Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 8

Đột nhiên tôi thấy trên Hổ Sơn bung ra một đám khói rồi sau đó là tiếng nổ dữ dội của trái đạn súng cối làm tung đất và cát ra tứ phía. Viên đạn rớt cách chúng tôi gần một trăm thước. Tên Chúc la lên:

-Nằm xuống, nó bắn moọc-chê.

Mọi người vội nằm xuống nhưng chờ mãi không thấy phát đạn thứ hai. Tên Chúc vừa đứng lên, phủi đất còn dính đầy quần áo, vừa nói:

-Quản Lưu nó bắn moọc-chê 81 đấy, quân thổ phỉ. 

Tôi liếc nhìn mặt Chúc và hai tên cận vệ của hắn. Đứa nào mặt cũng xanh như tàu lá tuy viên đạn rớt xuống khá xa chỗ chúng tôi đứng. Hai chúng tôi nhìn nhau tủm tỉm cười. Tuy lúc ấy chúng tôi chưa biết rõ hỏa lực ở trong thành nhưng cả anh Khải và tôi đều đoán hỏa lực của bên mình trội hơn bên Việt Minh. Chứng cớ là những chốt tiền tiêu của Vệ Quốc Đoàn cũng vẫn còn cách chân thành trên dưới một cây số. Trong lúc chúng tôi ở đó không một tên vệ Quốc Quân nào dám đến gần thành hơn.

Sau khi trong thành bắn súng cối ra, tên Chúc có vẻ bẽ mặt. Mục đích của chúng đưa chúng tôi ra thăm tiền tuyến là để thị uy về hỏa lực của Việt Minh. Nay bỗng nhiên tình thế ngược lại. Bên Việt Minh không phản pháo lại được. Tôi nghĩ bụng chắc chúng không có súng cối. Ngày sau tôi mới biết các đơn vị Vệ Quốc Quân vây thành, không đơn vị nào có súng cối cả. Tuy chính mình cũng đang ở dưới tầm đạn của súng cối Quốc Dân Quân, tôi hơi ấm ức sao bên mình lại không rót thêm mấy quả đạn nữa cho bọn tên Chúc són đái ra quần chơi!

Lúc đi tên Chúc hăng hái bao nhiêu thì lúc ở mặt trận về hắn ỉu xìu bấy nhiêu. Cả hai tên cận vệ cũng im lặng, ít nói hơn. Tuy nhiên để giữ thể diện hắn nói với anh Khải và tôi:

-Vì có lệnh đình chiến của Tổng bộ nên chúng tôi chưa tấn công chứ bộ đội của chúng tôi dư sức chiếm thành.

Anh Khải làm ra vẻ sửng sốt:

-Anh nói chưa tấn công chiếm thành là thế nào? Như thế là có nghĩa các anh sẽ tấn công, không thi hành lệnh đình chiến hay sao?

-À, à…, tên Chúc lững lờ nói.

-Cái đó còn tùy thuộc thái độ của người các anh ở trong thành.

Tôi vặn lại:

-Anh nói khó hiểu quá. Bao giờ anh mới để cho chúng tôi gặp bộ chỉ huy của bên các anh. Chúng tôi chờ đợi đã hơn nửa tháng rồi. Các anh đã tìm cách liên lạc với bộ tư lệnh của chúng tôi ở trong thành chưa? Nếu cứ như thế này thì biết bao giờ mới có cuộc họp của đại diện hai bộ tư lệnh để ấn định thời gian đình chiến. Chúng tôi còn phải ở chờ các anh đến bao giờ?

Chúc ngoan cố cãi:

-Mấy anh vừa thấy đấy. Bên trong thành vẫn cố ý gây hấn bắn moọc-chê sang phòng tuyến của chúng tôi thì làm sao liên lạc được với bên các anh chứ? Bộ chỉ huy của chúng tôi còn phải điện về hỏi chỉ thị của Trung ương rồi mới có thể quyết định được.

Biết lý luận với hắn lúc này là vô ích, hai chúng tôi yên lặng. Từ đó đến lúc về tới nhà, không ai nói với hắn một lời nào. Sau khi ở mặt trận về, anh Khải và tôi phấn khởi hẳn lên. Tình hình không đến nỗi bi quan như chúng tôi tưởng. Chúng tôi không còn ý định trốn khỏi nơi chúng tôi đang ở nữa. Tuy nhiên chúng tôi không khỏi lo ngại. Chắc hẳn là Việt Minh sẽ điều thêm viện binh tới để tấn công thành Móng Cái. Không biết Quốc Dân Quân ở trong thành có đủ lực lượng để đương đầu hay không?

Tối hôm ấy hai anh em tôi ngồi bó gối trên bộ ván, đưa ra hết giả thuyết này đến giả thuyết khác, dưới ánh sáng le lói, vàng vọt của ngọn đèn “Hoa Kỳ” để trên bàn. Mãi đến gần sáng, chúng tôi mới tắt đèn đi ngủ. Vừa đặt mình xuống bộ ván bỗng có tiếng chân người chạy thình thịch ở bên ngoài và có tiếng nhiều người nói xôn xao.

Cánh liếp dùng làm cửa ra vào bỗng mở toang rồi tên Chúc cùng một bọn khá đông chạy xộc vào nhà. Hai chúng tôi ngồi phắt dậy, chưa biết phản ứng ra sao thì từ xa vọng đến hàng tràng súng trung liên “tạch tạch tạch… tạch tạch tạch… tạch tạch tạch…”, mỗi lúc càng nghe gần hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa , Quốc Dân Quân đang phản công và bộ đội Việt Minh đang tháo chạy. Tên Chúc chạy đến bên bộ ván nói như đứt hơi, vừa nói vừa thở hổn hển:

-Các anh đi theo chúng tôi mau lên. Chúng ta di chuyển ngay xuống Xuân Lạn. Địch phản công.

Trong bóng đêm dày đặc, hai chúng tôi mò mẫm bước thấp bước cao chạy theo tên Chúc. Tôi nhận ra chúng có độ chừng một tiểu đội. Có lẽ sợ chúng tôi trốn, chúng để anh Khải và tôi đi giữa, ba bốn tên đi trước, số còn lại đi sau. Tên Chúc đi ngay sau lưng tôi, tay hắn cầm một khẩu súng lục. Hết đi trên đường ruộng lại qua những bãi cát rộng.

Chúng tôi chạy không kịp thở, lắm lúc sụt chân xuống ruộng nước, rút chân lên khỏi bùn phát ra tiếng kêu “phọp, phọp.” Độ hơn hai tiếng đồng hồ sau, khi ấy trời đã sáng hẳn, chúng tôi mới đến Xuân Lạn. Tiếng súng đã im bặt. Một bầu không khí nặng nề, dễ sợ bao trùm. Hai chúng tôi đã thành tù binh thực sự của Việt Minh rồi sao. Không, không những chúng tôi không là tù binh mà bỗng chốc trở thành thượng khách của chúng!

Đến một ngôi nhà ngói ba gian ở ven làng, cả bọn dừng lại. Bước vào gian giữa tên Chúc đích thân lấy ghế mời tôi ngồi. Một tên khác, mặc quân phục, đeo kính trắng trông có vẻ trí thức cũng kiếm ghế mời anh Khải ngồi. Chúng rót nước trà mời hai chúng tôi uống. Tên đeo kính trắng có lẽ là chỉ huy cao cấp của mặt trận, căn cứ vào thái độ cung kính của các tên khác trong bọn. Cả tên Chúc cũng có vẻ vị nể hắn, một điều “thưa đồng chí,” hai điều “báo cáo đồng chí” khi nói chuyện với hắn.

Tên đeo kính tỏ rất lễ độ, hắn nói:

-Thưa hai anh. Sứ mạng của hai anh ra đây là để truyền đạt lệnh đình chiến do Tổng Bộ Việt Minh và Trung ương bên các anh đã thỏa thuận. Bộ đội chúng tôi bao giờ cũng sẵn sàng tuân hành lệnh của thượng cấp nên chúng tôi đã ban hành lệnh đình chiến từ sáng nay. Bây giờ đến lượt các anh, mong các anh gặp ngay bộ tư lệnh bên các anh để truyền đạt lệnh đình chiến. Việc này phải làm ngay để tránh đổ máu thêm vô ích.

Thái độ tên này không những lễ phép mà còn xuống nước nữa. Tôi nghĩ bụng “nói dối như Vẹm quả không sai. Bọn chúng không còn một chút liêm sỉ nào. Sao đã mấy tuần nay bọn chúng không thi hành lệnh đình chiến. Bây giờ bị lực lượng ta đánh cho tan tác, tháo chạy mới năn nỉ xin ngừng bắn.” Tôi không khỏi buồn cười khi nghe tên đeo kính bảo “chúng tôi đã ra lệnh ngừng bắn từ sáng nay.” Bị Quốc Dân Quân ra khỏi thành truy kích, đánh cho chạy thục mạng từ Trà Cổ xuống Xuân Lạn mà còn dám mở miệng nói ra lệnh ngưng bắn. Không thể nào nói dối trơ trẽn hơn thế được nữa.

Anh Khải cứ nhấm nháp tách nước trà hột, làm như không có vẻ gì phải vội vàng cả. Anh thủng thỉnh nói:

-Làm sao chúng tôi qua được chiến tuyến bên chúng tôi để chuyển lệnh đình chiến?

-Chúng tôi đã chuẩn bị rồi. Chúc nói, mặt tái xanh như trúng gió. Đoạn hắn tiếp:

-Hai anh sẽ mang cờ sao trắng theo, vừa đi vừa phất. Bên các anh tất nhiên sẽ không bắn vào các anh. Để tránh đạn, các anh phải đi men theo các bờ bụi, vừa đi vừa nấp. Lúc nào bắn rát quá thì hai anh ẩn ở trong bụi cho đến khi thấy có thể tiếp tục đi được. Có thể mất nhiều thì giờ nên chúng tôi đã bảo nấu khoai lang. Đây tôi đã cho khoai vào cái túi này. Hai anh khoác lên vai mà đi.

Vừa nói Chúc vừa để cái túi vải đựng khoai lên bàn, đồng thời chìa ra cho chúng tôi thấy hai lá cờ sao trắng to chỉ bằng cái quạt nan, không biết hắn kiếm ở đâu được. Tôi đánh tiếng:

-Các anh nói rỡn đấy chứ? Địa hình ở đây toàn bụi cây lúp xúp cao ngang đầu người. Hỏa lực bên quân đội chúng tôi lại đang bắn sang rất mạnh. Với hai lá cờ nhỏ như thế này, làm sao bên chúng tôi trông rõ được. Mà dù có trông thấy chăng nữa, chắc gì bên chúng tôi tin là chiến hữu của mình. Các anh đã bao nhiêu lần giả làm Quốc Dân Quân để đột kích vào phòng tuyến của chúng tôi. Ai còn tin các anh nữa. Chúng tôi không thể làm theo đề nghị của các anh được.

Nghe tôi nói, gã đeo kính hốt hoảng giơ tay như muốn cản.

-Khoan, đồng chí ạ. Anh làm gì mà nóng thế. Tình hình gấp lắm rồi. Chúng tôi yêu cầu hai anh bằng mọi cách sang bên phòng tuyến của các anh để truyền ngay lệnh ngừng bắn. Nếu cầm cờ đi không an toàn cho mấy anh thì ta sẽ kiêm cách khác.

-Cách nào? Tôi hỏi.

Vừa lúc ấy hai rồi ba trái đạn súng cối nổ vang, kèm theo có nhiều tiếng súng trường và trung liên. Tên đeo kính từ sáng tới giờ, mặc dù chạy vắt giò lên cổ, vẫn cố làm ra vẻ bình tĩnh, nay bỗng cuống lên như gà mắc đẻ. Hắn hấp tấp nói:

-Thôi cái đó tính sau. Chúng ta phải rời khỏi đây mau.

Vừa nói hắn vừa bước ra cửa. Tên Chúc và mấy tên bộ đội kéo anh Khải và tôi chạy theo. Bọn chúng vừa chạy vừa cúi đầu như cố ý tránh đạn. Thỉnh thoảng có tiếng đạn rít lên ở trên không như xé gió. Lần này bọn Việt Minh còn chạy mau hơn hồi sáng nữa. Hai chúng tôi bị chúng lùa đi, chạy cũng muốn đứt hơi. Khoảng độ một tiếng đồng hồ sau, chúng mới dừng lại. Tôi nhìn về phía bên trái, xa xa thấy biển, nhưng không phải là Mũi Ngọc, có thể là đường đi Hà Cối.

Chúng tôi bước vào một ngôi nhà tranh, trống hốc, trống hoác, chỉ có mỗi cái chõng tre nằm trên nền đất. Hai chúng tôi liền ngồi xuống cái chõng, lấy nón lá quạt cho đỡ nóng, mồ hôi chảy ròng ròng. Tên Chúc và tên đeo kính cũng ngồi xuống chõng. Chúc quay lại phía chúng tôi nói:

-Bây giờ gần trưa rồi. Mời hai anh ăn tạm khoai lang lót lòng, rồi chúng ta lên đường ngay. Làm sao hai anh phải sang được phòng tuyến bên các anh trước khi trời tối.

Tên đeo kính nói tiếp:

-Hai anh đã có ý kiến gì khác đề nghị với chúng tôi ban sáng chưa? Chúng tôi cũng rất muốn hai anh sang bên đó được an toàn thì mới truyền lệnh ngưng bắn của Trung ương các anh được. Chúng ta thử bàn xem có cách nào hay hơn không?

Anh Khải nói:

-Chỉ có cách đi đường biển mới an toàn thôi.

-Đi đường biển? Tên Chúc ấp úng hỏi lại. Tôi chưa hiểu hết ý định anh nói gì?

-Các anh kiếm cho chúng tôi một chiếc thuyền, cho người chèo đưa chúng tôi ra biển, đi vòng sang đất Trung Hoa, để chúng tôi xuống thị trấn Đông Hưng. Từ đó chúng tôi sẽ đi qua biên giới sang Móng Cái.

Tên đeo kính reo lên:

-Hay lắm, hay lắm!

La xong, hắn kéo tên Chúc và gã bộ đội ra ngoài sân, bàn bạc với nhau hồi lâu rồi trở vào nhà bảo chúng tôi:

-Nửa giờ nữa sẽ có thuyền cho các anh đi. Bây giờ các anh cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

Ngồi được một lát tôi nghe có tiếng người nói ở bên ngoài, rồi một bà già tay cầm một nải chuối chín bước vào chào chúng tôi:

-Chào hai đồng chí, có mấy quả chuối, mời hai đồng chí dùng tạm cho đỡ đói. Phải chi họ để cho hai đồng chí về Móng Cái từ trước thì đâu đến nỗi đánh nhau to thế này – nói đến đây bà nhìn tên đeo kính, tỏ vẻ không ngán tên này chút nào.

Thì ra dân ở làng này đã biết chuyện hai chúng tôi ra đây để truyền đạt lệnh đình chiến nhưng bọn Việt Minh đã giữ chúng tôi lại, để tiếp tục tấn công. Sau bà già đến hai chị phụ nữ, một người chít khăn mỏ quạ, một người để tóc xõa, độ mười tám, hai mươi, mang đến cho chúng tôi mấy trái ổi thật to. Chẳng mấy chốc, trước ngôi nhà đã có đến hơn một chục người dân trong làng này, có cả thanh niên và vài ông già. Họ đến nhìn chúng tôi bằng cặp mắt đầy thiện cảm. Mấy cô gái, ngó đầu vào nhà, nhìn chúng tôi nhoẻn miệng cười. Lúc ấy không còn nghe thấy tiếng súng ở đàng xa nữa. Mấy tên bộ đội cũng không có cử chỉ gì để ngăn cản đám dân làng này đến “xem” chúng tôi.

CÒN TIẾP

_____________

Gió lốc – hồi ký chính trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: