Cửa ngõ Sài Gòn

Sau bốn năm có chuyến thăm lần đầu “đi cho biết” Sài Gòn vào mùa hè 1970 thì lần trở lại vào cuối tháng 9-1974, tôi đã chuẩn bị kỹ càng hơn khi chọn thủ đô là nơi tiếp bước cho con đường học vấn trong tương lai.

Thế nhưng chỉ sau nửa năm ổn định dần cuộc sống mới ở một thành phố lớn mà vẫn còn xa lạ những tên đường, thầy bạn chưa quen cùng nỗi buồn xa nhà chưa nguôi ngoai, thì điều xui rủi và thật đớn đau khi tôi bị buộc phải chứng kiến Sài Gòn, thành đô hoa lệ sụp đổ trước mắt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đây không phải lần đầu tôi nghe đến súng đạn, cũng không phải lần thứ nhất chạy loạn ngay trên quê hương mình, mà từ khi lọt lòng mẹ đã trên hai mươi năm qua, không biết bao nhiêu lần được sống sót trong những tháng ngày chinh chiến dai dẳng từ làng mạc cho đến thị thành với Tết Mậu Thân 1968 rồi Mùa hè Đỏ lửa 1972 ở Huế và giờ đây vào tháng 4 năm 1975 ngay trên thủ đô Miền Nam Tự Do trù phú và tươi đẹp.

Tác giả NGUYỄN SĨ LONG

Sau vài lần thay đổi địa chỉ loanh quanh trong Sài Gòn, đến tháng 1-1975, tôi và người bạn học cùng tốt nghiệp ở trường Luật Huế, thuê được nhà trước khu chợ Trương Minh Giảng, đối diện với Viện Đại học Vạn Hạnh. Chính trong thời gian này, một người quen đã giới thiệu tôi với Đại Đức Thích Từ Mẫn, thầy là Giám Đốc Văn Phòng Điều Hành (VPĐH), thuộc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH), địa chỉ 380A đường Công Lý, Sài Gòn. Trường TNPSXH là một phân khoa thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh (cũng là trường mà tôi đang theo học) do thầy Nhất Hạnh sáng lập từ năm 1964 nhằm đào tạo một lớp trẻ có khả năng và chí hướng để hòa nhập vào cuộc sống của người dân trong những vùng nông thôn nghèo khó như xây dựng trường học, trạm xá hoặc giúp đỡ những gia đình vô gia cư…

Đến đầu tháng 3 tôi hết sức vui mừng khi nhận được thư mời cộng tác của thầy Giám Đốc và chính thức nhận việc vào ngày 11-3-1975, trở thành một tác viên của trường TNPSXH đúng vào thời điểm chiến sự bắt đầu sôi động trên nhiều mặt trận. Về nhân sự, VPĐH có hai khối: Công Tác và Kế Hoạch. Tôi được chia về khối Công Tác, trưởng khối là Đại Đức Thích Toàn Giác mà chúng tôi thường gọi thân mật là thầy Truyền, cùng khối còn có thầy Thọ và cô Bông, thư ký. Chỉ sau một ngày chính thức nhận việc, tôi đã cùng với thầy Giám Đốc, thầy Truyền, thầy Thọ và thầy Phước đi Quảng Phú và nông trại Thanh Văn ở Quán Chim, Long Thành để hoạch định chương trình công tác cho thời gian sắp tới.

Suốt một tuần lễ sau đó khối Công Tác đã có những buổi họp quan trọng về vấn đề điều hành và phân chia trách nhiệm, cùng soạn thảo những dự án, mà ưu tiên là nghiên cứu về Làng Hoa Tiêu. Đồng thời tôi được cử đi Long Khánh chuyển thư của thầy Giám Đốc đến Thượng Tọa Bảo Huệ và sau đó là chuẩn bị cho những chuyến đi điều nghiên ở Bình Dương, Hậu Nghĩa và Tây Ninh nay mai.

Tuy nhiên vào giữa tháng 3-1975, những dự án vừa soạn xong chưa ráo mực thì những bản tin từ chiến trường đã làm đảo lộn gần như tất cả dự tính của Khối Công Tác nói riêng và VPĐH nói chung. Tôi phải cho vào ngăn kéo xấp tài liệu được thầy Truyền trao tay để soạn nội quy cho Quảng Khánh từ hai hôm trước, vì phải đi công tác liên tục khi tình hình chiến sự đã lên đến cao điểm từ Tây Nguyên cho đến miền Trung vào cuối tháng 3-1975. Do vậy VPĐH đã có nhiều công việc hơn như lên chương trình khẩn cấp đối phó việc cứu trợ trước làn sóng người di tản từ Tây Nguyên lan rộng tràn vào phía Nam như đàn ong vỡ tổ ngày càng đông.

Trong thời gian này tôi vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình ở Huế nhưng lúc được lúc mất vì tình hình ở miền Trung cũng biến chuyển tệ hơn từng ngày. Tuy nhiên tôi rất vui khi nhận được bức điện tín ngắn ngủi trưa ngày 24-3: “Gia đình vào Đà Nẵng bình yên” thì hôm sau 25-3-1975 Huế mất, việc liên lạc lại bị gián đoạn một thời gian. Tiếp theo đó qua tin tức mà Văn Phòng nhận được, Đà Nẵng đã có một triệu dân lánh nạn và hỗn loạn chưa từng thấy, rồi cả nước bàng hoàng trước tin Đà Nẵng thất thủ vào ngày 29 tháng 3 khi gia đình tôi chạy vào Đà Nẵng vừa đúng một tuần lễ. Ai cũng lo âu, căng thẳng nhưng công việc thì vẫn dồn dập khi tình thế ngày một xấu đi nhanh chóng.

Để đáp ứng tình hình đồng bào di tản ngày một đông nên vào đầu tháng 4, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã thành lập một ủy ban cứu trợ lấy tên là Ủy Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Cuộc Trung Ương (UBCTNNCCTW) mà chủ tịch là Thượng Tọa Thích Huyền Quang với nhiều đoàn công tác, trong đó có đoàn An Lợi, tôi được đề cử làm trưởng đoàn.

Liên tiếp gần một tuần lễ tuyến đường Sài gòn–Long Thành–Bà Rịa–Vũng Tàu tôi lên xuống liên tục khi ngày 2 tháng 4 cùng với quý Thầy đi Vũng Tàu thành lập Ủy ban Cứu trợ Nạn nhân Chiến cuộc Thị xã Vũng Tàu. Những chuyến đi khác mang hàng cứu trợ về Bến Đá, Chí Linh, Tịnh Xá Niết Bàn… Xong tôi lại trở về Sài Gòn trình TW con số đồng bào nhập trại mỗi ngày để có kế hoạch khẩn cấp. Riêng ở trại An Lợi số đồng bào lánh nạn kiểm kê được trong lần đầu tiên về Làng Cô Nhi Long Thành với con số là 17.000 người !

Sài Gòn rục rịch xáo trộn sau lần bom rơi Dinh Độc Lập ngày 8 tháng 4. Các tuyến đường ra Trung ít nhiều đã bị cắt do đó có một số anh em sinh viên ở trường Vạn Hạnh cũng như tôi mất liên lạc với gia đình. Vì vậy tôi đã thay mặt tổ chức đến gặp số anh em này để nhận họ vào đoàn công tác. Đa số các em đều ở Quảng Nam, Đà Nẵng, trong đó có một nữ sinh viên đi theo đoàn.

Nhờ có các em lúc ban đầu tám người, sau được tăng cường thêm thầy Vĩnh Hạnh và bác An nên từ ngày 12 đến 24 tháng 4 đoàn chúng tôi đã thực hiện được ba chuyến cứu trợ từ Sài Gòn về trại tạm cư An Lợi. Phẩm vật trong ba lần gồm khoảng 4.500 chai nước tương, 2.200 cái xô, 1.500 chiếc chiếu, 50 thùng sữa, 1.000 chai dầu và 12 bao gạo được phân phối trong ba đợt cho 41.000 đồng bào vừa kiểm kê lần này, tăng đáng kể so với cuối tháng 3. Một tuần sau đó, vào ngày 21 tháng 4, trong lúc đoàn đang lập danh sách trẻ em để cấp sữa thì nghe diễn văn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức trên đài phát thanh, sau khi có tin Sư đoàn 18 ở Xuân Lộc, chỉ cách Sài Gòn 60 km là tiền đồn phòng thủ cuối cùng của lính Cộng Hòa, tuy họ chiến đấu rất anh dũng và gây nhiều tổn thất cho đối phương, nhưng đã bị quân đội Bắc Việt đánh bại. Sài Gòn đang trong cơn hấp hối.

Cho đến ba ngày sau, trong lúc đoàn chúng tôi vẫn miệt mài làm việc thì đêm 24 tháng 4 Cộng quân pháo kích vào thị trấn Long Thành và trại. Từ sáng sớm đã nghe tiếng xe tăng cùng tiếng súng đì đùng vọng lại. Đoàn chúng tôi quyết định ở lại hai ngày nữa để phát cho xong số hàng mới nhập và để xem xét tình hình ở lại hay là rút. Tối ngày 26 tháng 4, đoàn An Lợi có cuộc họp bất ngờ với quý Thầy ở chùa Siêu Hình. Chùa là ngôi cổ tự nhỏ nằm ẩn mình sau trại, tương đối vắng vẻ. Thầy trụ trì là vị cao tăng mỗi ngày chỉ một lần “ngọ thực” mà tôi được may mắn gặp Thầy trong chuyến đầu tiên về trại. Lần này chúng tôi có ba người đến dự họp, được Thầy thăm hỏi rất ân cần rồi vào đề ngay:

– “Chắc các con đã nghe thấy, một vị lãnh đạo quốc gia khi có biến mà phải từ chức thì e rằng hậu quả sẽ khó lường, tuyến phòng thủ cũng đã mất thì phần thắng rất hẹp. Thầy nghĩ là chúng ta không nên ở đây lâu”.

Chúng tôi lãnh hội được thông điệp của Thầy nên cùng chắp tay tạ ơn và xin phép lui về. Theo giờ hẹn, sáng ngày 27 tháng 4, một đoàn Tăng và cư sĩ của chùa Siêu Hình cùng với đoàn công tác An Lợi trương cờ Phật Giáo xếp hàng một tiến ra quốc lộ. Lúc đó chúng tôi chẳng hề biết đây cũng là ngày mà thủ đô đã nằm trong vòng vây của quân đội Bắc Việt. Họ đang tập trung lực lượng mạnh nhất tiến về Sài Gòn cho cuộc tổng tấn công cuối cùng.

Trên những đoạn đường đầu tiên mà chúng tôi đi qua vẫn còn vài điểm đóng quân của lính Cộng Hòa, có vài xác chết của thường dân hai bên đường. Lúc này chúng tôi vẫn còn kiểm soát được nhau với những bước chân e dè và trật tự theo hàng dọc. Tuy nhiên khi đến Ngã Ba Vũng Tàu rồi nhắm hướng Sài Gòn vừa đi vừa chạy được chừng vài cây số thì mới giật mình chứng kiến hàng ngàn phương tiện giao thông đủ loại xe cộ lớn nhỏ nối đuôi nhau “bò” về thủ đô. Người đi bộ thì vô số kể, họ dễ dàng len lỏi tuy có phần nhanh hơn xe hơi nhưng cũng chóng thấm mệt và say nắng. Thỉnh thoảng chúng tôi chậm lại đôi chút để chờ quý Thầy nhưng rồi sau đó gần như tất cả đều mất liên lạc, chỉ có hai em trong đoàn An Lợi cùng theo tôi về đến cửa ngõ Sài Gòn thì trời đã quá trưa. Ba anh em tay chân rã rời nhưng riêng tôi thật may mắn lấy lại tinh thần, quên cả đói khát khi được tin gia đình đã trở lại Huế bình an.

Sài Gòn sáng 30 tháng 4-1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố đầu hàng, chiến tranh chấm dứt. Đến trưa tôi và một vài đồng sự có mặt ở Văn Phòng lên sân thượng nhìn về phía chùa Vĩnh Nghiêm. Trong tầm mắt tuy bị giới hạn nhưng cũng đủ thấy trên đường Công Lý vắng vẻ xe cộ, có vài nhóm năm bảy người dân và lính, lại có nhóm họ chẳng chút gì vội vàng kéo lê báng súng đi về hướng Sài Gòn.

Đó là những hình ảnh quá sức xúc động và thương tâm cho những người lính bại trận mà sau mấy mươi năm xa quê hương, dường như tôi vẫn còn nguyên những ray rức và tiếc nuối như chỉ mới hôm qua.

Vienna, Áo, 30-4-2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: