Mẹ tôi và mùa Đông Đà Lạt

Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Mẹ tôi và mùa Đông Đà Lạt
/

Sau những ngày chạy loạn 30-4, mẹ dẫn bốn chị em tôi trở về Đà Lạt. Căn nhà tan hoang không còn đồ đạc gì, dường như còn lạnh lẽo hơn bởi mùa đông đang đến, một mùa đông vắng bóng người đàn ông trụ cột.

Một nách bốn đứa con thơ dại, một mình mẹ tôi kiên cường chống lại cái lạnh căm căm của mùa Đông Đà Lạt cùng nỗi niềm giá lạnh trong lòng người cô phụ. Buổi sáng sau khi luộc nồi khoai hoặc làm chảo cơm chiên, chia làm bốn phần bằng nhau, mẹ tôi dắt xe đạp đi làm bỏ lại mấy đứa con đang đấu cùi dìa chí chóe. Mẹ đi làm suốt ngày, chúng tôi ở nhà tha hồ quậy. Cả bốn đứa bám vào cây trường sinh mọc trên tường để leo lên mái nhà nằm phơi nắng. Bà hàng xóm nhìn thấy sợ hãi la làng, chúng tôi mới quýnh quáng tuột máng xối xuống đất…

Chơi ở nhà chán thì đi phá làng phá xóm. Đi cắt cỏ thỏ, siêng thì căt cỏ mật, tàu bay, bồ công anh, biếng thì chặt sú, nhổ cà rốt của người ta mang về. Sú vác nặng nên không thèm đi xa, cứ nhè vườn ông Tàu ngay trên đồi mà chặt, rồi thả lăn từng bắp sú xuống ngay nhà mình. Rồi đi hái trộm dâu, đào khoai lang, cứ chùi đại vô áo rồi ăn sống như thế. Vui thú nhất là lặn ngụp dưới suối cầu Sắt. Chả đứa nào biết bơi cả, cứ níu cỏ tuột xuống hập hà hập hửi dưới nước, chết hụt không biết bao nhiêu lần (có lẽ người khuất mặt khuất mày nào đó đã nâng đỡ chúng tôi chăng?). Ngụp lặn không biết chán, chỉ khi nào rét run lẩy bẩy, hoặc gặp ông bà K’ Sê thì mới bỏ chạy về nhà (ông bà K’ Sê là đôi vợ chồng người Thượng, thường đi lưới cá ở đó, mà chúng tôi rất sợ).

Có lần, chúng tôi vớt được dưới suối mấy thùng đạn còn mới nguyên mang về. Lấy búa đập từng viên, đổ thuốc đạn ra, rồi đào một cái rãnh trước nhà, đổ thuốc đạn vào rãnh, bật diêm đốt. Lửa tóe hoa cà hoa cải cháy dọc theo rãnh đất đến sát bờ rào nhà hàng xóm. Bà cụ chủ nhà nhìn thấy chúng tôi và thùng đạn vàng chóe, bà vừa la làng, chửi tiên sư ông tiên sư cha, vừa chắp tay lạy như tế sao. Cả bọn đành ngậm ngùi tiếc rẻ thả thùng đạn trở lại suối… Hậu quả của những trò quậy phá đó có thể biết trước. Mẹ tôi về đến nhà là bị mắng vốn, mẹ đánh chúng tôi rất dữ, phần do mẹ nóng tánh, phần vì quá mệt mỏi và stress. Dù thương mẹ, chúng tôi không thể nào quên những trận đòn quá tay đó của mẹ.

Không phải bao giờ cũng là nỗi phiền muộn, nhà tôi hay có những niềm vui bất ngờ. Đi chơi về, chị em tôi thường thấy ai đó để lại trong nhà mình một bao tải khoai lang, khoai tây, đồ légume. Hoặc những người khách lạ – chắc là nhà vườn mà mẹ tôi đến công tác, hoặc được mẹ tôi ký giấy cho mua phân thuốc – đến biếu nhà tôi rau cải, thực phẩm… Họ đến tặng quà, rồi đi, không nói tên. Tôi luôn nhớ và mãi mang ơn những người Đà Lạt tốt bụng ngày ấy đã giúp đỡ mẹ con chúng tôi vượt qua ngày tháng đói khổ ngặt nghèo.

Ban ngày rong chơi, nhưng đến tối, chúng tôi như đàn gà con côi cút túm tụm lại với nhau chờ mẹ. Mẹ tôi làm việc ở Sở nông nghiệp nên thường đi công tác đến các huyện xa, hoặc chủ nhật đi làm thêm việc chiết cây, ghép cành cho nhà vườn kiếm chút tiền công, mãi tối mịt mẹ mới về. Cả bốn đứa đứng sắp hàng sau khung cửa kính, nhìn dõi vào bóng đêm của Hồ Xuân Hương, nhìn con đường hun hút vắng, chờ mãi, chờ mãi trong cái đói cồn cào, trong cái lạnh buốt xương của mùa đông Đà Lạt ngày ấy, lòng băn khoăn lo sợ, nhớ thương… Mẹ tôi về, một cái bóng đen nhỏ thó, lẻ loi, cô đơn, hối hả đạp xe trong đêm tối mịt mù, trong cơn gió mùa đông buốt giá…

Tôi không bao giờ quên những đêm khuya thức giấc thấy mẹ lặng lẽ khóc bên cây đèn dầu hột vịt tù mù: mẹ đang viết thư cho ba. Lúc đó ba mẹ tôi mới ngoài 30 tuổi, tình vợ chồng đang mặn nồng mà phải phân ly, đau xót quá. Ba viết thư về, nói, mẹ đừng viết thư “tiêu cực” như vậy, cán bộ trại không bằng lòng, ảnh hưởng đến tinh thần học tập cải tạo của ba! Mẹ vẫn khóc, nhưng không viết vào thư nữa… Có khi mẹ thức đêm để gói quà cho ba, tôi hay thức cùng mẹ, nhìn mẹ gói vài đồng tiền còm cõi vào bao nilon, hàn kín, rồi bỏ dưới đáy lon guigoz đựng mắm ruốc kho thịt. Một lần, mẹ dẫn chị em chúng tôi vào trại cải tạo thăm ba.

Ba rưng rưng nói:

– Phải chi thằng Hưng (một người bạn thân của ba) biết trước đợt thăm nuôi đột xuất này, chắc nó sẽ đợi thêm vài ngày. Nó tự tử rồi. Nửa đêm thắt cổ chết trong một cái chòi kho phía sau trại. Chòi thấp quá, nó phải cố co chân lên để chết. Phải ý chí lắm mới chết được (có lẽ lúc đó ba tôi không dám nói thật. Giờ nghĩ lại câu chuyện, tôi không tin người ta có ý chí … chết như vậy. Và có thể chính vì ông Hưng bạn ba chết quá đau đớn nên mới có đợt thăm nuôi đột xuất này – như một cách để đánh tan không khí nặng nề phẫn uất trong trại cải tạo).

Hết giờ thăm nuôi, ba đưa mấy mẹ con một đoạn đường. Đến cổng, ba tách ra, đi vào trại. Thằng em út nãy giờ tưởng ba sẽ về cùng, bất ngờ thấy ba rẽ ngang, nó gào lên, khóc xé lòng:

– Ba ơi, ba về với con đi! Về với con ba ơi!

Ba tôi khựng lại, quay nhìn vợ con, rồi cúi đầu lầm lũi đi khuất sau hàng rào kẽm gai. Nước mắt mẹ tôi rơi mãi, rơi dài trên con đường trở về Sài Gòn hôm ấy.

Những năm 1975-1980, cuộc sống ở Đà Lạt quá đói khổ. Thỉnh thoảng mẹ nghỉ phép về quê ngoại xin gạo. Mẹ kho nồi thịt với tàu hủ để lại cho mấy chị em, nói là mẹ đi ba ngày. Bữa cơm, tôi phát cho mỗi đứa một miếng thịt duy nhất, hết thịt thì phát đến tàu hủ – chỉ một miếng. Ba ngày, nồi thịt hết nhẵn mà mẹ vẫn chưa về, may có con gà nhảy vô lu nước chết, tôi và thằng em kế làm thịt gà ăn. Có biết làm đâu! Nhổ lông xong thì con gà bấy nhầy, chặt khúc bỏ vào nồi nấu hết, ăn luôn cả ruột cả mề. Nghĩ lại thấy ớn, nhưng lúc đó chúng tôi đói nên ăn gì cũng ngon.

Hết thịt gà mà mẹ vẫn chưa về, may mắn có cô Mai làm cùng cơ quan, thấy mẹ nghỉ lâu ghé nhà thăm, thấy mấy chị em ăn cơm trắng, cô đi mua cho bịch đậu phộng. Đó là món đậu phộng ngon nhất trên đời, và tôi luôn nhớ ơn cô vì điều đó. Đói cơm đã đành, chị em tôi đói cả tình thương. Đà Lạt không có người thân, chúng tôi bơ vơ như chim non mất mẹ. Nhất là khi hoàng hôn buông xuống, trời mùa Đông lạnh buốt càng làm tăng thêm nỗi buồn. Chúng tôi nhớ mẹ vô cùng, sợ hãi vô cùng. Lục tủ áo của mẹ, tôi phân phát cho ba đứa em mỗi đứa cái áo, ôm khư khư trước ngực. Chúng tôi lại đứng xếp hàng sau khung cửa, nhìn đăm đắm vào màn đêm, vào con đường bờ hồ hoang vắng, dỏng tai nghe ngóng tiếng xe lam từ xa vọng lại, đến gần rồi đi khuất…

Vẫn không thấy mẹ về, không còn tiếng xe qua lại, chỉ có rừng thông trên sân Cù hú từng tràng man dại. Chờ đợi, chờ đợi mỏi mòn. Đến tối mịt không còn nhìn thấy gì nữa, tôi lùa ba đứa em vào mùng, cố dỗ dành. Mặc cho tôi kể đủ chuyện đời xưa – từ Bạch Tuyết bảy chú lùn, đến Cô bé quàng khăn đỏ, đến Petit Poucet…, các em tôi cứ khóc thút thít mãi, chùi hết nước mắt nước mũi vào áo của mẹ, rồi mới ngủ, nấc lên thổn thức trong giấc mơ. Tôi đã cố gồng mình hết sức để không khóc trước mặt em. Dù gì cũng là chị hai cơ mà. Giờ thì chúng ngủ rồi, tôi có quyền “buông thả”. Tôi cũng đã dành riêng cho mình chiếc áo của mẹ – áo mẹ thường mặc nhất. Tôi trút hết nước mắt vào đó. Khóc vì nhớ mẹ, vì sợ hãi, vì mệt mỏi quá sức khi phải lo toan chăm sóc ba đứa em, và vì tôi chỉ là con bé mới mười tuổi đầu…

Mẹ tôi và chị em tôi đã trải qua ba mùa đông như thế. Đà Lạt mùa Đông đẹp, thơ mộng, nhưng Đà Lạt là để dành cho những đôi tình nhân và những gia đình hạnh phúc. Mùa Đông Đà Lạt sẽ trở thành cay nghiệt khi người ta nghèo khó, cô đơn, thiếu ăn thiếu mặc. Cái lạnh mùa Đông Đà Lạt sẽ càng buốt giá hơn khi lòng người lạnh lẽo.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: