trung sĩ người Nhật. Mặc dù đã thất trận, những quân nhân này vẫn giữ được quân phong, quân kỹ như hồi họ còn chiến đấu trong hàng ngũ của quân đội Thiên Hoàng Nhật.

Mỗi khi có đại tá Nhật ngồi ở phòng khách, người trung sĩ Nhật luôn luôn đứng và chỉ ngồi khi được mời ngồi. Ngay giữa các đại tá Nhật cũng có sự kính trọng đối với cấp trên, trong số năm đại tá này có một đại tá trước đây ở trong ngành tình báo, có lẽ viên đại tá này cấp bậc cao hơn nên được bốn đại tá khác tỏ ra rất kính trọng, mỗi khi có việc quan trọng cần thảo luận, bao giờ họ cũng nhường cho đại tá tình báo này phát biểu trước.

Vị đại tá này trước đây hoạt động ở Bắc Kinh, trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật, nên ông nói tiếng Trung Hoa rất thông thạo. Không những ông nói thạo tiếng Trung Hoa mà ông còn hát những bài hát Trung Hoa rất hay vì trước khi vào quân đội Nhật ông là một tài tử điện ảnh khá nổi tiếng ở Đông Kinh, Nhật Bản. Ông đẹp trai lại hát hay nên có nhiều bạn gái người Việt và người Trung Hoa ở Hải Phòng, Hà Nội. Cũng vì cái số đào hoa này mà cuộc đời ông kết thúc một cách thê thảm, nhưng đó là chuyện về sau.

Anh em trong trụ sở đặt tên cho ông là Việt, kể ra cũng đúng vì ông nói tiếng Việt khá sõi. Trong cuộc biểu tình ở vườn hoa Bóp Kèn do Việt Minh cưỡng bách dân chúng tham gia để đòi Việt Nam Quốc Dân Đản trả tự do cho trưởng ty thông tin Hải Phòng Lê Đại Thanh bị Việt Quốc bắt giữ vì đã ra lệnh cho cán bộ Việt Minh xé bỏ bích chương của thị bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Hải Phòng, chính ông Việt đã ra đề nghị để cho viên trung sĩ Nhật bắn chết người chỉ huy và huy động cuộc biểu tình, vì ông biết vị trung sĩ này là một tay thiện xạ. Quả thật ở khoảng cách trên hai trăm mét, trung sĩ này chỉ bắn một viên đạn duy nhất bằng súng Fusil Indochinois ngay vào miệng cán bộ Việt Minh lãnh đạo đám biểu tình, đang gọi loa hô hào dân chúng tiến lên.

Trong trụ sở có một trung đội Quốc Dân Quân để bảo vệ trụ sở, võ khí gồm đủ loại như súng trường của Pháp, của Nhật, có cả một khẩu tiểu liên Thompson của Mỹ và một trung liên “đầu bạc” tức Bren gun của Anh. Chỉ huy trung đội là một cựu chánh quản trong quân đội Pháp, anh rất thành thạo cách sử dụng các loại võ khí nhẹ cùng súng cối 60 ly hoặc 81 ly vì trước đây anh thuộc binh chủng lính Khố Đỏ tức lính thuộc địa của quân đội Pháp. Nhiệm vụ của anh là huấn luyện cho các anh sĩ binh, tức lính trong trung đội biết sử dụng thuần thục các loại súng vừa kể trên. Ngoài ra anh cũng chỉ bảo cho mấy anh này biết sơ lược về tác chiến. Tuy nhiên kiến thức quân sự của anh cũng hạn hẹp, nên các sĩ quan Nhật, nhất là ông Việt thường xuyên bổ túc cho trung đội về mặt này.

Sau này vì nhu cầu công tác, Trung Ương Đảng điều động những sĩ quan Nhật lên Vĩnh Yên, Đệ Tam Khu, chỉ còn ông Việt ở lại Hải Phòng. Khi Việt Minh huy động công an và quân đội tấn công trụ sở Hải Phòng, ông may mắn thoát chết, tìm đường ra Móng Cái. Ít lâu sau Móng Cái cũng thất thủ vì bị một trung đoàn Việt Minh từ Hà Cối tấn công lên, có sự yểm trợ của không quân Pháp.

Như đã có mật ước từ trước, một số máy bay “bà già” của Pháp từ hàng không mẫu hạm Arromanches bỏ neo trong vịnh Hạ Long, đã cất cánh bay trên không phận Móng Cái, xả súng đại liên xuống các đơn vị Quốc Dân Quân đang truy kích những toán quân Việt Minh, làm cho hàng ngũ Quốc Dân Quân rối loạn, phải tháo chạy về Móng Cái. Không cầm cự nổi trước sự tấn công của Việt Minh và không quân Pháp, đảng bộ Móng Cái phải rút sang Trung Hoa, ông Việt cũng theo anh em cán bộ sang Đông Hưng, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Quảng Đông.

Nhờ giao thiệp giỏi, lại đẹp trai, hát hay, chẳng bao lâu sau ông quen được rất nhiều cấp lãnh đạo quân sự tại Đông Hưng, trong đó có viên đại tá chỉ huy khu vực Đông Hưng. Ông này có một cô vợ bé quê ở Bắc Kinh khá đẹp, rồi “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào mà cô này lại mê tít ông Việt. Một hôm viên đại tá Trung Hoa bắt quả tang ông Việt đang hú hí với cô vợ yêu của ông ngay trong phòng ngủ của ông. Tức giận điên cuồng, ông ta liền trói ông Việt lại, sai lính điệu anh xuống câu lưu xá (nhà giam).

Ở Trung Hoa, các tướng, tá trấn đóng tại các địa phương đều là những ông vua con, có quyền sinh, sát, khỏi cần pháp luật, nên chỉ vài ngày sau, viên đại tá bị vợ cắm sừng, đưa tình địch là ông Việt ra pháp trường, xử bắn với tội danh “tù binh Nhật đào ngũ”. Chỉ vì ông Việt quá đào hoa nên mới đến nông nổi này, “sinh nghề tử nghiệp” mà! Cuối Thế Chiến Thứ Hai, không phải chỉ có lính Nhật đào ngũ, tình nguyện làm dân Việt Nam mà cả kẻ chiến thắng là quân nhân Trung Hoa sang Việt Nam tước khí giới quân đội Nhật cũng đào ngũ, vì họ không muốn trở về Trung Hoa, sống cuộc đời nghèo khổ.

Đầu năm 1946, tôi thường từ Hải Phòng lên Hà Nội, giao dịch với nhà văn Khái Hưng ở tòa báo Việt Nam, vì công an Việt Minh khám xét gắt gao các phương tiện giao thông giữa Hà Nội và Hải Phòng để tìm bắt cán bộ Quốc Dân Đảng, nên mỗi lần đi, tôi thường cải trang thành lính Trung Hoa ngồi lẫn lộn với những binh sĩ Trung Hoa trên xe lửa, tất nhiên là đã có móc nối với viên sĩ quan chỉ huy từ trước.

Hôm ấy từ Hà Nội về Hải Phòng tôi ngồi cạnh một đại úy Trung Hoa. Ông này khoảng bốn mươi tuổi, người miền Bắc, nhưng nói tiếng Quảng Đông khá giỏi, tôi cũng vò vẽ chút ít tiếng Quảng Đông. Dọc đường trò chuyện, ông ta cho tôi biết khi xe lửa ga Hải Phòng ông sẽ đào ngũ, ông đã hẹn trước với một người đàn bà Việt Nam vẫn sống chung với ông như vợ chồng ở Hà Nội, ra ga Hải Phòng đón ông, rồi hai người về khu Tam Giản chung sống. Ông ngỏ ý muốn nhờ tôi giúp đỡ, vì bà vợ ông không rõ giờ nào ông tới Hải Phòng nên ông nhờ tôi tới nhà bà này ở Tam Giản, báo cho bà biết để đến đón ông, bởi ông không biết nói tiếng Việt để tự mình tìm đường tới Tam Giản nên đành phải nhờ tôi.

Ông cho biết trong vòng một tiếng mà bà vợ ông không tới đó thì ông bắt buộc phải theo đơn vị của ông ra bến cảng Hải Phòng để xuống tàu về nước và việc lập gia đình, sinh sống ở Việt Nam của ông sẽ tan vỡ. Tôi sốt sắng nhận lời giúp đỡ ông và dặn ông khi xe lửa tới ga Hải Phòng, tôi sẽ tới khu Tam Giản tìm bà vợ ông rồi đưa bà tới gặp ông trong vòng một tiếng đồng hồ.

Khi xe lửa vừa ngừng trong sân ga, sau khi dặn ông đại úy cứ yên tâm chờ đợi, tôi rảo bước ra cửa ga. Lúc đến gần tới cửa, tôi thấy một toán công an Việt Minh khá đông khoảng bảy, tám tên chặn hành khách lại, hỏi giấy tờ. Tôi vội quay trở vào vì tôi có lận trong người một khẩu súng ngắn. Tôi tìm một chỗ ngồi không xa cửa ga lắm, chăm chú theo dõi bọn công an Việt Minh, chỉ chờ chúng bỏ đi là lập tức ra khỏi ga.

Mười lăm phút, rồi nửa giờ trôi qua, toán công an vẫn tiếp tục xét hỏi, tôi hết sức nóng ruột, như thế này thì làm sao xuống Tam Giản đón bà vợ ông đại úy cho kịp. Chờ thêm mấy phút nữa, không thấy gì , tôi đành quay vào sân ga, tìm tới chỗ tôi đã hẹn ông đại úy chờ tôi, thì đơn vị của ông này đã di chuyển đi đâu rồi. Có lẽ họ đã bị điều động ra phía cửa sau nhà ga để ra cảng Hải Phòng.

Tôi rất buồn đã không làm được việc tôi hứa với ông đại úy Trung Hoa là đón vợ ông tới gặp ông. Tôi ân hận sau không đi tìm ông sớm hơn, may ra được gặp để cho ông biết tôi gặp trở ngại, không ra khỏi ga được. Thật ra, cũng khó tìm ông sớm hơn được bởi lúc tôi ngồi trong nhà ga để chờ cho toán công an Việt Minh rút lui, tôi chỉ nghĩ đến chuyện ra khỏi nhà ga để xuống Tam Giản, chờ mãi đến lúc không còn hy vọng gì nữa tôi mới đành chịu chạy đi tìm ông đại úy. Cho mãi đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ tới chuyện này, ngày ấy, tôi vẫn còn bâng khuâng, áy náy.=

CÒN TIẾP

____________

Gió lốc – hồi ký chính trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: