Ba mươi Tháng Tư, một điệp khúc buồn!

Ba mươi Tháng Tư, một điệp khúc buồn!

Kính thưa quý vị.

Mỗi lần tháng tư về, nỗi đau mất nước lại trỗi dậy trong lòng mọi người chúng ta. Ngày Quốc hận 30/4 năm nay, chúng tôi, nhóm cựu quân cán chính VNCH tại Dayton và vùng phụ cận, sẽ long trọng tổ chức một buổi lễ tưởng niệm tại Tượng Đài Chiến sỹ Trận Vong/VNCH và Thuyền Nhân. Chương trình gồm có: lễ chào và rũ cờ, lễ tưởng niệm, lễ cầu siêu cho toàn thể Quân Cán Chính VNCH và đồng bào tử nạn trong cuộc chiến chống cộng sản, và sau cùng là lễ cầu Quốc thái dân an.

Ngày giờ: Chủ nhật 30/4/2023 lúc 11:30 AM.

Địa điểm : 843 Broadmead Ave Dayton, OH 45404

Trân trọng thông báo và kính mời toàn thể quý vị dành chút thời giờ đến tham dự đông đủ. Sự có mặt của quý vị sẽ đem đến niềm an ủi và vinh dự cho tất cả những con dân Việt Nam còn nhớ ngày quốc hận.

Thay mặt nhóm Cựu Quân Cán Chính VNCH tại Dayton và vùng phụ cận.

BTC

__________________

Đó là email của Hội Cao Niên ở Dayton gửi cho hội viên và các thân hữu cách đây khá lâu mà tôi vừa mở desktop của mình ra để xem lại ngày giờ và địa điểm lần cuối cho chắc chắn trước khi rời khỏi nhà.

Ngày 30 Tháng Tư năm nay rơi đúng vào chủ nhật nên rất thuận tiện cho các việc tổ chức lễ lạc vì là cuối tuần. Từ nhà tôi đến nơi cử hành lễ cũng mất độ nửa giờ nên sau khi ra khỏi “exit”, lấy I-75 N, thì tôi cho xe chạy bon bon trên Freeway, đầu óc cứ nghĩ bâng quơ về ngày xảy ra biến cố trọng đại này của dân chúng miền Nam Việt Nam hồi 48 năm về trước.

Thật sự ra thì người tôi đã bần thần từ các ngày đầu Tháng Tư chứ không phải đợi đến hôm nay. Năm nào cũng thế, cứ đến tháng này là lòng tôi lại ray rứt, buồn bã vu vơ mà tôi hiểu rõ nguyên nhân từ đâu. Nhiều khi tôi nhủ thầm chiến tranh đã qua lâu, gần nửa thế kỷ rồi chứ ít ỏi gì đâu và ngày ấy mình chỉ là một thiếu niên chớ chẳng phải là “ông to, bà lớn” gì cho cam mà phải rầu rĩ cho héo người thúi dạ thế này? Tuy biết là vậy nhưng tôi vẫn không thể quẳng gánh buồn đau ấy đi mà vui sống dù tôi đã cố gắng nhiều lần.

Lan man nghĩ ngợi, trong thoáng chốc, tôi đã tới nơi. Đó là Chùa Quan Âm mà dạo sau này các cô, chú cựu quân cán chính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bên Hội Cao Niên hay mượn để tổ chức những lễ lạc, vì nơi đây bây giờ có đủ các thứ cần thiết cho buổi lễ như đã nói trong thư điện tử nên rất lưỡng tiện về mặt nghi thức lẫn tinh thần tưởng niệm.

Dù đã vào xuân nhưng hôm nay bầu trời vẫn cứ âm u, làm cho khung cảnh ngôi chùa thêm ảm đạm, như Trời Đất cũng buồn theo dân Việt xa xứ, đồng cảm xót xa cho những kẻ lưu vong không nhà mà cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã nói từ bao năm trước “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”?

Bước ngang cổng chùa vào trong, tôi đã thấy đây đó rải rác một số chú bác với quân phục chỉnh tề, đúng quân phong quân cách của Hải Lục Không quân, bên cạnh những vị nữ lưu ngày xưa nay cũng đã luống tuổi trong các tà áo dài thướt tha, muôn màu sặc sỡ, tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua bao đời. Một số thân hào nhân sĩ còn có cả những chiếc khăn choàng cổ có hình Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ; biểu tượng của nước Việt tự do! Dưới thời tiết phơn phớt lạnh của mùa đông còn vương vấn, một số quan khách thu mình trong những chiếc áo gió, áo choàng (manteau) nhưng cũng không kém phần chỉnh chu cho ngày quốc tang trọng đại của quê hương.

Nhìn lên phía trước, tuy khuôn viên chùa nhỏ bé, bài trí tại lễ đài đơn sơ nhưng vẫn có đủ bàn thờ quốc tổ, bánh trái hoa quả, với cả các cột cờ của Mỹ quốc, của VNCH, của Phật giáo Việt Nam đứng sừng sững phía sau, ngạo nghễ theo năm tháng. Ba lá cờ đang phần phật bay trong gió như anh linh của những anh hùng nghĩa sĩ đang hội tụ quanh đây, như hồn thiêng sông núi đang đằng vân trở về chốn này, khiến cho bầu không khí toát lên sự tôn kính.

Trong không khí trang nghiêm ấy, bên tai tôi như văng vẳng nghe đâu đó tiếng thì thào của người chinh phụ xưa:

“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi,

Chinh phu tử sĩ mấy người,

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?”

Đúng 11 giờ rưỡi, khi Thượng tọa Thích Phước Trí, Chánh Trị Sự Chùa Quan Âm, xuất hiện sau khi dứt lễ trong chánh điện và mời mọi người tập trung tới Lễ Đài để chuẩn bị hành lễ, may mắn thay, trời lại quang đãng. Tất cả lần lượt xếp hàng ngay ngắn dưới ánh dương quang soi tỏ vạn vật. Tuy chỉ có độ khoảng năm mươi người, đa phần là trung niên và lão niên cùng quý sư, quý ni, quý cô, quý vị niên trưởng của quân đội VNCH từ các vùng lân cận và địa phương đến tham gia dự lễ, tôi đặc biệt chú ý tới cô Nhạn đang ngồi xe lăn sau cơn đột quỵ cách đây không lâu.

Cô là hiền nội của chú Phạm Ngọc Tấn, cựu Chủ tịch Hội Cao Niên vùng Dayton, Ohio, từ nhiều năm trước và là người đóng góp một tay phụ giúp phu quân mình điều hành hội qua mọi sự kiện lịch sử. Ngày nay tuy không may sức khỏe suy giảm nhưng cô vẫn hăng hái góp mặt vào buổi lễ. Hình ảnh cô im lìm ngồi trên xe lăn khiến tôi thật sự xúc động vì tinh thần yêu nước mãnh liệt của cô. Sự có mặt của cô nói lên nỗi lòng thiết tha của người con Việt với vận mệnh đang nghiêng ngả của nước nhà trước hiểm họa Bắc thuộc!

Buổi lễ 30 Tháng Tư được tổ chức giữa Hội Cao Niên và Hội Lạc Hồng. Vì vậy, sau diễn văn khai mạc và chào mừng quan khách của anh đại diện Hội Lạc Hồng, anh đã nhường lời lại cho chú Bùi Thọ Xung; cựu sĩ quan hải quân VNCH và cũng là MC kỳ cựu ở đây điều hợp chương trình.

Bằng kinh nghiệm lão luyện, chú Xung khéo léo trong việc hướng dẫn đặt vòng hoa tại Tượng Đài Chiến Sỹ Trận Vong, rồi chuyện rước toán quốc quân kỳ vào vị trí hành lễ đến chào cờ Mỹ, Việt, một phút mặc niệm tưởng nhớ tới các vị tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước, anh hùng liệt nữ hy sinh cho tổ quốc, thuyền nhân, bộ hành nhân chết trong hành trình tìm tự do, các oan hồn chết bất đắc kỳ tử sau 30 Tháng Tư 1975. Tất cả được thực hiện một cách nhịp nhàng, đúng nghi thức quân đội!

Với sự phát âm chính xác và trầm ấm của giọng Hà Nội sang cả còn lại ngày nào, chú Xung đã đưa mọi người có mặt trong buổi lễ trở về với những đau thương ngút ngàn của 48 năm về trước, khiến ai cũng bùi ngùi cảm khái, chua chát xen lẫn xót xa cho một thể chế tự do dân chủ của Nam Việt Nam bị bức tử một cách oan nghiệt! Và đó cũng là mục đích cùng ý nghĩa của buổi lễ hôm nay!

Kế tiếp là phần tụng niệm cầu siêu cho những người đã khuất do Thượng tọa Thích Tâm Hiền, Chánh Đại Diện của Chùa Tịnh Quang đảm trách; rồi đến đôi lời tâm sự của Thầy Trụ Trì Chùa Quan Âm nhân ngày Quốc Hận, cám ơn quan khách hiện diện để chia xẻ nỗi đau chung của dân tộc. Sau phần truy điệu thì từng người lần lượt lên bàn thờ Tổ dâng hương trước vong linh của những anh hùng đã “vị quốc vong thân” một cách thành kính!

Trong phần phát biểu cảm tưởng, người ta thấy có chú Cảnh, cựu đại úy ở IL, chú Đinh Long cũng là cựu đại úy VNCH tại Dayton, chia sẻ những câu chuyện buồn đau, khổ sở mà người lính và thân nhân của họ phải chịu đựng trong trại tù hay ngoài xã hội sau 1975 do chính sách trả thù tàn bạo của cộng sản, để thấy được cái giá của tự do mà chúng ta đã có hôm nay.

Cuối cùng là phần ẩm thực đơn giản, gọn nhẹ do nhà chùa và ban tổ chức khoản đãi trong tình thân mật ngoài sân với tiếng nhạc mạnh mẽ, trầm bổng của các bản hùng ca lừng lẫy một thời.

Buổi lễ kết thúc thành công mỹ mãn vào lúc 12 giờ rưỡi dưới sự làm việc tận tụy của quý cô chú cựu quân cán chính, anh chị em Hội Lạc Hồng, Dayton, và đặc biệt là sự trợ giúp to lớn của Thầy Phước Trí cùng quý phật tử Chùa Quan Âm.

Mọi người lần lượt chia tay ra về trong niềm lưu luyến bùi ngùi. Ước mong Quốc Hận những năm kế tiếp sẽ có được nhiều đồng bào đang lánh cư nơi đây và các vùng phụ cận nhín chút thời gian quý báu tới tham gia đông đảo hơn cho ngày Quốc Hận thêm phần ý nghĩa. Sự góp mặt của người lớn chúng ta là tấm gương sáng cho con cháu, để chúng ta sẽ có được những khuôn mặt mới của giới trẻ sẵn sàng tham dự nhằm hiểu cặn kẽ hơn về một khúc quanh lịch sử đau thương của dân tộc, để thấy sự hy sinh chống cộng, bảo vệ tổ quốc của ông cha trong quá khứ là cao cả và cuối cùng là lý do vì sao mà mình có mặt ở chốn này để biết trân trọng, yêu quý tự do cũng như sẽ là những người đứng ra gánh vác trọng trách “không quên cội nguồn” khi cha ông nằm xuống!

Mong lắm thay!

Dayton, Ohio, nỗi buồn 30 Tháng Tư năm 2023

Bài và ảnh: Triều Phong

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: