Bi hài sau 30 Tháng Tư – “năm, mười, mười lăm, ba mươi”!…

Sài Gòn 1987 (ảnh: Lily FRANEY/Gamma-Rapho via Getty Images)

30 Tháng Tư lại đến, một sự kiện lịch sử mà, như ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói “… có triệu người vui mà cũng có triệu người buồn…” Không chỉ là chuyện tù đày gây bao chia ly sầu thảm; hay chuyện vượt biên tìm tự do bằng những chiếc ghe bé nhỏ như chiếc lá giữa đêm đen mịt mùng trên đại dương đầy sóng bão; còn là những chuyện vớ vẩn, không giống ai; bao bi hài đầy nước mắt…

Chẳng hạn cái gọi là “cách mạng tư tưởng văn hóa” để triệt tiêu văn hóa và âm nhạc miền Nam: Tất cả tác phẩm, nhạc phẩm, tranh hội họa, tượng điêu khắc, công trình nghiên cứu… mang “hơi hướm” miền Nam nói chung hoặc Sài Gòn nói riêng – thậm chí những nhạc phẩm “để đời” trước 1946 ở miền Bắc của các “cây đa cây đề” làng âm nhạc: Phạm Duy, Lê Thương, Phạm Đình Chương, Đặng Thế Phong… – cũng đều bị tịch thu tuốt luốt để đốt, đập, thủ tiêu, giày xéo….

Truyện thiếu nhi hay con tem sưu tập cũng bị đốt bỏ không chút xót xa. Nhưng rồi – time will tell – âm nhạc Sài Gòn vẫn sống trong lòng người, ngay cả trong lòng “bên thắng cuộc”, và trở thành trào lưu “hot” hiện nay trên các show TV hàng ngày. Nhạc miền Nam sống mãi là do “cốt hồn” của nó – nhân bản, hiền hòa, trữ tình, đậm đặc chất quê hương, tình yêu đôi lứa – cộng với tài hoa “đem thơ vào ý nhạc” của các nhạc sỹ; rồi nhờ sự thể hiện nhẹ nhàng, sâu lắng qua thần thái các giọng ca trời phú “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”: Thái Thanh, Sỹ Phú, Lệ Thu, Trúc Mai, Nhật Trường, Duy Khánh…

Sài Gòn thập niên 1980 – Trẻ em cũng phải lăn ra đường phố kiếm sống (ảnh: Lily FRANEY/Gamma-Rapho via Getty Images)

Tôi nhớ thời sinh viên cơ cực đầu những năm 1980, tôi phải đi bán kẹo kéo khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn với chiếc loa thùng cũ xì. Lúc đầu, tôi phát các băng nhạc “cách mạng”. Ta nói, ế nhăn răng! Tức mình, tôi đổi qua nhạc “miền Nam mình”. Mà điều này cũng xuất phát từ yêu cầu của chính bọn cán bộ, bộ đội miền Bắc vào. Thế là kẹo kéo trở thành tôm tươi. Kéo kẹo mệt nghỉ. Kéo đã tay luôn. Cùng với đó là tôi cũng bán được bộn băng nhạc. Có ngày bán được vài chục băng, có bữa còn được “típ” đậm! Nói lên điều gì? Chính người miền Bắc cũng chán ngán loại nhạc đằng đằng sát khí. Bài nào cũng có “chém giết”, “căm thù”. Quốc ca cũng đầy “máu” mà! Rầm rộ phát động “cách mạng văn hóa tư tưởng” ở Sài Gòn, rêu rao “thành công qua 20 năm thực hiện ở miền Bắc”, thế mà cuối cùng văn hóa Sài Gòn vẫn không bị “Bắc Cộng” đô hộ nổi.

Bây giờ “thống nhất” rồi, “ta” xây dựng quê hương giàu đẹp thôi… (ảnh: Lily FRANEY/Gamma-Rapho via Getty Images)

À, hồi đó còn có chuyện loa phường của khu phố ra rả ngày đêm, từ 5 giờ sáng – gọi mọi người thức dậy tập thể dục; đến tối mịt lại phát đi phát lại đủ thứ thông cáo của đủ mọi ủy ban: Thành phố, quận huyện, phường xã, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, và nhất là các diễn văn dài lê thê của các lãnh đạo mỗi khi có lễ lạc mít tinh này nọ… Đi tỉnh này qua tỉnh khác phải có giấy đi đường; dưới quê đem vài ký gạo lên thành phố cho bà con bị tịch thu bởi “ngăn sông cấm chợ”; hở ra là bị “tố”; nghe Đài BBC – dù là chương trình học tiếng Anh – là “phản động”; láng cháng là bị quy chụp “chống chính quyền cách mạng” và bị mời lên công an làm việc. Như cha tôi, có lần ổng bị “đám 30” tố, bị áp giải lên công an phường để nghe tay bí thư phường “thuyết” cách mạng và “hăm dọa” cho tới rạng sáng, trong khi cha tôi ngồi “ngáp lên ngáp xuống”…

“Anh hùng chống Mỹ cứu nước” một thời đây (trong dịp lễ 10 năm sau “giải phóng”, ngày 30 Tháng Tư 1985 – ảnh: Tim Page/CORBIS/Corbis via Getty Images)

Nhà dân có thể bị khám xét nửa đêm nửa hôm mà không cần có lý do gì. Nhà nhà người người được khuyến khích “rình mò, dòm ngó” lẫn nhau – gọi là “an ninh nhân dân”, “cảnh giác cách mạng” – để báo cáo chính quyền, mặc kệ đúng sai, tào lao ba xí; rồi khám xét bắt bớ, tuyên truyền thành tích… Rủi có sai thì chỉ nhăn răng cười “xin lỗi”! Ngày xưa, trên Đông Dương tạp chí, nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh phê phán thói xấu của người Việt qua bài Gì cũng cười; nếu còn sống, thế nào ông cũng viết tiếp bài “Gì cũng dòm”!

Chuyện đổi tiền mới lắm bi hài ra nước mắt! Đợt thứ nhất, ngày 22 Tháng Chín 1975, một đồng mới bằng 500 đồng cũ. Mỗi nhà chỉ được đổi tối đa 100.000 đồng tiền cũ – tương đương 200 đồng mới, phần còn lại sẽ giải quyết sau. Thực tế là không bao giờ có. Mất trắng! Còn tiền gởi ngân hàng trước 30 Tháng Tư 1975 thì “đi về đâu hỡi em”! Đợt thứ hai, ngày 2 Tháng Năm 1978, một đồng mới bằng một đồng cũ; và “hề” ở chỗ là ở miền Nam thì một đồng mới bằng 0,8 đồng cũ! Đợt thứ ba, ngày 14 Tháng Chín 1985, một đồng mới bằng 10 đồng cũ. Đợt này làm sụp đổ mọi kỳ vọng phục hồi kinh tế. Lạm phát phóng cái vèo hơn 700%. Kinh tế cả nước “banh ta-lông”. Nhà nhà người người kiệt quệ đến 10 năm sau mới “ngóc dậy” nổi, nhờ “đổi mới, mở cửa”, nhờ Mỹ bỏ cấm vận, tái lập quan hệ ngoại giao…

Ba lần đổi tiền là ba lần “đổi đời”, từ nghèo biến thành mạt! (ảnh: Edgar Mc TRESSIN/Gamma-Rapho via Getty Images)

Cái “hài” của các đợt đổi tiền là: “Cảm thấy” tiền đơn vị 10, 20 chưa đủ nên họ in thêm giấy 30 đồng cho đủ bộ; chỉ còn thiếu tờ tiền 15 đồng là bà con chơi “năm mười” được: “năm, mười, mười lăm, ba mươi”! Chán cho những bộ óc “phi thường đến bất thường”. Vậy mà cứ lên gân ra rả khoe “thắng lợi” suốt! Cho đến năm 1993 thì tờ bạc 30 đồng “tự nhiên… biến mất”, không một lời giải thích lý do “từ biệt”! Không lễ truy điệu hay một phút mặc niệm, tưởng niệm gì hết.

Nhà đất là miếng ngon béo bở cho cán bộ ngoài Bắc vào. Họ biết rút kinh nghiệm những gì trải nghiệm mấy chục năm ngoài đó, biết chớp thời cơ. Hàng trăm ngàn gia đình viên chức cũ di tản trước 30 Tháng Tư 1975 và dân thường “vượt biên” sau 1975 đã bỏ lại tất cả gia sản tích cóp gầy dựng hàng chục năm. Dưới cái “mác” “tăng cường, bổ sung cán bộ cho miền Nam”, hàng vạn cán bộ miền Bắc cùng gia đình vào Nam và tự nhiên cái… “đổi đời” – từ căn hộ chật chội chung đụng ở Hà Nội giờ đây “thênh thang” trong những căn biệt thự chỉ có trong mơ, rộng hàng trăm mét vuông với nhiều phòng. Nhà có nội thất và đồ dùng sang trọng đến nỗi lúc đầu những “chủ mới” thậm chí không biết xài. Những căn biệt thự này được cấp không lúc ban đầu, “hợp thức hóa” với cái giá chỉ bằng… vài tô phở; sau đó vài năm, bán được với giá… vài ngàn lượng vàng, đủ sống ấm êm tới trọn đời con sang đời cháu!

Sài Gòn 1989 – nhà cửa biệt thự ngon lành của Sài Gòn rơi tuốt vô tay bọn cán bộ ngoài Bắc tràn vào (ảnh: Philippe RENAULT/Gamma-Rapho via Getty Images)

Chưa kể vô số trụ sở, building lộng lẫy của các cơ quan, hội đoàn chế độ cũ bỏ trống giờ đây là “nhà thiếu nhi”, “nhà văn hóa phường, quận”, “nhà bảo tàng phụ nữ”, trụ sở của đủ thứ “hội”… Các “thầy, cô” từ Bắc vào, với “kinh nghiệm “trong ngõ có ngách” của Hà Nội, ai nấy lấn được tấc nào hay tấc nấy; làm ngõ hẻm Sài Gòn bây giờ cũng “lượn lờ, thò ra thụt vào” như Hà Nội yêu dấu. Nhiều hẻm hóc có lối đi chỉ vừa một người. Hàng triệu người Sài Gòn và miền Nam vượt biên thì “bù lại” có hàng triệu người từ Bắc vào Sài Gòn và các tỉnh miền Nam “an cư”. “Đất lành” mà, ngu gì không rủ nhau vô “đậu”! Giờ thì kín mít. Mà cũng vẫn tiếp tục kéo vào. Và chỉ có người ngoài ấy vào, chứ người trong Nam thì có cho vàng cũng chẳng thèm ra.

Còn chuyện “lý lịch” nữa chớ! Học sinh thi vào đại học được phân theo 16 hạng bậc, trong đó ưu tiên bậc cao là con cháu cán bộ cao cấp, con liệt sĩ, cán bộ, bộ đội. Đám này chỉ cần 1,2 điểm là “đậu”; để kế thừa làm lớp lãnh đạo “con ông cháu cha”. Trong khi đó, con sĩ quan chế độ cũ đạt điểm 25/30 vẫn phải “về quê cắm câu”; vợ con “ngụy quân ngụy quyền” đừng hòng kiếm được việc làm – điều kiện cần để có “sổ gạo”, nhu yếu phẩm hàng tháng, để khỏi phải đi làm thủy lợi hay đi “kinh tế mới”! Thời VNCH, con cháu Việt Cộng “gộc” vẫn được học hành thi cử đỗ đạt đàng hoàng; không hề có kỳ thị hay phân loại; thậm chí còn được học bổng du học Mỹ, Nhật… nếu học giỏi.

Lo trong nước – tan hoang sau chiến tranh, gạo không đủ ăn – còn không xong, còn bày đặt rấn tới đánh Campuchia từ năm 1979 rồi “ở luôn” cho đến hơn 10 năm sau mới rút về, sau khi hàng vạn thanh niên lớp chúng tôi vùi thân xác ở xứ chùa Tháp, chỉ để thỏa lòng đám lãnh tụ háo danh cao ngạo! Cho dầu là Trung Cộng giật dây Pol Pot để phá nước Việt, nhưng biết bao nước cờ chính trị ngoại giao quân sự khôn khéo có thể dùng để khỏi phải mang tiếng “xâm lược”; để không phải có cuộc chiến với Trung Cộng ở biên giới phía Bắc từ 1979 đến 1985, mà “chiến tích” là ngày nay không còn ải Nam Quan, chỉ còn ½ thác Bản Giốc, mất đảo Gạc Ma, phần lớn Trường Sa, chịu nhiều “o ép” khác…

Thực tế là sau đó, chính quyền có sửa sai; nhưng chậm và trễ, khiến cho đất nước xã hội lầm than và những di hại của nó tồn tại tận đến bây giờ! Những câu chuyện 30 Tháng Tư và sau đó chắc kể mãi không hết. Những câu chuyện “đổi đời” nhưng “đời không như là mơ”. Nhớ lại mà ngậm ngùi!

Tháng Tư 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: