Đã quá nửa tháng Tư

Buổi chiều, đang đi bộ thể dục ngoài đường thì chú tôi gọi. Trả lời điện thoại của ông, tôi chỉ nghe tiếng được, tiếng mất bởi xe cộ qua lại ồn ào. Chỉ nghe giọng ông đứt quãng, nhắc đến một người chú khác của tôi vừa mất bên Việt Nam. Không biết ông đang mệt hay vì cảm xúc mà giọng như nghẹn ngào. Ông bảo tôi hôm sau hãy sang nhà gặp ông.

Ông là người em thứ tư của cha tôi mà trong gia đình chúng tôi vẫn quen gọi là chú Bốn. Nghe kể lại khoảng đâu đầu thập niên 1950, nhà khá giả nên nội tôi cho các cô chú từ miền Trung vào Sài Gòn ăn học. Cha tôi là con cả nên ở lại trông nom ruộng vườn và dạy học. Tôi không biết nhiều về các cô chú cho đến đâu khoảng năm lên tám hay chín tuổi gì đó, thỉnh thoảng nhớ chú có ghé qua thăm nhà trong quân phục và đã là một sĩ quan cấp tá trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Vào Sài Gòn, không biết thế nào mà hai chú tôi lại đi theo hai ngã khác nhau. Chú Ba, em kế cha tôi đi theo các phong trào sinh viên học sinh rồi vô bưng, tập kết ra Bắc. Ông tiếp tục học hành, ra trường kỹ sư, trở thành một cán bộ miền Bắc. Còn chú Bốn thì vào Võ bị Đà Lạt, ra trường theo đời binh ngũ và là một trung tá tác chiến khi tan hàng.

Chiều 29 tháng Tư năm 1975, từ nơi đóng quân đâu đó ngoài Sài Gòn, ông quay về nhà tôi tại Tân Định. Nghe người lớn nhỏ to bàn bạc, rồi cha tôi ra xe jeep đi tìm đổi tiền đô cho chú tôi, chuẩn bị một chuyến đi xa. Tôi nhảy lên xe theo ông, vô tình chứng kiến một Sài Gòn hoang vắng. Đó đây những bộ đồ lính vứt bỏ bên đường trong những ngày trước khi bị thất thủ. Quân đội tan hàng, cấp trên bỏ chạy, chú tôi cũng trong số những sĩ quan cuối cùng tìm đường đưa vợ con lánh nạn. Đêm đó, rạng sáng 30 tháng Tư, gia đình ông xuống tàu di tản. Cha tôi quyết định ở lại, như ông từng ở lại quê lo cho gia đình để các em vào Sài Gòn ăn học.

Chú Bốn ra đi thì chú Ba về. Ông trở thành một cán bộ cấp cao trong chính quyền cộng sản. Ông tìm về căn nhà cũ của những người bà con ruột thịt mà nội tôi đã gởi các ông vào trọ và ăn học, rồi liên lạc được cha tôi. Cha tôi đi đón ông, không biết anh em sau vài chục năm gặp lại ra sao. Đến lúc đó tôi mới biết mình có một chú ruột là cộng sản. Tôi nhớ lần đầu gặp, trông ông có vẻ đạo mạo, ra dáng một cán bộ cộng sản mà những ngày sau 1975 vẫn thường thấy. Ông làm lãnh đạo một quận lớn ngay thành phố.

Sau vài năm thì ông chuyển sang làm lãnh đạo cấp sở của thành phố với lý do phù hợp chuyên môn hơn, rồi xuống làm một tổng giám đốc công ty quốc doanh. Nghe có vẻ như chức lớn nhưng không thể nào bằng trong chính quyền. Có thể ông cũng bị liên lụy khi có những anh em liên can tới chính quyền Sài Gòn. Tôi không chắc và cũng chưa bao giờ có dịp nói chuyện thật sự với ông về những chuyện đó hay cuộc đời ông. Cũng như với chú Bốn hay cả với cha tôi.

Những thế hệ xưa dường như luôn cách biệt, chưa bao giờ cha mẹ hay người lớn chia sẻ, kể lại hành trình đời mình cho con cháu nghe nhưng lại kỳ vọng con cháu phải biết, phải hiểu về họ. Những điều tôi biết chỉ là những điều nghe kể lại đó đây trong gia đình. Chú Ba tôi làm cho đến khi về hưu rồi bất ngờ bị tai biến. Sống đời thực vật và nằm yên một chỗ cũng gần hai chục năm qua, ông mới mất chỉ vài tháng trước. Đời người quả bất lường, không phải ai cũng chết như nhau.

Còn cha tôi, nghe lời kêu gọi của ủy ban quân quản chỉ đi “học tập cải tạo” vài ngày; cùng lời trấn an của em trai mình, ông đã ra trình diện để rồi vào trại tù như hàng trăm ngàn quân dân cán chính chế độ Sài Gòn. Từ miền Trung chạy vào Sài Gòn, cha tôi là một công chức cấp trung trong chính quyền, nhưng làm việc trong một chương trình đặc biệt mà nếu khai báo, chắc ông sẽ ở tù lâu hơn. Ông chỉ khai đại công việc để qua chuyện và họ cũng chẳng kiểm tra. Chú tôi làm cán bộ cũng chẳng can thiệp được gì ngoài việc hình như thỉnh thoảng, qua ông, mẹ con chúng tôi được đi “thăm nuôi” cha tôi thêm vài lần. Ông đi tù vài năm rồi về, bị đưa ra vùng quê thêm vài năm trước khi về lại Sài Gòn. Cha tôi bị bịnh rồi mất khi tôi đã vào đại học, ở tuổi khoảng cỡ tôi bây giờ.

Chú Bốn sang Mỹ, là một sĩ quan liêm chính, chẳng có thứ gì mang theo, gia đình ông bắt đầu vất vả làm lại từ đầu trên xứ người. Rồi đời sống cũng ổn định, các con khôn lớn, thành tài. Ông bà giao du quen biết rộng, hoạt động uy tín trong cộng đồng từ những ngày đầu tiên, lúc người Việt chưa có bao nhiêu. Nhưng rồi ông cũng sớm bỏ. Ông về hưu đâu cũng trên dưới hai chục năm qua. Chúng tôi vẫn cảm kích khi thỉnh thoảng ông giúp đỡ gia đình tôi bằng những thùng “đồ Mỹ” hay chút ít tiền ngày Tết của một thời khốn khó sau 1975. Trong các cháu, tôi là người chẳng mấy gần gũi ông ngoài những dịp giỗ Tết trong gia đình. Đó là nói về sự liên lạc, tới lui, hơn là mặt tình cảm.

Dù vậy tôi cảm nhận được ông vẫn thích trò chuyện cùng tôi, như đôi lần ông bày tỏ. Có lẽ tôi có những suy nghĩ độc lập, không bị ràng buộc vào mối quan hệ gia đình và tuổi tác trong các câu chuyện. Tôi hiểu những câu chuyện của ông hơn những đứa con cháu khác. Có lần ông còn đọc vài câu thơ Tố Hữu từ cái thời chưa tham gia Việt Minh. Tôi ngạc nhiên nhưng không hỏi vì đâu ông biết hay nhớ. Những người sĩ quan Đà Lạt mà tôi biết hầu như đều có kiến thức, sự hiểu biết rất cao. Tôi nghĩ giá thế hệ này kịp thay thế những cấp lãnh đạo già nua kém cỏi, cục diện cuộc chiến đã có thể khác hơn.

Đã tám mươi mấy tuổi, vài năm nay ông yếu hẳn, lại thường xuyên đau ốm. Khó hình dung một cấp chỉ huy tác chiến oai dũng ngày nào trong dáng vẻ một ông cụ lụm cụm ra vào. Mà thật ra tuổi già cũng là điều may mắn, đâu phải ai cũng có được tuổi già. Biết bao nhiêu người, bất kể phe nào đã nằm xuống trong cuộc chiến khi tóc hãy còn xanh. Có lần chú tôi kể về một người bạn đồng môn tài ba, đỗ đầu khóa huấn luyện bị tử nạn ngay trong trận đánh đầu tiên.

Dịch bịnh Covid xảy ra, lo cho sức khoẻ người lớn tuổi, chúng tôi không gặp ông gần cả năm trời. Nghe ông nhắc, vài tháng trước tôi ghé thăm ông sau khi ông bà đã được chủng ngừa. Trò chuyện vài câu, ông hỏi sao không thấy bài viết của tôi trên báo Xuân năm nay. Tôi dạ và trên đường về bảo nhau, “chú còn minh mẫn lắm, nhận ra cả những điều nhỏ như vậy”. Buổi sáng qua thăm ông sau cú điện thoại, ông kêu tôi ra bàn phòng khách. Tôi hơi phân vân, không biết ông sẽ nói điều gì khi thấy mặt ông đầy nghĩ ngợi, có vẻ buồn. Và quả nhiên, ông bắt đầu câu chuyện với nỗi buồn.

Ông kể rằng trong đám tang của chú Ba tôi bên Việt Nam, ông ngồi đó vài ngày mà chẳng có ai ghé ngang hỏi han một tiếng. Tôi kín đáo quan sát ông. Ông nói rất tỉnh táo, nghiêm trang. Ông hết lật tờ báo Mỹ rồi đến tờ báo Việt để tìm tấm hình mà ông bảo đã chụp ông ngồi một mình trong đám tang bên Việt Nam. Thím tôi nháy mắt, ra dấu ông đã lẫn. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi hiểu đó là cảm xúc và ký ức của ông về người anh trai mình từ trong vô thức. Mà cũng có thể đó là điều ông thật sự bắt gặp trong giấc mơ của mình. Tôi nghĩ sợi dây thiêng liêng của tình anh em ruột thịt bỗng trở về trong ông khi nghe tin anh trai qua đời. Tính cả trước và sau 1975, hai chú tôi gặp lại nhau có lẽ cũng sau khoảng gần năm chục năm, khi ông về Việt Nam một lần duy nhất vài tuần sau khi nghỉ hưu, kịp trước khi chú Ba bị đột quỵ, để anh em có thể ăn uống, trò chuyện.

Hai anh em, hai chiến tuyến, không biết hai ông đã nói gì khi gặp nhau sau vài chục năm. Về tuổi thơ những ngày còn ngoài quê, rồi những ngày được vào Sài Gòn ăn học? Hay về cuộc chiến huynh đệ tương tàn mà cha và chú tôi, cũng như hàng triệu con dân Việt Nam can dự như một định mệnh nghiệt ngã của dân tộc, để cuối cùng mỗi người là một số phận khác nhau. Và họ có hỏi nhau, ai là thủ phạm, ai là nạn nhân, ai là kẻ chịu trách nhiệm? Chỉ những người trong cuộc mới có thẩm quyền trả lời. Nhưng rồi chúng cũng mang giá trị với chính họ, bởi mỗi cá nhân đều quá bé nhỏ trước chiến tranh và có cái nhìn khác nhau, tùy theo họ đứng ở phía nào vùng vỹ tuyến trên mảnh đất hình chữ S hay bên nào của đại dương.

Tôi yêu thích lịch sử nên đã đọc và xem khá nhiều tài liệu, phim ảnh về cuộc chiến Việt Nam. Nhưng tôi không có câu trả lời của riêng mình. Bởi chiến tranh nào cũng khốc liệt, cũng tàn nhẫn và tương tàn, chia cách như nhau, dù với dân tộc nào hay ở bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu này. Không chỉ với cuộc chiến và dân tộc Việt Nam. Câu chuyện của những người anh em cha tôi chỉ là mảnh ghép bé nhỏ trong bức tranh quá lớn. Mà cũng có thể bởi tôi không biết gì về nó, như ai đó có thể quen miệng khi chẳng đồng ý với thế hệ sau mình. Điều đó cũng là lẽ thường và dễ thông cảm.

Nhưng với riêng tôi, điều tôi đi tìm là làm thế nào mà những dân tộc khác đã vươn lên được sau chiến tranh điêu tàn và đổ nát. Và làm sao sau cuộc chiến, con người vẫn còn tấm lòng bác ái và những đóa hoa Xuân vẫn trổ bông hy vọng. Tôi vẫn đi tìm câu trả lời để giải thích về lịch sử cho con cháu tôi, những đứa trẻ sinh ra sau cuộc chiến đã quá lâu. Lịch sử không phải là thứ quá khứ tang thương hay câu chuyện chứa đựng những cay đắng, giận dữ hoặc cao ngạo, thù hận hay oán ghét, mà chẳng bao lâu nữa, cũng sẽ đi theo cha và các chú tôi, cùng tất cả những ai khác từng can dự trực tiếp hay gián tiếp.

Nhìn ra cửa sổ, tháng Tư, mùa Xuân xem ra đã lẳng lắm rồi với những hàng cây lại xanh lá ở nơi thành phố tôi ở. Ngày mai tôi sẽ chở các con đến những cánh đồng hoa bluebonnet đang mùa để cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, của đời sống sau những ngày giá lạnh và dịch bịnh. Trời đã quá nửa tháng Tư rồi còn gì.

Dallas, 4-2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: